Chi tiết - Sở Tư pháp

.

Năm 2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị không xảy ra tội phạm mua bán người. Mặc dù tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người, bắt cóc chiếm đoạt phụ nữ, trẻ em tại địa bàn tỉnh Quảng Trị không có những diễn biến phức tạp như nhiều địa phương khác, nhưng với đặc thù là địa phương có 187,864 km đường biên giới trên đất liền tiếp giáp với tỉnh Savannakhet, tỉnh Salavan, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, điều kiện địa hình rừng núi hiểm trở, có hai cửa khẩu quốc tế, 04 cửa khẩu phụ và hệ thống giao thông, đường mòn lối mở dân sinh phức tạp, Quảng Trị có những điều kiện tự nhiên thuận lợi để tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động.

Ở ngoại biên vẫn còn xuất hiện nhiều dấu hiệu tiềm ẩn nguy cơ của hoạt động mua bán người phục vụ cho các tụ điểm mại dâm (chủ yếu là các cơ sở dịch vụ mát xa, khách sạn, nhà hàng, karaoke hoạt động mại dâm trá hình) ở trung tâm các tỉnh Savannakhet, Pắc Xế, Chăm Pa Sắc, Viêng Chăn (Lào), Mục Đa Hãn (Thái Lan) và để làm lao động cưỡng bức tại các hầm mỏ, công trường…

            Ở khu vực biên giới, vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm nên nhiều người dân đã tìm cách xuất cảnh để lao động. Tuy nhiên, do không có đủ các giấy tờ, thủ tục cần thiết nên họ phải tìm cách xuất cảnh trái phép. Lợi dụng tình hình đó, một số đối tượng đã móc nối, lôi kéo, tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép qua nước Bạn Lào để lao động “chui” khiến tình hình trở nên phức tạp; tiềm ẩn nguy cơ về tội phạm mua bán người. Một số kết quả đạt được của công tác phòng, chống mua bán người năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, cụ thể:

1. Về công tác tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện

Công an tỉnh - Cơ quan thường trực phòng, chống mua bán người của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành: Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 10/11/2022 về mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Công văn số 3442/UBND-NC ngày 21/7/2022 về việc triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2022(3) Báo cáo 171/BC-UBND ngày 17/8/2022 về kết quả thực hiện các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” năm 2022. Tham mưu Ban chỉ đạo 138 tỉnh ban hành Kế hoạch số 30/KH-BCĐ ngày 23/02/2022 về thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2022; Báo cáo tổng kết công tác phòng, chống mua bán người năm 2021 và Báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống mua bán người quý I, 6 tháng và Quý III năm 2022.

Ký kết 02 Chương trình phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ và Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh về giáo dục cải tạo phạm nhân nữ, phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hoà nhập cộng đồng giai đoạn 2022 - 2026; chủ động ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo lực lượng Công an các cấp thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống mua bán người; mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người năm 2022; tăng cường triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm mua bán người… triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống mua bán người, trọng tâm là: Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Công ước ACTIP); triển khai các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về phòng, chống mua bán người, nhất là về công tác liên quan đến Báo cáo TIP năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người trong nội địa; triển khai ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ về tình hình lao động Việt Nam tại Ả-rập Xê-út; triển khai đợt cao điểm phòng, chống tội phạm mua bán người…

- Các Sở, ban, ngành thành viên Ban chỉ đạo 138 tỉnh đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; triển khai thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2022, “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người năm 2022” và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống mua bán người.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố: Ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện một cách quyết liệt, lồng ghép nội dung thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 gắn với các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương bằng những hình thức và biện pháp phù hợp với đặc điểm địa phương mình nên đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết vấn đề đời sống cho nhân dân ngay tại địa bàn dân cư, hạn chế nguyên nhân tình trạng dẫn đến tội phạm mua bán người.

2. Công tác truyền thông, giáo dục, phòng ngừa tội phạm mua bán người

- Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện 89 tin, bài, phóng sự và 38 chuyên mục liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật phòng, chống mua bán người trên chuyên mục “Pháp luật và Đời sống”. Duy trì chuyên mục “An ninh Quảng Trị” trên sóng phát thanh, truyền hình. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội mở thêm chuyên mục mới về “Lao động việc làm và bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên sóng truyền hình”. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ đề về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em; người chưa thành niên vi phạm pháp luật; phòng chống bạo lực gia đình và mua bán người, tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

- Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức lớp tập huấn về “Kỹ năng hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; kỹ năng và quy trình giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo”; triển khai nhiều hoạt động tại hai huyện Hướng Hoá và Đakrông nhằm cung cấp kiến thức, kỷ năng chăm sóc, giáo dục trẻ cho hơn 500 trẻ em, ông bố, bà mẹ và cộng tác viên, tình nguyện viên; cấp phát 560 tờ rơi, tài liệu liên quan đến bảo vệ phụ nữ, trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội; tổ chức diễn đàn “An toàn cho phụ nữ và trẻ em gái” năm 2022, có 65 người tham dự, trong đó có 40 em học sinh nữ của Trường TH&THCS Hải Lệ (thị xã Quảng Trị).

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức 350 buổi tuyên truyền, vận động Nhân dân ở khu vực biên giới thu hút 31.500 lượt người tham gia, trong đó tập trung chủ yếu là phụ nữ, trẻ em có nguy cơ cao nhằm chuyển biến tích cực về nhận thức trong quần chúng Nhân dân.

- Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tuyên truyền về tháng hành động phòng, chống mua bán người tại đơn vị thông qua sinh hoạt các tổ chức, học tập, huấn luyện trong đơn vị 55 buổi với hơn 5.704 lượt cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ tham gia; đăng, phát 286 tin, bài. Phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông qua các buổi mít tinh, văn hoá văn nghệ, thực hiện công tác dân vận giúp dân trên địa bàn 47 buổi với 6.658 lượt người tham gia.

- Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về phòng, chống mua bán người người dân của 13 xã của hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hoá với 140 người tham gia, phát 140 quyển tài liệu miễn phí; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền  hình tỉnh phát sóng 24 chuyên mục “Pháp luật và đời sống” có nội dung tuyên truyền về công tác trợ giúp pháp lý góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, năm an toàn giao thông...

- Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức 06 buổi tọa đàm; 239 lượt tuyên truyền lưu động; 29 buổi tuyên truyền tại các khu dân cư; đăng tải, chia sẻ 1.996 tin, bài trên mạng xã hội có nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người thu hút 58.700 lượt người tham gia. Phát 381 tờ rơi, pa nô, áp phích tại các địa điểm công cộng. Phối hợp tổ chức 41 buổi tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại các trường học, thu hút 2.650 học sinh, sinh viên, giáo viên tham gia.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh để công tác truyền thông được triển khai đến tận cơ sở, nhất là việc đăng tin về thực trạng và giải pháp trên tập san an ninh trật tự của địa phương giúp quần chúng nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, tham gia tích cực vào công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.

3. Về công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, phục vụ phòng, chống mua bán người

Năm 2022, lực lượng Công an tiếp tục triển khai thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân và Luật Cư trú năm 2020. Tập trung đẩy mạnh triển khai Đề án 06. Cung cấp 03 tiện ích phục vụ nhân dân (đăng ký cấp biển số mô tô, xe gắn máy tại cấp xã; cấp mã định danh cá nhân phục vụ đăng ký thi tốt nghiệp THPT; cấp, cấp lại, sửa đổi bổ sung hộ chiếu phổ thông). Tăng cường công tác kiểm tra nhân hộ khẩu, tạm trú, lưu trú; thực hiện tốt công tác quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT góp phần quan trọng phục vụ công tác phòng, chống mua bán người.

4. Về công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người

Năm 2022 được sự quan tâm chỉ đạo của Ban chỉ đạo 138/CP, Tỉnh ủy và UBND tỉnh cũng như làm tốt công tác phòng ngừa, tuyên truyền sâu rộng đến các địa bàn cơ sở nên tại Quảng Trị không xảy ra trường hợp mua bán người nào.

            5. Về  công tác hợp tác quốc tế

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh các sở, ban, ngành và lực lượng chuyên trách có chức năng phòng, chống tội phạm tăng cường mối quan hệ hợp tác với các nước láng giềng và trong khu vực đối với công tác phòng, chống tội phạm, đặc biệt là 02 tỉnh Savannakhet và Salavan (nước bạn Lào), thông qua các hoạt động cụ thể:

- Công an tỉnh tổ chức lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ giữa Công an tỉnh Quảng Trị với Công an tỉnh Salavan, Savannakhet, Champasac (CHDCND Lào) năm 2022; tăng cường công tác trao đổi thông tin, phối hợp tuần tra chung bảo vệ cột mốc, đường biên, phòng, chống dịch bệnh, điều tra, xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp xảy ra.

- Định kỳ lực lượng chuyên trách có chức năng phòng, chống tội phạm của hai huyện Hướng Hóa, Đakrông đều tổ chức giao ban với các huyện giáp biên của hai tỉnh Savannakhet, Salavan (Lào); duy trì công tác trao đổi thông tin về công tác phòng, chống tội phạm. Thường xuyên phối hợp tuần tra chung bảo vệ cột mốc, đường biên, điều tra, xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp xảy ra, qua đó thắt chặt tình đoàn kết, mối quan hệ phối hợp công tác.

- Lực lượng Biên phòng, Hải Quan thường xuyên trao đổi tin tức, phối hợp với Ty an ninh 02 tỉnh Salavan, Savannakhet (Lào) trong công tác đấu tranh các chuyên án, vụ án ma túy, tội phạm. Tiếp tục xây dựng kế hoạch mở rộng đấu tranh với các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ Lào về Việt Nam. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng nước bạn Lào nắm, khảo sát những đường dây, tụ điểm nghi vấn liên quan đến hoạt động mua bán người ở hai bên biên giới để chủ động đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Có thể nói năm 2022, các Sở, ngành, đoàn thể và địa phương đã quan tâm triển khai quyết liệt các Chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo 138 tỉnh về phòng, chống tội phạm nói chung, phòng, chống mua bán người nói riêng đạt được nhiều kết quả. Tham mưu cho lãnh đạo các cấp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo mang tính chiến lược về công tác phòng, chống mua bán người. Công tác truyền thông phòng, chống mua bán người được triển khai thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nhất là đã ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, mang lại hiệu quả cao, tạo được lòng tin và sự tham gia tích cực của Nhân dân.

 Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại khó khăn, như: Công tác phối hợp của một số sở, ngành thiếu chặt chẽ, hoạt động còn hạn chế. Việc trao đổi thông tin, thực hiện chế độ thông tin báo cáo định kỳ của một số sở, ngành, địa phương còn chưa kịp thời ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, đánh giá kết quả chung của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh; Công tác tuyên truyền mặc dù đã được tăng cường nhưng ở một số nơi còn mang tính phong trào, thời vụ, công tác giáo dục, phổ biến pháp luật còn dàn trải chưa tương xứng với các mục tiêu, giải pháp đề ra; Ở một số nơi vẫn còn tư tưởng coi nhiệm vụ phòng, chống mua bán người chỉ là của lực lượng Công an. Chính vì vậy, chưa thực sự phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống mua bán người.

Thời gian tới, dự báo tình hình mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh, như: mua bán người để lấy bộ phận cơ thể người, lợi dụng tình trạng đưa người di cư trái phép, thiếu lao động phổ thông và mất cân bằng giới tính của một số quốc gia có chung đường biên giới; sự nhẹ dạ, mất cảnh giác của người dân. Do đó, công tác phòng ngừa tội phạm mua bán người trong thời gian tới đặt ra nhiều thách thức, yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn, cần tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả hơn.

Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện để tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm trong thời gian tới. Đồng thời kiến nghị đề xuất Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng và hoàn thiện những quy định pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em. Quy định cụ thể và nghiêm khắc các chế tài trừng trị những hành vi mua bán người.

                                                                                 Phước Nghĩa

                                                          Phòng Phổ biến GDPL &TDTHPL