Chi tiết - Sở Tư pháp

.

Những kết quả tích cực của Việt Nam trên đường phát triển Chính phủ số

      Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nêu rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2025 duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN. Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc. Có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.

Ảnh minh họa

      Đến năm 2030, duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp. Kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. Hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Trong những năm qua, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản xác định những mục tiêu, nội dung phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số như: Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện những chủ trương, chính sách đó của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã nỗ lực triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số và bước đầu đạt những kết quả tích cực như:

      Hạ tầng kỹ thuật cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cơ quan nhà nước cũng như người dân. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa bộ, ngành, địa phương. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về đăng ký kinh doanh, về bảo hiểm, về hộ tịch hoàn thành, từng bước được triển khai, sử dụng hiệu quả. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện xác thực thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Chứng minh nhân dân để đối chiếu, đồng bộ số Căn cước công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sang Cơ sở dữ liệu của bảo hiểm xã hội. Tính đến ngày 18/8/2022, cơ bản hoàn thành xác thực đúng thông tin công dân của trên 49 triệu người dân tham gia.

      Tính đến 21/8/2022, Hệ thống cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đã có 30.397.109 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 7.612.566 trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định; 6.520.606 dữ liệu đăng ký kết hôn; 4.354459 dữ liệu đăng ký khai tử và 7.662.672 dữ liệu khác.

      Nhiều dịch vụ công đã được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, 4. Tính đến cuối tháng 8/2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp đạt trên 70% so với tổng số thủ tục hành chính. Việc trao đổi văn bản điện tử đã trở nên phổ biến. Số lượng văn bản điện tử gửi và nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia tính đến tháng 8/2022 là 690.109 văn bản.

      Xếp hạng chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên hợp quốc năm 2020 tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 23/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Chỉ số tổng hợp của Việt Nam cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao.

      Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ Việt Nam xác định xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016-2020 để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030. Để hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra,  cần phải có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tạo ra một phương thức điều hành mới, một cách làm mới nhằm góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin nhằm phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ số mang lại, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

                                                                             HÙNG NAM- Sở TTTT