Chi tiết - Sở Tư pháp

 

                                                                   

                                                                    ThS. Nguyễn Thị Như Quỳnh

                                                                      Trường Chính trị Lê Duẩn

Phát triển Chính quyền điện tử làm nền tảng hướng tới Chính quyền số được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện đại hóa nền hành chính, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội, cải thiện công tác cải cách hành chính nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tại tỉnh Quảng Trị, nội dung xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã ban hành nhiều văn bản làm cơ sở để các địa phương có cơ sở thực hiện như: Kế hoạch số 5807/KH-UBND ngày 17/12/2020 của UBND tỉnh về việc Triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ; Kế hoạch số 190-KH/TU ngày 12/8/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Kế hoạch số 5884/KH-UBND ngày 21/12/2020 về Ứng dụng công nghệ thông tin phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Trị năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 04/11/2021, Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025 định hướng đến năm 2030.

Thời gian qua, công tác xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nổi bật như sau:

Thứ nhất, hệ thống thư điện tử công vụ được triển khai đồng bộ tại tất cả các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh (mail.quangtri.gov.vn). Đây là một kênh trao đổi thông tin hiệu quả giữa các địa phương, đơn vị trong và ngoài tỉnh, cũng là công cụ trao đổi thông tin của các cán bộ, công chức giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Tỷ lệ cán bộ, công chức của tỉnh được cấp hộp thư điện tử công vụ đạt 100%; tỷ lệ cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc ước đạt trên 60%. Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc (https://vpdt.quangtri.gov.vn), đáp ứng Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; được triển khai đồng bộ tại 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ văn bản được gửi qua mạng giữa các cơ qua nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 95%. Cổng thông tin điện tử, ngoài trang thông tin điện tử của tỉnh tại địa chỉ http://www.quangtri.gov.vn; đến nay 100% các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố có trang thông tin điện tử (độc lập) cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. 100% văn bản quy phạm pháp luật, hơn 90% văn bản chỉ đạo, điều hành của tỉnh được cập nhật trên trang thông tin điện tử của tỉnh; bảo đảm hệ thống chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin thông suốt từ UBND tỉnh đến các đơn vị trực thuộc.

Thứ hai, về dịch vụ công trực tuyến đã được nâng cấp, tích hợp, kết nối liên thông với các bộ, ngành. Đến nay, tỉnh đã cung cấp được 16 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1; 714 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 197 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 1051 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ https://dichvucong.quangtri.gov.vn. Tính đến ngày 30/7/2022, số lượng dịch vụ công (DVC) trực tuyến của tỉnh được tích hợp công khai trên cổng DVC quốc gia được 1.051/1.186 DVC mức độ 3, mức độ 4 (xếp thứ 17/63 tỉnh thành toàn quốc). Ứng dụng hệ thống thông tin một cửa điện tử, được triển khai đồng bộ, thống nhất đến 100% các sở, ban ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh tại địa chỉ https://motcua.quangtri.gov.vn; đã tích hợp, kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công Quốc gia và cổng thanh toán Quốc gia và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng... qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung của tỉnh (LGSP). 100% hồ sơ TTHC được tiếp nhận, chuyển xử lý và trả kết quả trên hệ thống. Ứng dụng chữ ký số chuyên dùng, toàn tỉnh có gần 800 tổ chức và 2.700 cá nhân được cấp chữ ký số chuyên dùng nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và gửi nhận văn bản qua mạng. Ứng dụng Hội nghị truyền hình triển khai tại tại Văn phòng UBND tỉnh (điểm cầu trung tâm) và 09 Văn phòng UBND cấp huyện. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đã được hỗ trợ triển khai Hội nghị truyền hình kết nối 2 chiều từ Chính phủ về cấp xã, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Thứ ba, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Theo Báo cáo Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT và Truyền thông Việt Nam (Viet Nam ICT index) năm 2020, Quảng Trị hiện đang xếp vị trí 27/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 17 bậc so với năm 2019 và tăng 20 bậc so với năm 2018; trong đó, chỉ số Hạ tầng kỹ thuật xếp vị trí 32/63 (tăng 15 bậc so với năm 2019); chỉ số Hạ tầng nhân lực xếp vị trí 16/63 (tăng 12 bậc so với năm 2019); chỉ số Ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan nhà nước xếp vị trí 38/63 (tăng 02 bậc so với năm 2019). Để phục vụ quản lý, giám sát chỉ đạo điều hành lãnh đạo tỉnh đối với lĩnh vực hành chính công tỉnh đã xây dựng API cơ chế cập nhật dữ liệu từ Cổng dich vụ công và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử tỉnh cung cấp cho Trung tâm Giám sát điều hành thông minh tỉnh Quảng Trị (IOC tỉnh). Kết nối liên thông, tích hợp Cổng dịch vụ công tỉnh với dịch vụ VNPOST của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Phối hợp với Công ty Điện lực Quảng Trị triển khai thủ tục cấp điện trung áp theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông mức độ cao trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công của tỉnh. Tỉnh đã thành lập và khai trương Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) tỉnh. Để Trung tâm IOC tỉnh hoạt động hiệu quả, các đơn vị liên quan tại địa phương sẽ triển khai các giải pháp, các ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số và phát triển đô thị thông minh. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai thử nghiệm Trung tâm giám sát điều hành an toàn an ninh mạng (SOC) tỉnh và chia sẻ dữ liệu an toàn thông tin mạng tỉnh lên Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho chuyển đổi số. Ngoài ra, Trung tâm Điều hành đô thị thông minh IOC thành phố Đông Hà cũng được thành lập đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của thành phố, nâng cao hiệu quả hoạt động của nền hành chính phục vụ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đô thị thông minh của tỉnh Quảng Trị.

Description: C:\Users\ASUS\Desktop\IOC-Quang-Tri-1.jpg

Trung tâm giám đô thị thông minh tỉnh Quảng Trị Ảnh: HT

Bên cạnh những kết quả  đã đạt được, trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh không ít khó khăn, thách thức: Cần có quá trình, thời gian để đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để phù hợp cách thức quản lý, vận hành mới. Việc kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu giữa các cơ quan còn hạn chế, nhất là ứng dụng Công nghệ thông tin trong các cơ quan khối Đảng, đoàn thể của tỉnh; số lượng hồ sơ trực tuyến còn thấp; quản lý thông tin trên không gian mạng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Tài nguyên dữ liệu số chưa được khai thác hiệu quả, nhất là phân tích thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành; nhiều doanh nghiệp của tỉnh còn chưa chủ động tiếp cận ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại; quy mô kinh tế số còn nhỏ; thương mại điện tử ở mức thấp. Ở một số ngành, lĩnh vực, người đứng đầu còn hạn chế về tâm thế thay đổi, ngại đổi mới, chưa nhìn nhận đúng vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin, ngại thay đổi thói quen từ xử lý văn bản giấy sang điện tử.

Từ thực tế nêu trên, để đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số tại tỉnh Quảng Trị cần có những giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường vai trò của người đứng đầu trong việc chịu trách nhiệm trực tiếp về xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách.  Xây dựng chiến lược và các kênh truyền thông trực tuyến để đẩy mạnh việc tham gia của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức vào chương trình xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh. Thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, triển khai thành công chuyển đổi số làm nền tảng cho phát triển kinh tế số.

Thứ hai, tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ. Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức, viên chức và tập trung theo hướng chuyên nghiêp, chuyên sâu. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin hiện có của tỉnh, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để trở thành các chuyên gia nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về chuyển đổi số. Có cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tim vào các cơ quan, đơn vị để nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ chuyển đổi số trên các lĩnh vực quan trọng. Ban hành chính sách thu hút và đãi ngộ, chế độ phụ cấp đặc thù đối với cán bộ , công chức viên chức, chuyên trách công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. 

Thứ ba, tăng cường nghiên cứu, đề xuất triển khai chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, các giải pháp tích hợp, ứng dụng, sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Chính quyền số hướng tới nền kinh tế số, xã hội số dựa trên dữ liệu mở, ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), Internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API)... tại địa phương. Các cấp, các ngành, đơn vị; kiên trì, bền bỉ thực hiện những lộ trình xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số trên địa bàn  đảm bảo nhanh, gọn, hiện đại, hiệu quả.

   Thứ tư, triển khai mô hình Hệ thống thông tin phục vụ họp không giấy tờ và xử lý công việc của UBND tỉnh, cấp huyện theo hướng dẫn của Trung ương. Rà soát, tái cấu trúc quy trình giải quyết TTHC theo hướng đơn giản, dễ sử dụng, đăng ký nâng cấp triển khai DVC trực tuyến hiệu quả. Bảo đảm an toàn thông tin; thường xuyên kiếm tra, giám sát, đánh giá an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống thông tin của tỉnh. Kết nối Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng DVC Quốc gia, Cổng thanh toán quốc gia..

Thứ năm, hoàn thành xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0). Xây dựng nền tảng Chính quyền số, đô thị thông minh; vận hành hiệu quả Trung tâm giám sát, điều hành thông minh của tỉnh theo tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.

Có thể thấy, việc xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số là tất yếu, vì vậy phát triển Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số tại tỉnh Quảng Trị đòi hỏi phải có quyết tâm của các cấp, các ngành và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.