Chi tiết - Sở Tư pháp
- '
- Trang chủ
- Giới thiệu
- Tin tức - Nghiên cứu trao đổi
- Tin tức chuyên ngành
- Phổ biến, giáo dục PL
- Xây dựng, kiểm tra VPQPPL
- Hỗ trợ pháp lý cho Doạnh nghiệp
- Pháp chế
- Bồi thường nhà nước
- Cải cách hành chính, Kiểm soát TTHC
- Quản lý xử lý VPHC, theo dõi THPL
- Hành chính tư pháp
- Thanh tra, Kiểm tra
- Bổ trợ tư pháp
- Công chứng, chứng thực
- Tổ chức - Đào tạo
- Thống kê, tổng hợp
- Tin tức, sự kiện
- Hoạt động của đơn vị trực thuộc ▼
- Hoạt động tư pháp địa phương
- Nghiên cứu, trao đổi
- Hoạt động Đảng, Đoàn thể
- Tin khác ▼
- Tin tức chuyên ngành
- Chỉ đạo điều hành
- Khen thưởng - Xử phạt
- Văn bản mới
- Chiến lược - Quy hoạch, Kế hoạch
- Album ảnh
LĨNH VỰC PHÁP LUẬT VỀ HÌNH SỰ
- Ngày đăng: 05-11-2019
- 220 lượt xem
Câu 1: Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là Bộ luật Hình sự hiện hành) bổ sung những tội danh mới nào, bãi bỏ những tội danh nào so với Bộ luật Hình sự năm 1999?
Trả lời: Bộ luật Hình sự hiện hành bổ sung mới 34 tội danh và bãi bỏ 8 tội danh so với Bộ luật Hình sự năm 1999:
1. Có 34 tội danh mới được bổ sung, trong đó có 25 tội danh hoàn toàn mới, 09 tội danh được tách ra từ 01 tội danh theo Bộ luật Hình sự 1999, bao gồm:
+ 25 tội danh hoàn toàn mới:
Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147); Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154); Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân (Điều 167); Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (Điều 187); Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238); Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (Điều 285);
Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng (Điều 291); Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh (Điều 293); Tội cố ý gây nhiễu có hại (Điều 294); Tội cưỡng bức lao động (Điều 297); Tội bắt cóc con tin (Điều 301);
Tội cướp biển (Điều 302); Tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật (Điều 336); Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép (Điều 348); Tội vi phạm quy định về giam giữ (Điều 388); Tội gây rối trật tự phiên tòa (Điều 391); Tội ra mệnh lệnh trái pháp luật (Điều 393); Tội chiếm đoạt hoặc hủy hoại di vật của tử sĩ (Điều 418).
Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212); Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214);
Tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215); Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216); Tội vi phạm quy định về cạnh tranh (Điều 217); Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (217a);
+ 09 tội danh mới được tách ra từ Tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại điều 165 Bộ luật Hình sự 1999 bao gồm: Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 218); Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220); Tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221); Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222); Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223); Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224); Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230); Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã (Điều 234).
2. Có 8 tội danh bị bãi bỏ gồm:
Tội hoạt động phỉ; Tội tảo hôn; Tội kinh doanh trái phép; Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế; Tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; Tội không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính.
Câu 2: Trên chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh đến Singapore của hãng VietNam Airline, một hành khách người nước ngoài có hành vi tấn công, gây thương tích với tỷ lệ thương tích 20% đối với tiếp viên của tàu bay hãng hàng không Việt Nam khi tàu bay đang trên không phận của Malaysia. Xin hỏi, để xử lý hành vi của hành khách này phải áp dụng luật nước nào?
Trả lời: Vấn đề bạn hỏi liên quan đến hiệu lực của Bộ luật Hình sự hiện hành được quy định tại Điều 5, cụ thể như sau:
“Điều 5. Hiệu lực của Bộ luật Hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
2. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.”
Như vậy, nếu hành khách người nước ngoài này không thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế thì trong trường hợp này, hành vi cố ý gây thương tích của hành khách người nước ngoài này sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Câu 3: Bộ luật Hình sự hiện hành quy định doanh nghiệp (pháp nhân thương mại) có hành vi vi phạm pháp luật cũng có thể chịu trách nhiệm hình sự có đúng không? Khi nào thì một pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì doanh nghiệp phải chịu hình phạt gì?
Trả lời: Theo Điều 2 Bộ luật Hình sự hiện hành về “Cơ sở của trách nhiệm hình sự” quy định:
“1. Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
2. Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Như vậy, theo Bộ luật Hình sự hiện hành, pháp nhân thương mại phạm một tội tại Điều 76 sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều 76 Bộ luật Hình sự hiện hành về “Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại” quy định:
“Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật này”, cụ thể là đối với 33 tội phạm trong lĩnh vực kinh tế và môi trường, đó là các tội:
Điều 188 (tội buôn lậu); Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (tội đầu cơ); Điều 200 (tội trốn thuế); Điều 203 (tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước); Điều 209 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản); Điều 234 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã); Điều 235 (tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản); Điều 243 (tội hủy hoại rừng); Điều 244 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại); Điều 300 (tội tài trợ khủng bố); Điều 324 (tội rửa tiền).
Theo Điều 75 Bộ luật Hình sự hiện hành, điều kiện chịu trách nhiệm của một pháp nhân thương mại như sau:
“Điều 75. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.
2. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”.
Pháp nhân thương mại phạm tội sẽ chịu hình phạt theo quy định tại Điều 33 Bộ luật Hình sự hiện hành như sau:
“Điều 33. Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội
1. Hình phạt chính bao gồm:
a) Phạt tiền;
b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;
c) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
2. Hình phạt bổ sung bao gồm:
a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;
b) Cấm huy động vốn;
c) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.
3. Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung”.
Câu 4: Bộ luật Hình sự hiện hành quy định khi nào thì người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục. Điều kiện áp dụng và các biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể là gì?
Trả lời: Bộ luật Hình sự hiện hành quy định:
“ Điều 91. Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
1. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
2. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;
c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
4. Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.
5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
6. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.
Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.
Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
7. Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.”
Điều kiện áp dụng và các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được Bộ luật Hình sự hiện hành quy định như sau:
“ Điều 92. Điều kiện áp dụng
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp này.
Điều 93. Khiển trách
1.Khiển trách được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội, hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;
b) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khiển trách. Việc khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi.
3. Người bị khiển trách phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;
b) Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;
c) Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.
4. Tùy từng trường hợp cụ thể cơ quan có thẩm quyền ấn định thời gian thực hiện các nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều này từ 03 tháng đến 01 năm.
Điều 94. Hòa giải tại cộng đồng
1.Hòa giải tại cộng đồng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
3. Người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại;
b) Nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này.
4. Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền ấn định thời điểm xin lỗi, thời gian thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại quy định tại điểm a khoản 3 Điều này và nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này từ 03 tháng đến 01 năm.
Điều 95. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn
1.Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.
2. Người được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức giám sát, giáo dục phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về học tập, lao động;
b) Chịu sự giám sát, giáo dục của gia đình, xã, phường, thị trấn;
c) Không đi khỏi nơi cư trú khi không được phép;
d) Các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này.
3. Nếu người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã chấp hành một phần hai thời hạn và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục, Cơ quan đã áp dụng biện pháp này có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn.”
Câu 5: Trong thời gian gần đây có rất nhiều vụ án giết người, trong đó có những vụ thủ phạm là người dưới 18 tuổi giết nhiều người nhưng Tòa chỉ kết án những thủ phạm này 18 năm tù khiến xã hội, dư luận phẫn nộ, bức xúc, trong khi đó hình phạt cao nhất của tội giết người là tử hình. Việc Tòa tuyên phạt như vậy đã đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm hay chưa và có đúng với Bộ luật Hình sự hiện hành hay không?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 điều 123 Bộ luật Hình sự hiện hành về Tội giết người thì trong trường hợp giết từ 02 người trở lên thì hình phạt là từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên đối với người phạm tội là người dưới 18 tuổi, Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định riêng về hình phạt, cụ thể như sau:
“Điều 101. Tù có thời hạn
Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:
1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.”
Như vậy, theo quy định tại Điều 101 Bộ luật Hình sự hiện hành, nếu người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, mức án cao nhất không quá 12 năm tù, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, mức án cao nhất không quá 18 năm tù. Vì vậy, mặc dù người dưới 18 tuổi có hành vi giết nhiều người thì Tòa án cũng không thể áp dụng hình phạt nặng hơn so với quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành.
Câu 6: Bộ luật Hình sự hiện hành quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự của cá nhân là từ đủ 14 tuổi trở lên, như vậy có phải một người đủ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự với mọi tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành không?
Trả lời: Bộ luật Hình sự hiện hành quy định:
“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”
Như vậy, theo quy định tại Điều 12, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu phạm vào 28 tội danh thuộc 4 nhóm tội phạm, đó là:
- Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người gồm: Giết người (Điều 123), cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), hiếp dâm (Điều 141), hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), tội cưỡng dâm (Điều 143), tội cưỡng dâm người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144), tội mua bán người (Điều 150), tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151).
- Các tội xâm phạm sở hữu gồm: Tội cướp tài sản (Điều 168), tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169), tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170); tội cướp giật tài sản (Điều 171); tội trộm cắp tài sản (Điều 173); tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178).
- Các tội phạm về ma túy gồm: Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248); tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251); tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252).
- Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng gồm: Tội tổ chức đua xe trái phép (Điều 265); tội đua xe trái phép (Điều 266); tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 286); tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 287); tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (Điều 289); tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290); tội khủng bố (Điều 299); tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 304).
Câu 7: Tôi xin hỏi một người có hành vi phạm tội nếu sau một thời gian dài cơ quan chức năng mới phát hiện ra thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa có phải không?
Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được Bộ luật Hình sự hiện hành quy định tại các Điều 27, 28, cụ thể như sau:
“ Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
Điều 28. Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật này đối với các tội phạm sau đây:
1. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này;
2. Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này;
3. Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này.”
Khoản 3, khoản 4 điều 353 quy định:
“Điều 353. Tội tham ô tài sản
1....................
2.......................
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.”
Khoản 3, khoản 4 điều 354 quy định:
“Điều 354. Tội nhận hối lộ
1.............................
2.............................
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.”
Câu 8: Bộ luật Hình sự hiện hành quy định như thế nào về đương nhiên xóa án tích?
Trả lời: Bộ luật Hình sự hiện hành quy định:
“Điều 70. Đương nhiên được xóa án tích
1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này (các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.”
Câu 9: Ông Nguyễn Văn A có hành vi mua bán trái phép chất ma túy và bị Tòa tuyên án tử hình. Tại thời điểm xét xử, tuổi của ông A là 74 tuổi 9 tháng. Đến thời điểm ra Quyết định thi hành án, tuổi của ông A đã trên 75 tuổi. Như vậy, theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, ông A có bị thi hành án tử hình hay không?
Trả lời: Tại Điều 40 của Bộ luật Hình sự hiện hành quy định:
“Điều 40. Tử hình
1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
b) Người đủ 75 tuổi trở lên;
c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
4. Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.”
Như vậy mặc dù Tòa đã tuyên án tử hình đối với ông A nhưng đến thời điểm ra Quyết định thi hành án, ông A đã trên 75 tuổi nên theo quy định ông A được ân giảm, chuyển hình phạt từ tử hình xuống tù chung thân.
Câu 10: Vợ chồng tôi có con gái 05 tuổi. Mấy hôm trước khi tắm cho cháu, tôi phát hiện có vết trầy xước tại bộ phận sinh dục của cháu. Hỏi cháu thì cháu nói rằng mấy hôm trước qua nhà chú D, chú gọi lại cho bánh, ôm nựng cháu và dùng tay sờ soạng vào bộ phận sinh dục của cháu. Chúng tôi vô cùng bất ngờ về hành vi của D. Xin hỏi, với hành vi như vậy D có phải chịu trách nhiệm gì không?
Trả lời: Theo Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự hiện hành và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Tại khoản 3 Điều 3 của Nghị quyết hướng dẫn:
“3. Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau đây:
a) Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;
b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
c) Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
d) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;
đ) Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi).”
Nếu đúng như lời con gái chị kể lại thì hành vi của D là hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi và đã cấu thành tội theo Điều 146 Bộ luật Hình sự hiện hành.
“Điều 146. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
`
Câu 11: Con tôi 19 tuổi, nghiện game và trộm chiếc xe máy cũ của ông A đem bán được 1 triệu đồng. Đây là lần đầu tiên con tôi vi phạm pháp luật. Người ta định giá chiếc xe máy đó là 1,5 triệu đồng nhưng lại khởi tố con tôi. Tôi được biết chỉ khi nào trộm cắp tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên mới phạm tội nên tôi không đồng ý và có đơn lên cơ quan Công an. Cơ quan công an có văn bản trả lời tôi: “Mặc dù giá trị tài sản dưới 2 triệu đồng nhưng chiếc xe máy này được ông A sử dụng để chạy xe ôm và đây là phương tiện kiếm sống chính của gia đình ông A nên hành vi của con tôi đã cấu thành tội Trộm cắp tài sản”. Xin hỏi, cơ quan Công an trả lời như vậy có đúng không?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 173 của Bộ luật Hình sự hiện hành về Tội trộm cắp tài sản:
“Điều 173. Tội trộm cắp tài sản
1.Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Như vậy, mặc dù con bạn trộm cắp chiếc xe máy cũ của ông hàng xóm trị giá chưa đến 2 triệu đồng nhưng vì đây là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ nên hành vi đã cấu thành tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Câu 12: Con trai tôi 20 tuổi đang học đại học năm thứ hai. Thời gian qua con trai tôi có quan hệ tình cảm với một cháu gái trong xóm. Vì cả hai cháu tuổi đang còn nhỏ, đặc biệt là cháu gái mới 15 tuổi còn quá nhỏ nên vợ chồng tôi và cả gia đình cháu gái đều khuyên răn hai cháu chấm dứt quan hệ. Tuy nhiên hai cháu vẫn gắn bó với nhau và dẫn đến hậu quả là cháu gái mang thai khi chưa đủ 16 tuổi. Con trai tôi cũng đã thừa nhận cả hai đứa đã có quan hệ tình dục với nhau. Quá tức giận, bố mẹ cháu gái đã viết đơn tố giác con trai tôi lên Công an. Như thế con trai tôi có phạm tội gì không?
Trả lời: Điều 145 Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi như sau:
“1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Có tính chất loạn luân;
d) Làm nạn nhân có thai;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
e) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.”
Theo đó, người nào đã thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) mà có hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” được quy định tại Điều 145 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Trong trường hợp này con trai bạn đã 20 tuổi có hành vi giao cấu với bạn gái chưa đủ 16 tuổi. Mặc dù có sự đồng ý, tự nguyện của cháu gái nhưng con trai bạn đã phạm vào Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Câu 13: Con tôi 19 tuổi, có hành vi chặn xe một người phụ nữ, khống chế và lấy đi túi xách của người phụ nữ đó, trong túi xách chỉ có hơn 100 nghìn đồng. Sau khi sự việc xảy ra, tôi đã dẫn cháu đến xin lỗi người phụ nữ đó và trả lại tài sản cháu đã lấy. Như vậy cháu có phạm tội gì không?
Trả lời: Nếu đúng với những gì mà bạn đã trình bày, thì hành vi của con bạn đã cấu thành Tội cướp tài sản được quy định tại khoản 1 Điều 168 Bộ luật Hình sự hiện hành:
“Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Tội cướp tài sản là một tội cấu thành hình thức, tức là sẽ cấu thành tội cướp khi có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản mà không căn cứ vào giá trị tài sản bị chiếm đoạt là bao nhiêu. Giá trị tài sản chỉ được xem là tình tiết tăng nặng định khung được quy định tại khoản 2, 3, 4 điều 168. Còn việc bạn dẫn con bạn đến xin lỗi và hoàn trả lại tài sản cho người bị hại chỉ được xem xét là tình tiết giảm nhẹ (Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả) và được Tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt khi quyết định hình phạt.
Câu 14: Bộ luật Hình sự hiện hành quy định người thân của người phạm tội không tố giác hành vi phạm tội của người phạm tội có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?
Trả lời: Bộ luật Hình sự hiện hành quy định như sau:
“Điều 19. Không tố giác tội phạm
1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.”
Như vậy, người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm, trừ trường hợp người phạm tội phạm vào các tội danh xâm phạm an ninh quốc gia và những tội danh mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự hiện hành quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Câu 15: Bố giao xe máy cho con chưa đủ 18 tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển dẫn đến gây tai nạn chết người thì bố có phải chịu trách nhiệm gì không?
Trả lời: Việc một người là chủ phương tiện giao thông đường bộ giao cho người mà mình biết rõ là không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện dẫn đến gây tai nạn chết người thì người giao phương tiện phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo Điều 264 Bộ luật Hình sự hiện hành, cụ thể như sau:
“Điều 264. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.”
Câu 16: Bà tôi năm nay 90 tuổi, ở với chú thím tôi. Do tuổi già sức yếu lại bị bệnh lãng tai và mất trí nhớ, sinh hoạt cá nhân không kiểm soát được nên chú, thím tôi không cho ăn chung với gia đình, cho bà ngủ ngoài sân và nhiều lần đánh đập bà. Chính quyền, đoàn thể địa phương đã nhiều lần đến can thiệp. Chú thím tôi đã cam kết không hành hạ bà nữa nhưng được vài bữa rồi đâu lại hoàn đó. Xin hỏi hành vi của chú thím tôi có phải là hành vi ngược đãi người có công nuôi dưỡng mình không? và bị xử lý như thế nào?
Trả lời: Điều 185 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định:
“1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.”
Theo như bạn trình bày thì hành vi của chú bạn là hành vi đối xử tồi tệ, bạo lực xâm phạm thân thể, ngược đãi cha mẹ, người có công nuôi dưỡng mình. Hành vi này là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Câu 17. Tại các đô thị, hiện nay xuất hiện tình trạng dựng rạp tổ chức đám cưới chiếm gần hết lòng đường, cản trở giao thông, rất nhiều trường hợp đã gây ra tai nạn chết người. Xin hỏi, trong trường hợp dựng rạp tổ chức đám cưới chiếm lòng đường gây ra tai nạn chết người thì sẽ phạm tội gì?
Trả lời: Nếu dựng rạp tổ chức đám cưới chiếm lòng đường gây ra tai nạn chết người thì sẽ cấu thành tội Cản trở giao thông đường bộ theo Điều 261 Bộ luật Hình sự hiện hành, cụ thể như sau:
“Điều 261. Tội cản trở giao thông đường bộ
1. Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tại đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Cản trở giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.”
Người phải chịu trách nhiệm hình sự chính trong trường hợp này là chủ rạp, người cho thuê, dựng rạp cũng phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò là đồng phạm, giúp sức.
Câu 18: Cháu của tôi năm nay 16 tuổi, mấy tháng trước, cháu bị một số người lớn tuổi rủ rê, lôi kéo, dụ dỗ sử dụng ma túy. Gia đình phát hiện ra sự việc và ra sức ngăn cản cháu nhưng số người này không chịu buông tha mà tiếp tục rủ rê, lôi kéo, dụ dỗ cháu sử dụng ma túy. Cho tôi hỏi, nếu tôi báo công an thì những người rủ rê, lôi kéo, dụ dỗ cháu tôi sử dụng ma túy bị xử lý như thế nào?
Trả lời: Điều 258 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định:
“Điều 258. Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư lợi;
d) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;
đ) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
e) Đối với 02 người trở lên;
g) Đối với người đang cai nghiện;
h) Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;
k) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây chết người;
b) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;
c) Đối với người dưới 13 tuổi.
4. Phạm tội trong trường hợp gây chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.”
Do cháu của bạn dưới 18 tuổi nên những người có hành vi rủ rê, lôi kéo, dụ dỗ cháu của bạn sử dụng ma túy có thể bị phạt tù từ 5 đến 10 năm.
Câu 19: Trong thời gian qua, tệ nạn tín dụng đen cho vay nặng lãi kết hợp với các băng nhóm đòi nợ thuê len lỏi từ đô thị đến các vùng nông thôn, gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Xin hỏi, pháp luật hình sự quy định xử lý như thế nào về những hành vi này?
Trả lời: Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về xử lý trách nhiệm hình sự đối với các hành vi liên quan đến tệ nạn tín dụng đen như sau:
1. Đối với hành vi của người cho vay nặng lãi:
“Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
2. Đối với hành vi của người vay tiền của người khác sau đó bỏ trốn chiếm đoạt hoặc sử dụng tiền vay của người khác vào những việc bất hợp pháp dẫn tới mất khả năng chi trả:
Hành vi này sẽ bị xử lý về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự hiện hành:
“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
3. Đối với các hành vi của các băng nhóm đòi nợ thuê:
Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả gây ra cũng sẽ bị xử lý về các tội danh tương ứng theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành: Nếu có hành vi giết người sẽ bị xử lý về Tội giết người, hành hung gây thương tích sẽ bị xử lý về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác, hành vi lấy tài sản để xiết nợ thì sẽ bị xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản hay công nhiên chiếm đoạt tài sản...
Câu 20: Vì tránh một người đi bộ băng qua đường không đúng quy định nên người điều khiển xe máy gây ra va chạm với ô tô tải, người điều khiển xe máy tử vong. Trong trường hợp này, người đi bộ có chịu trách nhiệm gì không?
Trả lời: Người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây ra hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự hiện hành, cụ thể như sau:
“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%:
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Câu 21: Cạnh nhà tôi có một gia đình thường xuyên chứa chấp các thanh niên tụ tập đánh bạc và sử dụng ma túy. Họ gây ồn vào ban đêm, làm mất an ninh trật tự, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của xóm làng. Tôi muốn bí mật báo chính quyền thì cơ quan nào giải quyết tố giác. Nếu bí mật báo chính quyền thì thông tin người tố giác có được giữ bí mật và được bảo vệ không?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì: Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Điểm a khoản 1 Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm; cơ quan, tổ chức đã báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ, người thân thích của họ khi bị đe dọa.
Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định:
1. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
3. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
a) Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;
b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;
c) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.
4. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Trong trường hợp này, bạn có thể đến trực tiếp hoặc gửi đơn tố giác cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Công an phường, thị trấn, Đồn Công an, Công an xã hoặc chính quyền địa phương để các cơ quan này xem xét giải quyết.
Theo các quy định vừa trích dẫn ở trên, khi bạn tố giác tội phạm với cơ quan có thẩm quyền thì bạn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật việc tố giác, báo tin về tội phạm, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa.
Câu 22: Con tôi bị tình nghi liên quan vụ án hình sự và công an đã đến khám xét nhà. Tôi xin hỏi khi nào công an có quyền khám chỗ ở của công dân? Lực lượng nào được phép làm việc này?
Trả lời :
Về căn cứ để khám xét: Theo Điều 192 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì căn cứ để khám xét người, chỗ ở được quy định như sau:
1. Việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.
2. Khi có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án thì có thể khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử.
Về thẩm quyền ra lệnh khám xét: Theo quy định tại Điều 193 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì những người sau đây có quyền ra lệnh khám xét:
1. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét. Lệnh khám xét của những người được quy định tại khoản 2 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành.
2. Trong trường hợp khẩn cấp, những người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xét xong, người ra lệnh khám xét phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ việc, vụ án.
Những người có thẩm quyền ra lệnh khám xét theo quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 gồm:
- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh khám xét phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;
- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;
- Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.
Những người có thẩm quyền ra lệnh khám xét theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 gồm:
1. Cán bộ điều tra thuộc các cơ quan sau:
- Các cơ quan của Bộ đội biên phòng;
- Các cơ quan của Hải quan;
- Các cơ quan của Kiểm lâm;
- Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển;
- Các cơ quan của Kiểm ngư;
- Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
- Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Các cơ quan cụ thể được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại khoản này được quy định tại Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
2. Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm:
- Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng gồm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm; Đoàn trưởng, Phó Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm; Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đồn trưởng, Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng; Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng;
- Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Hải quan gồm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu;
- Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Kiểm lâm gồm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm;
- Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của lực lượng Cảnh sát biển gồm Tư lệnh, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển; Tư lệnh vùng, Phó Tư lệnh vùng Cảnh sát biển; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật; Đoàn trưởng, Phó Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy; Hải đoàn trưởng, Phó Hải đoàn trưởng; Hải đội trưởng, Phó Hải đội trưởng; Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển;
- Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Kiểm ngư gồm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng;
- Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của các cơ quan khác trong Công an nhân dân gồm Giám đốc, Phó giám đốc Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an nhân dân, Giám thị, Phó Giám thị Trại giam theo quy định của Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự;
- Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân gồm Giám thị, Phó Giám thị Trại giam; Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương.
Những người có thẩm quyền ra lệnh khám xét theo quy định tại khoản 2 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 gồm:
- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;
- Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng;
- Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.
Như vậy, Công an có quyền khám xét chỗ ở của công dân khi được Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn hoặc trong trường hợp khẩn cấp và các lực lượng như đã nêu ở trên đều có thẩm quyền khám xét khi có các căn cứ theo quy định như đã nêu ở trên.
Câu 23: Tôi là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến một vụ án hình sự, công an có gửi giấy mời tôi đến làm việc nhưng thời gian ghi trong giấy mời trùng với chuyến công tác quan trọng của tôi. Nếu tôi không đến thì có vi phạm pháp luật không?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 3 Điều 65 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có nghĩa vụ: Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình; chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Bạn là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến một vụ án hình sự và cơ quan công an đã gửi giấy mời đến phối hợp cung cấp thông tin để điều tra vụ án thì bạn cần phải có mặt theo giấy mời của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trong trường hợp bạn không thể đến theo đúng thời gian ghi trong giấy mời do có công việc đột xuất thì bạn làm đơn nêu lý do vắng mặt gửi lên cơ quan công an. Trong thời gian gần nhất bạn cần đến cơ quan công an đã gửi giấy mời để phối hợp cùng cơ quan này làm rõ vụ việc, cũng như nắm được mình có liên quan như thế nào trong vụ án.
Câu 24: Xin giải thích cho tôi hiểu rõ hơn thế nào là tiền án, tiền sự?
Trả lời: Hiện tại, chưa có văn bản pháp luật nào quy định trực tiếp khái niệm về "tiền án", "tiền sự". Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 18/10/1990 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lại có quy định gián tiếp về tiền án, tiền sự như sau: Người đã được xóa án thì không coi là có tiền án. Người đã được xóa kỷ luật, xóa việc xử phạt vi phạm hành chính (tức là đã được coi như chưa bị kỷ luật, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính) thì không coi là có tiền sự. Đối với các quyết định xử lý của cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội mà pháp luật chưa quy định thời hạn để được coi như chưa bị xử lý, nếu tính từ ngày ra quyết định xử lý đến ngày phạm tội đã quá 01 năm, thì không coi là có tiền sự nữa. Đối với các quyết định xử lý của cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội mà pháp luật chưa quy định thời hạn để được coi như chưa bị xử lý, nếu tính từ ngày ra quyết định xử lý đến ngày phạm tội đã quá 01 năm, thì không coi là tiền sự nữa.
Căn cứ vào quy định trên, có thể hiểu, người có tiền án (án tích) là người đã bị kết án (hình sự) và thi hành hình phạt mà chưa được xóa án. Người có tiền sự là người đã bị kỷ luật hành chính, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật mà chưa được xóa kỷ luật, chưa được xóa việc xử phạt hành chính.
Câu 25: Tôi và Hùng là bạn bè, làm cùng công ty và ở trọ cùng phòng tại Bình Dương. Hùng mượn xe máy của tôi (trị giá 18 triệu đồng) sử dụng rồi tự ý mang đi cầm cố để lấy tiền cá độ bóng đá. Sau khi cầm cố thì anh ta hứa hai tháng sau sẽ chuộc về trả lại cho tôi nên tôi cũng chấp nhận. Tuy nhiên, sau hai tháng thì Hùng bỏ trốn, không trả lại xe cho tôi. Tôi đã đến công an phường khai báo và làm đơn tố giác để yêu cầu xử lý, nhưng đã hơn 5 tháng vẫn chưa được giải quyết. Xin hỏi trong trường hợp này tôi phải làm gì?
Trả lời: Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản…”
Trong trường hợp này, Hùng (bạn của bạn) đã có hành vi mượn xe của bạn (giao dịch bằng lời nói) sử dụng rồi tự ý mang đi cầm cố để lấy tiền cá độ bóng đá và bỏ trốn. Chiếc máy trên có giá trị trên 4.000.000 đồng nên hành vi của Hùng có thể cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và bạn đã khai báo, làm đơn tố giác với cơ quan công an để can thiệp giải quyết là đúng quy định.
Về thủ tục tiếp nhận, thời hạn, thủ tục giải quyết được quy định tại Điều 146, 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau:
Tại khoản 3 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm: Công an phường, thị trấn, đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Tại Điều 147 BLTTHS năm 2015 quy định về thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm:
“1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:
a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự;
b) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
c) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
2. Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.
Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh…”
Trong trường hợp nói trên của bạn, bạn đã tố giác hành vi vi phạm pháp luật của Hùng với công an phường, và công an phường đã chuyển cho cơ quan điều tra để tiến hành điều tra vụ án. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 5 tháng nhưng chưa được giải quyết nên bạn cần tiếp tục yêu cầu cơ quan điều tra cung cấp các thông tin về quá trình giải quyết vụ việc nói trên bằng cách trực tiếp yêu cầu hoặc yêu cầu bằng văn bản cũng như cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết để góp phần làm rõ hành vi vi phạm của Hùng.
Câu 26: Công cụ hỗ trợ gồm những phương tiện gì? Đối tượng nào được sử dụng công cụ hỗ trợ? Do tính chất công việc thường đi làm về khuya nên tôi có mua bình xịt hơi cay để phòng thân thì có vi phạm pháp luật không?
Trả lời:
- Về công cụ hỗ trợ: Tại khoản 11 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định: Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp. Công cụ hỗ trợ bao gồm:
a) Súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và đạn sử dụng cho các loại súng này;
b) Phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa;
c) Lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ;
d) Dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại; khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai; áo giáp; găng tay điện, găng tay bắt dao; lá chắn, mũ chống đạn; thiết bị áp chế bằng âm thanh;
đ) Động vật nghiệp vụ là động vật được huấn luyện để sử dụng cho yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;
e) Công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự là phương tiện được chế tạo, sản xuất không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có tính năng, tác dụng tương tự như công cụ hỗ trợ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này.”
- Về đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ: Khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định những đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ gồm:
“a) Quân đội nhân dân;
b) Dân quân tự vệ;
c) Cảnh sát biển;
d) Công an nhân dân;
đ) Cơ yếu;
e) Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
g) Cơ quan thi hành án dân sự;
h) Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, Kiểm ngư, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản;
i) Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan;
k) Đội kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường;
l) An ninh hàng không, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải;
m) Lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ;
n) Ban Bảo vệ dân phố;
o) Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động;
p) Cơ sở cai nghiện ma túy;
q) Các đối tượng khác có nhu cầu trang bị công cụ hỗ trợ thì căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.”
- Về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ: Tại Điều 5 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và như sau:
+ Cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.
+ Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ.
+ Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ; trừ trường hợp trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê vũ khí thô sơ để làm hiện vật trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.
Đối chiếu với các quy định trên thì bình xịt hơi cay là một trong những công cụ hỗ trợ được nhà nước và các cơ quan chức năng quy định việc sử dụng và quản lý rất nghiêm ngặt. Do đó, cá nhân không được sở hữu, nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mượn, thuê công cụ hỗ trợ dưới bất kỳ hình thức và mục đích nào. Nếu vi phạm thì tùy vào từng trường hợp, mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Câu 27: Vừa qua, tôi phát hiện một người quen lợi dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của tôi để làm những việc không đúng pháp luật trên mạng xã hội, làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của tôi. Cho tôi hỏi, nếu tôi có đủ bằng chứng tố cáo người đó, tôi phải làm như thế nào? Người đó có thể bị xử lý như thế nào?.
Trả lời: Việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác để đăng tải lên mạng xã hội mà không có sự đồng ý của người có hình ảnh là xâm phạm đến quyền cá nhân đối với hình ảnh, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín được quy định tại Điều 32 và Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 32, khoản 2, 3, 5 Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: Người có hình ảnh bị xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người xâm phạm hình ảnh cá nhân của mình phải thu hồi, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật; có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình; thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ; cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Do đó, khi có bằng chứng người khác lợi dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của bạn để làm những việc không đúng pháp luật trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn thì bạn có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người xâm phạm hình ảnh cá nhân của mình phải thu hồi, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại (nếu có) và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật, bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình; yêu cầu gỡ bỏ, cải chính thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng. Yêu cầu người lợi dụng thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín bác bỏ thông tin đó và đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Trường hợp người đó không thu hồi, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bác bỏ, cải chính thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bạn; đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có) theo yêu cầu của bạn thì bạn có thể làm đơn tố giác người đó lên cơ quan Công an nơi người đó cư trú.
Ngoài ra, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý như sau:
Tại điểm e và điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Tại điểm b Khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Người nào thực hiện hành vi mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30- 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10- 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.