Chi tiết - Sở Tư pháp

Biển Đông ngày càng được định vị quan trọng trong chính sách đối ngoại của các nước trên thế giới, là tâm điểm tranh giành quyền lực, tầm ảnh hưởng của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực, đặc biệt với các nước lớn. Hơn hai thập kỷ qua, vùng biển này luôn là “chảo lửa” trên bàn cờ chính trị. Dường như những căng thẳng trên biển Đông đã trở thành “miếng mồi béo bở” để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng nhằm xuyên tạc, chống phá sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Triệt để lợi dụng một số vụ việc phức tạp, có lúc diễn biến căng thẳng xảy ra tại Biển Đông, trong đó có các hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam như: vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam năm 2014; sự kiện tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam Biển Đông của Việt Nam năm 2019; và gần đây nhất là việc Đài Loan tiến hành tập trận bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam; tàu khảo sát Hải dương Địa chất 4 của Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ cuối tháng 3/2023; Philippines lắp đặt 05 phao định vị tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong tháng 5/2023…, những kẻ “hậm hực với thành quả của cách mạng Việt Nam” đã điên cuồng đưa ra các luận điệu sai trái, xuyên tạc trắng trợn, đổi trắng thay đen những nỗ lực và quan điểm kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng và Nhà nước ta hòng chia rẽ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; hạ bệ uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam với cộng đồng quốc tế, với âm mưu cơ bản, lâu dài và rất thâm độc là xoay chuyển quỹ đạo phát triển của đất nước đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhân dân ta dày công xây dựng.

Quan điểm sai trái, thù địch về chủ quyền biển, đảo Việt Nam tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:

Một là, xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo “Chính phủ Việt Nam nhu nhược, hèn nhát”; “Chính phủ Việt Nam bán Biển Đông”; “Cộng sản Việt Nam làm ngơ về Biển Đông”; “lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội Việt Nam quá nhu nhược, hèn yếu, không có những động thái kiên quyết để bảo vệ chủ quyền biển, đảo”1

Hai là, lôi kéo, kêu gọi nhân dân Việt Nam yêu nước đứng lên đấu tranh chống lại những hành động gây hấn của các nước tại Biển Đông. Chúng kích động bằng những lời lẽ cho rằng “Việt Nam không đánh nhau thì mất biển, mất đảo, thế nước lâm nguy; kêu gọi “đáp trả bằng vũ lực” với các hành động của các nước khác”2 để bảo vệ chủ quyền biển đảo, cho rằng trước những hành động gây hấn, xâm chiếm biển, đảo Tổ quốc, nếu không nổ súng là “nhu nhược, hèn nhát”!

Ba là, quan điểm cho rằng đường lối đối ngoại của Việt Nam luôn giữ vững nguyên tắc “không tham gia liên minh quân sự” là “bảo thủ”, “lạc hậu”, đi ngược xu thế tăng cường hợp tác và toàn cầu hoá, từ đó cổ xuý, lôi kéo Việt Nam tham gia liên minh quân sự với các nước khác để bảo vệ chủ quyền biển, đảo tại Biển Đông 3

Đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về chủ quyền biển, đảo Việt Nam

Thứ nhất, Điều 5 Luật Biển Việt Nam đã nêu: “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo”. Chúng ta khẳng định rằng, chủ quyền quốc gia là không thể từ bỏ. Đây cũng là nguyên tắc bất biến trong quá trình dựng nước và giữ nước. Trên thực tế, mỗi khi chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên Biển Đông bị xâm phạm, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta luôn thể hiện tinh thần đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng các biện pháp hòa bình, thông qua các diễn đàn, các cuộc gặp gỡ trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, gửi công hàm, qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao phản đối hành vi vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, điển hình như Công hàm Việt Nam gửi Liên Hợp quốc ngày 30/3/2020 thể hiện lập trường nhất quán của Việt Nam trước những yêu sách của Trung Quốc liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: “Việt Nam phản đối mạnh mẽ các yêu sách, hành động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông, đồng thời khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Việt Nam khẳng định Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam, Trung Quốc”; Trong chuyến thăm chính thức CHND Trung Hoa của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10-1/11/2022, hai bên đã ra “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc”, trong đó nhấn mạnh “hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển; cho rằng kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông vô cùng quan trọng; nhất trí xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh lâu dài ở khu vực”. Thời gian gần đây, trước những hành động của Trung Quốc, Philippines xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên biển, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã nhiều lần tuyên bố yêu cầu các nước rút toàn bộ nhóm tàu, phao ra khỏi vùng biển của Việt Nam, đồng thời khẳng định Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa; Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp quản lý và thực thi pháp luật trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 và pháp luật Việt Nam để bảo vệ quyền hợp pháp của mình, yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC), có đóng góp tích cực cho việc duy trì, ổn định trên Biển Đông, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”. Với những hành động và phát ngôn trên, không thể nói lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta thờ ơ với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo hay “hèn nhát” như những thông tin xuyên tạc. 

Thứ hai, chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là giải quyết các tranh chấp, bất đồng, khác biệt liên quan đến biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với UNCLOS 1982, pháp luật quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước. Hiện nay, Việt Nam thực hiện phương châm: Kiên quyết đấu tranh, kiên trì, khôn khéo; không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích, kiềm chế, không nổ súng trước, không để nước ngoài lấn chiếm biển đảo, không để xảy ra xung đột; tránh xung đột về quân sự, tránh bị cô lập về kinh tế, tránh bị cô lập về ngoại giao, tránh bị lệ thuộc về chính trị; giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, giữ vững quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt - Trung, giữ vững ổn định chính trị trong nước. Điều này đã được nêu rõ trong các nghị quyết của Đảng và được chứng minh qua việc giải quyết các vấn đề Biển Đông của Việt Nam, với tinh thần thượng tôn pháp luật, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp quốc về luật biển 1982; kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).

Như vậy, có thể thấy, những quan điểm, chủ trương, đối sách của Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề Biển Đông là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thế giới, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 2625 của Ðại hội đồng Liên hợp quốc: “Mọi quốc gia có nghĩa vụ từ bỏ việc sử dụng hoặc đe dọa dùng vũ lực nhằm vi phạm sự tồn tại của các đường biên giới của các quốc gia khác, hoặc sử dụng như là các biện pháp giải quyết tranh chấp quốc tế bao gồm các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia…Tất cả các quốc gia sẽ giải quyết tranh chấp quốc tế với những quốc gia khác bằng các biện pháp hòa bình mà không làm phương hại đến hòa bình, an ninh và công lý quốc tế”. Chính vì vậy, những luận điệu kích động quân đội và nhân dân Việt Nam sử dụng vũ lực để đáp trả những tranh chấp trên biển Đông đã hoàn toàn đi ngược lại chính sách đối ngoại hòa bình của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế.

Thứ ba, trước luận điệu thúc dục Việt Nam liên minh quân sự với quốc gia khác để đủ sức mạnh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc, chúng ta có thể tự tin khẳng định rằng, dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng yêu nước. Bằng lòng yêu nước và tự tôn dân tộc, chúng ta xác quyết rằng chủ quyền lãnh thổ của người Việt Nam phải do chính người Việt Nam tự bảo vệ. Bác Hồ đã dạy: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Tự lực cánh sinh, tranh thủ ủng hộ quốc tế là bài học giữ nước từ ngàn xưa. Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, bất cứ quốc gia nào trong lịch sử nhân loại cũng chỉ được coi là hùng cường khi và chỉ khi quốc gia đó tự đứng vững trên đôi chân của mình, thay vì trông chờ vào sự hỗ trợ của các quốc gia khác. Sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam không xuất phát từ việc tham gia liên minh với một cường quốc, mà xuất phát từ sức mạnh đoàn kết của đất nước, của toàn dân, của ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ được nuôi dưỡng, bồi đắp, tiếp nối bền bỉ trong mạch nguồn lịch sử. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định rõ việc liên minh quân sự với một nước nào đó có thể dẫn đến nhiều kịch bản xấu cho Việt Nam. Điển hình, khó tránh khỏi khả năng Việt Nam bị lệ thuộc vào quốc gia đó, nhất là các quốc gia lớn. Trên thực tế, khi một quốc gia nhỏ liên minh với một cường quốc rất dễ để mối quan hệ ấy trở nên mất cân bằng, bình đẳng, nước nhỏ có xu hướng bị nước lớn chi phối, tính độc lập, tự chủ sẽ suy yếu hoặc mất đi. Sự phụ thuộc này sẽ làm giảm vị thế chiến lược của Việt Nam. Ngoài ra, là một quốc gia có biển, phụ thuộc nhiều vào đường biển, nếu Việt Nam tiến hành liên minh quân sự với một cường quốc ngoài khu vực, chắc chắn sẽ làm gia tăng bất ổn ở Biển Đông. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước. Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông nên không muốn bất kỳ một cường quốc nào củng cố vai trò trong khu vực, đặc biệt là Mỹ. Chính vì vậy, nếu liên minh quân sự với một nước lớn, cụ thể là Mỹ, sẽ tạo cho Trung Quốc những lo lắng về chiến lược và quốc gia này sẽ có cớ để đẩy mạnh hành động quân sự hóa ở biển Đông cũng như nhiều hành vi khác, gây ra những bất ổn, tác động tiêu cực đến môi trường an ninh, phát triển của cả khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng, có thể ảnh hưởng xấu tới quan hệ Việt - Trung.

Bên cạnh đó, liên minh quân sự tạo cơ hội cho các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam, “phá vỡ” chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam hiện nay, đi ngược lại đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Đảng đã được xác định tại Hiến pháp năm 2013 và Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Như vậy, có thể thấy rằng việc không tiến hành liên minh quân sự là biện pháp loại bỏ rủi ro, tác động bất lợi, tránh rơi vào vòng xoáy cạnh tranh giữa các cường quốc. Không tham gia liên minh quân sự để Việt Nam không “chuốc” thêm kẻ thù. Mặt khác, điều này còn tạo thuận lợi để Việt Nam hợp tác thực chất, hiệu quả với tất cả các quốc gia trên thế giới, tham gia sâu rộng và phát huy được vai trò trong các cơ chế, diễn đàn an ninh khu vực, quốc tế. Chính vì vậy, việc thúc giục Việt Nam liên minh quân sự để bảo vệ đất nước của các thế lực thù địch, phản động là hết sức sai lầm, thiếu cơ sở, thiếu tầm nhìn chiến lược, “lợi bất cập hại” và lẽ đương nhiên những “kiến nghị” trên sẽ không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Đề xuất một số giải pháp:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch về chủ quyền biển, đảo. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức chính trị, hành động cách mạng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, đặc biệt là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, về những điểm mới về đường lối đối ngoại tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Trong đó, nội dung tuyên truyền cần tập trung vào vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; truyền thống, ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của dân tộc ta; đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật, phương châm, tư tưởng chỉ đạo, đối sách giải quyết các vấn đề biển, đảo của Đảng và Nhà nước ta; bản chất âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề biển, đảo để chống phá nước ta; tính chất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay; chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền những thành tựu trong công tác đối ngoại để củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào đường lối, chính sách giải quyết những tranh chấp, bất đồng xoay quanh vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam của Đảng và Nhà nước ta. Bên cạnh đó, cần chú trọng hình thức giáo dục, tuyên truyền, đảm bảo tính đa dạng, linh hoạt. Ngoài việc tuyên truyền trên sách báo, các phương tiện thông tin truyền thông, cần đẩy mạnh tuyên truyền qua các cuộc thi tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam tại trường học, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương. Đặc biệt, tận dụng sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, cần thiết lập các trang mạng, tài khoản cung cấp các nội dung chính thống liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam, từ đó hình thành nhân sinh quan cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực phân biệt đúng - sai, tạo “sức đề kháng”, “miễn nhiễm” trước các thông tin xấu độc, xuyên tạc, chống đối Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Thứ ba, cần phát huy vai trò, sức mạnh của báo chí, truyền thông internet trong việc đấu tranh và phản bác các thông tin sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động. Báo chí và truyền thông cần phát huy tốt vai trò của mình trong việc kịp thời đưa tin, bài chính thống về tình hình Biển Đông nói chung và tình hình trên biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam nói riêng, truyền đi thông điệp chính thức về quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam và các nước có liên quan. Tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam đến người dân trong và ngoài nước cũng như cộng đồng quốc tế.

 Thứ tư, tăng cường công tác đảm bảo an ninh mạng và quản lý đối với các trang mạng xã hội hoạt động tại Việt Nam: Tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật đảm bảo an ninh mạng và phòng, chống hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng như: Chỉ thị 28-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng”; Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 17/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới”; Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng...; tăng cường quản lý các trang mạng xã hội và bảo đảm an ninh mạng ở Việt Nam để thường xuyên nắm bắt tình hình dư luận xã hội, thông tin liên quan đến các vấn đề chủ quyền biển, đảo Việt Nam để kịp thời phản bác, bóc trần, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên không gian mạng; đẩy mạnh kiểm tra chặt chẽ nội dung phim ảnh có liên quan đến xâm phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam để kịp thời ngăn chặn chiếu phát tại Việt Nam; Tăng cường xử lý nghiêm minh, xét xử công khai, có hình phạt thích đáng đối với các đối tượng đăng tải, chia sẻ các thông tin có nội dung xấu độc, sai trái, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước nhằm giáo dục, răn đe.

Đặc biệt, cần hoạch định đường lối, chính sách kinh tế - xã hội đúng đắn, tập trung chăm lo đời sống nhân dân, triển khai có hiệu quả chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, đặc biệt chú trọng khắc phục ảnh hưởng tiêu cực từ sau đại dịch COVID-19… Đây là giải pháp mấu chốt, bởi thực tiễn là cơ sở để nhân dân tin tưởng, hy vọng. Cụ thể, khi kinh tế - xã hội phát triển, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước càng được khẳng định, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước càng thêm vững chắc, là tiền đề để hạn chế việc nảy sinh quan điểm sai trái, xuyên tạc trong thời gian tới.

Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ thiêng liêng; trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị và phải tiến hành đồng bộ các chủ trương, giải pháp. Trong đó, cần nhận thức rõ, kiên trì, kiên quyết đấu tranh với những chiêu trò xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; góp phần làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ, đúng; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

                                                                      Thanh Tuyền

Tài liệu tham khảo

 

 1. Xem Nguyễn Văn Minh: Bảo vệ chủ quyền - kiên quyết, kiên trì và sách lược đúng đắn, Tạp chí Tuyên Giáo, số 9/2019, tr. 

2. Xem Vũ Hùng: Đừng để ngập chân trong “ma trận” xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ, Báo Quân đội nhân dân, số 21357, ngày 21-9-2020, tr.8; Viện Khoa học Xã hội nhân văn quân sự - Nguyễn Bá Dương (Tổng chủ biên): Phòng, chống “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực quốc phòng, Nxb. Quân đội nhân dân, H.2020, tr. 186.

3 Xem Viện Khoa học Xã hội nhân văn quân sự - Nguyễn Bá Dương (Tổng chủ biên): Phòng, chống “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực quốc phòng, Nxb. Quân đội nhân dân, H.2020, tr.60

4. Sổ tay công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.