Chi tiết - Sở Tư pháp

HỎI - ĐÁP PHÁP LUẬT

Câu 1Người dân địa phương xôn xao việc chị H vừa từ khu cách ly tập trung về nhà được 3 ngày, xét nghiệm và cho kết quả dương tính. Họ vô cùng hoảng sợ khi thấy hình ảnh của chị H được cho là đang đi uống bia với bạn bè trong thời gian cách ly tại nhà được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook. Họ bắt đầu đâm đạp đi siêu thị, đi chợ vì cho rằng chẳng mấy chốc sẽ có nhiều F1 của chị H sẽ trở thành F0. Nhiều người tìm kiếm Facebook của chị H để lên án, chửi bới, làm chị H thấy uất ức. Tuy nhiên, sau đó, cơ quan chức năng đã xác định đây là thông tin sai sự thật vì anh Nguyễn Văn P đã sử dụng cắt ghép ảnh cũ của chị H và đăng các bình luận sai sự thật trên trang Facebook của mình, sau đó nhận được nhiều lượt “thích” và “chia sẻ”. Hỏi anh P có bị phạt không và cần thực hiện điều gì để khắc phục hậu quả.

 

Trả lời:

Anh P đã thực hiện hành vi đưa lên mạng máy tính thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, lòng người lo lắng, bất an về dịch bệnh, anh P đã cố ý cắt ghép ảnh, hư cấu nên câu chuyện về F0 không tuân thủ nguyên tắc cách ly, làm tình hình địa phương càng thêm rối ren, người dân chen chúc đi chợ, độ tiếp xúc cao là môi trường dễ dàng để dịch bệnh lan tràn. Hơn nữa, nhiều người hiểu lầm nên đã có những lời nói xúc phạm đến chị H, gây hậu quả xấu về tinh thần cho chị H. bên cạnh đó, việc làm này gây dư luận xấu đến công tác quản lý nhà nước về phòng chống dịch bệnh covid-19 của các cơ quan nhà nước,chính quyền địa phương. Vì vậy, trước hết, anh P cần thực hiện công khai xin lỗi chị H và gỡ bỏ các thông tin, hình ảnh giả mạo. Bên cạnh đó, tùy hậu quả của hành vi nói trên mà anh P có thể bị phạt tiền đến 15.000.000 đồng hoặc bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự, mức phạt tù đến 7 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

(Quy định tại điểm a khoản 3 Điều 99 và điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Điểm 1.4 mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)).

 

Câu 2. Cháu M sinh ngày 12/6/ 2006, hè này (2021) đã hoàn thành xong lớp cuối cấp 2 và chuẩn bị bước vào ngôi trường cấp 3 danh giá của thành phố. Khi được bố mẹ hỏi về phần thưởng cho những kết quả học tập đã đạt được thì cháu muốn có một chiếc xe máy điện để lên lớp 10 đi học cho khỏe và đẹp mặt với chúng bạn. Anh T thì ra sức khuyên ngăn con còn nhỏ chưa đi loại xe đó được, thiếu an toàn. Ngược lại, chị Q, mẹ cháu M thì lại nhất trí và cùng con chọn loại xe máy điện thật xịn, mặc áo dài ngồi lên nhìn cho đẹp cho xinh. Cháu M đem xe về, chiều nào cũng tập và rất vui mừng mong đến ngày tựu trường. Anh T cằn nhằn vợ, nạt nộ con không cho cháu M đi xe. Cả hai mẹ con giận bố, nói là bố nguyên tắc quá, bạn con đi ầm ầm ra đấy có sao đâu. Gia đình trở nên thiếu hòa khí. Hỏi trường hợp này phải xử lý thế nào cho đúng?

 

Trả lời:

Trước hết, chúng ta cần xác định cháu M đã đủ tuổi đi xe máy điện hay chưa. Theo Quy chuẩn 14:2016/BGTVT do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành thì xe máy điện là một loại xe gắn máy. Về độ tuổi, Luật Giao thông đường bộ quy định Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3.

Cháu M tính đến thời điểm này (tháng 8/2021) chưa đủ 16 tuổi nên cháu chưa đủ tuổi điều khiển xe máy điện.  Cháu cần phải đợi đến ngày 12/6/2022 mới được phép đi xe máy điện. Thực tế, tâm lý các các cháu muốn đi xe mới và phải là xe máy điện để thể hiện mình, tuy nhiên gia đình cần phải nhận thức đúng và động viên cháu chấp hành chấp hành quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn cho bản thân cháu và cho những người khác, không vì thấy một số bạn bè của cháu làm sai mà mình đua đòi theo, gây nguy hiểm cho mình và xã hội. Nếu cháu không chấp hành thì bản thân cháu sẽ bị phạt cảnh cáo bằng văn bản và bố mẹ cháu sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng

(Quy định tại Khoản 3.40 Điều 3 Quy chuẩn 14: 2016/BGTVT do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành;  Điểm a, khoản 1, Điều 60 Luật Giao thông đường bộ; Điểm a Khoản 1 Điều 5 và Khoản 3 Điều 134, Điều 22 Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 21, điểm đ Khoản 5 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt).

                                                                       Đào Bình - Phòng PBGDPL&TDTHPL

 

 

Câu 3. Vì mâu thuẫn xích mích với bạn học cùng khối là Hoàng Thị Ái, Nguyễn Thảo Mai (17 tuổi ) đã bàn bạc với  3 bạn cùng lớp (Linh, Thúy, Dung) nhiều lần để tìm cách đánh dằn mặt Ái. Ngày 26/7/2021, sau khi tan học, trên đường về nhà, Ái đã bị Mai, Linh, Thúy, Dung chặn đường đánh hội đồng. Mọi việc không dừng lại nếu như không có người đi đường đến can ngăn. Sau khi gia đình đưa Ái đi bệnh viện, bác sĩ xác nhận tỷ lệ tổn thương cơ thể của Ái là  10.5%. Xin hỏi nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì trường hợp này Mai, Linh, Thúy, Dung bị xử lý như thế nào?

 

Trả lời:

Căn cứ Khoản 1,Điều 134, Bộ Luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:..” Trong trường hợp này  Mai, Linh, Thúy, Dung vi phạm tại Khoản 1 Điều 134 (Ái bị  tổn thương cơ thể từ 10.5%) và điềm đ khoản 1 Điều 134 (Có tổ chức - có sự bàn bạc thống nhất tìm cách đánh dằn mặt Ái). Như vậy trường hợp này, Mai, Linh, Thúy, Dung đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều  12 Bộ luật hình sự, được sửa đổi bổ sung năm 2017, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Tuy nhiên, do Mai, Linh, Thúy, Dung dưới 18 tuổi (17 tuổi) nếubị phạt cải tạo không giam giữ thì thời hạn tối đa 18 tháng (Điều 100BLHS năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017). nếu bị phạt tù thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 27 tháng ( khoản 1 Điều 101 BLHS năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017).

 

Câu 4. Do ham mê chơi điện tử và muốn có tiền để chơi, em Nguyễn Văn Hải (15 tuổi) đã 2 lần vào nhà ông Lò Thanh là hàng xóm của Hải trộm điện thoại và Ipad đem bán với giá 5.000.000đ, sau đó đem số tiền bán được vào chơi game.  Sự  việc được phát hiện sau khi ông Thanh trích xuất camera của gia đình(Hải trộm điện thoại ngày 18/2/2021, Ipad ngày 25/3/2021). Bố mẹ Hải sau khi biết việc đã bồi thường cho ông Thanh.  Hành vi của Hải có bị xử lý hình sự không?

 

Trả lời:

Căn cứ Khoản 1,Điều 173, Bộ Luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:..”

Tuy nhiên do Hải mới 15 tuổi chưa đủ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2, Điều  12 và khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự, được sửa đổi bổ sung năm 2017.  Mặt khác, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định không phạt tiền đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, vì vậy trong trường hợp này có thể phạt cảnh cáo hoặc áp dụng biện pháp là giáo dục tại xã, phường, thị trấnbiện pháp nhắc nhở hoặc quản lý tại gia đình đối với Hải.

                                                                                  Phước Nghĩa – Phòng PBGDPL&TDTHPL

 

Câu 5. Khi còn là học sinh, A và B từng có mối quan hệ tình cảm. Đến lúc bước chân vào giảng đường Đại học, A và B chia tay nhau vì mâu thuẫn tình cảm. Sau khi chia tay B, A đã dùng tài khoản mạng xã hội Facebook của mình để đăng tải các thông tin về bí mật cá nhân của B như: tính cách B, nói xấu B và gia đình của B…và chia sẻ thông tin này đến bạn bè của B và nhận được nhiều bình luận từ người dùng Facebook. B rất buồn và đã đề nghị A gỡ bỏ các thông tin nhưng A không gỡ dẫn đến B phải bỏ học.

Hỏi: Việc A dùng mạng xã hội Facebook để đăng tải các thông tin về bí mật của cá nhân B như tính cách của B, nói xấu B và gia đình của B có vi phạm pháp luật không? Nếu có vi phạm pháp luật thì hành vi của A sẽ bị xử phạt theo quy định hiện hành như thế nào?

 

Trả lời:

Hành vi của A là vi phạm pháp luật. Vì theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 18 Luật An ninh mạng năm 2018 thì hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội gồm có hành vi đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác.  

Mặt khác, theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện thì phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với nội dung mạng xã hội để thực hiện một trong hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Như vậy, hành vi của A dùng mạng xã hội Facebook để đăng tải các thông tin về bí mật của cá nhân B như tính cách của B, nói xấu B và gia đình của B là vi phạm pháp luật và bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Câu 6. Sau giờ tan ca, vợ chồng anh H và chị T cùng nhau đi đón con bằng xe ô tô. Khi xe đang lưu thông trên đườngbất chợt chuông điện thoại của anh H reo, Anh H một tay cầm lái, một tay lấy điện thoại từ trong cặp xách ra để nghe. Chị T khuyên anh H nên kết nối bluetooth điện thoại với màn hình ô tô hoặc mua cái giá đỡ điện thoại bỏ trên ô tô để có thể nhận cuộc gọi mà không phải dùng một tay cầm lái, một tay cầm điện thoại nhưng anh H không nghe, anh H nói với chị T "mặc dù anh nghe điện thoại nhưng anh vẫn quan sát tốt, điều khiển xe thì sẽ không sao". Sau đó, Anh H và chị T xảy ra xích mích, tranh cãi.

Hỏi: Hành vi của anh H vi phạm pháp luật không? Nếu có sẽ bị xử phạt như thế nào?

 

Trả lời:

Hành vi của anh H là vi phạm pháp luật theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định (gọi tắt là Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Theo đó, hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, hành vi của anh H còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng (theo điểm b, khoản 11, Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP) hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng nếu thực hiện hành vi vi phạm trên mà gây tai nạn giao thông (theo điểm c, khoản 11, Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Câu 7.  H là sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học K, vì nghiện game nên thiếu tiền ăn chơi, H nảy ra ý tưởng và bắt đầu lập ra nhiều tài khoản Facebook ảo để bán điện thoại Iphone qua mạng. H mượn nhiều chiếc điện thoại của dòng Iphone như: iPhone 6s, iPhone 6 Plus, iPhone 7s, iPhone 7 Plus, iPhone X…của các bạn cùng lớp, H chụp ảnh cùng với những chiếc điện thoại và lấy những hình ảnh điện thoại trên mạng để đăng bán với giá rẻ hơn so với giá thị trường (mỗi chiếc bán từ 3 đến 7 triệu đồng) và đặt ra quy định là khách hàng mua hàng được quyền đổi trả nhưng không được xem hàng trước khi thanh toán tiền. Đến lúc giao hàng, H đã bỏ một hộp khẩu trang y tế thay vì điện thoại. Sau đó, H xóa tài khoản Facebook với mục đích khách hàng sau khi phát hiện sẽ không liên lạc được.

Hỏi: Hành vi của H có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì chế tài xử phạt như thế nào theo quy định của pháp luật?

 

Trả lời:

Hành vi của H là vi phạm pháp luật. Vì theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 18 Luật An ninh mạng năm 2018 thì hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội gồm có hành vi hành vi sử dụng công nghệ thông tin để chiếm đoạt tải sản.

Theo đó, hành vi của A là chiếm đoạt tài sản- điện thoại iPhone (mỗi chiếc bán từ 3 đến 7 triệu đồng) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Như vậy, đối chiếu với quy định của pháp luật thì A sẽ bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. 

                                       Lê Huyền – Phòng PBGDPL&TDTHPL

 

Câu 8. A và B là bạn cùng thôn, học cùng nhau từ lớp 1 đến lớp 12 và sinh hoạt cùng một chi đoàn của thôn. Trong thời gian đó giữa hai người đã nãy sinh tình cảm, ba mẹ hai bên biết được và ra sức ngăn cản tình cảm giữa A và B do đã có mâu thuẫn từ trước. Học xong cấp 3 do không thi đậu vào đại học nên 2 năm sau A vào thành phố Hồ Chí Minh làm ăn. Dù xa nhau về khoảng cách địa lý nhưng hai người vẫn thông tin qua lại và hẹn khi nào công việc ổn định A sẽ đón B vào làm cùng. Ba năm sau công việc dần ổn định, như lời đã hẹn A đón B vào làm cùng công ty với mình. Trong thời gian làm việc và để thuận lợi cho sinh hoạt hàng ngày A và B đã sống chung với nhau và B lỡ có thai. Biết được tin trên gia đình B vì thương con gái nên đã đồng ý cho A,B kết hôn, ngược lại gia đình A lại kịch liệt phản đối.

Hỏi: Hành động này của gia đình A có vi phạm pháp luật không, và nếu vi phạm thì đó là tội gì? Là hoà giải viên nếu được giao nhiệm vụ này thì anh, chị xử lý thế nào?

 

Trả lời:

* Với tình huống trên căn cứ vào các quy định của pháp luật ta thấy:

- Gia đình  anh A không đồng ý đề anh A kết hôn với chị B vì trước đây có mẫu thuẫn với gia đình chị B.Việc gia đình anh A không đồng ý để anh kết hôn với chị B là hành vi cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình. Anh chị ấy có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật HNGĐ năm 2014 (Khoản 1 Điều 8 Luật HNGĐ năm 2014). Căn cứ Điểm b, Khoản 2; Khoản 3 Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định cấm những hành vi như sau: “ tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn… Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình”.

- Gia đình anh T có phạm tội cản trở hôn nhân không?

Theo quy định tại Điều 181 BLHS năm 2015 thì gia đình anh A phạm tội  cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.

“Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.”

 

* Là hoà giải viên nếu được giao nhiệm vụ này thì sẽ xử lý như sau:

Để giải quyết tình huống này điều đầu tiên mà hoà giải viên cần làm là phải xác định được nguyên nhân mâu thuẫn, căn cứ pháp lý để vận dụng vào trường hợp này và điều thứ ba là tìm ra hướng giải quyết hợp lý, hợp tình thuận cho cả đôi đường. Khi đã xác định được ba vấn đề đó để gỡ nút thắt của sự việc thì việc gỡ nút thắt ấy sẽ thuận tiện và đem lại hiệu quả hơn nhiều.

- Về mặt đạo lý: Dựa trên tình mẫu tử hòa giải viên phân tích cho gia đình anh A thấy rằng hạnh phúc của con cái cũng là hạnh phúc của người làm cha làm mẹ. Có bố mẹ nào lại chia rẽ hạnh phúc của con cái mình bao giờ. Hơn nữa, cô B là người hiền thảo, chăm làm và hiện đang mang giọt máu của anh A. Ông bà sẽ sớm có cháu bồng ẵm, nhà mình neo người tuổi già lại có tiếng trẻ con bi bô trong nhà thì sẽ vui và đầm ấm hơn. Nếu như gia đình cản trở hôn nhân của anh, chị lỡ chi B đi kế hoạch thì sẽ tội cho đứa cháu của gia đình, anh A sẽ mang tiếng là sở khanh và gia đình bà để lại tiếng xấu trong làng, xã là trái với đạo lý. Nhân gian thường có câu “ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên”. Hòa giải viên cần thuyết phục gia đình anh A để gia đình anh hiểu việc anh muốn lấy chị B là dựa trên cơ sở tình cảm, tìm hiểu một thời gian dài, hôn nhân được xây dựng trên nền tảng của tình yêu thì mới có hạnh phúc dài lâu. Gia đình càng cấm cản thì càng làm khổ con trai và giọt máu của mình mà thôi, để từ đó vì yêu thương con trai, quan tâm đến tương lai của con trai và tình cảm gia đình sau này và không phản đối việc kết hôn của anh chị nữa.

- Về mặt pháp luật: Hòa giải viên cần giải thích rõ cho gia đình anh A việc cản trở anh A kết hôn với chị B là không có ích gì nếu hai người đã yêu và quyết tâm đến với nhau.Vận dụng quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình để giải thích cho gia đình  biết anh A và chị B kết hôn là tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật, việc cản trở hôn nhân của anh chị là vi phạm pháp luật. Trên cơ sở quy định  Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 hòa giải viên cần phân tích để  gia đình  anh A hiểu việc cản trở việc kết hôn giữa anh A chị B là sai với quy định của pháp luật.  Nếu gia đình cứ tiếp tục cản trở hôn nhân của anh A thì bà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

 

Câu 9. Hoàng là công nhân ngành điện lực, đường điện tại khu dân cư có sự cố nên Hoàng được phân công đến sửa. Hoàng dựng xe máy loại xe Jupiter có giá trị 25 triệu đồng ở lề đường để trèo lên cột điện sửa chữa điện nhưng quên không rút chìa khoá xe. Cường đi qua thấy trên xe có chìa khoá mà Hoàng lại đang sửa điện không để ý đến tài sản của mình  nên tiến đến xe máy của Hoàng rồi lên xe phóng đi. Hoàng nhìn thấy Cường lấy xe máy của mình nhưng do đang ở trên cột điện nên không làm gì được.

Với hành động như vậy của Cường thì Cường có phạm tội không? Nếu có thì đó là tội gì?

 

Trả lời:

Căn cứ vào tình huống nêu trên chúng ta có thể phân tích như sau:

* Mặt khách quan:

- Về hành vi của Cường: Có hành vi chiếm đoạt tài sản của Hoàng một cách công khai mà không cần che giấu hành vi phạm tội, hành vi đó được thực hiện trước mặt Hoàng và những người khác (người đi đường).

Việc thực hiện hành vi chiếm đoạt này của Cường là do Cường biết Hoàng không dám hoặc không có đủ khả năng tự vệ để ngăn chặn hành vi chiếm đoạt tài sản đó (Hoàng đang ở trên cột điện nên không thể ngăn cản hành vi của Cường)

* Mặt chủ quan:

Cường thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

* Khách thể:

Hành vi chiếm đoạt tài sản của Cường nêu trên đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của Hoàng.

* Chủ thể: Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

Với hành động như vậy của Cường thì Cường đã có hành vi công khai, ngang nhiên, chiếm đoạt tài sản (lấy xe máy của Hoàng có giá trị 25 triệu đồng), Hoàng là chủ xe máy biết Cường lấy xe máy của mình mà không thể làm gì được. Hành vi đó của Cường là hành vi công khai chiếm đoạt tài sản. Do đó Cường đã phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 172 Bộ luật hình sự năm 2015.

Theo quy định tại Điều 172 Bộ luật hình sự năm 2015 thì tội công nhiên chiếm đoạt tài sản chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt” nhưng chiếm đoạt bằng hình thức công khai, ngang nhiên. Người phạm tội lấy tài sản ngay trước mắt chủ sở hữu tài sản mà người này không làm gì được (không có biện pháp nào ngăn cản được hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội hoặc nếu có thì biện pháp đó cũng không đem lại hiệu quả, tài sản vẫn bị người phạm tội lấy đi một cách công khai).

 Điều muốn bàn ở đây là tính chất công khai, trắng trợn của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ Cường không hề giấu diếm hành vi phạm tội của mình, trước, trong hoặc ngay sau khi chiếm đoạt tài sản, chủ sở hữu tài sản là Hoàng biết ngay người lấy tài sản của mình là Cường nhưng không thể giữ được.

 

Câu 10. Ông Hiếu, là chủ sử dụng hợp pháp của mảnh đất a, ông B là chủ sử hữu hợp pháp của mảnh đất b tại thôn Tùng Luật, cả 2 mảnh đất này mục đích sử dụng đều là đất ở. Tuy nhiên mảnh đất của ông Hiếu chưa sử dụng do hiện tại ông sinh sống ở thành phố Đông Hà. Còn ông B đã xây nhà và sinh sống trên thửa đất của mình. Sau một thời gian, ông Hiếu phát hiện cột mốc ranh giới giữa hai thửa đất a và b đã bị dịch chuyển, diện tích thửa đất a của ông H bị ông B lấn sang khoảng 2m2.

Hỏi, hành vi của ông B bị xử lý như thế nào?

 

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật đất đai 2013 (có hiệu lực từ 01/07/2014) thì các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

“Điều 12: Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai […]”.

Trong đó, khoản 1 điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai giải thích:

“1. Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép"

Như vậy, ông B đã thực hiện việc chuyển dịch mốc giới thửa đất để mở rộng diện tích đất của nhà mình, nên được xem là hành vi lấn đất. Đây là hành vi bị nghiêm cấm.

Việc xử phạt được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điểm a, Điều 14 nghị định 91/NĐ-CP ngày 19/11/2019

Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

 a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta.

Ngoài ra, ông B phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục lại tình trạng của thửa  đất trước khi vi phạm và trả lại đất đã lấn chiếm theo quy định tại khoản 7 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019.

                                        Ánh Tuyết – Phòng PBGDPL&TDTHPL