Chi tiết - Sở Tư pháp

Ngày 20/11/2019, Quốc hội đã thông qua Bộ Luật Lao động năm 2019. Bộ Luật này có một số nội dung đáng chú ý như sau:

 Thứ nhất, mở rộng đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh: Nếu như Bộ luật Lao động năm 2012 quy định tiêu chuẩn lao động, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động... trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động thì Bộ luật Lao động năm 2019 đã mở rộng thêm đối tượng là người làm việc không có quan hệ lao động cùng một số tiêu chuẩn riêng; đồng thời, quy định về nguyên tắc nhằm bảo đảm quyền của các tổ chức đại diện người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong đối thoại, thương lượng, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Thứ hai, về các hành vi nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động: Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2019 đã bổ sung một số hành vi như sau: Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật.

Thứ ba, về các nội dung quy định trong hợp đồng lao động: Bộ luật Lao động năm 2019 quy định theo hướng bảo vệ tốt hơn đối với người lao động như: quy định hợp đồng lao động là sự thỏa thuận về việc làm có trả công, tiền lương...Đồng thời, bổ sung quy định để nâng cao nhận diện về hợp đồng lao động. Quy định hình thức giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản. Người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do mà chỉ cần báo trước theo thời hạn quy định tương ứng với các loại hợp đồng lao động.

Quy định linh hoạt về thử việc bằng việc thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng thử việc. Được quyền yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của mình khi chấm dứt hợp đồng lao động và các chi phí của việc cung cấp này do người sử dụng lao động trả...

Bãi bỏ nội dung về hợp đồng mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn dưới 12 tháng, chỉ còn 02 loại hợp đồng là: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn. Quy định này được đánh giá là tiến bộ lớn của pháp luật lao động trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, nhằm hạn chế tình trạng người sử dụng lao động né tránh, không thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bằng cách ký các loại hợp đồng mùa vụ, dịch vụ...

Thứ tư, bổ sung thêm quy định người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước trong 07 trường hợp cụ thể như sau: Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật; không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật; bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, bị cưỡng bức lao động; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật; đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động (khoản 2 Điều 35).

Thứ năm, mở rộng thêm các trường hợp người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng đó là: Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà không cần thỏa mãn thêm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội như Bộ luật Lao động năm 2012 hiện hành; người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên; người lao động cung cấp không trung thực thông tin cá nhân khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.

Thứ sáu, về thời gian làm thêm giờ: Điểm khác biệt về thời gian làm thêm giờ quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019 so với Bộ luật Lao động năm 2012 là: Số giờ làm thêm trong tháng tăng lên 40 giờ thay vì 30 giờ và quy định cụ thể hơn các trường hợp được làm thêm tới 300 giờ/năm như: sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, linh kiện điện, điện tử, chế biến nông, lâm, thủy sản; cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước,... trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời.

Quy định làm thêm không quá 300 giờ/năm cũng được áp dụng với trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn, do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước do hậu quả thời tiết, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất và các trường hợp khác do Chính phủ quy định.

Thứ bảy, ngày Quốc khánh 2/9 được nghỉ 2 ngày: Theo quy định của Bộ luật năm 2019, người lao động sẽ có thêm một ngày nghỉ hưởng nguyên lương liền kề với Ngày Quốc khánh 2/9. Việc chọn ngày nghỉ trước hoặc sau ngày lễ Quốc khánh được giao cho Chính phủ quy định cụ thể. Như vậy, với việc tăng thêm 1 ngày nghỉ, tổng số ngày nghỉ lễ, tết hàng năm được nâng lên 11 ngày. (Tết Dương lịch: 1 ngày; Tết Âm lịch: 5 ngày; - Ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch): 01 ngày; Ngày Chiến thắng 30/4: 1 ngày; Ngày Quốc tế Lao động 01/5: 1 ngày; và Ngày Quốc khánh 2/9: 2 ngày.

Thứ tám, tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình cho người lao độngcụ thể: Theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật quy định tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình như sau: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ. Riêng người bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì có thể nghỉ hưu trước không quá 05 tuổi.

So với quy định hiện hành thì tuổi nghỉ hưu của người lao động đã tăng lên đáng kể; đồng thời, với những công việc đặc thù thì việc nghỉ hưu trước tuổi cũng được quy định rõ ràng hơn.

Thứ chín, thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp độc lập: Người lao động có quyền thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp bao gồm công đoàn cơ sở hoặc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp độc lập, tức là không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – công đoàn duy nhất hiện nay. Quy định này góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động trong quan hệ lao động, phù hợp với các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, tạo thuận lợi trong quá trình hội nhập quốc tế.

Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 và thay thế Bộ luật Lao động năm 2012.

                                                                               Lan Chi