Chi tiết - Sở Tư pháp
- '
- Trang chủ
- Giới thiệu
- Tin tức - Nghiên cứu trao đổi
- Tin tức chuyên ngành
- Phổ biến, giáo dục PL
- Xây dựng, kiểm tra VPQPPL
- Hỗ trợ pháp lý cho Doạnh nghiệp
- Pháp chế
- Bồi thường nhà nước
- Cải cách hành chính, Kiểm soát TTHC
- Quản lý xử lý VPHC, theo dõi THPL
- Hành chính tư pháp
- Thanh tra, Kiểm tra
- Bổ trợ tư pháp
- Công chứng, chứng thực
- Tổ chức - Đào tạo
- Thống kê, tổng hợp
- Tin tức, sự kiện
- Hoạt động của đơn vị trực thuộc ▼
- Hoạt động tư pháp địa phương
- Nghiên cứu, trao đổi
- Hoạt động Đảng, Đoàn thể
- Tin khác ▼
- Tin tức chuyên ngành
- Chỉ đạo điều hành
- Khen thưởng - Xử phạt
- Văn bản mới
- Chiến lược - Quy hoạch, Kế hoạch
- Album ảnh
Tổng kết 6 năm triển khai thi hành Luật Hộ tịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- Ngày đăng: 18-11-2022
- 306 lượt xem
.
Ngày 20/11/2014, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Hộ tịch. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Qua 6 năm triển khai thi hành Luật Hộ tịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt một số kết quả cụ thể như sau:
Tập huấn nghiệp vụ hộ tịch
Công tác ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác Hộ tịch trên địa bàn tỉnh được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm thực hiện: UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 1381/KH-UBND ngày 21/4/2015 triển khai thi hành Luật Hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở Kế hoạch của UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã ban hành Kế hoạch về triển khai thi hành Luật Hộ tịch trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo, đôn đốc UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng Kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hộ tịch.Theo đó, Sở Tư pháp đã triển khai rà soát các văn bản QPPL liên quan đến Luật Hộ tịch do UBND cấp huyện, cấp tỉnh ban hành. Qua rà soát đã có 04 văn bản QPPL của cấp tỉnh và 04 văn bản QPPL của cấp huyện được đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, đồng thời kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ sửa đổi 01 Thông tư liên tịch để phù hợp với quy định của Luật Hộ tịch. Các Sở, ngành, địa phương, các đoàn thể đã tổ chức quán triệt thực hiện, tuyên truyền, phổ biến Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành dưới nhiều hình thức như tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt ở tất cả các cấp, thực hiện tuyên truyền trên Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, báo Quảng Trị, các trang thông tin điện tử. Từ năm 2016 đến 2021, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện hơn 140 cuộc truyên truyền, hội nghị với hơn 13.800 lượt người tham gia. Qua đó đã nâng cao nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch và quản lý hộ tịch của các cơ quan có thẩm quyền cũng như quần chúng nhân dân.
Mặt khác, thực hiện Quyết định số 2173/QĐ-BTP ngày 11/12/2015 của Bộ Tư pháp về việc phê duyệt “Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3576/KH-UBND ngày 09/6/2016 triển khai thực hiện “Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Từ năm 2017 đến tháng 5/2020, trên địa bàn tỉnh đã sử dụng phần mềm Quản lý hộ tịch (HOTICH.VN) của Công ty Cổ phần MISA triển khai cho các đơn vị thực hiện thí điểm tại Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và 18 xã, phường, thị trấn. Từ tháng 6/2020 đến nay, các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh đã sử dụng phần mềm hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp.
Để triển khai thực hiện số hóa Sổ hộ tịch, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 4606/KH-UBND ngày 08/10/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị về việc thực hiện số hóa Sổ hộ tịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Hiện nay, Sở Tư pháp đang phối hợp với đơn vị thực hiện số hóa Sổ hộ tịch tiến hành việc số hóa Sổ hộ tịch trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 1) với số lượng khoảng hơn 530.000 hồ sơ. Đến nay, Sở Tư pháp đã phối hợp với đơn vị số hóa (nhà thầu) đang tiến hành thực hiện số hóa Sổ hộ tịch trên toàn tỉnh (giai đoạn 1). Đơn vị số hóa đã thực hiện Scan Sổ hộ tịch từ năm 2006 đến 2020 đạt 100%, nhập dữ liệu vào phần mềm hộ tịch 158 đạt khoảng 60%.
Việc liên thông các thủ tục hành chính đã được thực hiện: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Cơ quan BHXH và Sở Tư pháp tỉnh cũng đã tích cực phối hợp triển khai thực hiện liên thông dữ liệu cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay đã có 125/125 đơn vị xã, phường, thị trấn (100%) kết nối liên thông dữ liệu khai sinh với Bộ Tư pháp và chuyển dữ liệu liên thông đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Hiện nay, đội ngũ công chức Tư pháp từ cấp tỉnh, huyện đến xã đều có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có tinh thần làm việc nghiêm túc, chủ động sáng tạo và thái độ phục vụ nhân dân nhiệt tình đáp ứng nhu cầu công việc và đa số đạt tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hộ tịch. Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Nội vụ chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã bố trí công chức làm công tác hộ tịch phải đủ số lượng, đúng tiêu chuẩn, không được bố trí kiêm nhiệm công việc khác theo quy định của Luật Hộ tịch. Tại các Phòng Tư pháp đều bố trí ít nhất một công chức làm công tác hộ tịch, 100% các công chức Phòng Tư pháp có trình độ đại học luật trở lên. Tại cấp xã, tổng số công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã là 224 người, trong đó có 11 thạc sỹ luật, 200 đại học luật, 06 trung cấp luật, 01 đại học khác, 06 trung cấp khác. Tổng số xã, phường, thị trấn có 02 công chức Tư pháp - Hộ tịch là 110 xã, phường, thị trấn. Đến nay, đã có 213 công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch do Sở Tư pháp phối hợp với Trường Trung cấp luật Đồng Hới tổ chức vào năm 2017.
Qua 6 năm thực hiện, Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành đã thực sự đi vào cuộc sống xã hội, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng đối với việc đăng ký, quản lý hộ tịch, sự kiện hộ tịch của cá nhân được đăng ký đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan và chính xác, bảo đảm ngày một tốt hơn quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch của cá nhân, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và xã hội.
Theo thống kê, tại Sở Tư pháp đã giải quyết 02 trường hợp đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Tại Ủy ban nhân dân cấp huyện đã thực hiện: Đăng ký khai sinh: 157 trường hợp; Đăng ký khai tử: 11 trường hợp; Đăng ký kết hôn: 242 trường hợp; Các việc hộ tịch khác: 4.260; (Trong đó: Đăng ký nhận cha, mẹ, con: 11; Thay đổi hộ tich: 455; Cải chính hộ tịch: 3.480; Bổ sung thông tin hộ tịch: 71; Xác định lại dân tộc: 121; Ghi vào sổ việc hộ tịch đã được giải quyết tại cơ quan cơ thẩm quyền của nước ngoài: 122). Tại Ủy ban nhân dân cấp xã đã thực hiện: Đăng ký khai sinh: 91.014 trường hợp; (Trong đó: Đăng ký đúng hạn: 64.179; Đăng ký quá hạn: 26.835); Đăng ký lại khai sinh: 38.794 trường hợp; Đăng ký khai tử: 23.242 trường hợp; (Trong đó, đăng ký đúng hạn: 15.517; đăng ký quá hạn: 7.755). Đăng ký lại: 617 trường hợp; Đăng ký mới kết hôn: 29.518 trường hợp; Đăng ký lại kết hôn: 848 trường hợp; Các việc hộ tịch khác: 66.279 trường hợp; (Trong đó: Đăng ký giám hộ: 149; Nhận cha, mẹ con: 631; Thay đổi hộ tịch: 911; Cải chính hộ tịch: 1159; Bổ sung thông tin hộ tịch: 1866; Ghi vào sổ các thay đổi hộ tịch khác: 525; Cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân: 61.038).
Kiểm tra công tác hộ tịch tại xã Gio Hải , Gio Linh
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức thực hiện Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể:
Thứ nhất: Biên chế công chức làm công tác Hộ tịch tại Phòng Tư pháp và UBND các xã, phường hiện nay chưa tương xứng với số lượng công việc, ngoài việc thực hiện tham mưu đăng ký hộ tịch thì công chức của Phòng Tư pháp và UBND các xã, phường hiện nay phải đảm nhiệm rất nhiều công việc; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đăng ký quản lý hộ tịch tại một số đơn vị chưa đảm bảo như: Kho lưu trữ (chưa được bố trí riêng), máy tính, máy in (đã cũ), chưa được trang bị máy Scan, mạng internet nhiều đơn vị chưa được ổn định. Đội ngũ công chức Tư pháp-Hộ tịch thường xuyên có sự thay đổi nên tính chất chuyên nghiệp chưa cao và việc bố trí còn gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai: Phần mềm hộ tịch điện tử chưa tích hợp, kết nối với ngành công an trong việc chuyển dữ liệu khai sinh, khai tử để thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về liên thông TTHC về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và liên thông TTHC về đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hưởng chi phí mai táng/hưởng mai táng phí.
Thứ ba: Việc áp dụng các quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành còn gặp nhiều vướng mắc như:
+ Tại bản chính và bản sao Trích lục khai tử được ban hành kèm theo Thông tư số 04/2020/TT-BTP không có nội dung nguyên nhân chết, trong khi đó, tại Sổ đăng ký khai tử và Tờ khai đăng ký khai tử lại có nội dung nguyên nhân chết. Điều này dẫn đến nội dung của các biểu mẫu chưa thống nhất và việc không có nội dung nguyên nhân chết trong Trích lục khai tử đã gây khó khăn cho người dân khi giải quyết các chế độ khác.
+ Trước đây, tại các văn bản pháp luật về hộ tịch không có quy định cụ thể về việc ghi quê quán của trẻ khi đăng ký khai sinh mà chỉ có hướng dẫn cách ghi quê quán tại biểu mẫu giấy khai sinh TP/HT-1999-A.2 được ban hành kèm theo Quyết định số 1203-QĐ/TP-HT, đó là, tại mục “Chú thích” có hướng dẫn về cách ghi mục “Quê quán”: “Ghi theo nơi sinh trưởng của cha đẻ; nếu không rõ cha đẻ là ai, thì ghi theo nơi sinh trưởng của mẹ đẻ; trong trường hợp không xác định được cha, mẹ đẻ, thì để trống”. Việc này đã dẫn đến rất nhiều trường hợp quê quán của con khác với quê quán của cha trong rất nhiều loại giấy tờ và đã gây ra nhiều rắc rối, khó khăn cho người dân khi đi làm các thủ tục khác. Do đó, đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, có hướng xử lý để những trường hợp này được thống nhất với quê quán của cha và tránh gặp khó khăn, rắc rối cho người dân khi đi làm các thủ tục khác.
+ Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành không có quy định việc bổ sung quê quán trong giấy tờ hộ tịch được cấp trước đây nhưng không có mục quê quán nên gây nhiều khó khăn cho người dân khi làm các thủ tục khác.
+ Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành không có quy định về thủ tục đăng ký giám sát việc giám hộ nên thời gian qua, khi có phát sinh sự việc thì địa phương không biết phải áp dụng văn bản nào để đăng ký.
+ Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành không có quy định về việc thu hồi và hủy bỏ các giấy tờ hộ tịch được cấp trước ngày 01/01/2016 (ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành), nay phát hiện trái với quy định của pháp luật về hộ tịch tại thời điểm đăng ký, thì việc thu hồi và hủy bỏ được thực hiện theo quy định nào. Mặt khác, Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành cũng không có quy định cụ thể trình tự, thủ tục về thu hồi hủy bỏ nên gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
+ Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành không có quy định về cách ghi quốc tịch đối với người có hai quốc tịch.
+ Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi có yêu cầu đăng ký lại khai sinh tại Việt Nam hoặc công dân Việt Nam có yêu cầu đăng ký lại khai sinh tại UBND cấp xã nhưng có cha mẹ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, hiện đã có quốc tịch nước ngoài nhưng Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành không có quy định, hướng dẫn cơ quan nào thực hiện việc gửi văn bản đề nghị Bộ Tư pháp tra cứu tình trạng quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc cha mẹ (là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, hiện đã có quốc tịch nước ngoài) của công dân Việt Nam để thực hiện việc đăng ký lại khai sinh. Do đó, đề nghị có quy định theo hướng: Trường hợp cơ quan nào giải quyết thì cơ quan đó thực hiện việc gửi văn bản đề nghị Bộ Tư pháp tra cứu tình trạng quốc tịch của đương sự (UBND cấp xã, Phòng Tư pháp) mà không bắt buộc phải gửi Công văn cho Sở Tư pháp để Sở Tư pháp gửi cho Bộ Tư pháp tra cứu nhằm tiết kiệm được thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân. Ngoài ra, những trường hợp đăng ký lại khai sinh có yếu tố nước ngoài, đa số người dân đi ra nước ngoài trước đây bằng nhiều hình thức và không mang giấy tờ do cơ quan Việt Nam cấp, khi đến nước sở tại do giấy tờ không có nên khai không đúng với hồ sơ lưu tại tàng thư của công an, hoặc hồ sơ lưu tại địa phương. Hiện nay, người dân có nguyện vọng xin được đăng ký lại giấy khai sinh thì các giấy tờ không thống nhất về ngày, tháng, năm sinh.
+ Luật Hộ tịch chỉ quy định việc cấp trích lục bản sao hộ tịch (bao gồm việc khai sinh), tuy nhiên tại Thông tư số 04/2020/TT-BTP lại quy định biểu mẫu bản sao giấy khai sinh mà không còn quy định biểu mẫu trích lục bản sao giấy khai sinh. Do đó, việc quy định này là chưa phù hợp với Luật Hộ tịch.
+ Phạm vi cải chính hộ tịch theo quy định tại Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch. Tuy nhiên, trên thực tế có những trường hợp trong bản chính Giấy khai sinh hoặc trong Sổ đăng ký khai sinh có sự sai sót về các nội dung khác mà không phải là thông tin cá nhân (ví dụ: ghi sai ngày đăng ký khai sinh của đương sự, sai nơi đăng ký, sai số đăng ký…) nhưng chưa có quy định về sự sai sót này có thuộc pham vi được cải chính hay không. Do đó, đề nghị sửa đổi nội dung này như sau: “Cải chính những nội dung đã được đăng ký trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, nhưng có sai sót trong khi đăng ký”.
+ Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành không có quy định về việc điều chỉnh hộ tịch nên trong thực tế phát sinh phiền hà cho người dân và khó khăn cho người thực hiện.
+ Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành không có quy định trường hợp thông tin trong bản chính Giấy khai sinh và trong Sổ đăng ký khai sinh có sự khác nhau nhưng hồ sơ đăng ký khai sinh không còn lưu trữ để làm cơ sở cho việc đối chiếu thông tin thì phải căn cứ vào đâu để thực hiện việc cải chính (căn cứ vào sổ hay bản chính Giấy khai sinh) và làm sao để xác định thông tin trong sổ sai hay trong bản chính Giấy khai sinh sai).
+ Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành không có quy định về việc thay đổi quê quán của con ngoài giá thú từ quê của mẹ sang quê của cha sau khi cha mẹ đã đăng ký kết hôn và đã nhận cha con. Do đó, đã ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ em cũng như vấn đề tình cảm gia đình.
+ Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành không có quy định về cải chính hộ tịch cho người đã chết. Việc đăng ký khai tử cho những trường hợp chết quá lâu (trước năm 1975, chết trong thời gian chiến tranh, loạn lạc, địa danh hành chính thay đổi qua các thời kỳ…), người chết lại không còn giấy tờ, chứng cứ chứng minh sự kiện chết, nên việc xác định thẩm quyền đăng ký khai tử, xác định thông tin ngày, tháng, năm chết rất khó khăn.
+ Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại mà chưa quy định việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở về sau nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì có được đăng ký lại hay không. Bởi vì trên thực tế, có nhiều địa phương thường xuyên bị lũ lụt, thiên tai nên xảy ra tình trạng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được. Ngoài ra, trên thực tế một số trường hợp đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn trước đây, sổ hộ tịch không còn lưu trữ hoặc do sơ suất cán bộ Tư pháp không thực hiện vào sổ hộ tịch nhưng người dân vẫn còn bản chính giấy tờ hộ tịch, một số cơ quan, đơn vị yêu cầu người dân phải nộp bản sao trích lục hộ tịch được sao từ sổ hộ tịch, nhưng khi người dân yêu cầu xin cấp bản sao trích lục từ sổ hộ tịch thì không thể thực hiện được.
+ Về cách ghi Nơi sinh: Theo hướng dẫn tại điểm a khoản 3 Điều 31 Thông tư số 04/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp thì: “Trường hợp trẻ em sinh tại bệnh viện, nhà hộ sinh, trạm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi chung là cơ sở y tế) thì ghi tên cơ sở y tế và địa chỉ trụ sở cơ sở y tế đó”.
Quy định này gặp phải vướng mắc là: Hầu hết các cơ sở y tế khi cấp Giấy chứng sinh thường chỉ ghi tên cơ sở y tế mà không ghi đầy đủ địa chỉ trụ sở của cơ sở y tế nên công chức Tư pháp-Hộ tịch phải mất thời gian tra cứu trên mạng để có được thông tin về địa chỉ của cơ sở y tế. Mặt khác, khi ghi cả tên cơ sở y tế và địa chỉ của cơ sở y tế thì nội dung quá dài vì có những cơ sở y tế có tên gọi dài, địa chỉ cũng dài và công chức Tư pháp-Hộ tịch có nét chữ to thì nội dung trong Sổ đăng ký khai sinh sẽ không đủ chỗ để ghi (ví dụ: Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, đường Hùng Vương, phường Đông Lương, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị hoặc Trung tâm y tế thành phố Đông Hà, đường Lê Lợi, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị…) Ngoài ra, hiện nay các loại bằng tốt nghiệp tiểu học, THCS, THPT của học sinh, nếu nội dung Nơi sinh quá dài thì không đủ chỗ để ghi. Tinh thần của Thông tư số 04/2020/TT-BTP là không đặt tên cho trẻ em quá dài, khó sử dụng nhưng nội dung Nơi sinh lại quy định ghi quá dài, khó sử dụng trong một số công việc khác.
+ Việc miễn lệ phí hộ tịch được quy định tại Điều 11 của Luật Hộ tịch, tuy nhiên, đối với việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài được thực hiện tại UBND cấp huyện có được miễn lệ phí hộ tịch hay không thì chưa được đề cập nên cách hiểu của mỗi địa phương có sự khác nhau, có nơi thì áp dụng, có nơi thì không áp dụng.
+ Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành không có quy định như thế nào là có tranh chấp trong việc nhận cha, mẹ, con nên rất khó xác định và cũng không có quy định trường hợp Tòa án từ chối giải quyết vì không có tranh chấp nhưng không có văn bản từ chối của Tòa án thì cơ quan đăng ký hộ tịch phải giải quyết như thế nào (Thông tư số 04/2020/TT-BTP chỉ đề cập đến việc hồ sơ phải có văn bản từ chối giải quyết của Tòa án thì mới tiếp nhận, giải quyết).
+ Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành chưa có Chương, Điều khoản riêng quy định việc đăng ký hộ tịch cho người không quốc tịch, người di cư tự do nhưng không có giấy tờ tùy thân và trẻ em là con của họ, đặc biệt là trẻ em có mẹ là người Lào nhưng không có giấy tờ tùy thân, có cha là người Việt Nam nhưng cha mẹ không đăng ký kết hôn, không đăng ký nhận cha con nên địa phương rất lúng túng trong việc giải quyết đăng ký hộ tịch cho những trường hợp này.
+ Trên thực tế có một số giấy tờ hộ tịch do đương sự xuất trình thì trước đây được đăng ký tại Ủy ban hành chính cấp huyện (không có yếu tố nước ngoài) nhưng Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành không có quy định việc hộ tịch trước đây được đăng ký tại Ủy ban hành chính cấp huyện, nay đương sự có yêu cầu đăng ký lại thì cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết.
+ Theo quy định tại Thông tư số 04/2020/TT-BTP về đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài, có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam hoặc cha và mẹ đều là công dân Việt Nam, chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài, về cư trú tại Việt Nam thì phải nộp giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh hợp pháp và cư trú tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP gồm: giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam (như: hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh) và văn bản xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền về việc trẻ em đang cư trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế có những trường hợp trẻ em có giấy chứng sinh chứng nhận được sinh ra ở nước ngoài nhưng cha mẹ đưa con về cư trú tại Việt Nam theo đường tiểu ngạch nên khi làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con thì không có các giấy tờ chứng minh trẻ em đã nhập cảnh vào Việt Nam.
Thời gian tiếp theo, tỉnh Quảng Trị tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế về lĩnh vực hộ tịch, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hộ tịch, Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch. Chú trọng đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hộ tịch, hướng tới hoạt động đăng ký hộ tịch trực tuyến qua Cổng dịch vụ công tỉnh, góp phần hiện đại hóa việc giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính về lĩnh vực hộ tịch. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử nhằm cung cấp thông tin cho Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, thiết lập hệ thống thông tin hộ tịch đồng bộ, thông suốt giữa các cơ quan đăng ký hộ tịch ở địa phương. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, chuẩn hóa đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch, góp phần tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật về hộ tịch tại địa phương...
Bài và ảnh: Thùy Ly - Phòng HCTP&BTTP
- Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc đăng ký, quản lý hộ tịch (17/11/2022)
- Công văn số 1920/STP-HCTP&BTTP ngày 26/10/2022 về việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi trong nước (27/10/2022)
- Hội nghị tập huấn triển khai kiến thức pháp luật chuyên môn, nghiệp vụ mới về hộ tịch và hướng dẫn nghiệp vụ cho công chức làm công tác hộ tịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (14/09/2022)
- Thông tư 02/2022/TT-BTP của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản (08/07/2022)
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTG ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (08/07/2022)
- Công văn chỉ đạo về việc tổng kết 05 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản (08/07/2022)
- Công văn 632/STP-HCTP7BTTP ngày 25/4/2022 V/v phối hợp triển khai thực hiện số hóa Sổ hộ tịch (08/07/2022)
- Công văn 581/STP-HCTP&BTTP ngày 20/4/2022 v/v tham gia góp ý đối với dự thảo Khung giám sát tình hình việc nuôi con nuôi trong nước (08/07/2022)
- Công văn số 551/STP-HCTP&BTTP ngày 18/4/2022 v/v thực hiện Công văn 1608/UBND-NC ngày 13/4/2022 của UBND tỉnh. (08/07/2022)
- Công văn 68/STP-HCTP&BTTP ngày 12/01/2022 và Công văn 352/STP-HCTP&BTTP ngày 08/3/2022 (30/03/2022)