Chi tiết - Sở Tư pháp

.

       Luật Hòa giải ở cơ sở đã tác động tích cực đến đời sống của toàn xã hội, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho công tác hòa giải ở cơ sở và công tác này dần đi vào nề nếp, thống nhất, hoạt động có hiệu quả tạo bước chuyển biến trong công tác hòa giải ở cơ sở. Các Tổ hòa giải đã được kiện toàn bảo đảm đúng quy định, chất lượng hòa giải được nâng lên, thể hiện qua tỷ lệ các vụ hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước, số vụ hòa giải thành ngày càng tăng, đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân. Các Tổ hòa giải được củng cố, mở rộng thu hút được nhiều thành phần, nhiều lực lượng tham gia. Công tác tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên luôn được chú trọng. Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, ý thức “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh

 

Description: C:\Users\DELL\Desktop\A1-T.jpg

Một buổi tuyên truyền Luật Hòa giải tại huyện Đakrông

       Có thể khẳng định rằng hòa giải ở cơ sở là biện pháp quan trọng góp phần giải quyết tận gốc các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, xây dựng con người Việt Nam sống có ý thức cộng đồng, có lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, tôn trọng pháp luật, quan hệ hài hòa trong gia đình và xã hội. Nhận thức rõ vị trí, vai trò và ý nghĩa to lớn của công tác hòa giải ở cơ sở nên Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác này, luôn coi việc khuyến khích, tăng cường công tác hòa giải là một chủ trương nhất quán trong quản lý xã hội hiện nay. Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở. Trong thực tiễn cuộc sống, với những mối quan hệ đa dạng và phức tạp dễ phát sinh những mâu thuẩn, xích mích và tranh chấp nhỏ từ gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư, nếu không giải quyết kịp thời dễ nảy sinh những căng thẳng, rạn nứt, gây mất đoàn kết dẫn đến các tranh chấp, khiếu kiện kéo dài gây mất trật tự, an toàn xã hội ở khu dân cư. Hòa giải ở cơ sở đem lại những lợi ích rất thiết thực như tiết kiệm thời gian, nếu vấn đề được giải quyết kịp thời, các tranh chấp được giải quyết ổn thỏa, không bị kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng. Hòa giải ở cơ sở mang đậm tính nhân văn trên cơ sở đạo đức xã hội và các quy định của pháp luật.

 

Description: C:\Users\DELL\Desktop\A2-T.jpg

Hòa giải viên đang thảo luận các tình huống hòa giải

       Trong  những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và công tác hòa giải ở cơ sở nói riêng đã được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền trong toàn tỉnh đặc biệt quan tâm.  Quốc hội đã ban hành Luật hòa giải ở cơ sở và Luật có hiệu lực từ 01/01/2014; Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 09/12/2003 “ Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân”. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU  ngày 6/4/2018 yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục tổ chức quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW  ngày 19/12/2003, Kết luận số 04-KL/TW  ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở; Quyết định số 705/QĐ-TTg, ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 827 tổ hòa giải cơ sở với 5300 hòa giải viên trong đó nam: 4119, nữ 1184, chuyên môn luật: 133. Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần giải quyết kịp thời tại cơ sở các mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp, góp phần giữ gìn tình đoàn kết, gắn bó trong nội bộ Nhân dân, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân tại cộng đồng, tạo nên sự đồng thuận, ổn định, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.

       Kết quả: Trong 3 năm từ năm 2020 - 2022 số vụ việc được các tổ chức xã hội, hòa giải viên các cấp tiếp nhận là:  1769 vụ, hòa giải thành: 1308 vụ, hòa giải không thành và đang giải quyết: 425 vụ (mâu thuẫn giữa các bên: 176 vụ; tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình: 102; vụ việc khác: 56 vụ). Tỉ lệ hòa giải thành bình quân hàng năm trên 80 %.

       Tại Sở Tư pháp: Công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng cho hòa giải viên ở cơ sở được chú trọng. Từ năm 2019 đến 2022, Sở Tư pháp đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ PBGDPL và hoà giải cơ sở cho 450 người là tuyên truyền viên và hoà giải viên cơ sở của hai huyện Hướng Hoá và Đakrông. Tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng xử lý các tình huống về hoà giải cho 280 hoà giải viên của huyện Hải Lăng. Tập huấn nghiệp vụ và xử lý tình huống hòa giải cho 210 hòa giải viên của Tổ hòa giải cơ sở tại địa bàn thị trấn Krông Klang, UBND xã Tà Long, UBND xã Ba Lòng, huyện Đakrông, cấp phát miễn phí 1366 tài liệu miễn phí (trong đó 2590 tờ gấp pháp luật với nội dung: Thủ tục bầu Hoà giải viên cơ sở, các tình huống và cách giải quyết tình huống trong công tác hòa giải... Ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật Sở còn phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tập huấn nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho hòa giải viên cơ sở năm 2020 tại địa bàn huyện và triển khai công tác hòa giải trên địa bàn toàn tỉnh cụ thể: Đầu năm 2021,2022 theo kế hoạch tuyên truyền, phổ biến năm 2021,2022 của Phòng Tư pháp thị xã Quảng Trị và yêu cầu về bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và hoà giải viên của thị xã Quảng Trị, Phòng PBGDPL & TDTHPL - Sở Tư pháp đã phối hợp với Phòng Tư pháp thị xã Quảng Trị tuyên truyền, phổ biến Luật PBGDPL, các kỹ năng hoà giải, lập hồ sơ hoà giải thành cho đội ngũ Báo cáo viên, Hoà giải viên cơ sở trên địa bàn thị xã với số lượng người tham gia là 450 lượt người.

       Tại các địa phương: Từ năm 2019 - 2022 số lượng hòa giải viên cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải 9486, số tài liệu cấp phát miễn phí 9486.

 

Description: C:\Users\DELL\Desktop\A3-T.jpg

       Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục như: Mạng lưới Tổ hòa giải chưa đồng đều, số lượng hòa giải viên Tổ hòa giải còn ít; Tổ hòa giải ở một số nơi hoạt động còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; một số hòa giải viên còn bị hạn chế về  kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải dẫn đến chất lượng hòa giải nhiều việc chưa cao; việc xác định phạm vi hòa giải của các hòa giải viên còn lúng túng; kinh phí dành cho công tác hòa giải, chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng cho hòa giải viên nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời; việc lưu trữ, thống kê vụ việc chưa đi vào nền nếp. Những hạn chế trên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến vị trí của công tác này trong xã hội, làm cho nhiều người không tự nguyện, nhiệt tình tham gia các hoạt động hòa giải ở cơ sở.

       Để làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân tăng cường giữ gìn sự đoàn kết trong nhân dân, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” và các phong trào khác đi vào chiều sâu, thiết thực, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao vị trí, vai trò, hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

       Thứ nhất, tăng cường phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở  nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác này, từ đó sử dụng ngày càng nhiều biện pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân tại cộng đồng; đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

       Thứ hai, tập trung xây dựng, hoàn thiện các thể chế và thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, Tổ hòa giải và hòa giải viên; tổ chức thực hiện và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành

       Thứ ba, bố trí kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là bố trí kinh phí để chi trả thù lao cho hòa giải viên ở cơ sở nhằm động viên, khuyến khích để thực hiện công việc có ý nghĩa này, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

       Thứ tư, thực hiện tốt công tác kiểm tra và chế độ thông tin, báo cáo, thống kê; định kỳ sơ kết, tổng kết và khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở.

                                                            Ánh Tuyết – Phòng PBGDPL&TDTHPL