Chi tiết - Sở Tư pháp

.

Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật hòa giải.

Hoạt động hòa giải được thông qua các hòa giải viên ở các tổ hòa giải. Đó là những người sinh sống ngay tại địa bàn/cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và đáp ứng các tiêu chuẩn (1) Có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư;  và (2) có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật.

Thực tiễn đã chứng minh sự đóp góp to lớn của công tác hòa giải nói chung và hòa giải viên nói riêng vào việc giữ gìn đoàn kết, gắn bó cộng đồng, củng cố phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, giảm các khiếu kiện khiếu nại vượt cấp. Điều này có nghĩa là giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan công quyền trong việc giải quyết khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo.

Các nhóm học viên cử đại diện trình bày sản phẩm của mình sau khi đã thảo luận.

Nhận thức được vai trò to lớn của hòa giải viên như đã nói trên, hàng năm, Sở Tư pháp đều có chương trình tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên. Nội dung tập huấn  theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành ( thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” phủ được phê duyệt bởi Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019).

Tuy nhiên, điều đáng nói là lâu nay, phương pháp tập huấn được sử dụng tại Hội nghị nghiêng về phương pháp giảng dạy truyền thống. Phương pháp này có đặc điểm là giảng viên sẽ truyền đạt nội dung bài giảng, sau đó, phát các bài tập cho học viên xử lý. Tuy nhiên, sau quá trình tổ chức các hội nghị, chúng tôi nhận thấy nếu duy trì phương pháp truyền thống sẽ hạn chế đến năng lực tiếp thu của các học viên là hòa giải viên. Nếu chỉ lắng nghe thì các học viên sẽ chỉ ghi nhớ được 20% và thậm chí không hiểu sâu sắc được bản chất của vấn đề. Các học viên ngại ngùng không có cơ hội để đặt câu hỏi cho giảng viên để giải đáp thắc mắc.

Vì vậy,  năm nay, Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật đã mạnh dạn nghiên cứu và quyết định áp dụng phương pháp mới trong tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên, đó là phương pháp tập huấn tích cực. Khi áp dụng phương pháp này,  giảng viên sẽ đặt câu hỏi và tạo điều kiện cho học viên được tham gia thảo luận ngày từ đầu và trong suốt quá trình tập huấn. Bắt đầu các buổi đều có chương trình khởi động như là cùng hát, tham gia trò chơi vui nhộn nhằm tạo sự gắn kết của cả lớp học. Sau đó, thực hiện phân tổ ngẫu nhiên để chia các học viên ra thành nhiều nhóm. Các nhóm được cung cấp giáo cụ chuẩn bị sẵn để học viên sử dụng, ghi chép và sau đó trình bày các ý tưởng của nhóm mình. Học viên không chỉ ngồi nghe mà đặt câu hỏi với giảng viên và các học viên khác, đóng góp ý kiến vào các sản phẩm/câu trả lời của các nhóm học viên khác. Bên cạnh đó, học viên còn được khuyến khích chủ động nêu tình huống để giảng viên/học viên khác giải quyết.

Hòa giải viên trình bày cách xử lý tình huống hòa giải giả định ở cơ sở

Phương pháp tập huấn tích cực được áp dụng trong việc tập huấn cho hòa giải viên đã mang lại những kết quả rất bất ngờ. Trước hết, cũng phải cần nói qua một chút về nỗi lo lắng của chúng tôi khi thử nghiệm phương pháp này. Vì đối tượng hòa giải viên được tập huấn đợt này ở miền núi và rất nhiều người dân tộc thiểu số với tâm lý hay e ngại, ít phát biểu. Điều đó có vẻ không thuận lợi cho việc lần đầu tiên thử nghiệm một phương pháp mới. Tuy nhiên, kết quả lại đi quá sự mong đợi của ban tổ chức hội nghị. Đó chính là:

Thứ nhất, phương pháp tập huấn tích cực đã tác động đến quá trình chủ động học tập, nắm bắt các quy định pháp luật, kỹ năng hòa giải của các hòa giải viên cơ sở. Vì vậy họ ghi nhớ các nội dung được truyền đạt lâu hơn, sâu sắc hơn. Các câu hỏi mang tính công não đã kích thích sự tìm tòi của các học viên. Họ không còn ở thế thụ động tiếp thu kiến thức một chiều mà phải cùng nhau đi tìm những đáp án chính xác (trong bộ tài liệu đã được cung cấp). Trong sự hạn chế về thời gian, bộ não dường như làm việc với công suất cao hơn và giúp họ hiểu nhanh và ghi nhớ sâu sắc hơn.

Thứ hai, phương pháp này đưa đến cơ hội cho hòa giải việc được thực hành, được trao đổi thảo luận, vì vậy họ đã đóng vai trò chính trong giải quyết các tình huống hòa giải, tích cực tìm kiếm các biện pháp hiệu quả cho công tác hòa giải, trau dồi các kỹ năng thực hiện hòa giải. Ở đây, người học là trung tâm của lớp học. Giảng viên là người định hướng và giải quyết khi có nhiều ý kiến trái chiều. Có rất nhiều hòa giải viên đã đưa ra các cách giải quyết cực kỳ tinh tế mà đúng pháp luật, rất đúng với phương châm của công tác hòa giải “có lý, có tình”. Bên cạnh đó, học viên ở các nhóm khác nhau cũng mạnh dạn phản biện khi không đồng quan điểm. Điều này thực sự mang tới cho hội nghị một không khí dân chủ, cởi mở.

Các học viên cùng hỗ trợ nhau trong quá trình giải quyết nhiệm vụ được phân công

Thứ ba, phương pháp tập huấn tích cực đã tạo không khí vui tươi, gắn bó giữa giảng viên và học viên, giữa học viên và học viên, thiết lập mối quan hệ trao đổi liên quan đến nghiệp vụ trong quá trình thực hiện công tác hòa giải về sau. Với việc khởi động đầu buổi bằng trò chơi, bài hát vui nhộn và phân nhóm ngẫu nhiên, Ban tổ chức hạn chế được sự co cụm của các học viên và tạo cơ hội cho các học viên ở khác thôn, khác xã (nhưng giờ lại cùng nhóm) có cơ hội làm quen, giao lưu, trao đổi với nhau. Không khí lớp tập huấn được thiết lập sôi nổi, rộng ràng ngay từ đầu, phá bỏ các rào cản tâm lý e ngại. Vì vậy các học viên cảm thấy khá thoải mái khi trao đối với nhau. Từ đó, hình thành và xây dựng mối quan hệ trong lớp học và cả trong công tác về sau.

Để thực hiện hội nghị với phương pháp tập huấn tích cực, trước hết, đòi hỏi từ giảng viên phải chuẩn bị các điều kiện như văn  phòng phẩm, các dụng cụ hỗ trợ như máy tính, máy chiếu, chuẩn bị các clip bài hát, trò chơi, xây dựng các tình huống cần hòa giải ở cơ sở, bố trí lớp học thuận tiện cho việc chia nhóm và thuận lợi giảng viên quán xuyến chung lớp học.Bên cạnh đó, giảng viên chủ động để chuẩn bị tốt tâm lý của các học viên, tận dụng thời gian ban đầu phá bỏ đi các rào cản tâm lý, nhanh chóng thiết lập không khí cởi mở, thoải mái trong lớp học.

Về phía học viên khi tham gia hội nghị rất cần sự tích cực, chủ động, đến lớp với tâm thế học hỏi và trao đổi kinh nghiệm, cần xác định được mục đích của lớp học, không nề hà tham gia các trò chơi hay là các tình huống phải giải quyết trong hòa giải ở cơ sở mà giảng viên đưa ra, mạnh dạn phát biểu trước tổ/nhóm và trước hớp học, sáng tạo trong hình thức tư vấn, giải thích, thuyết phục các đối tượng hòa giải ở cơ sở.

Tập huấn cho hòa giải viên là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của Sở Tư pháp. Vì vậy, phương pháp tập huấn tích cực này sẽ được áp dụng vào các năm tiếp theo để nâng cao hiệu quả hoạt động của hòa giải viên nói riêng và của hoạt động hòa giải ở cơ sở nói chung. Với phương pháp này, tin tưởng các giảng viên sẽ truyền đạt được một cách sâu sắc hơn những nội dung quy định pháp luật, tạo cơ hội thực hành cho học viên. Từ đó, các học viên – hòa giải viên sẽ tiếp thu được khối lượng kiến thức nhiều hơn, nắm vững các nguyên tắc cơ bản, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, đóng góp cho cộng đồng, thôn bản, làng xã, khu phố để nơi đó luôn đầy ắp tiếng cười, tràn trề tình làng nghĩa xóm và là nơi bình yên hoa trái ngọt lành.

                                                                  

                                                  Bài và ảnh: Đào Bình -  Sở Tư pháp