Chi tiết - Sở Tư pháp

.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (gọi tắt là Nghị định 59), quy định về nội dung, hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật nhằm xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật và kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Sau 10 năm triển khai trên địa bàn tỉnh, Nghị định 59 đã phát huy hiệu quả nhất định ở các lĩnh vực áp dụng thực thi.

       Trong những năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đặc biệt quan tâm, quán triệt, chỉ đạo các phòng và cơ quan, đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực hiện công tác pháp chế, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe, Nghị định 59 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành qua thời gian thực hiện đã được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai ở cơ sở. Kết quả cho thấy cơ bản các tổ chức, cá nhân cũng như các cơ quan, đơn vị hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp đều tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về nông nghiệp và PTNT. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, các đơn vị chức năng đã lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm trên các lĩnh vực kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, thủy sản, kinh doanh, buôn bán thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi, quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản...

       TT Chi cục QLCLNLTS, Sở NN& PTNT lấy mẫu test nhanh tại cơ sở sản xuất nem chả - Ảnh: T.T

       Để việc triển khai thực hiện Nghị định 59 đạt kết quả tích cực, hằng năm, tỉnh đều ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật ngay từ đầu năm. Mục đích để đánh giá việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật,
thực trạng thi hành pháp luật, từ đó có cơ sở thực tiễn để xem xét, giải quyết,
hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bất cập
trong quá trình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh. Kiến nghị các giải pháp nâng
cao hiệu quả của công tác theo dõi thi hành pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ
thống pháp luật.

       Theo đó, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các lĩnh vực trọng tâm như: đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, về bảo vệ môi trường, về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thu hồi đất, giao rừng và chuyển mục đích sử dụng rừng, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy... Các sở, ngành, UBND cấp huyện kiểm tra tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý. Sở Tư pháp ban hành các kế hoạch, phương án khảo sát tình hình thi hành pháp luật về lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, tình hình thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường... Kết quả theo dõi thi hành pháp luật đã tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tổ chức, cá nhân, công dân trong việc thi hành pháp luật góp phần hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

       Công tác triển khai, phổ biến, quán triệt Nghị định 59 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được thực hiện nghiêm túc. Từ năm 2012 đến 30/9/2022, HĐND, UBND tỉnh tỉnh đã ban hành hơn 670 văn bản quy phạm pháp luật (bao gồm hơn 240 nghị quyết và hơn 430 quyết định).

       Bên cạnh những hiệu quả trong triển khai thực thi Nghị đinh 59, vẫn còn những bất
cập, hạn chế. Mặc dù Nghị định 59 đã liệt kê các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật phải thực hiện nhưng các hoạt động này lại không được quy định cụ thể, không có quy trình thực hiện, nhất là hoạt động kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật. Đơn cử như các quy định về nội dung theo dõi, nội dung xem xét, đánh giá tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật, nội dung xem xét, đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật, mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trách nhiệm theo dõi tình hình thi hành pháp luật…

       Đội ngũ cán bộ, công chức được giao phụ trách lĩnh vực theo dõi thi hành
pháp luật đều kiêm nhiệm, thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác nên việc
đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong lĩnh vực theo dõi thi hành pháp luật còn hạn
chế. Như đối với Sở Nông nghiệp và PTNT, phạm vi quản lý của ngành rộng, nhiều lĩnh vực nhưng sở chưa có tổ chức pháp chế mà phải bố trí công chức văn phòng sở kiêm nhiệm một số nội dung của công tác pháp chế. Đồng thời phân công một số nhiệm vụ cho bộ phận thanh tra sở, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa được xây dựng để triển khai thực hiện nên rất khó khăn trong việc đánh giá, tổng hợp đầy đủ, toàn diện.

       Quy định về kinh phí thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật còn khó vận dụng trong thực tiễn do Nghị định 59 chỉ xác định về nguyên tắc mà không quy định cụ thể về nội dung chi, quy định mức chi đặc thù và cũng không giao cho cơ quan chức năng có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thi hành.

       Để khắc phục những bất cập trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nên chăng cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 59 theo hướng: công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật không chỉ là của các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền địa phương mà còn là trách nhiệm thực thi của cả hệ thống chính trị, các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân. Đồng thời, xác định rõ mục đích của hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, gắn mục đích theo dõi thi hành pháp luật với việc xây dựng, phân tích chính sách, theo dõi tác động của chính sách và các vấn đề thực tiễn cần quan tâm, bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức và công dân.

Bảo Bình - Báo Quảng Trị