Chi tiết - Sở Tư pháp
- '
- Trang chủ
- Giới thiệu
- Tin tức - Nghiên cứu trao đổi
- Tin tức chuyên ngành
- Phổ biến, giáo dục PL
- Xây dựng, kiểm tra VPQPPL
- Hỗ trợ pháp lý cho Doạnh nghiệp
- Pháp chế
- Bồi thường nhà nước
- Cải cách hành chính, Kiểm soát TTHC
- Quản lý xử lý VPHC, theo dõi THPL
- Hành chính tư pháp
- Thanh tra, Kiểm tra
- Bổ trợ tư pháp
- Công chứng, chứng thực
- Tổ chức - Đào tạo
- Thống kê, tổng hợp
- Tin tức, sự kiện
- Hoạt động của đơn vị trực thuộc ▼
- Hoạt động tư pháp địa phương
- Nghiên cứu, trao đổi
- Hoạt động Đảng, Đoàn thể
- Tin khác ▼
- Tin tức chuyên ngành
- Chỉ đạo điều hành
- Khen thưởng - Xử phạt
- Văn bản mới
- Chiến lược - Quy hoạch, Kế hoạch
- Album ảnh
Một số văn bản, chính sách mới có hiệu lực trong tháng 01/2020
- Ngày đăng: 21-01-2020
- 241 lượt xem
1. Bổ sung thêm trường hợp văn bằng, chứng chỉ bị hủy bỏ
Ngày 29/11/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT về ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.
Bên cạnh các trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ đã được quy định trước đây như: Có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, thi cử, bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ; cấp cho người không đủ điều kiện; do người không có thẩm quyền cấp; bị tẩy xóa, sửa chữa; để cho người khác sử dụng, Thông tư này đã bổ sung thêm trường hợp văn bằng, chứng chỉ bị thu hồi, hủy bỏ là “do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ”.
Cũng theo Thông tư này, cơ sở giáo dục đại học và cơ sở đào tạo giáo viên được in phôi chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định sau khi báo cáo bằng văn bản với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cơ sở giáo dục đại học tự chủ thiết kế mẫu, in phôi văn bằng giáo dục đại học. Cơ sở đào tạo giáo viên in phôi bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm theo mẫu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và được bổ sung thêm biểu tượng của cơ sở giáo dục, hoa văn in trên văn bằng. Trước đây, Cơ sở giáo dục đại học tự chủ in phôi văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân (trừ chứng chỉ giáo dục quốc phòng - an ninh).
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2020 và thay thế Thông tư số 19/2015/TT-BGDĐT ngày 08/9/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.
2. Siết chặt hơn các quy định đối với công ty tài chính trong việc cho vay tiêu dùng
Ngày 04/11/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 18/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Nội dung của Thông tư đã siết chặt hơn các quy định đối với công ty tài chính trong việc thúc giục đòi nợ khách hàng.
Theo đó, ngoài việc yêu cầu các công ty tài chính không được sử dụng biện pháp đe dọa đối với khách hàng, nhắc nợ trong khoảng thời gian từ 07 giờ đến 21 giờ như trước đây, Thông tư này còn bổ sung một số quy định mới như: Trong hợp đồng cho vay tiêu dùng phải có thỏa thuận về hình thức nhắc nợ và thời gian nhắc nợ, số lần nhắc nợ tối đa 05 lần/01 ngày; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.
Thông tư này cũng quy định: Công ty tài chính phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng, giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cơ bản tại hợp đồng cho vay tiêu dùng, trong đó bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của khách hàng vay tiêu dùng, các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ, biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng cho vay tiêu dùng và có xác nhận của khách hàng về việc đã được công ty tài chính cung cấp thông tin theo quy định tại khoản này, để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Thông tư số 18/2019/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
3. Tăng mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đất đai
Ngày 19/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 91/NĐ-CP/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Nghị định này đã điều chỉnh mức phạt lên gấp nhiều lần đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai, cụ thể:
Phạt tiền đến 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng với tổ chức đối với hành vi lấn, chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn và hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị (tăng 100 lần so với mức phạt trước đây); phạt tiền đến 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng với tổ chức đối với hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị (tăng 10 lần so với mức phạt trước đây); phạt tiền đến 20 triệu đồng với cá nhân và 40 triệu đồng với tổ chức đối với hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tăng 04 lần mức phạt so với trước đây).
Hành vi không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục mà không thuộc trường hợp bất khả kháng thì bị phạt tiền đến 10 triệu đồng với cá nhân và 20 triệu đồng với tổ chức (đây là hành vi và mức phạt không được quy định tại Nghị định số 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ).
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/01/2020 và thay thế Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Công Sơn