Chi tiết - Sở Tư pháp

HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ CÔNG CHỨNG

Câu 1. Ông P góp vốn vào công ty cổ phần X bằng quyền sử dụng đất, trong hợp đồng góp vốn đã được công chứng, ở trang 2 đã ghi sai về địa chỉ của thửa đất là ở phường Đông Lễ thành phường Đông Lê. Ông P hỏi ông có phải làm lại hợp đồng và công chứng lại không?

Trả lời:

Ông P không phải làm lại hợp đồng để xin công chứng lại. Khi phát hiện có sai sót về lỗi kỹ thuật (như trường hợp của ông P) thì người yêu cầu công chứng hoặc những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó (như trường hợp các cổ đông trong công ty cổ phần X) đề nghị tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng.

Việc sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng được quy định tại Điều 50 Luật công chứng năm 2014 như sau:

          “1. Lỗi kỹ thuật là lỗi do sai sót trong khi ghi chép, đánh máy, in ấn trong văn bản công chứng mà việc sửa lỗi đó không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia hợp đồng, giao dịch.

2. Việc sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật.

3. Công chứng viên thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật có trách nhiệm đối chiếu từng lỗi cần sửa với các giấy tờ trong hồ sơ công chứng, gạch chân chỗ cần sửa, sau đó ghi chữ, dấu hoặc con số đã được sửa vào bên lề kèm theo chữ ký của mình và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Công chứng viên có trách nhiệm thông báo việc sửa lỗi kỹ thuật đó cho người tham gia hợp đồng, giao dịch.”

Như vậy ông P chỉ cần đến tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất của mình để yêu cầu sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng này đã chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật này.

Câu 2. Bà H lập một bản di chúc và đã công chứng bản di chúc này. Ba năm sau bà muốn thay đổi một số nội dung trong di chúc, có lúc bà muốn hủy bỏ bản di chúc trước đó và lập một bản mới. Xin hỏi, trong trường hợp này giải quyết như thế nào?

Trả lời:

 Khi thay đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng thì người đã yêu cầu công chứng (đối với trường hợp công chứng di chúc, như bà H) hoặc tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch thỏa thuận, thống nhất sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đến tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đó.

Điều 51 Luật công chứng năm 2014 quy định công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch như sau:

1. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.

2. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.

3. Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch.

Như vậy, muốn thay đổi mội số nội dung trong bản di chúc hoặc hủy bỏ bản di chúc đã được công chứng thì bà H cần đến tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng bản di chúc đó để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ bản di chúc.

Câu 3. Do bị tai nạn giao thông, tôi bị giảm 65% sức khỏe và không đi lại được. Nay tôi muốn chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất cho ông H, nhưng không thể đến Văn phòng công chứng được. Ông H có nói rằng ông sẽ mời công chứng viên về tận nhà tôi để công chứng hợp đồng chuyển nhượng này. Xin hỏi, công chứng viên có đến nhà tôi theo lời mời của ông H không?

Trả lời:

Điều 44 Luật công chứng năm 2014 quy định việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Khoản 2 Điều 44 Luật công chứng năm 2014 quy định: “Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

Như vậy, vì ông/bà không thể đến tổ chức hành nghề công chứng để công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên theo lời mời của ông H thì công chứng viên có thể đến nhà ông/bà để thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch của ông/bà.

Câu 4. Ông A vừa đi công chứng hợp đồng tặng cho con gái quyền sử dụng đất, ông A nói công chứng viên yêu cầu ông phải ký vào bản hợp đồng. Khi nghe ông A nói vậy, tôi rất băn khoăn với trường hợp của chú T bị mù bẩm sinh. Xin hỏi trong trường hợp chú R cần công chứng giao dịch, hợp đồng mà chú T lại không ký được thì giải quyết như thế nào?

Trả lời:

 Điều 48 Luật công chứng năm 2014 quy định: “Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên.

Trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký thì việc điểm chỉ được thay thế việc ký. Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.

Việc điểm chỉ cũng có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong các trường hợp: Công chứng di chúc; theo đề nghị của người yêu cầu công chứng; công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.”

Như vậy, những hợp đồng, giao dịch của ông T cần công chứng mà ông T không ký được thì sẽ thực hiện điểm chỉ.

Câu 5. Bà Q đi công tác nước ngoài 01 tháng và giao nhà cho người giúp việc trông nom. Người giúp việc đã làm giả chứng minh thư nhân dân mang tên bà Q với ảnh của mình và lấy trộm sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bán nhà đất cho ông T. Hợp đồng chuyển nhượng đã được Văn phòng công chứng K thực hiện công chứng. Khi về nước bà Q phát hiện sự việc, xin hỏi bà Q có quyền yêu cầu cơ quan nào hủy bỏ văn bản công chứng này?

Trả lời:

Trong trường hợp này, bà Q cần yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu theo quy định tại Điều 52 Luật công chứng năm 2014.

Điều 52 quy định như sau: “Công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật.”

Câu 6. Ông K là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân, ông đã thế chấp quyền sử dụng đất gắn liền với quyền sở hữu nhà ở trên đất đó có giá trị khoảng 10 tỷ cho Ngân hàng Z để thực hiện khoản vay 02 tỷ. Hợp đồng thế chấp đã được công chứng tại Văn phòng công chứng A. Nay ông K muốn vay thêm 02 tỷ nữa và vẫn thế chấp nhà đất này. Xin hỏi, việc công chứng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất gắn liền với quyền sở hữu nhà lần này sẽ thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Điều 54 Luật công chứng năm 2014 quy định: “Việc công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản phải được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có bất động sản.

Trường hợp một bất động sản đã được thế chấp để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ và hợp đồng thế chấp đã được công chứng mà sau đó được tiếp tục thế chấp để bảo đảm cho một nghĩa vụ khác trong phạm vi pháp luật cho phép thì các hợp đồng thế chấp tiếp theo phải được công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng hợp đồng thế chấp lần đầu. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng hợp đồng thế chấp tiếp theo đó.”

Như vậy, ông K cần đến Văn phòng công chứng A đề nghị Văn phòng này công chứng hợp đồng thế chấp tiếp theo. Trường hợp Văn phòng công chứng A chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện công chứng hợp đồng thế chấp lần này.