Chi tiết - Sở Tư pháp

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh và nâng cao vai trò, ý nghĩa trách nhiệm của cán bộ công chức trong công tác bồi thường nhà nước, ngày 05/02/2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND triển khai công tác bồi thường Nhà nước năm 2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trên cơ sở Kế hoạch số 23/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện đã xây dựng Kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện công tác bồi thường nhà nước hàng năm tại cơ quan, đơn vị. Sau thời gian tổ chức triển khai thực hiện công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, cụ thể:

      - Tình hình yêu cầu bồi thường, kết quả giải quyết bồi thường: Qua thống kê, tổng hợp báo cáo của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh chưa tiếp nhận trường hợp nào yêu cầu bồi thường, giải quyết bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả trong phạm vi hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án dân sự. Kỳ trước chuyển qua trong lĩnh vực tố tụng có 01 vụ với 02 trường hợp.

      - Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước: Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp các ngành tiếp tục phổ biến, tuyên truyền Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (Luật TNBTCNN); Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TNBTCNN và Thông tư 04/2018/TT-BTP ngày 15/7/2018 của  Bộ Tư pháp banh hành một số biểu mẫu trong công tác bồi thường nhà nước; Thông tư 08/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước và Thông tư số 09/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại  thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước, đến đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác bồi thường nhà nước. Theo đó các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tích cực chủ động, xây dựng Kế hoạch tuyên truyền phổ biến những nội dung cơ bản của Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành. Qua đó công tác tuyên truyền, phổ biến được thực hiện thường xuyên liên tục, thông qua các buổi sinh hoạt của cơ quan, đơn vị, cũng như qua các buổi hội nghị tập huấn…Ngoài ra, công tác tuyên truyền còn được thực hiện dưới nhiều hình thức như tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của tỉnh, tờ gấp, tờ rơi…Thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật TNBTCNN đã giúp cán bộ công chức, viên chức nhận thức vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, việc nắm bắt các quy định của Luật đã giúp cán bộ, công chức, viên chức nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình, giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ túc góp phần tránh sai sót gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức.

      - Công tác bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường cho công chức thực hiện công tác giải quyết bồi thường: Thực hiện Kế hoạch số 23/KH-UBND  ngày 05/2/2021 của UBND tỉnh về triển khai công tác bồi thường nhà nước năm 2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Các Sở, ngành, UBND cấp huyện, các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan THADS trên địa bàn, theo Kế hoạch của ngành, cơ quan, đơn vị mình đã chủ động tổ chức nhiều Hội nghị quán triệt, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công chứng, viên chức về Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, Sở Tư pháp đã tham mưu cử cán bộ, công chức tham gia tập huấn trực tuyến qua hình thức Zoom do Cục Bồi thường nhà nước- Bộ Tư pháp tổ chức. Thông qua các hội nghị tập huấn đã trang bị nhiều nội dung, kiến thức liên quan đến công tác bồi thường nhà nước; nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, ý thức chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, tôn trọng các quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

      - Công tác phối hợp, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác bồi thường nhà nước: UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về bồi thường nhà nước. Tuy nhiên, do trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường nên công tác phối hợp chỉ dừng lại ở một số hoạt động như báo cáo, thống kê, cung cấp thông tin cán bộ làm công tác bồi thường, tham gia góp ý dự thảo văn bản về trách nhiệm bồi thường của nhà nước; rà soát việc đề nghị bồi thường khi có văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền.

      - Công tác báo cáo, thống kê về công tác bồi thường nhà nước: UBND tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sở, ngành và UBND cấp huyện và đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện báo cáo, thống kê về công tác bồi thường nhà nước về UBND tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) để kịp thời, đảm bảo quy định.

      Công tác bồi thường của nhà nước năm 2021 được các Sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Thông qua việc quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành đã giúp cho công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị nâng cao ý thức học tập, rèn luyện bổ sung kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện đúng những quy định của pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại gây ra cho các tổ chức, cá nhân trong khi thi hành công vụ. Nhìn chung, kết quả công tác tổ chức triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả nhất định. Các hoạt động tổ chức tuyên truyền, triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đều đến được với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân với nhiều loại hình tuyên truyền phong phú và đa dạng.

      Tuy nhiên, bên cạnh đó vần còn một số hạn chế như: Quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước là lĩnh vực phức tạp, phạm vi rộng…Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, công chức chưa được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, bồi dưỡng kỹ năng, đa số là kiêm nhiệm, nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về công tác bồi thường nhà nước tại địa phương vẫn gặp những khó khăn nhất định. Công tác giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và Thi hành án dân sự ở địa phương chưa có vụ việc. Nên nhìn chung, mới chỉ dừng lại ở công tác tuyền truyền, phổ biến nội dung của các văn bản pháp luật, chưa qua kinh nghiệm thực tiễn; Một số vụ việc bồi thường trong hoạt động tố tụng, mặc dù các cơ quan, tổ chức đã thiện chí, chủ động giải quyết nhưng lại gặp phải sự thiếu hợp tác của người bị thiệt hại, dẫn đến việc giải quyết bồi thường vẫn chưa dứt điểm (Hiện này có 01 vụ việc đã cấp kinh phí chi trả nhưng còn 02 người bị thiệt hại vẫn chưa chấp nhận nhận tiền bồi thường).

      Để công tác bồi thường nhà nước tiếp tục được triển khai có hiệu quả, kiến nghị Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc lập dự toán kinh phí cho công tác bồi thường Nhà nước; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ công tác bồi thường nhà nước; cần có cơ chế đảm bảo biên chế để kiện toàn đội ngũ công chức các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước./.

 

                                                                           Nguyễn Đức Linh

                                                                               Thanh Tra Sở