Chi tiết - Sở Tư pháp

HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

1. Hỏi: Gần chỗ tôi ở có rất nhiều xe ô tô dừng, đỗ ngay các đoạn cong của đường giao thông làm che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông. Xin hỏi, việc dừng, đỗ như vậy có đúng không và có bị phạt không?

Trả lời:

Theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 18 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì: Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất.

Theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 5 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì: Phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi dừng xe, đỗ xe tại vị trí trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi tầm nhìn bị che khuất.

Do đó, việc dừng, đỗ xe ngay các đoạn cong của đường giao thông làm che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông là không đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.

2. Hỏi: Tôi điều khiển xe gắn máy tới ngã tư và rẽ phải nhưng không bật đèn xi nhan thì bị cảnh sát giao thông lập biên bản, xử phạt tôi 400.000 đồng. Cho tôi hỏi, việc cảnh sát giao thông lập biên bản, xử phạt tôi như vậy có đúng quy định không?

Trả lời:

Tại khoản 1 Điều 15 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: 1. Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.”

Tại điểm a khoản 3 Điều Điều 3 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP  ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đướng sắt quy định: Phạt tiền 400.000 đồng đến 600.000 đồng  đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức).

Theo quy định trên, thì việc bạn điều khiển xe gắn máy tới ngã tư và rẽ phải nhưng không bật đèn xi nhan và bị cảnh sát giao thông lập biên bản, xử phạt 400.000 đồng là đúng quy định.

3. Hỏi: Hiện nay, có nhiều thanh niên độ pô và gắn còi xe ô tô vào xe gắn máy gây tiếng ồn rất lớn và làm cho nhiều người giật mình khi tham gia giao thông. Hành vi này bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 13 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì: Nghiêm cấm việc lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.

Tại điểm d, đ khoản 1 Điều 17 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quy định:

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

……

d) Sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe;

đ) Điều khiển xe không có bộ phận giảm thanh, giảm khói hoặc có nhưng không bảo đảm quy chuẩn môi trường về khí thải, tiếng ồn.”

Theo quy định trên thì hành vi độ pô (điều khiển xe có bộ phận giảm thanh không đảm bảo quy chuẩn về tiếng ồn) và gắn còi xe ô tô vào xe gắn máy (sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật) sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với mỗi hành vi.

4. Hỏi: Cháu của tôi năm nay 15 tuổi, được bố mua cho chiếc xe máy điện để đi học. Một ngày, cháu của tôi chạy xe máy điện từ trường về nhà thì bị cảnh sát giao thông giữ lại lập biên bản tạm giữ xe và sau đó xử phạt cháu tôi cũng như anh của tôi như sau: Phạt cảnh cáo đối với hành vi điều khiển xe máy điện khi chưa đủ tuổi, phạt 200.000 đồng đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, phạt 800.000 đồng đối với hành vi giao cho người không đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cho tôi hỏi, việc cảnh sát giao thông xử phạt như vậy có đúng không?

Trả lời:

- Theo quy định tại khoản 18 Điều 3 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

- Tại khoản 1 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về điều kiện của người lái xe tham gia giao thông: 1. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.”

- Tại điểm a khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định độ tuổi của người lái xe như sau: “a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3.”

- Tại Khoản 10 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Nghiêm cấm việc giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ.

- Điểm i khoản 2 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quy định: Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ.

- Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định: “1. Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.

- Điểm đ khoản 5 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định:

“5. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

......

đ) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại KHoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ.Điều khiển xe tham gia giao thông ( bao gồm cả trường hợp điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời hạn bị tước quyền sử dụng)"  

Như vậy, xe máy điện là một trong các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và độ tuổi để điều khiển xe máy điện tham gia giao thông phải đủ 16 tuổi trở lên. Cháu của bạn mới 15 tuổi nên chưa đủ độ tuổi để điều khiển xe máy điện tham gia giao thông nên hành vi của cháu bạn (điều khiển xe máy điện tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy điện tham gia giao thông) và hành vi của anh bạn (giao xe cho người không đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông) là vi phạm Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Do đó, việc cảnh sát giao thông xử phạt đối với các hành vi này là đúng quy định.

5. Hỏi: Hiện tại, bằng lái xe của tôi tích hợp cả bằng hạng B1 và A1, tuy nhiên tôi thấy có nhiều điều bất tiện. Xin hỏi, tôi muốn tách bằng lái xe ra theo từng hạng có được không và nếu được thì thủ tục làm thế nào?

Trả lời:

Tại khoản 3 Điều 33 Thông tư số 12/2017/TT–BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, quy định:“3. Người đã có giấy phép lái xe tích hợp của giấy phép lái xe có thời hạn và không thời hạn, nếu có nhu cầu tách giấy phép lái xe thì làm thủ tục tách giấy phép lái xe theo quy định tại Điều 38 của Thông tư này.”

Như vậy, giấy phép lái xe hạng B1 là giấy phép lái xe có thời hạn và giấy phép lái xe hạng A1 là giấy phép lái xe không thời hạn nên bạn có quyền yêu cầu tách giấy phép lái xe theo từng hạng.

- Về thủ tục tách giấy phép lái xe: Điều 38 của  Thông tư số 12/2017/TT–BGTVT quy định thủ tục đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp như sau:

“Người lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp hoặc bằng hình thức kê khai trực tuyến đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:

1. Đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ các đối tượng sau:

a) Người có giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3;

b) Người có nhu cầu tách giấy phép lái xe có thời hạn và không thời hạn.

3. Bản sao giấy phép lái xe, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài).

Khi đến thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe, người lái xe phải chụp ảnh trực tiếp tại cơ quan cấp giấy phép lái xe và phải xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên (trừ các bản chính đã gửi) để đối chiếu.”