Chi tiết - Sở Tư pháp

Thạc sĩ Cao Thị Hà- Giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn 

 

     Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề cập đến rất nhiều vấn đề mới trên các lĩnh vực, mở ra một thời kỳ mới trong tiến trình phát triển đất nước, trong đó, một số quan điểm mới về tăng cường pháp chế trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) cần quán triệt trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại các trường chính trị tỉnh, thành trực thuộc Trung ương nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ cơ sở, góp phần chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.

 

     Pháp chế xã hội chủ nghĩa, hiểu một cách chung nhất là chế độ của đời sống chính trị - xã hội, trong đó nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật; các cơ quan, tổ chức và mọi công dân đều phải tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách nghiêm chỉnh, triệt để và thống nhất. Mọi vi phạm pháp luật đều bị xử lý.

 

     Như vậy, thực chất của việc tăng cường pháp chế là tăng cường chế độ quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật để mọi chủ thể trong xã hội đều hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

 

     Tăng cường pháp chế XHCN là vấn đề mang ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt. Đối với Đảng, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa là biện pháp đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Nhà nước thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng bằng pháp luật, pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất cũng chính là đường lối, chủ trương của Đảng được thực hiện trong thực tế. Đối với Nhà nước,tăăng cường pháp chế XHCN có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Đối với Nhân dân, tăng cường pháp chế XHCN là điều kiện, biện pháp bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, bởi vì các quyền dân chủ của công dân chỉ có thể được pháp luật quy định và bảo vệ.  Chính vì vậy, Đại hội XIII của Đảng xác định: một trong những mối quan hệ lớn cần phải nắm vững và xử lý tốt trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và các giai đoạn tiếp theo, đó là “mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội” [1]. Đây là sự nhất quán quan điểm của Đảng ta, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bảo đảm vừa phát huy dân chủ, vừa giữ vững kỷ cương, pháp luật để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trên nền tảng dân chủ và tinh thần thượng tôn pháp luật.

 

     Điều 2 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” [2]Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhà nước quản lý và điều hành xã hội trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật; mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nhà nước đó được xây dựng trên nền tảng dân chủ và tinh thần thượng tôn pháp luật. Thượng tôn pháp luật là điều kiện tiên quyết để dân chủ được thực hành rộng rãi và thực chất.  Vì thế, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN luôn đi liền với tăng cường pháp chế XHCN.

 

     Đánh giá kết quả xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong thời gian qua, Đại hội XIII  khẳng định: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; bảo đảm thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

 

     Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản. Vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước và đời sống xã hội. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực. Bộ máy nhà nước bước đầu được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn gắn với tinh giản biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” [3].

 

     Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta cũng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới” [4].

 

     Cụ thể:  Vấn đề đổi mới đồng bộ, phù hợp giữa kinh tế với chính trị, văn hoá, xã hội, giữa đổi mới kinh tế với đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước có một số mặt chưa rõ nên còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ.

 

     Chất lượng luật pháp và chính sách trên một số lĩnh vực còn thấp. Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; kỷ cương, phép nước còn bị xem nhẹ, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước.

 

     Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có chuyển biến rõ rệt; công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi còn hình thức. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế, tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.

 

     Một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 đó là: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước” [5].

 

     Để thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới, nhiệm vụ tiếp tục tăng cường công tác pháp chế là vô cùng cần thiết và phải thực hiện một số giải pháp sau:

 

     Thứ nhất, tăng cường pháp chế trong hoạt động xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để có hệ thống pháp luật chất lượng, hiệu quả, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn.

 

     Pháp luật XHCN là cơ sở, tiền đề của pháp chế XHCN, vì vậy muốn tăng cường pháp chế XHCN phải xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, bảo đảm cho tất cả hoạt động nhà nước đều dựa trên cơ cấu thích hợp và cơ chế chặt chẽ, bảo đảm cho tất cả các hoạt động của công dân điều có pháp luật làm cơ sở. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Đẩy mạnh việc hoàn thiện, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có sức cạnh tranh quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới” [6] Đặc biệt, để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, Đại hội xác định: Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với những điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết [7].

 

     Muốn xây dựng được hệ thống pháp luật thực sự chất lượng tốt về nội dung và hình thức, đảm bảo tính khả thi thì việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL là vô cùng quan trọng. Cụ thể:

 

     Một là, thể chế hoá kịp thời đường lối chính sách của Đảng thành pháp luật;

 

    Hai là, quá trình xây dựng pháp luật phải xuất phát từ nhu cầu khách quan của các điều kiện kinh tế xã hội ở thời điểm tồn tại của nó;

 

    Ba là, phải có kế hoạch xây dựng phù hợp với mỗi giai đọan và mang tính khả thi cao, trong từng giai đọan cần có trọng tâm, trọng điểm để ban hành các văn bản kịp thời đối với sự phát triển của các quan hệ xã hội.

 

        Thứ hai, tăng cường pháp chế trong thực hiện pháp luật để đưa pháp luật đi vào cuộc sống

 

     Pháp luật đã ban hành phải được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Không tổ chức, cá nhân nào được đặt mình ra ngoài vòng pháp luật. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật,…” [8].

 

     Trong thực hiện pháp luật cần làm tốt một số mặt sau:

 

     + Tăng cường công tác cụ thể hoá luật, pháp lệnh để triển khai thực hiện nhanh chóng, có hiệu quả, khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc cụ thể hoá luật, pháp lệnh.  

 

     + Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật để mọi chủ thể hiểu và thực hiện nghiêm chỉnh, triệt để và thống nhất.  

 

   + Nâng cao ý thức pháp luật, năng lực pháp luật cho cán bộ, công chức,  viên chức để áp dụng đúng pháp luật trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

 

       Thứ ba, tăng cường pháp chế trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật

 

     Đại hội XIII của Đảng xác định: Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội [9].

     Để làm việc này, cần tiến hành đồng bộ các công tác như sau:

     + Tăng cường công tác giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước.

     + Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan hành chính nhà nước.

    + Giải quyết kịp thời các khiếu nại tố cáo của công dân.

     + Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh những vi phạm pháp luật, bảo đảm nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

 

     Thứ tư, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước

 

     Đại hội XIII: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị” [10].

 

     Đây là yêu cầu cơ bản của việc xây dựng Nhà nước, làm cho Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định sự ra đời, trưởng thành của Nhà nước ta, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cải cách, đổi mới Nhà nước là phải nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng mới đảm bảo cho quá trình đổi mới Nhà nước được thực hiện đúng hướng và có hiệu quả. Đảng lãnh đạo Nhà nước không có nghĩa là bao biện, làm thay Nhà nước; mọi tổ chức của Đảng và đảng viên đều hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.

 

     Vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một trong những vấn đề được Đại hội XIII đề cập đến một cách toàn diện, sâu sắc. Những kết quả, phương hướng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được đề cập trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng là hết sức khách quan và khoa học nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền  XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới. Từ những vấn đề lý luận và thực tiễn nêu trên, rõ ràng, pháp chế xã hội chủ nghĩa đã thể hiện vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội ở Việt Nam và chắc chắn, pháp chế xã hội chủ nghĩa sẽ còn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay./.

 

 [1], [3][4][5][6][7][8][9][10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.39; tr. 71-72; tr. 89; tr. 118; tr. 51; tr. 135; tr. 179; tr. 118; tr. 174.

[2] Hiến pháp 2013.