Chi tiết - Sở Tư pháp

 

Hòa giải ở cơ sở đã tác động tích cực đến đời sống của toàn xã hội, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho công tác hòa giải ở cơ sở và công tác này dần đi vào nề nếp, thống nhất, hoạt động có hiệu quả tạo bước chuyển biến trong công tác hòa giải ở cơ sở. Có thể nói đây là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả bởi hòa giải thành sẽ hàn gắn và khôi phục tình cảm giữa các bên tranh chấp, giúp duy trì mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, là chỗ dựa cho việc tổ chức một xã hội đoàn kết, hòa hợp, đồng thuận, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, tạo tiền đề cho ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì lẽ đó hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả mà còn là một phương thức phổ biến giáo dục pháp luật thiết thực, nhằm giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ nhân dân; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư; hướng tới xây dựng một xã hội đồng thuận, đoàn kết, cùng thực hiện những nhiệm vụ cách mạng do Đảng và Nhà nước đề ra.

Đại diện các đội thi nhận giải tại Hội thi Hoà giải viên giỏi toàn quốc - Ảnh: Đào Bình

Các tổ hòa giải đã được kiện toàn bảo đảm đúng quy định, chất lượng hòa giải được nâng lên, thể hiện qua tỷ lệ các vụ hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước, số vụ hòa giải thành ngày càng tăng, đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân. Các tổ hòa giải được củng cố, mở rộng thu hút được nhiều thành phần, nhiều lực lượng tham gia. Công tác tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên luôn được chú trọng. Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, ý thức “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh.Với vị trí và vai trò quan trọng đó, hòa giải ở cơ sở từ chỗ là một hoạt động mang tính chất tự phát trong nội bộ nhân dân đã trở thành hoạt động của một tổ chức quần chúng được Nhà nước thừa nhận.

Tập huấn kiến thức và kỹ năng hoà giải tại huyện Triệu Phong - Ảnh: Thuỳ Chi

Để phát huy tối đa hiệu quả của hoạt động hòa giải đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã quy định “Tăng cường đổi mới các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật … thông qua các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoà giải…”. Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 cũng quy định một trong những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật “Thông qua… hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở”. Có thể khẳng định rằng, làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở là góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư, điều này thể hiện như sau:

- Điều 4 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định: “Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự”. Kết quả hòa giải thể hiện ý chí, sự tự nguyện và quyền tự định đoạt của các bên mâu thuẫn, tranh chấp. Để kết quả đó có giá trị thi hành thì không trái pháp luật, đạo đức xã hội, không xâm phạm lợi ích Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc để trốn tránh nghĩa vụ. Chính vì những đặc điểm này hòa giải viên phải nắm được quy định pháp luật, có kiến thức pháp luật từ đó đưa ra những nhận định để phân tích, hướng dẫn các bên tranh chấp biết thỏa thuận của họ có đúng pháp luật, có phù hợp đạo đức, có xâm phạm lợi ích của Nhà nước hoặc người thứ ba không.

- Để tiến hành hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở không chỉ dùng uy tín của bản thân, đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của cộng đồng dân cư nơi họ sinh sống mà còn tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để giải thích, hướng dẫn các bên tranh chấp, giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó có cách xử sự phù hợp với quy định pháp luật, với chuẩn mực đạo đức xã hội.

- Việc đưa ra những quy định của pháp luật dung để thuyết phục, giải thích, phân tích cho các bên tranh chấp, hoà giải viên đã nâng cao hiểu biết pháp luật cho họ, giúp họ hình thành ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, đồng thời, sau khi được hòa giải, mỗi bên tranh chấp cũng có thể trở thành người tư vấn pháp luật cho những người khác (người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp) khi những người này nảy sinh hoặc có nguy cơ nảy sinh tranh chấp tương tự trong các mối quan hệ xã hội.

- Hoạt động hòa giải ở cơ sở là các bên tranh chấp tự mình giải quyết tranh chấp, xung đột trên cơ sở nguyện vọng, hài hòa lợi ích giữa các bên. Hòa giải viên ở cơ sở là người hoạt động vì lợi ích cộng đồng, công việc của họ là hàn gắn những mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình, dòng họ, tranh chấp giữa hàng xóm láng giềng với nhau; hướng dẫn các bên tranh chấp, mâu thuẫn để họ tự thống nhất cách giải quyết mà không cần đến sự can thiệp của Nhà nước. Điều này thể hiện cao quyền làm chủ của nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả Hiến pháp năm 2013. Hoạt động hoà giải ở cơ sở góp phần tích cực trong việc hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, vượt cấp, kéo dài. Vụ việc xảy ra ở cơ sở, nếu được hoà giải và giải quyết kịp thời sẽ không hình thành những mâu thuẫn, tranh chấp lớn, việc đơn giản không trở nên phức tạp, việc phức tạp trở thành dễ giải quyết…… Điều này góp phần tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của chính các bên tranh chấp, của các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương nơi họ sinh sống.

Có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác hoà giải như sau:
               - Để công tác hòa giải ở cơ sở đem lại hiệu quả cao hơn nữa, việc triển khai, tuyên truyền, phổ biến Luật hòa giải cần được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức cần quan tâm xây dựng, củng cố, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên, bố trí kinh phí cho hoạt động hòa giải theo đúng quy định.

- Cần phải xác định rõ trách nhiệm của hòa giải viên trong công tác hòa giải ở cơ sở là người “mở nút thắt” trong các vụ việc tranh chấp, do vậy đòi hỏi mỗi hòa giải viên cần phải tận tâm với công việc, trung thực, khách quan và hiểu biết pháp luật, đây là nền tảng quan trọng trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Thảo luận và đưa ra các giải pháp trong công tác hoà giải - Ảnh: Thuỳ Chi

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đối với công tác hòa giải ở cơ sở; tạo sự phối hợp tốt giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND các cấp, đặc biệt là cấp xã trong chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết các vụ việc hoà giải ở cơ sở. Trong công tác hòa giải ở cơ sở, Mặt trận giữ vai trò nòng cốt, các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh vai trò chủ trì bầu hòa giải viên ở cơ sở, bầu Tổ trưởng Tổ hòa giải và cử hội viên ứng cử làm hòa giải viên ở cơ sở thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần gắn chặt chẽ hơn nữa việc thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở vào các cuộc vận động, các phong trào do Mặt trận phát động như “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”... thông qua đó để tăng cường phổ biến pháp luật cho nhân dân nhằm tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

- Cần có sự động viên, khen thưởng kịp thời định kỳ đối với hòa giải viên và tổ hòa giải có thành tích tốt trong công tác hòa giải. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc, các thành viên của tổ chức Mặt trận đối với công tác hòa giải ở cơ sở, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là của người dân về vị trí vai trò tầm quan trọng của công tác này, từ đó sử dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp và phương pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng,  xây dựng ý thức “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong nhân dân, góp phần ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng phát triển.

                                                                                                   Thuỳ Chi - PBGDPL