Chi tiết - Sở Tư pháp

.

Trong thời gian qua, trên cơ sở Kế hoạch thanh tra, kiểm tra được Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt hàng năm; Thanh tra Sở phối hợp với phòng Hành chính Tư pháp và Bổ trợ tư pháp  đã  tổ chức nhiều  Đoàn thanh, kiểm tra chuyên ngành về lĩnh vực đăng ký hộ tịch, lĩnh vực chứng thực tại UBND các đơn vị trên địa bàn. Kết quả thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) cho thấy, nhìn chung về khối lượng công việc đăng ký hộ tịch, chứng thực tương đối lớn nhưng các đơn vị được kiểm tra đã có nhiều nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, giải quyết nhanh chóng, kịp thời yêu cầu của cá nhân, tổ chức; Công tác hộ tịch, chứng thực tại các đã được sự quan tâm của Cấp ủy và chính quyền địa phương; nhiều nơi đã đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất, bố trí công chức có trình độ chuyên môn phù hợp để thực hiện công tác hộ tịch, chứng thực; đội ngũ công chức Tư pháp- hộ tịch đã được bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên.

Tuy nhiên, qua kết quả công tác thanh tra, kiểm tra thấy rằng: lĩnh vực hộ tịch, chứng thực tại cấp xã vẫn còn một số tồn tại, sai phạm như sau:

- Việc ghi chép, quản lý, sử dụng, lưu trữ Sổ hộ tịch và Sổ chứng thực còn rất nhiều sai sót; nội dung ghi sổ chưa đầy đủ, chưa đảm bảo tại tất cả các đơn vị được kiểm tra, thanh tra; Nhận thức về ý nghĩa, vai trò của công tác đăng ký, ghi chép Sổ hộ tịch, Sổ chứng thực có nơi còn nhiều hạn chế. Nhiều đơn vị xem đây là công tác ghi chép sổ sách thông thường, chưa nhận thức đúng vai trò quan trọng của Sổ hộ tịch là cơ sở quan trọng để xác định thông tin hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Sai sót chủ yếu trong việc ghi sổ hầu hết là mục nơi sinh trong Sổ ghi không đúng, không đầy đủ đơn vị hành chính; Việc sửa chữa sai sót trong Sổ hộ tịch tại nhiều đơn vị xã còn tùy tiện, chưa theo quy định Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn.

 - Về nghiệp vụ giải quyết yêu cầu thay đổi hộ tịch: nhiều trường hợp thay đổi hộ tịch không có căn cứ theo quy định của Bộ luật dân sự, cho thay đổi họ, tên một cách tùy tiện; Vẫn còn tình trạng nhầm lẫn giữa thay đổi và cải chính hộ tịch, chỉnh sửa ngày tháng năm sinh không có cơ sở hoặc sai sót. Khi giải quyết các yêu cầu về cải chính hộ tịch: chưa có cơ sở pháp lý, không kiểm tra hoặc xác minh để bảo đảm nguyên tắc cải chính hộ tịch khi có sự sai sót. Nhiều nơi còn thực hiện cải chính các thông tin hộ tịch trong Giấy khai sinh để cho phù hợp với thông tin trong các giấy tờ khác như: bằng cấp, giấy tờ cá nhân khác ... chưa đảm bảo nguyên tắc “Hồ sơ, giấy tờ của cá nhân liên quan đến thông tin khai sinh phải phù hợp với nội dung đăng ký khai sinh. Việc cho phép cải chính hộ tịch nhằm hợp thức hóa hồ sơ, giấy tờ cá nhân về hộ tịch là trái quy định.

 - Về đăng ký lại khai sinh: Tại nhiều đơn vị còn thực hiện đăng ký lại khai sinh một cách tùy tiện, tràn lan, thiếu cơ sở pháp lý; thực hiện thủ tục đăng ký lại chưa chặt chẽ nên dẫn đến việc vừa đăng ký lại khai sinh vừa cải chính hoặc thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh cũ và hướng dẫn người dân thực hiện lại việc đăng ký lại khai sinh. Điều này dẫn đến hậu quả có nhiều người các thông tin trong sổ hộ tịch khác với bản chính hoặc bản sao giấy khai sinh; Trong đó không ít trường hợp lợi dụng việc dễ giải trong việc đăng ký lại để thực hiện hợp thức các giấy tờ cá nhân hoặc vi phạm pháp luật khác.

-Trong công tác chứng thực các trường hợp sai phạm chủ yếu như: Sai phạm về thủ tục chứng thực chữ ký: thực hiện trái quy định pháp luật về trình tự, thủ tục chứng thực chữ ký dẫn đến tình trạng chữ ký trên giấy tờ, văn bản không phải là chữ ký của người yêu cầu chứng thực; Đặc biệt, còn có một số đơn vị còn thực hiện chứng thực chữ ký đối với cả hợp đồng giao dịch.

Nhằm khắc phục những tồn tại, sai sót đối với công tác này, các cơ quan nhà nước cần thực hiện một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, Các cơ quan có thẩm quyền cần phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các hoạt động liên quan đến thu thập, xác lập dữ liệu nhân thân, hộ tịch, quốc tịch của người dân; kiểm tra, xác minh thông tin khi thu thập dữ liệu công dân để sớm hoàn thiện việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm cơ sở pháp lý đáp ứng nhu cầu của người dân, tổ chức trong việc tra cứu, thực hiện các thủ tục hành chính; Tăng cường quản lý và áp dụng có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ tin học trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, đây là cơ sở dữ liệu hết sức quan trọng trong việc quản lý hộ tịch và quản lý nhà nước trên các lĩnh vực khác.

Thứ hai, Sở Tư pháp chỉ đạo sát sao đối với các Phòng Tư pháp trong việc thực hiện công tác chứng thực, không để xảy ra tình trạng đăng ký hộ tịch, chứng thực tùy tiện như tại một số đơn vị thời gian qua; Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành lĩnh vực hộ tịch, chứng thực để phát hiện chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm trong công tác đăng ký hộ tịch, công tác chứng thực.

Thứ ba, kiện toàn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch; thường xuyên rà soát, bồi dưỡng và bổ sung biên chế cho đội ngũ  công chức Tư pháp-hộ tịch nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng tăng đối như thực tế hiện nay; Có phương án đầu tư cơ sở, vật chất và tạo tạo điều kiện thuận lợi để công chức tư pháp  cơ sở thực hiện tốt công tác đăng ký hộ tịch, chứng thực./.

Nguyễn Sĩ Hải-Thanh tra