Chi tiết - Sở Tư pháp

HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ CON NUÔI

Câu 1. Ông A và bà B kết hôn vào năm 2005 nhưng không có con và hiện giờ vẫn là vợ chồng hợp pháp. Năm 2010, ông A có một người con ngoài giá thú với bà C và đã có Quyết định công nhận cha, con; đứa trẻ đã được đăng ký khai sinh với tên D (có tên cha là ông A và mẹ là bà C). Năm 2020, bà C có gia đình riêng nên muốn cho cháu D làm con nuôi của bà B (là vợ hợp pháp của ông A).

Xin hỏi, bà B muốn nhận cháu D làm con nuôi được không? Nếu được thì thủ tục nhận con nuôi như thế nào? Nếu nhận được con nuôi thì thủ tục thay đổi phần khai về người mẹ trên giấy khai sinh của trẻ D như thế nào (vì bà B muốn đứng tên mẹ trên giấy khai sinh của trẻ D)?

Trả lời:

- Thứ nhất, về việc bà B muốn nhận cháu D làm con nuôi:

Theo quy định của Luật Nuôi con nuôi năm 2010, Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05/3/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP thì bà B có thể nhận cháu D làm con nuôi.

Về thủ tục nhận con nuôi: Bà C lập hồ sơ người được giới thiệu làm con nuôi, bà B lập hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi của mình theo quy định tại Điều 17 và Điều 18 của Luật Nuôi con nuôi. Sau đó, bà B đem hồ sơ của cháu D cũng như hồ sơ của mình nộp tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của bà B hoặc nơi cư trú của cháu D để làm thủ tục đăng ký nuôi con nuôi. UBND cấp xã có thể vận dụng quy định về thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi trong trường hợp mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi.

Thứ hai, về việc thay đổi phần khai về người mẹ trên giấy khai sinh của cháu D:

Sau khi việc nhận con nuôi giữa bà B và cháu D được giải quyết, bà B có thể yêu cầu UBND cấp xã nơi cháu D đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc UBND cấp xã nơi cháu D cư trú thực hiện việc thay đổi phần khai về người mẹ trong Giấy khai sinh của cháu D theo quy định của Luật Hộ tịch.

 

Câu 2.  Có cặp vợ chồng muốn cho tôi bé gái sơ sinh, nhưng tôi không muốn cho họ biết hiện tại tôi đang sống ở đâu. Tôi muốn nhờ cơ quan có thẩm quyền không cho họ biết địa chỉ nhà tôi khi tôi tới UBND xã làm thủ tục nhận nuôi vì sợ họ biết sẽ có rắc rối về sau, như vậy có được không? Khi làm thủ tục nhận con nuôi, tôi đi tới UBND xã nào cũng được phải không?

Trả lời:

- Thứ nhất, việc bạn muốn nhờ cơ quan có thẩm quyền không cho vợ chồng của người cho con nuôi biết địa chỉ nhà của bạn khi bạn tới UBND xã làm thủ tục nhận nuôi:

Hiện nay, pháp luật về nuôi con nuôi không quy định trách nhiệm của UBND xã trong việc giữ bí mật địa chỉ của cha mẹ nuôi với cha mẹ đẻ của đứa trẻ.

Tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định:  Khi kiểm tra hồ sơ, công chức tư pháp – hộ tịch phải nghiên cứu, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh của những người liên quan. Trường hợp người được nhận làm con nuôi có cha mẹ đẻ, thì công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra việc cha mẹ đẻ có thỏa thuận với cha mẹ nuôi để giữ lại quyền, nghĩa vụ đối với con và cách thức thực hiện quyền, nghĩa vụ đó sau khi đã cho làm con nuôi.

Tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định: Việc đăng ký nuôi con nuôi được tiến hành tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã. Khi đăng ký nuôi con nuôi, cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ, người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng và người được nhận làm con nuôi phải có mặt. Công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký nuôi con nuôi và trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho các bên.

Mặt khác, trong giấy chứng nhận nuôi con nuôi có thông tin về nơi thường trú của cha, mẹ nuôi và được trao cho cả cha, mẹ nuôi và cha, mẹ đẻ nên việc không tiết lộ địa chỉ là không thể.

Như vậy, khi làm thủ tục đăng ký nuôi con nuôi thì giữa cha, mẹ đẻ và cha, mẹ nuôi có thỏa thuận để giữ lại quyền, nghĩa vụ đối với con và cách thức thực hiện quyền, nghĩa vụ đó sau khi đã cho làm con nuôi; cha, mẹ nuôi và cha, mẹ đẻ phải có mặt, ký vào sổ đăng ký nuôi con nuôi; giấy chứng nhận nuôi con nuôi được trao cho cả cha, mẹ nuôi và cha, mẹ đẻ. Do đó, việc bạn nhờ cơ quan có thẩm quyền không cho người đó biết địa chỉ nhà bạn khi bạn tới UBND xã làm thủ tục nhận con nuôi là không thể được.

- Thứ hai, về thẩm quyền đăng ký nhận nuôi con nuôi:

Tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05/3/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP, quy định: Đối với việc nuôi con nuôi trong nước, trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi…

Như vậy, việc đăng ký nuôi con nuôi chỉ được thực hiện tại UBND cấp xã nơi cư trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi.

 

Câu 3.  Vợ chồng tôi là người dân tộc Thái, có nhận một đứa bé 3 tuổi làm con nuôi, đứa bé này là con ngoài giá thú và trong giấy khai sinh ghi dân tộc Kinh theo dân tộc của mẹ đẻ. Bây giờ tôi muốn thay đổi dân tộc của đứa bé từ dân tộc Kinh sang dân tộc Thái của vợ chồng tôi có được không? Nếu được thì thủ tục quy định như thế nào, cơ quan nào thực hiện thủ tục này?

Trả lời:

Luật Nuôi con nuôi năm 2010, Luật Hộ tịch năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định việc thay đổi họ, chữ đệm, tên của con nuôi theo yêu cầu của cha mẹ nuôi; thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi (phần khai từ cha, mẹ đẻ sang cha, mẹ nuôi) mà không quy định việc thay đổi dân tộc của con nuôi sang dân tộc của cha mẹ nuôi. Do đó, không thể giải quyết việc thay đổi dân tộc của con nuôi từ dân tộc Kinh sang dân tộc Thái của cha mẹ nuôi theo yêu cầu của bạn được. 

 

Câu 4. Tôi có người bạn đã ly dị chồng, hiện nay người chồng đó sống ở tỉnh khác. Tòa xử cho bạn tôi được nuôi con (03 tuổi) và người chồng phải cấp dưỡng. Bạn tôi muốn cho người chị ruột của mình nhận con của mình làm con nuôi. Việc cho trẻ làm con nuôi nêu trên chỉ cần sự đồng ý của người mẹ đẻ có được hay không? Nếu người cha đẻ của trẻ không đồng ý cho trẻ làm con nuôi thì việc đăng ký nuôi con nuôi có thực hiện được hay không ?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 21 Luật Nuôi con nuôi quy định: Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.

Như vậy, mặc dù cha mẹ đẻ của trẻ em đã ly hôn nhưng cha của trẻ em đang còn sống nên việc cho trẻ em làm con nuôi phải có sự đồng ý của cả cha đẻ và mẹ đẻ của trẻ em. Do đó, nếu người cha đẻ của trẻ em không đồng ý cho trẻ em làm con nuôi thì việc đăng ký nuôi con nuôi sẽ không thực hiện được.

 

Câu 5. Chị gái tôi vừa mới sinh con gái được 1 tháng tuổi. Do nhà đông con nên vợ chồng chị gái tôi đồng ý cho vợ chồng tôi nhận con gái vừa mới sinh 1 tháng tuổi làm con nuôi. Hiện tại cháu bé vẫn chưa được đăng ký khai sinh. Vợ chồng tôi muốn đăng ký khai sinh cho cháu bé theo họ cha nuôi, phần khai về cha mẹ là thông tin của cha mẹ nuôi có được không? Cha mẹ đẻ của cháu bé cũng đồng ý như vậy.

Trả lời:

Khoản 2 Điều 18 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định: Cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ lập hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi sống tại gia đình; cơ sở nuôi dưỡng lập hồ sơ của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi sống tại cơ sở nuôi dưỡng. Tức là, trường hợp trẻ em có cha mẹ đẻ và đang sống tại gia đình thì cha mẹ đẻ lập hồ sơ của người được cho làm con nuôi và trong thành phần hồ sơ của người được nhận làm con nuôi có giấy khai sinh.

Khoản 2 Điều 26 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: Thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi.

Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05/3/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định: Căn cứ vào Giấy chứng nhận nuôi con nuôi, theo yêu cầu của cha mẹ nuôi và sự đồng ý của con nuôi từ đủ chín tuổi trở lên, cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền thực hiện việc thay đổi họ, chữ đệm và tên của con nuôi theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật về hộ tịch. Việc bổ sung, thay đổi thông tin về cha, mẹ trong Giấy khai sinh của con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Theo các quy định trên thì trường hợp trẻ em có cha mẹ đẻ và đang sống tại gia đình thì trẻ em phải được đăng ký khai sinh trước khi cho làm con nuôi. Sau khi hoàn tất thủ tục cho, nhận con nuôi thì cha mẹ nuôi có quyền yêu cầu UBND cấp xã thực hiện việc thay đổi họ, chữ đệm và tên của con nuôi và thay đổi thông tin về cha, mẹ trong Giấy khai sinh của con nuôi từ cha mẹ đẻ sang cha mẹ nuôi.

Do đó, vợ chồng chị gái của bạn phải tiến hành đăng ký khai sinh cho con của mình trước khi cho bạn nhận làm con nuôi. Sau khi hoàn tất thủ tục cho, nhận con nuôi thì bạn có quyền yêu cầu UBND cấp xã thực hiện việc thay đổi họ, chữ đệm và tên của con nuôi và thay đổi thông tin về cha, mẹ trong Giấy khai sinh của con nuôi từ cha mẹ đẻ sang cha mẹ nuôi.

                                                                                                     Công Sơn