Chi tiết - Sở Tư pháp

.

Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã ban hành được 10 năm và được triển khai thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt. Với tinh thần đó, ngay từ khi Luật mới ban hành, tỉnh Quảng Trị đã xác định thực hiện Luật PBGDPL phải tiến hành trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm và hiệu quả. Sau 10 năm, những nét nổi bật đã đạt được trong công tác này có thể nhận thấy ở các nội dung sau:

Thứ nhất, công tác chỉ đạo, lãnh đạo của cơ quan quản lý Nhà nước đã được tiến hành kịp thời và toàn diện.

Ngay sau khi Luật PBGDPL có hiệu lực thi hành, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ra Quyết định số 1506/QĐ-UBND ngày 24/8/2012 ban hành Kế hoạch triển khai Luật PBGDPL trên địa bàn tỉnh, theo đó đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức phổ biến, tuyên truyền Luật đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn. Việc phổ biến, tuyên truyền Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành được thực hiện bằng nhiều hình thức như hội nghị, thảo luận tại các cuộc họp, lồng ghép vào sinh hoạt của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Từ năm 2012 đến nay, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành 34 Kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo về công tác PBGDPL. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện căn cứ trên Kế hoạch của UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, công văn chỉ đạo và hướng dẫn triển khai nhiệm vụ công tác PBGDPL phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương mình. Việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nội dung của Luật PBGDPL cũng được các cấp, các ngành thực hiện thường xuyên hàng năm. Vì thế, kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để có biện pháp chấn chỉnh và tháo gỡ cho các địa phương, đơn vị.

Thứ hai, các sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ngày càng thể hiện trách nhiệm của mình trong PBGDPL

Nếu như trước đây, PBDGPL đã được đánh giá là một nhịp cầu để nối với pháp luật với người dân thì sau khi Luật PBGDPL có hiệu lực, công tác này ngày càng được các cấp, các ngành chú trọng và thực sự đã có một hành lang pháp lý rõ nét để thực hiện. Trước tiên phải kể đến đó là, HĐND các cấp đã ban hành các Nghị quyết nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phân bổ dự toán ngân sách địa phương cho công tác PBGDPL, đồng thời giám sát việc thực hiện pháp luật về PBGDPL trong phạm vi địa phương mình thông qua các đợt kiểm tra công tác PBGDPL tại Sở Tư pháp và về cơ sở.

Bên cạnh đó, UBND các cấp đã ban hành chương trình, kế hoạch, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm và giai đoạn; thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai và kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chú trọng xây dựng, tập huấn, bồi dưỡng, quản lý đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo viên, giảng viên dạy pháp luật theo quy định của pháp luật; luôn quan tâm, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

Các học viên đang chia sẻ kỹ năng, phương pháp tuyên truyền pháp luật.

Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đã chủ động phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý qua hình thức trực tiếp, đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử, báo, bản tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị kết hợp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động chuyên môn; xây dựng, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã quan tâm tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, đoàn viên của tổ chức mình; vận động nhân dân chấp hành pháp luật; vận động tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia và hỗ trợ hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật; phối hợp với cơ quan nhà nước, tổ chức hữu quan phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân; xây dựng, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật của tổ chức mình; đặc biệt đã thực hiện chức năng giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định

Thứ ba, vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL và thành viên Hội đồng ngày càng được nâng cao

Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Quảng Trị được thành lập ngày 11/9/2013 với 29 thành viên. Công tác kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp luôn được chú trọng. Năm 2021, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh được kiện toàn với  số lượng là 36 thành viên do có sự thay đổi về thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn (Theo Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về của Hội đồng phối hợp PBGDPL). Ngay sau đó, Quy chế hoạt động của Hội đồng được ban hành đồng thời Tổ Thư ký giúp việc cho Hội đồng cũng đã được thành lập với số lượng 05 thành viên. Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện cũng đã được kiện toàn kịp thời khi có sự thay đổi chức danh, vị trí công tác.

Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, cấp huyện đã tham gia tích cực vào việc tư vấn cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp về xây dựng Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm và các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương, huy động nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Các cơ quan, đơn vị đã chủ động phối hợp chặt chẽ trong công tác PBGDPL và xem đây là một nhiệm vụ chung trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.        

Thứ tư, nội dung PBGDPL đã đi đúng trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ đáp ứng yêu cầu của đơn vị, địa phương

Nhìn chung, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện tốt các nội dung PBGDPL quy định tại Điều 10 của Luật PBGDPL. Từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã, các cơ quan, ban ngành và đã phương đã chú trọng thực hiện các nhiệm vụ PBGDPL trong lĩnh vực quản lý nhà nước, phối hợp các các cấp, các ngành để phổ biến quy định pháp luật. Nổi bật là Hiến pháp năm 2013, Bộ luật dân sự năm 2015, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ Luật hình sự năn 2015, Luật hôn nhân và gia đình, Luật Hộ tịch, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật bình đẳng giới, Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường, Luật lao động, pháp luật về quốc phòng, an ninh, Luật Thủy sản, , Luật An toàn thực phẩm, Luật Giáo dục, Luật giao thông, Luật phòng chống ma túy, Luật phòng chống tham nhũng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, cải cách hành chính... và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hàng năm, việc phổ biến các văn bản pháp luật mới được ban hành, các nghị quyết của HĐND, các quyết định của UBND được địa phương chú trọng thực hiện.

Bên cạnh đó, công tác  PBGDPL về các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế cũng được tiến hành thường xuyên như: Công ước Luật biển, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước về quyền của người khuyết tật …

Song song với việc PBGDPL, các sở, ban, ngành và địa phương đã tập trung giáo dục về lợi ích của việc chấp hành pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân. Từ đó hình thành niềm tin vào công lý, nâng cao ý thức bảo vệ pháp luật; đồng thời, thực hiện việc nêu gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng để lan tỏa nhận ý thức chấp hành pháp luật.

Lồng ghép hoạt động văn hóa văn nghệ là một trong những hình thức PBDGPL có hiệu quả

Thứ năm, hình thức PBGDL ngày càng đa dạng, khai thác lợi thế của công nghệ thông tin trong PBGDPL

Hình thức truyền thống và phổ biến nhất được thực hiện thường xuyên, liên tục tại các cơ quan, ban ngành, các tổ chức chính trị- xã hội, tại địa phương là phổ biến pháp luật trực tiếp, tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật. Thông qua đó, người làm công tác tuyên truyền có cơ hội tiếp xúc gần với đối tượng cần PBGDPL, hiểu rõ tâm tư, giải đáp, cung cấp, hướng dẫn kịp thời các quy định pháp luật liên quan để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Bên cạnh đó, việc phổ biến pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động, đăng tải trên Công báo; đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức, khu dân cư cũng đồng thời được chú trọng. Điển hình như Sở Tư pháp phối hợp với Đài PTTH Quảng Trị thực hiện chuyên mục truyền hình “Pháp luật và đời sống”. Báo Quảng Trị mở các chuyên trang tuyên truyền về luật đất đai, luật bầu cử... và thực hiện  tuyên truyền pháp luật thông qua các bài viết, phóng sự. Hầu hết các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện đã có Trang thông tin điện tử và đã thực hiện đăng tải văn bản pháp luật, thông tin pháp luật trên trang. Việc tuyên truyền pháp luật thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở phát huy hiệu quả tốt (nhất là các xã nông thôn và miền núi). Đơn cử như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý cảng cá tuyên truyền qua loa phóng thanh về Luật Thủy sản, các văn bản liên quan khai thác thủy sản của tàu cá, hoạt động IUU. Các bảng pano, áp phích tuyên truyền pháp luật là trực quan sinh động tác động đến các giác quan, giúp cho người dân ghi nhớ một cách tự nhiên, thấm dần các kiến thức pháp luật. Đặc biệt, với sự bùng phát mạnh mẽ của Internet, công tác PBGDPL qua Internet ngày một trở nên phổ biến, nhiều cơ quan mở các trang Facebook, Zalo để đăng tải nội dung PBGDPL, thu hút nhiều lượt tương tác.

Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật là một trong những hình thức được quan tâm thực hiện. Đó có thể là thi tìm hiểu pháp luật qua sân khấu (Tìm hiểu chương trình cải cách hành chính), thi viết (Tìm hiểu Hiến pháp 2013, Tìm hiểu pháp luật phòng chống tham nhũng), thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến.

Ngoài ra, hoạt động PBGDPL còn được thực hiện thông qua hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở. Đây là những hoạt động rất thiết thực, đáp ứng nhu cầu cần tư vấn, giải quyết kịp thời các mẫu thuẫn trong cộng đồng dân cư, hạn chế khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp.

Lồng ghép PBGDPL trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở được UBMTTQ Việt Nam các cấp, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh Niên, Hội Cựu chiến, binh, Hội Nông dân quan tâm thực hiện trong các sinh hoạt đoàn thể, trong các cuộc thi sân khấu, văn nghệ, tọa đàm, giao lưu... Mỗi xã, phường đều có tủ sách pháp luật được đặt tại nhà văn hóa cộng đồng, các câu lạc phòng chống tội phạm...

Một nét mới trong thời gian qua là sự tăng cường PBGDPL thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.Sở Giáo dục và Đào tạo đã chú trọng công tác giảng dạy chính khóa các nội dung pháp luật trong bộ môn giáo dục công dân và giảng dạy lồng ghép trong các môn học khác. Hình thức này có hiệu quả rất cao, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật cho công dân tương lai từ rất sớm, hình thành thói quen sống và làm việc theo pháp luật.

Các mô hình PBGDPL mới, cách làm hiệu quả, sáng tạo được áp dụng trong thời gian qua. Nổi bật như mô hình “Câu lạc bộ ông bà mẫu mực con cháu thảo hiền” tại thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang; câu lạc bộ “Tuổi trẻ và pháp luật” ở các phường 2, phường 4, phường Đông Lương thành phố Đông Hà; “mô hình giảm tình trạng tảo hôn ở huyện miền núi Đakrông”; “ Hội Nông dân tham gia tiếp công dân,giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội ”; “Gia đình hội viên phụ nữ không vi phạm pháp luật” tại xã Hải Quế, Hải Sơn, Hải Thành huyện Hải Lăng... .Các mô hình PBGDPL hoạt động có hiệu quả, dần đi vào chiều sâu, hạn chế được các tệ nạn xã hội.

Thứ sáu, nguồn nhân lực cho tổ chức thực hiện Luật PBGDPL ngày càng được tăng cường

Lực lượng Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật hàng năm đều được củng cố, kiện toàn đảm bảo về số lượng, chất lượng và được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, công tác tuyên truyên, phổ biến pháp luật ngày càng hoạt động có hiệu quả.

Đến nay toàn tỉnh hiện có 202 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh. (Trong đó: Đại học Luật: 44; đại học khác: 140; sau đại học: 18). Số lượng báo cáo viên cấp huyện 195 (Trong đó: Trình độ: ĐHL: 131; ĐH khác: 55; Sau ĐH: 9). Số lượng tuyên truyền viên pháp luật cấp xã có 1.161 (Trong đó: Đại học Luật: 548, đại học khác: 276).

Ngoài ra, có nhiều tổ chức, cá nhân có đóng góp lớn tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật như thành viên tổ hòa giải ở cơ sở có 5.352 người, hội viên, chủ nhiệm các câu lạc bộ pháp luật, đội ngũ cán bộ ở cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng, đội ngũ giáo viên là lực lượng đông đảo tham gia các hoạt động tuyên truyền pháp luật; Hội luật gia, Luật sư, các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí, truyền thong… Những cơ quan, tổ chức, cá nhân này đã phát huy tinh thần chủ động trong thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ, công nhân, ngưởi lao động, người dân ở cơ sở.

Vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ra Quyết định tặng bằng khen cho 10 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm biểu dương, ghi nhận và động viên những tập thể, các nhân đã hết sức nỗ lực trong việc bắc nhịp cầu pháp luật đến với mọi tầng lớp nhân dân.

Hòa giải viên ở cơ sở - lực lượng hùng hậu trong PBGDPL

Thứ bảy, Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dần trở thành một hoạt động PBGDPL nổi bật, nhận được sự hưởng ứng của các cơ quan, ban, ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân.

Hàng năm, trên cơ sở Kế hoạch, hướng dẫn của Bộ Tư pháp về công tác PBGDPL, căn cứ vào Kế hoạch về công tác PBGDPL, hoà giải cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch, Công văn hướng dẫn hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, Hội đồng PHPBGDPL tỉnh đã ban hành Công văn hướng dẫn các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Hội đồng PHPBGDPL huyện, thị xã, thành phố tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Việc tổ chức thực hiện ngày pháp luật ở cơ quan, đơn vị địa phương đã được triển khai với nhiều nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phong phú đa dạng. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động lựa chọn các hình thức phù hợp để triển khai, phổ biến các Luật mới ban hành, văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý, lĩnh vực hoạt động của đơn vị mình. Việc tuyên truyền, phổ biến được thực hiện dưới nhiều hình thức như hội nghị, tuyên truyền bằng trực quan (khẩu hiệu, băng rôn, biểu ngữ); qua các trang thông tin điện tử; sử dụng mạng lưới loa truyền thanh cơ sở; ngày hội pháp luật; thiết lập chuyên trang, chuyên mục phát thanh, truyền hình để tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tổ chức các tọa đàm, hội thảo về thực thi pháp luật; áp phích, pa-nô, băng rôn, cờ, phướn trên đường phố chính, khu trung tâm, cơ quan, đơn vị, trường học, địa điểm công cộng; ra quân tình nguyện, hoạt động giáo dục ngoại khóa ngoài giờ lên lớp; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý

Những nỗ lực đó đã đem tới cho chặng đường 10 năm qua của công tác PBGDPL những màu sắc mới, gặt hái được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã đi vào nề nếp, các cơ quan đơn vị đã xây dựng các Chương trình, Kế hoạch PBGDPLP với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp với từng chức năng, nhiệm vụ của mình. Các hoạt động PBGDPL đã được triển khai đồng bộ, ngày càng có chiều sâu, nâng cao về chất lượng và tính hiệu quả, thu hút sự tham gia của nhiều người, sự quan tâm của toàn xã hội.  Hoạt động PBGDPL thực sự khẳng định là cầu nối vững chắc giữa ban hành pháp luật và thực thi pháp luật, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ta.

Đào Bình

Phòng PBGDPL &TDTHPL