Chi tiết - Sở Tư pháp

 

 

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến  tập huấn chuyên sâu về Luật ban hành VBQPPL- Ảnh: Sơn Tiên

 

        Rà soát, hệ thống hóavăn bản quy phạm pháp luật là hoạt động quan trọng góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng và thực hiện pháp luật. Nhiệm vụ này được quy định tại Điều 170 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Chương IX Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ. Theo đó, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) là việc xem xét, đối chiếu, đánh giá các quy định của văn bản được rà soát với văn bản là căn cứ để rà soát, tình hình phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp. Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật là việc tập hợp, sắp xếp các văn bản quy phạm pháp luật đã được rà soát, xác định còn hiệu lực theo các tiêu chí quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.

        Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Ủy ban nhân dân tỉnh, công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh Quảng trị được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả theo quy định pháp luật. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 02 kỳ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. (Kỳ 1: năm 1989 - 2013: bao gồm toàn bộ các văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân còn hiệu lực thi hành tính đến ngày 31/12/2013; Kỳ 2: năm 2014 - 2018: bao gồm toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực tính đến 31/12/2018). Kết quả hệ thống hóa văn bản đã được công bố, xử lý theo đúng thời gian quy định. Việc rà soát được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, qua đó đã phát hiện các văn bản có nội dung chưa phù hợp với văn bản cấp trên, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương nhằm xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo quy định. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đều ban hành quyết định công bố danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần nhằm công khai, minh bạch hệ thống pháp luật và tạo thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 

Các Đại biểu tham gia Hội nghị - Ảnh: Sơn Tiên

 

        Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc do đó hiệu quả công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, cụ thể:

        Một là, công tác rà soát văn bản, hệ thống hóa QPPL là công việc phức tạp, khối lượng công việc lớn đòi hỏi phải có một lực lượng cán bộ, công chức đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, tuy nhiên, tại địa phương, theo quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, nhiệm vụ rà soát văn bản QPPL được giao cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh chủ trì soạn thảo văn bản của HĐND, UBND tỉnh thực hiện nhưng các cơ quan này chưa có bộ phận chuyên trách thực hiện mà chủ yếu kiêm nhiệm.

        Hai là, việc thực hiện công tác rà soát văn bản của một số cơ quan, đơn vị đôi lúc chưa thường xuyên, dẫn đến tình trạng có văn bản không còn phù hợp với văn bản của cấp trên nhưng việc tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chưa kịp thời.

        Ba là, về thể chế, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/8/2011 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL đã phát sinh những bất cập, hạn chế như mức chicòn chung chung, khó thực hiện… nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế dẫn đến nhiều cơ quan chưa dành nguồn kinh phí thỏa đáng cho công tác này.

        Hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả của việc ban hành văn bản QPPL cũng như bảo đảm tính thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội mà còn góp phần nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính thông qua việc nâng cao chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị, tổ chức nói riêng và chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh nói chung. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung sau:

        Thứ nhất, việc rà soát văn bản QPPL phải được tiến hành thường xuyên ngay sau khi có căn cứ rà soát. Tức là, ngay sau khi có văn bản quy phạm pháp luật mới của Trung ương thì cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh cần thực hiện việc rà soát, đối chiếu các nội dung văn bản QPPL của địa phương với văn bản của Trung ương nhằm đề xuất bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo quy định.

        Thứ hai, các sở, ban, ngành cấp tỉnh cần chủ động phối hợp với Sở Tư pháp trong khi thực hiện nhiệm vụ rà soát, hệ thống hóavăn bản QPPL, bởi Sở Tư pháp là cơ quan tổng hợp, hướng dẫn công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, còn cơ quan tham mưu trực tiếp là các cơ quan chuyên môn, theo đó, các cơ quan chuyên môn cần căn cứ nhu cầu thực tiễn về quản lý nhà nước của mình, đối chiếu với các văn bản QPPL mới của Trung ương; tình hình phát triển kinh tế - xã hội để xác định nhiệm vụ rà soát thường xuyên trong năm của cơ quan mình.

        Thứ ba, kịp thời xử lý kết quả sau khi rà soát, hệ thống hóa văn bản để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những nội dung không còn phù hợp của văn bản. Các văn bản QPPL có nội dung trái pháp luật, không phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội nếu không kịp thời đình chỉ thi hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và nếu tiếp tục thực hiện thì có thể gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Do đó, qua quá trình rà soát, hệ thống hóa QPPL, phải kịp thời tiến hành tham mưu xử lý các văn bản QPPL.

        Thứ tư, kịp thời công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực hàng năm để áp dụng thống nhất trong quản lý, điều hành của cơ quan đơn vị, địa phương. Thực hiện có hiệu quả việc hệ thống hóa và công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo định kỳ 05 năm một lần.

        Thứ năm, kịp thời kiến nghị với Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/8/2011 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế./.

 

                                                                                                                                                       Dương Hà