Chi tiết - Sở Tư pháp

Kinh tế Việt Nam đã và đang tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực với nhiều cơ hội, thách thức mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.Với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường cạnh tranh, khuyến khích sáng tạo và phát triển, tạo thêm công ăn việc làm và tăng nguồn thu cho ngân sách. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển, đưa ra các biện pháp để khuyến khích và thúc đẩy hoạt động khởi sự kinh doanh, đặc biệt là cải thiện môi trường pháp lý để bắt kịp với tốc độ phát triển sôi động của làn sóng khởi nghiệp trong thời gian qua.

 

          Hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp là một chính sách luôn được Quảng Trị quan tâm, Trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp Quảng Trị tiếp tục phát triển về số lượng và chất lượng. Trong đó, 9 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 291 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng kí hơn 7.600 tỉ đồng, tăng 11% về doanh nghiệp so với cùng kì năm 2018. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 3.500 doanh nghiệp được thành lập, với tổng số vốn đăng kí khoảng 26.000 tỉ đồng. Năm 2019, tổng sản phẩm GDP của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt 19.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 70,9% GDP của tỉnh; đóng góp vào thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.200 tỉ đồng; giải quyết việc làm cho trên 35.000 lao động.

 

         Nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập doanh nghiệp ở tỉnh đang gặp phải, phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, khuyến khích khởi nghiệp và nhằm thúc đẩy quá trình thành lập các doanh nghiệp và hỗ trợ hoạt động, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ một phần nguồn lực như kinh phí, đất đai, nguồn lao động, dịch vụ pháp lý nhằm tạo điều kiện thông thoáng nhất cho các doanh nghiệp hoạt động. Sau khi Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực, Quảng Trị là một trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước đã xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. UBND tỉnh đã khẩn trương xây dựng Đề án về chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp trình HĐND tỉnh ban hành Nghị Quyết 02/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2353/QĐ-UBND ngày 12/10/2018 triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh.  Ngoài ra, UBND tỉnh ban hành một số văn bản có liên quan đến hỗ trợ phát triển doanh nghiệp như: Kế hoạch số 177/KH-UBND, ngày 14/01/2020 của UBND tỉnh về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2020; Quyết định số: 883/QĐ-UBND, ngày 31/3/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn  2020-2024; Quyết định số 1569/QĐ-UBND ngày 11/7/2018 về Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị Quyết số 31/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ ứng dụng và nhân rộng các kết quả Khoa học và Công nghệ  trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2025; Quyết định số 14/2018/QĐ-UBND ngày 20/8/2018 về quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND ngày 25/01/2018 về Quy chế phối hợp giải quyết thủ tục hành chính về đâu tư đối với các dự án đầu tư thựa hiện ngoài Khu kinh tế, Khu Công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Quyết định số 2992/QĐ-UBND ngày 21/12/2018 về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; Kế hoạch hành động số 2973/KH-UBND ngày 11/7/2018 của UBND tỉnh về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo; Quyết định số 2955/QĐ-UBND ngày 17/12/2018 về thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Quảng Trị; Quyết định số 234/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Trị. Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương tiếp tục duy trì và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, chỉ số đo lương sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước, chỉ số quản trị hành chính công và chỉ số năng lựa cạnh tranh cấp tỉnh.

 

       Xác định được vai trò, tầm quan trọng của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc góp phần nâng cao hiểu biết, hạn chế rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, trong thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp cũng như các ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã chú trọng tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Nhằm cung cấp kịp thời các thông tin, chính sách, văn bản pháp luật, các đơn vị đã xây dựng chuyên trang hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và thực hiện cập nhật kịp thời, thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương, chính sách của tỉnh trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh Quảng Trị  và trang thông tin của đơn vị mình.

 

        Các hoạt động trên đã tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các thông tin về chính sách của tỉnh, góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển doanh nghiệp, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước, giữa các doanh nghiệp với nhau, bên cạnh những thuận lợi trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại Quảng Trị còn gặp những khó khăn nhất định, cụ thể như:

 

        Các cơ quan, đơn vị còn thiếu kinh nghiệm trong triển khai thực hiện các hoạt động, trong công tác quản lý nhà nước về doanh nghiệp liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; Một số hoạt động đề ra chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu từ doanh nghiệp

     Công tác phối hợp trong triên khai các hoạt động giữa các ngành, các cấp và ở các huyện, thị, thành phố chưa được thường xuyên. Một số Sở, ngành và địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, tổ cức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

    - Sự phối hợp, hợp tác từ phía doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước chưa thựa sự hiệu quả. Nhiều chương trình, kế hoạch, hội nghị tập huấn tổ chức nhưng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia thiếu tích cực. Các hội, Hiệp hội doanh nghiệp chưa thực sự phát huy vai trò làm cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, gữa doanh nghiệp với các doanh nghiệp.

     Việc triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý Doanh nghiệp nhằm khẳng định sự quan tâm, đồng hành của Lãnh đạo tỉnh, sự tạo điều kiện hỗ trơ, phối hợp của các cấp chính quyền, thông qua các hoạt động truyền thông để tạo ra sự lan tỏa, thay đổi tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của doanh nghiệp trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm; từ đó tạo động lực, thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, nhận thức của một số doanh nghiệp vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa thực sự chủ động, sang tạo trong xu thế hội nhập, phát triển.

     Nhận thức của chủ doanh nghiệp với công tác pháp chế của doanh nghiệp rất hạn chế. Chính vì vậy, mặc dù các cơ quan đã nỗ lực trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhưng mức độ tiếp nhận chưa được như mong muốn.

 

    Để thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới theo quy định của Nghị Định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới cần tập trung một số giải pháp sau:

   - Cần sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình thành lập cũng như hoạt động, việc thay đổi các chính sách cần hướng tới việc đơn giản hóa thủ tục hành chính.

  - Cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức đại diện doanh nghiệp và các đoàn luật sư, Hội Luật gia ở các địa phương để cử ra các luật sư, luật gia có nhiều kinh nghiệm tư vấn, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp.

  - Duy trì và phát triển mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, ưu tiên các địa phương có địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các hình thức tư vấn trực tiếp mang lại hiệu quả cao, thiết thực cho doanh nghiệp.

- Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các doanh nghiệp bằng các hình thức cụ thể, thiết thực như tổ chức đối thoại trực tiếp, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp cần giải quyết để có chương trình hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.

-  Nâng cao năng lực, đào tạo nguồn nhân lực thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các Sở, ban, ngành, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tại các địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

- Tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao sự hiểu biết của chủ doanh nghiệp, hướng tới việc thay đổi nhận thức để nâng cao hiệu quả tiếp cận về pháp lý cho các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng hoạt động trang thông tin pháp lý cho doanh nghiệptạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin pháp lý trong hoạt động đầu tư, kinh doanh và hội nhập, nhất là hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh.

- Quy định trách nhiệm cụ thể của các sở, ngành, địa phương trong việc hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận và hưởng ưu đãi từ các chính sách của tỉnh.

 

                                                                                                                                              Nguyễn Đức Linh

                                                                                                                                               Thanh Tra Sở