Chi tiết - Sở Tư pháp

 

Đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút đầu tư

Cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030, là chìa khóa quan trọng để “mở cửa” thu hút đầu tư. Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã coi công tác cải cách hành chính CCHC là một trong những ưu tiên hàng đầu, là khâu đột phá trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Từ quyết tâm đi đầu trong CCHC với đột phá là cải cách TTHC của tỉnh, các cấp, ngành, địa phương đã nỗ lực tạo môi trường, hành lang thông thoáng trong thu hút đầu tư, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần đưa kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.

Quảng Trị là một tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi về phát triển kinh tế - xã hôi, nằm trục hành lang kinh tế Đông  - Tây; có nhiều tuyến giao thông huyết mạch chạy qua, nguồn nhân lực dồi dào, đất đai rộng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật từng bước được hoàn thiện. Bám sát chỉ đạo của Trung ương về CCHC, trong những năm qua các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xây dựng, triển khai mô hình một cửa hiện đại; trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, bố trí cán bộ, công chức các phòng, ban chuyên môn trực để tiếp nhận và trả kết quả cho tổ chức, công dân. Với chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế, cá nhân vào đầu tư phát triển, Quảng Trị không chỉ tạo điều kiện về TTHC mà còn triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để các dự án xây dựng hạ tầng, thúc đẩy phát triển công nghiệp- TTCN trên địa bàn. 

CCHC được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định là khâu đột phá cần tập trung thực hiện trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo. Tỉnh ủy Quảng Trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025.Với định hướng đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là thu hút các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, sản xuất sạch, năng lương tái tạo, du lịch, nghỉ dưỡng…không ảnh hưởng đến môi trường tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư, đồng thời ưu tiên, bố trí mặt bằng phù hợp, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch sử dụng đất để tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư.

Thời gian qua, thực hiện chương trình tổng thể CCHC nhà nước để không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, 100% sở, ban, ngành, địa phương đã rà soát, xây dựng quy trình nội bộ giải quyết đối với từng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã). Các TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của các cơ quan, đơn vị đều được niêm yết công khai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và tại Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả của các cơ quan, đơn vị; đồng thời được đăng tải trên Cổng giao tiếp điện tử tỉnh Quảng Trị, trên Trang thông tin điện tử của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị. 100% các TTHC được đưa vào giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. 

Đặc biệt, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh sau hơn 4 năm đi vào hoạt động đã đáp ứng yêu cầu là bộ phận một cửa hiện đại cấp tỉnh góp phần quan trọng vào việc gải quyết nhanh chóng, hiệu quả các thủ tục hành chính đáp ứng các yêu cầu quan trọng nhằm thu hút các nhà đâu tư vào địa bàn của tỉnh. Nhờ thông tin minh bạch, thủ tục đầu tư thông thoáng, thực hiện tốt cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” đã tạo sức hút mạnh mẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến từ quốc gia và vùng lãnh thổ; các Tập đoàn, Tổng công ty lớn trong nước và quốc tế đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Trị, trong những năm qua, công tác đầu tư trên địa bàn đã có những bước tiến rõ rệt, thu hút được nhiều dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, nhà đầu tư mạnh đến nghiên cứu, khảo sát, đề xuất dự án đầu tư và triển khai đầu tư.

Đồng thời, môi trường đầu tư được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng điểm qua từng năm, chỉ số PAPI và chỉ số cải cách hành chính ngày càng được cải thiện. Giai đoạn 2016-2021, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 73.423 tỷ đồng. Đến 31/12/2022, toàn tỉnh Quảng Trị có số lượng doanh nghiệp đang hoạt động là 3.752 doanh nghiệp.

Có thể khẳng định, công tác CCHC đã góp phần quan trọng vào việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng tính công khai, minh bạch và mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, từ đó tạo niềm tin cho các cá nhân, tổ chức, nhất là các doanh nghiệp trong việc đầu tư vào Quảng Trị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số hạn chế như: ở một số cơ quan, đơn vị việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông còn bất cập. Vẫn còn tình trạng giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và tài chính tại một số cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp hiệu quả chưa cao. Kinh phí đầu tư xây dựng chính quyền điện tử các cấp chưa nhiều. Thiếu các sáng kiến, giải pháp tích cực trong cải cách hành chính. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vẫn thuộc top dưới của cả nước.

 Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên là do trình độ, năng lực của một số cán bộ tham mưu, phụ trách công tác cải cách hành chính ở các cấp, các ngành còn hạn chế. Tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao; còn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Việc đầu tư nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác công tác cải cách hành chính chưa nhiều…

Vì thế, trong thời gian tới nhằm thực hiện tốt việc CCHC giai đoạn 2021 – 2030 để thu hút đầu tư, nhất là các dự án lớn, trọng điểm vào địa bàn toàn tỉnh, trước hết, các cấp ủy, chính quyền các cấp cần nhìn nhận, nỗ lực hơn nữa trong thái độ, phong cách phục vụ của nền hành chính công để không chỉ nâng cao thứ hạng trong bảng tổng sắp các bộ chỉ số CCHC mà còn tạo sức bật, thúc đẩy sự phát triển của chính đơn vị, địa phương mình.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần có giải pháp quyết liệt, hiệu quả bám sát các tiêu chí, chỉ tiêu chấm điểm để thực hiện, đồng thời cần bàn bạc, rút kinh nghiệm và xây dựng phương án khắc phục những tiêu chí điểm thấp, tụt hạng trong bảng xếp loại hằng năm. Bên cạnh sự nỗ lực của từng đơn vị, địa phương, tỉnh cần ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, các điều kiện cho phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và thực hiện công việc một cách thông suốt từ tỉnh đến cơ sở.

Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc, kiên quyết không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.

Đẩy mạnh công tác khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, tiếp cận thông tin dự án, đầu tư… để chỉ đạo giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị và đề ra giải khắc phục những hạn chế, thiếu sót nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của tổ chức, cá nhân. Có thư xin lỗi và hẹn ngày trả kết quả cho người dân, tổ chức đối với hồ sơ trễ hạn và xem xét xử lý kỷ luật người có trách nhiệm khi vi phạm. Cần gắn công tác CCHC với công tác thi đua, khen thưởng của tập thể, cá nhân, với kết quả thực hiện các nhiệm vụ của các bộ chỉ số CCHC để đánh giá, xếp loại với cơ quan, đơn vị, địa phương có các tiêu chí hoặc tiêu chí thành phần về CCHC không đạt kế hoạch đề ra.

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành CCHC trên địa bàn toàn tỉnh, tiếp nhận và giải quyết kịp thời đơn thư phản ánh của công dân qua đường dây nóng về thủ tục hành chính; chấn chỉnh, xử lí nghiêm minh, kịp thời những sai phạm gây khó khăn, phiền hà cho cá nhân, tổ chức.

CCHC hiệu quả sẽ đem đến những tác động tích cực đối với người dân và doanh nghiệp cũng như góp phần gỡ bỏ những rào cản về thủ tục hành chính đối với đời sống người dân, môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và góp phần phát triển kinh tế - xã hôi, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đã đề ra.

ThS. Trần Văn Toàn, Trường Chính trị Lê Duẩn