Chi tiết - Sở Tư pháp

 

Sau hơn 12 năm thi hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 55/2011/NĐ-CP), công tác pháp chế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác pháp chế; từng bước xác lập và thực hiện hiệu quả hơn cơ chế phối hợp trong lãnh đạo và triển khai công tác pháp chế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thi hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo tính đầy đủ, hợp lý, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, sát thực tiễn như quy định về tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế ở Trung ương và địa phương; cơ cấu tổ chức của tổ chức pháp chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập; về nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức pháp chế; tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế và người đứng đầu tổ chức pháp chế; về chế độ cho người làm công tác pháp chế…

Để kịp thời tháo gỡ một số vướng mắc trong thực tiễn, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, tiêu chuẩn, chế độ cho người làm công tác pháp chế đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác pháp chế, yêu cầu thực tiễn công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật trong tình hình mới, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác pháp chế, ngày 18/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 56/2024/NĐ-CP).

Nghị định số 56/2024/NĐ-CP gồm 4 điều trong đó sửa đổi, bổ sung 10 điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Bên cạnh việc bổ sung đơn vị sự nghiệp công lập vào phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Nghị định, Nghị định tập trung chủ yếu sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở bộ, cơ quan, ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và doanh nghiệp nhà nước, tiêu chuẩn, chế độ của người làm công tác pháp chế; bổ sung 03 điều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập và trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong công tác pháp chế; bãi bỏ 01 điều một số điểm, khoản tại các điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Một số điểm mới cụ thể như sau:

Về ngạch pháp chế viên, pháp chế viên chính và pháp chế viên cao cấp

 Nghị định số 56/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 12 của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP để quy định về chức danh, tiêu chuẩn ngạch pháp chế viên, pháp chế viên chính, pháp chế viên cao cấp với tiêu chuẩn bổ nhiệm cụ thể, trong đó tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch pháp chế viên: Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; có trình độ cử nhân luật trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế và chứng chỉ khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; có ít nhất 02 (hai) năm được tính cộng dồn thực hiện một trong các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Chương II của Nghị định này, không kể thời gian tập sự.

 Căn cứ vào tiêu chuẩn chung của pháp chế viên, pháp chế viên chính, pháp chế viên cao cấp và pháp luật có liên quan, Nghị định giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định chức danh pháp chế, tiêu chuẩn chức danh pháp chế và người đứng đầu tổ chức pháp chế trong quân đội nhân dân, công an nhân dân.

 Nghị định giao doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập vận dụng tiêu chuẩn, chế độ của pháp chế viên, pháp chế viên chính, pháp chế viên cao cấp để lựa chọn, bố trí, sử dụng và quyết định các chế độ đối với người làm công tác pháp chế.

Quy định về chế độ hỗ trợ đối với công chức làm công tác pháp chế

Nghị định bổ sung quy định: Căn cứ vào vị trí việc làm về nghiệp vụ chuyên môn pháp chế trong cơ quan, tổ chức hành chính, người làm công tác pháp chế ở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được hưởng mức hỗ trợ là 60.000 đồng/ngày làm việc, ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được hưởng mức hỗ trợ là 40.000 đồng/ngày làm việc. Chế độ hỗ trợ này được áp dụng cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập vận dụng chế độ hỗ trợ nêu trên để quyết định các chế độ đối với người làm công tác pháp chế.

Quy định về tiêu chuẩn người đứng đầu tổ chức pháp chế

Để tiếp tục chuẩn hoá người đứng đầu tổ chức pháp chế, Nghị định quy định về tiêu chuẩn của người đứng đầu tổ chức pháp chế đối với cấp tỉnh tại khoản 12 Điều 1 Nghị định như sau:

Người đứng đầu Phòng hoặc tương tương thực hiện công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; các tiêu chuẩn của pháp chế viên quy định tại điểm c khoản này; đã được bổ nhiệm ngạch pháp chế viên trở lên; trường hợp là pháp chế viên, sau khi bổ nhiệm vào ngạch phải có ít nhất 01 (một) năm được tính cộng dồn thực hiện một trong các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Chương II của Nghị định.

Trường hợp luân chuyển, điều động người đứng đầu tổ chức, đơn vị khác sang giữ vị trí người đứng đầu tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì người được luân chuyển, điều động phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; có trình độ cử nhân luật trở lên và có ít nhất 03 (ba) năm được tính cộng dồn thực hiện một trong các nhiệm vụ, quyền hạn của công tác pháp chế. Trường hợp chưa có trình độ cử nhân luật trở lên thì trong thời hạn 12 (mười hai) tháng kể từ ngày được luân chuyển, điều động, người đứng đầu tổ chức pháp chế phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế.

Về bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập

Để đảm bảo thống nhất với việc bổ sung đơn vị sự nghiệp công lập vào phạm vi điều chỉnh của Nghị định, tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 56/2024/NĐ-CP bổ sung 01 điều (Điều 16a) quy định về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong việc: Xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập; Trực tiếp chỉ đạo công tác pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập; chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập; Tổ chức bộ phận pháp chế hoặc bố trí viên chức thực hiện công tác pháp chế, bảo đảm kinh phí, tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập; Báo  cáo về công tác pháp chế  theo định kỳ hằng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất gửi cơ quan chủ quản để tổng hợp, gửi Bộ Tư pháp.

Về sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và bổ sung quy định về tổ chức pháp chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa bảo đảm sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong việc quyết định mô hình tổ chức pháp chế, vừa bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác pháp chế gắn với khối lượng nhiệm vụ pháp chế ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao như hiện nay, Nghị định số 56/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 Nghị định 55/2011/NĐ-CP về về tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh theo hướng:

Tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được thành lập tại cơ quan chuyên môn có phạm vi quản lý rộng, yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp và do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao. Việc thành lập tổ chức pháp chế tại khoản này được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trường hợp không đủ điều kiện và tiêu chí thành lập tổ chức pháp chế thì bố trí trong Văn phòng (nếu cơ quan chuyên môn có Văn phòng) hoặc phòng chuyên môn, nghiệp vụ (nếu cơ quan chuyên môn không có Văn phòng). Tên gọi cụ thể của tổ chức này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Nghị định số 56/2024/NĐ-CP bổ sung Điều 10a vào sau Điều 10 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định về tổ chức pháp chế tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập: Căn cứ vào yêu cầu công tác pháp chế, cấp có thẩm quyền quyết định việc thành lập tổ chức, bộ phận pháp chế chuyên trách hoặc bố trí viên chức thực hiện công tác pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập. Tổ chức pháp chế, bộ phận pháp chế chuyên trách, viên chức thực hiện công tác pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế của tổ chức pháp chế cơ quan chủ quản và chịu sự quản lý về công tác pháp chế của Bộ Tư pháp”.

Về bổ sung một số nhiệm vụ quyền hạn của tổ chức pháp chế

Trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan, Nghị định số 56/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ quyền hạn của tổ chức pháp chế các cơ quan, đơn vị trong đó có cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, doanh nghiệp nhà nước theo hướng chỉ quy định các nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của tổ chức pháp chế, đã được quy định trong các văn bản QPPL từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên.

Để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP, Nghị định số 56/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ của tổ chức pháp chế cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh trong việc chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Thủ trưởng cơ quan phối hợp với Sở Tư pháp đề xuất danh mục nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. Đồng thời, thiết kế lại quy định về nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, bồi thường nhà nước để bảo đảm khái quát hơn và phù hợp với quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

 Đối với nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, để thống nhất với nhiệm vụ được giao cho tổ chức pháp chế tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, Nghị định số 32/2020/NĐ-CP, Nghị định số 56/2024/NĐ-CP sửa đổi khoản 5 Điều 5 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP theo hướng bỏ điểm b, điểm c và sửa đổi, bổ sung nội dung điểm a (bỏ nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện pháp luật) để quy định tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, giúp Thủ trưởng cơ quan thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công theo quy định của pháp luật.

Đối với nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 6 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP theo hướng tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có trách nhiệm “chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trong việc triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật”.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước, khoản 8 Điều 1 Nghị định số 56/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 7 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP theo hướng sắp xếp lại các nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước cho phù hợp với thực tiễn: (i) bảo đảm tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp phù hợp với quy định pháp luật, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (tham gia xây dựng, đề xuất, góp ý VBQPPL; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật; tổng kết, đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật); (ii) hoạt động nội bộ của doanh nghiệp (xây dựng và tổ chức thi hành các văn bản nội bộ; góp ý điều lệ, nội quy, quy chế của doanh nghiệp; soạn thảo các loại mẫu hợp đồng, tư vấn về hợp đồng; tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng giải quyết tranh chấp...).

Đồng thời, tại khoản 6 Điều 1 Nghị định bổ sung 01 điều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Về trách nhiệm thi hành Nghị định số 56/2024/NĐ-CP

Nghị định quy định một số quy định chuyển tiếp và trách nhiệm thi hành như sau:

Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được thành lập trước ngày Nghị định này có hiệu lực tiếp tục được duy trì, kiện toàn. Trường hợp các cơ quan chuyên môn có Văn phòng mà nhiệm vụ công tác pháp chế đang được giao cho Thanh tra hoặc phòng chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện, thì trong thời hạn 12 (mười hai) tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực phải sắp xếp, giao cho Văn phòng thực hiện.Trường hợp các cơ quan chuyên môn không có Văn phòng mà nhiệm vụ công tác pháp chế đang được giao cho tổ chức khác không phải là phòng chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện, thì trong thời hạn 12 (mười hai) tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực phải sắp xếp, giao cho phòng chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện.

Trong thời hạn 12 (mười hai) tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, sử dụng công chức thực hiện công tác pháp chế có trách nhiệm rà soát, xét chuyển ngạch cho công chức thực hiện công tác pháp chế sang ngạch pháp chế viên tương ứng theo quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Khi thực hiện việc chuyển ngạch, công chức thực hiện công tác pháp chế đã được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương, có trình độ cử nhân luật trở lên và có ít nhất 02 (hai) năm được tính cộng dồn làm công tác pháp chế không kể thời gian tập sự được xét chuyển sang ngạch pháp chế viên; công chức thực hiện công tác pháp chế đã được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp hoặc tương đương và có trình độ cử nhân luật trở lên được xét chuyển sang ngạch pháp chế viên chính, pháp chế viên cao cấp

Trường hợp đang thực hiện thủ tục bổ nhiệm người đứng đầu tổ chức pháp chế thì được tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ./.

                                                                              

Thu Hà