Chi tiết - Sở Tư pháp

Quyền nhân thân trong pháp luật Dân sự Việt Nam

1. Khái niệm quyền nhân thân

Quyền nhân thân với tư cách là một thuật ngữ pháp lý, lần đầu tiên được nhắc đến trong Bộ luật dân sự (BLDS) năm 1995, nó ra đời và có ý nghĩa là cơ sở pháp lý để bảo vệ cho cá nhân tồn tại với tư cách là một thực thể, một chủ thể độc lập trong cộng đồng. Thông qua việc cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền con người về dân sự, BLDS năm 1995 xác định quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đây được xem là một bước đổi mới quan trọng, có ý nghĩa đặt nền móng cho sự phát triển quy định về quyền nhân thân trong hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam.

Về khái niệm quyền nhân thân, trong pháp luật hiện nay cũng như trong các công trình nghiên cứu khoa học chưa có một định nghĩa nào thống nhất, cụ thể về quyền nhân thân. Dưới nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, các nhà lập pháp, nhà nghiên cứu luật học đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm này như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Quyền nhân thân được nhìn nhận dưới hai góc độ là góc độ chủ thể và góc độ khách thể.

- Dưới góc độ chủ thể, quyền nhân thân được hiểu là quyền con người gắn liền với mỗi cá nhân được thụ hưởng với tư cách là thành viên của cộng đồng kể từ thời điểm người đó được sinh ra và bằng các quyền đó, mỗi cá nhân được khẳng định địa vị pháp lý của mình trong giao dịch dân sự, do đó mỗi cá nhân đều có quyền nhân thân riêng và quyền này không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, theo cách hiểu này, quyền nhân thân chính là quyền con người mà cá nhân đó được toàn quyền hưởng và toàn quyền tự định đoạt, có mối quan hệ hữu cơ với mỗi cá nhân kể từ thời điểm cá nhân đó được sinh ra và gắn liền với cá nhân trong suốt cuộc đời.

- Dưới góc độ khách thể, quyền nhân thân về dân sự của cá nhân được hiểu là chế định pháp luật bao gồm các quy định của pháp luật về các quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân để bảo đảm địa vị pháp lý cho mọi cá nhân, là cơ sở pháp lý để cá nhân thực hiện các quyền con người về dân sự trong sự bảo hộ của nhà nước và pháp luật. Theo cách hiểu này, quyền nhân thân chính là các điều luật quy định về quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để cá nhân thực hiện các quyền đó và được bảo vệ quyền khi có hành vi xâm phạm xảy ra.

Với việc tiếp cận khái niệm theo cách này có ý nghĩa cơ bản làm rõ nội hàm quyền nhân thân ở hai góc độ khác nhau nhưng lại có một hạn chế lớn do sự tách biệt hai yếu tố chủ thể và khách thể của quyền nhân thân, dẫn đến định nghĩa quyền nhân thân không có tính hệ thống, bao quát và toàn diện.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Chỉ những giá trị nhân thân được pháp luật ghi nhận mới được xem là quyền nhân thân, còn những giá trị nhân thân không được ghi nhận thì sẽ không được xem là quyền nhân thân. Quan điểm này có một hạn chế lớn đó là chưa xác định được quyền nhân thân chính là quyền dân sự. Mặt khác, với cách nhìn nhận chỉ những giá trị nhân thân được pháp luật ghi nhận mới được coi là quyền nhân thân, định nghĩa này đã vô hình chung thu hẹp phạm vi quyền nhân thân của con người.

Quan điểm thứ ba cho rằng: Quyền nhân thân là quyền dân sự chủ quan gắn liền với cá nhân do nhà nước quy định cho mỗi cá nhân và các cá nhân không thể chuyển giao quyền này cho người khác. So với hai quan điểm trên, quan điểm này được xem là đầy đủ và toàn diện hơn khi nêu được các thuộc tính của quyền nhân thân là quyền dân sự, gắn liền với cá nhân, được nhà nước quy định và không thể chuyển giao, đồng thời, khắc phục được hạn chế của quan điểm thứ hai.

Quan điểm thứ tư nhìn nhận quyền nhân thân theo hai vấn đề: Đó là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân và không thể chuyển giao cho người khác. Quan điểm này đã được chuyển hóa vào nội dung quy định trong BLDS năm 2015. Kế thừa những điểm tiến bộ trong quy định của BLDS năm 2005 về quyền nhân thân, tại khoản 1 Điều 25 BLDS năm 2015 quy định: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Quy định này phần nào làm rõ khái niệm quyền nhân thân với hai đặc điểm cơ bản là quyền dân sự gắn liền với cá nhân và không thể chuyển giao cho người khác.

Như vậy, qua việc tìm hiểu những quan điểm khoa học pháp lý đến luật thực định về khái niệm quyền nhân thân cho thấy, hiện nay, còn có nhiều cách nhìn nhận, tiếp cận về quyền nhân thân khác nhau ở nhiều góc độ nhất định. Tuy nhiên, về cơ bản, các quan điểm nói trên đều thống nhất ở một số điểm chung như sau:

Một là, quyền nhân thân là một bộ phận của quyền dân sự và quyền này thuộc về cá nhân.

Hai là, quyền nhân thân luôn hướng tới những giá trị tinh thần không định giá được như quyền đối với họ tên; quyền được khai sinh; quyền được khai tử; quyền tự do đi lại, tự do cư trú; quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể; quyền bí mật đời tư… Tất cả những quyền này liên quan mật thiết đến những nhu cầu cần có của một cá nhân sống trong xã hội và bất cứ ai cũng không được phép xâm phạm.

Ba là, quyền nhân thân không thể chuyển giao cho người khác, nghĩa là quyền nhân thân của mỗi cá nhân chỉ do chính cá nhân đó có quyền thực hiện hoặc do người đại diện của họ thực hiện trong một số trường hợp do pháp luật quy định.

Xuất phát từ những điểm thống nhất trong một số quan điểm nêu trên và quy định về quyền nhân thân tại Điều 25 BLDS năm 2015, có thể đưa ra khái niệm về quyền nhân thân như sau: Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với giá trị tinh thần của mỗi chủ thể, không định giá được bằng tiền và không thể chuyển giao cho chủ thể khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Đặc điểm quyền nhân thân

Với bản chất là một bộ phận quyền dân sự, quyền nhân thân có đầy đủ các đặc điểm của quyền dân sự nói chung. Ngoài ra, nó còn mang một số đặc điểm riêng biệt nhằm phân biệt với quyền tài sản, cụ thể:

Thứ nhất, quyền nhân thân mang tính chất phi tài sản. Khác với quyền tài sản, đối tượng của quyền nhân thân là một giá trị tinh thần, do đó, quyền nhân thân không biểu hiện bằng vật chất, không quy đổi được thành tiền và mang giá trị tinh thần. Giá trị tinh thần và tiền tệ không phải là những đại lượng tương đương và không thể trao đổi ngang giá. Do vậy, quyền nhân thân không thể bị định đoạt hay mang ra chuyển nhượng cho người khác. Một người không thể kê biên quyền nhân thân của con nợ. Pháp luật quy định cho mọi chủ thể đều bình đẳng về quyền nhân thân. Mỗi một chủ thể có những giá trị nhân thân khác nhau nhưng được pháp luật bảo vệ như nhau khi các giá trị đó bị xâm phạm.

Thứ hai, quyền nhân thân gắn liền với một chủ thể nhất định và không thể chuyển dịch. Mỗi một chủ thể mang một giá trị nhân thân đặc trưng, do đó, quyền nhân thân luôn gắn liền với một chủ thể nhất định. Mặc dù vậy, quyền nhân thân không bị phụ thuộc, chi phối bởi bất kỳ yếu tố khách quan nào như độ tuổi, trình độ, giới tính, tôn giáo, địa vị xã hội,…. Quyền nhân thân không thể chuyển dịch cho người khác, tức là, quyền nhân thân của mỗi cá nhân chỉ do chính cá nhân đó hoặc trong một số trường hợp do chủ thể khác được pháp luật quy định thực hiện. Quyền nhân thân không thể là đối tượng trong các giao dịch mua bán, trao đổi, tặng, cho,…

Trên thực tế xuất hiện nhiều hợp đồng liên quan đến quyền nhân thân, ví dụ: Một người mẫu ký hợp đồng với công ty quảng cáo về việc cho phép công ty đó sử dụng bức ảnh của mình để quảng cáo. Vậy thì quyền nhân thân đối với hình ảnh của người mẫu trong trường hợp này có được xem là đối tượng chuyển dịch? Thực chất, đối tượng chuyển dịch trong trường hợp này chính là những bức ảnh của người mẫu đã được chụp mà không phải là quyền nhân thân đối với hình ảnh của người mẫu. Bởi, như đã phân tích ở trên, quyền nhân thân mang giá trị tinh thần, do đó, không thể định đoạt và chuyển giao cho người khác.

Trong nghiên cứu mới đây về quyền nhân thân, có quan điểm phân loại quyền nhân thân thành quyền nhân thân cơ sở (hay còn gọi là quyền nhân thân gốc) và quyền nhân thân phái sinh. Quyền nhân thân cơ sở là quyền nhân thân theo đúng bản chất của nó, không thể chuyển nhượng. Quyền nhân thân phái sinh là quyền khai thác danh tiếng của một cá nhân với mục đích thương mại. Liên quan đến hình ảnh của cá nhân, quyền nhân thân đối với hình ảnh là quyền nhân thân cơ sở, còn quyền đối với từng bức ảnh cụ thể của cá nhân trong trường hợp ký hợp đồng với công ty quảng cáo nói trên là quyền nhân thân phái sinh.

3. Các quyền nhân thân của cá nhân trong pháp luật dân sự

Trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định của BLDS năm 2005, hiện nay, tại BLDS năm 2015 ghi nhận quyền nhân thân của cá nhân bao gồm các quyền cụ thể sau: Quyền có họ, tên (Điều 26); Quyền thay đổi họ (Điều 27); Quyền thay đổi tên (Điều 28); Quyền xác định, xác định lại dân tộc (Điều 29); Quyền được khai sinh, khai tử (Điều 30); Quyền đối với quốc tịch (Điều 31); Quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 32); Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể (Điều 33); Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 34); Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (Điều 35); Quyền xác định lại giới tính (Điều 36); Chuyển đổi giới tính (Điều 37); Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 38); Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình (Điều 39).

Các quyền nêu trên chính là các quyền nhân thân của cá nhân nhằm xác định tư cách của chủ thể của cá nhân trong quan hệ dân sự (ví dụ: quyền về họ, tên, dân tộc, nơi cư trú..) và có tính đặc thù trong quan hệ dân sự, chưa được quy định cụ thể trong Hiến pháp (ví dụ: quyền được khai sinh, khai tử,..) hoặc dễ bị phân biệt đối xử do các định kiến xã hội (ví dụ: quyền xác định lại giới tính). Xét từ vị trí, vai trò của Bộ luật dân sự, mối quan hệ của Bộ luật này với Hiến pháp, các luật khác có liên quan và sự thay đổi không ngừng của các lợi ích tinh thần của cá nhân trong đời sống xã hội thì việc BLDS năm 2015 tập trung quy định các quyền này cũng là phù hợp.

Như vậy, các quyền thân thân của cá nhân trong pháp luật dân sự có phạm vi rộng và đa dạng, liên quan đến mối quan hệ giữa cá nhân với các cá nhân, tổ chức và giữa cá nhân với Nhà nước. Thông qua các nội dung được quy định cụ thể tại BLDS năm 2015, các quyền nhân thân của cá nhân được quy định chặt chẽ hơn, qua đó, bảo đảm tốt hơn quyền của cá nhân, khắc phục được những bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật về quyền nhân thân và dần đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.

                                                                          Sưu tầm và biên soạn: Phòng PBGDPL