Chi tiết - Sở Tư pháp
- '
- Trang chủ
- Giới thiệu
- Tin tức - Nghiên cứu trao đổi
- Tin tức chuyên ngành
- Phổ biến, giáo dục PL
- Xây dựng, kiểm tra VPQPPL
- Hỗ trợ pháp lý cho Doạnh nghiệp
- Pháp chế
- Bồi thường nhà nước
- Cải cách hành chính, Kiểm soát TTHC
- Quản lý xử lý VPHC, theo dõi THPL
- Hành chính tư pháp
- Thanh tra, Kiểm tra
- Bổ trợ tư pháp
- Công chứng, chứng thực
- Tổ chức - Đào tạo
- Thống kê, tổng hợp
- Tin tức, sự kiện
- Hoạt động của đơn vị trực thuộc ▼
- Hoạt động tư pháp địa phương
- Nghiên cứu, trao đổi
- Hoạt động Đảng, Đoàn thể
- Tin khác ▼
- Tin tức chuyên ngành
- Chỉ đạo điều hành
- Khen thưởng - Xử phạt
- Văn bản mới
- Chiến lược - Quy hoạch, Kế hoạch
- Album ảnh
Hỏi đáp về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
- Ngày đăng: 28-03-2022
- 285 lượt xem
Câu hỏi 1. Văn bản quy phạm pháp luật là gì?
Trả lời: Khoản 1 Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định quy phạm pháp luật như sau “Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.”
Điều 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định văn bản quy phạm pháp luật như sau:
“Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này.
Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật.”
Theo quy định tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bao gồm:
1. Hiến pháp.
2. Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.
3. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
4. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
5. Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
6. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
7. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
8. Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước;
Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
9. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).
10. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
11. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
12. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).
13. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
14. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).
15. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Câu hỏi 2. Thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) được quy định như thế nào?
Trả lời:
Thẩm quyền ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quy định tại Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 như sau:
“Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nghị quyết để quy định:
1. Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.
2. Chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.
3. Biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương.
4. Biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.”
Thẩm quyền ban hành quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được quy định tại Điều 28 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 như sau:
“Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định để quy định:
1. Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.
2. Biện pháp thi hành Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương.
3. Biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương.”
Thẩm quyền ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã được quy định tại Điều 30 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như sau:
“1. Hội đồng nhân dân cấp huyện ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương.
2. Hội đồng nhân dân cấp xã ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao.”
Câu hỏi 3: Nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật là gì?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng như sau:
“1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực.
Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
4. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.
5. Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.”
Câu hỏi 4. Các trường hợp nào được xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn? Nêu trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn?
Trả lời:
Các trường hợp được xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật bao gồm:
“1. Trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
2. Trường hợp cần ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
3. Trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; trường hợp cần ban hành ngay văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
4. Trường hợp cần bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
5. Trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.”
Điều 148 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 46 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn như sau:
“Việc xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn được thực hiện như sau:
1. Cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức việc soạn thảo;
2. Cơ quan chủ trì soạn thảo có thể tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo văn bản. Trong trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản thì thời hạn lấy ý kiến không quá 20 ngày;
3. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án, dự thảo, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thẩm định, cơ quan chủ trì thẩm tra có trách nhiệm thẩm tra dự thảo văn bản.
Hồ sơ gửi thẩm định gồm tờ trình, dự thảo văn bản, bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp lấy ý kiến.
Hồ sơ gửi thẩm tra gồm tờ trình, dự thảo văn bản, bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp lấy ý kiến, báo cáo thẩm định và báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định.”.
Câu hỏi 5. Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được quy định như thế nào? Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có được quy định hiệu lực trở về trước không?
Trả lời:
Điều 151 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 48 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật như sau:
“1. Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương; không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã.
2. Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, đồng thời phải được đăng ngay trên cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương; đăng Công báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.”
Điều 152 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật như sau:
“1. Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước.
2. Không được quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp sau đây:
a) Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý;
b) Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn.
3. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không được quy định hiệu lực trở về trước.”
Như vậy, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 152 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không được quy định hiệu lực trở về trước./.
Sơn Tiên - Thanh Tuyền
Phòng Xây dựng, Kiểm tra VBQPPL & Quản lý xử lý VPHC
- HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ HOÀ GIẢI CƠ SỞ (31/03/2022)
- HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH (31/03/2022)
- HỎI - ĐÁP PHÁP LUẬT (31/03/2022)
- Hỏi đáp pháp luật về bầu cử Quộc Hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (31/03/2022)
- HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ CÔNG CHỨNG (31/03/2022)
- HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ CON NUÔI (31/03/2022)
- Bộ Tài liệu bồi dưỡng kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên (31/03/2022)
- Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP (31/03/2022)
- Tờ gấp pháp luật về xử phạt VPHC trong lĩnh vực công nghệ thông tin (31/03/2022)
- Tờ gấp pháp luật về xử phạt VPHC trong lĩnh vực GTĐB (31/03/2022)