Chi tiết - Sở Tư pháp

.

Ngày 11/01/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 42/QĐ-BTP về hoạt động hướng tới tổ chức kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp việt nam (28/8/1945 - 28/8/2025) và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI. Kế hoạch xác định các nội dung hoạt động gồm:

I. TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG

1. Công tác truyền thông: Tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài Ngành về truyền thống 80 năm xây dựng và phát triển của ngành Tư pháp; về vai trò, vị trí của công tác tư pháp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước; các hoạt động, mục tiêu, giải pháp của Bộ, Ngành về đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững; tuyên truyền, giới thiệu các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp...

2. Tổ chức giải Báo chí về “Ngành Tư pháp với công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”: Nhằm tôn vinh các tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc về vai trò, những kết quả công tác tư pháp trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước; tuyên truyền, giới thiệu các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân và xã hội về ngành Tư pháp và công tác Tư pháp thông qua các tác phẩm báo chí, từ đó góp phần tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân đối với các lĩnh vực công tác của Ngành...

3. Tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về ngành Tư pháp, công tác tư pháp: Thi tìm hiểu về lịch sử, chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp, về công tác tư pháp, qua đó góp phần tuyên truyển, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành và nhân dân về vai trò, vị trí của công tác tư pháp và Bộ, ngành Tư pháp.

4. Tổ chức Chương trình “Vinh danh gương sáng pháp luật” năm 2025: Biểu dương, tôn vinh các cá nhân là công dân, cán bộ, công chức, viên chức tiêu biểu trong việc xây dựng và thực hiện pháp luật, qua đó lan tỏa hình ảnh, tấm gương anh dũng, tinh thần và đức hy sinh trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

5. Xây dựng và tổ chức phát sóng phim tư liệu 80 năm ngành Tư pháp Việt Nam: Phản ánh chân thực, sinh động, nổi bật, toàn diện về các thành tựu và kinh nghiệm của ngành Tư pháp trong 80 năm xây dựng và trưởng thành.

6. Biên soạn Sách điện tử “Ngành Tư pháp Việt Nam - 80 năm xây dựng và trưởng thành”: Các bài viết, tài liệu tiêu biểu, nổi bật về lịch sử, truyền thống, thành tựu, kinh nghiệm và định hướng phát triển của Bộ, ngành Tư pháp từ khi thành lập (năm 1945) đến năm 2025; các bài nói, bài phát biểu quan trọng của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về ngành Tư pháp trong giai đoạn cải cách pháp luật, cải cách tư pháp; các luật gia điển hình, tiêu biểu của ngành Tư pháp.

7. Biên soạn Sách “Biên niên lịch sử Bộ Tư pháp Việt Nam” giai đoạn từ năm 2016 – 2025: Tổng hợp các sự kiện lịch sử của Bộ, Ngành Tư pháp giai đoạn từ năm 2016 - 2025.

8. Xuất bản Tạp chí chuyên đề về ngành Tư pháp Việt Nam giai đoạn 2015 - 2025: Các bài viết nghiên cứu, trao đổi, phản ánh về vị trí, vai trò, các thành tựu đã đạt được, các khó khăn, thách thức, định hướng, giải pháp, bài học kinh nghiệm của ngành Tư pháp trong giai đoạn 10 năm (2015 - 2025) về công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

9. Tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Hệ thống pháp luật Việt Nam - 80 năm xây dựng và hoàn thiện”: Tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Hệ thống pháp luật Việt Nam - 80 năm xây dựng và hoàn thiện” nhằm nhìn nhận, đánh giá toàn diện về chặng đường 80 năm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, trong đó nêu bật những đóng góp của Bộ, ngành Tư pháp thành tựu chung của công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật vì sự phát triển của đất nước.

10. Chỉnh trang, tôn tạo Khu di tích cơ quan Bộ Tư pháp tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang: Tu bổ, làm sạch đẹp công trình kiến trúc, khuôn viên, cảnh quan của Khu di tích, đảm bảo phục vụ tốt hoạt động tưởng niệm, tri ân, tham quan tìm hiểu, sinh hoạt truyền thống của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành Tư pháp.

11. Chỉnh trang trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc Bộ; Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tu bổ, làm sạch đẹp công trình kiến trúc, khuôn viên, cảnh quan trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc Bộ; Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

12. Cập nhật tư liệu, nghiên cứu chuyển đổi số Phòng Truyền thống Bộ Tư pháp

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ số Phòng Truyền thống: Xây dựng Phòng Truyền thống số dựa trên việc ứng dụng các nền tảng công nghệ số hiện đại phục vụ hoạt động lưu giữ, triển lãm, trưng bày tài liệu, tư liệu hiện vật lịch sử tại Phòng Truyền thống.

- Cập nhật tư liệu, hoàn thiện tính năng Phòng Truyền thống điện tử trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ: Hoàn thiện các tính năng hiện có, bổ sung các tính năng mới nhằm khai thác, vận hành, sử dụng hiệu quả Phòng Truyền thống điện tử trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành và các tổ chức, cá nhân khác về lịch sử ngành Tư pháp, góp phần tuyên truyền, giáo dục trực quan, sinh động về lịch sử, truyền thống của Ngành.

- Chỉnh trang, cập nhật tư liệu, hiện vật tại Phòng Truyền thống: Cập nhật bổ sung, kế thừa, phát huy kết quả đợt sưu tầm tài liệu, hiện vật lịch sử về Ngành và triển lãm “Ngành Tư pháp Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển”.

13. Hoạt động tri ân

- Gặp mặt cán bộ, công chức, viên chức Bộ Tư pháp qua các thời kỳ nhân dịp Ngày truyền thống của Ngành

- Tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đồng chí nguyên Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong Ngành đã nghỉ hưu; gia đình cán bộ, công chức trong Ngành có công với cách mạng, gia đình chính sách, gia đình khó khăn, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng do các đơn vị nhận phụng dưỡng

- Tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đồng chí nguyên Lãnh đạo, gia đình cố Lãnh đạo Bộ

- Tổ chức các hoạt động về nguồn; tri ân thăm hỏi Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong Ngành đã nghỉ hưu

- Tổ chức thăm hỏi gia đình cán bộ, công chức trong Ngành có công với cách mạng, gia đình chính sách, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng do các đơn vị nhận phụng dưỡng; trao tặng nhà tình nghĩa cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

- Phối hợp một số địa phương đề xuất đặt tên đường, phố mang tên các đồng chí Lãnh đạo Bộ Tư pháp qua các thời kỳ

- Tổ chức Lễ dâng hương tại Khu di tích cơ quan Bộ Tư pháp tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

14. Tổ chức Hội trại “Về nguồn” của đoàn viên thanh niên ngành Tư pháp tại Khu di tích cơ quan Bộ Tư pháp: Thực hiện các hoạt động sinh hoạt, tham quan, tìm hiểu lịch sử, truyền thống nhằm tăng cường sự hiểu biết, giao lưu, tri ân của đoàn viên thanh niên ngành Tư pháp với nhân dân xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang - nơi có Khu di tích lịch sử của Ngành.

II. HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ, THỂ THAO

1. Tổ chức “Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI”

2. Tổ chức “Giải thể thao ngành Tư pháp lần thứ III ” tại các Khu vực thi đua và pháp chế các bộ, ngành Trung ương

3. Tổ chức vòng chung kết “Giải thể thao ngành Tư pháp lần thứ III ” tại Hà Nội

III. HOẠT ĐỘNG THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

1. Đẩy mạnh tổ chức thực hiện phong trào thi đua: Căn cứ điều kiện thực tiễn, tổ chức phát động, đẩy mạnh thực hiện sâu rộng, sôi nổi các phong trào thi đua thường xuyên, thi đua theo chuyên đề trong các cơ quan, đơn vị, Cụm, Khu vực, Khối thi đua và trong toàn Ngành, ra sức thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lập nhiều thành tích thiết thực chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống của ngành Tư pháp.

2. Đánh giá, tổng kết phong trào thi đua, công tác khen thưởng giai đoạn 2021-2025: Đánh giá kết quả, vai trò của các phong trào thi đua và công tác khen thưởng ngành Tư pháp giai đoạn 2021-2025, chỉ ra những tồn tại, vướng mắc cần khắc phục, rút ra các bài học kinh nghiệm, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp tổ chức hiệu quả phong trào thi đua, công tác khen thưởng trong giai đoạn tiếp theo.

3. Xây dựng, bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến: Kịp thời phát hiện các mô hình mới, nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, những tập thể, cá nhân có những sáng kiến, giải pháp công tác, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, đạt được nhiều thành tích tiêu biểu nổi bật trong các phong trào thi đua; xây dựng, bồi dưỡng, phát triển, tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tiên tiến toàn diện, làm nòng cốt thúc đẩy hiệu quả các phong trào thi đua, góp phần thúc đẩy hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao hàng năm và cả giai đoạn 2021-2025 của các đơn vị, của Bộ, ngành Tư pháp…

4. Tổ chức Đại hội/Hội nghị điển hình tiên tiến cấp cơ sở: Tôn vinh, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến cấp cơ sở với các hình thức phù hợp; lựa chọn tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc nhất để đề nghị công nhận điển hình tiến ngành Tư pháp.

5. Công tác khen thưởng

- Khen thưởng cấp Nhà nước: Rà soát kết quả khen thưởng, thành tích tích lũy của Bộ, ngành Tư pháp; của các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền, căn cứ điều kiện thực tiễn để đề nghị cấp cho thẩm quyền khen thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước phù hợp theo quy định.

- Khen thưởng thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua thường xuyên, thi đua theo chuyên đề trong giai đoạn 2021-2025 để lựa chọn, xét khen thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng phù hợp của bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích tiêu biểu xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của bộ, ngành Tư pháp.

IV. TỔ CHỨC ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC NGÀNH TƯ PHÁP LẦN THỨ VI VÀ LỄ KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TƯ PHÁP VIỆT NAM

1. Tổ chức Lễ Báo công ngành Tư pháp trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

2. Tổ chức triển lãm tư liệu, hiện vật công tác tư pháp và thi hành án dân sự của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp

3. Tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI: Kiểm điểm, đánh giá đúng kết quả và tác dụng của phong trào thi đua yêu nước ngành Tư pháp trong năm qua (2015-2025); chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp tổ chức, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong những năm tới; ghi nhận, biểu dương những thành qủa đã đạt được và khen thưởng các cá nhân, tập thể tiêu biểu nhất của phong trào thi đua, các gương điển hình tiên tiến, cổ vũ động viên tập thể cá nhân ra sức thi đua qua đó khơi dậy và phát huy mạnh mẽ nội lực, tạo động lực mới cho việc phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Ngành.

4. Tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp tại Hà Nội: Ôn lại chặng đường 80 năm phấn đấu và trưởng thành của ngành Tư pháp; đánh giá, tổng kết được những thành tựu đạt được cũng như những yếu kém, những việc chưa làm tốt; xác định rõ những yêu cầu, định hướng và giải pháp nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ của toàn ngành trong giai đoạn phát triển mới./.

                                                                                      Lan Chi