Chi tiết - Sở Tư pháp

.

Xuất phát từ nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), xác định được đây là công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, huyện Hải Lăng huy động mọi nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL. Trong năm qua, công tác này có nhiều thành tích rất khả quan.

Kết quả đạt được

Ngay từ đầu năm, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện (gọi tắt là Hội đồng PHPBGDPL) đã đã tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) huyện triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các văn bản của cấp trên; ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành như Kế hoạch, Quyết định, Công văn nhằm cụ thể hóa các văn bản của Chính phủ, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh về công tác phổ biến giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật, hòa giải ở cơ sở. Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 30/11/2022, Hội đồng PHPBGDPL huyện tham mưu cho UBND huyện ban hành 06 Kế hoạch và  04 văn bản để triển khai, thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Các văn bản được ban hành đảm bảo đầy đủ, kịp thời góp phần nâng cao hiệu cao công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, UBND huyện đã kịp thời kiện toàn các Hội đồng PHPBGDPL, Hội đồng đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (CTCPL), kiện toàn đội ngũ báo các viên pháp luật cấp huyện với 27 thành viên hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, trong đó: Nam 25 người, nữ 02 người; có trình độ Đại học trở lên 27 người. Đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật tại các xã, thị trấn được kiện toàn gồm: 50 người, trong đó đội ngũ tuyên truyền viên chủ yếu gồm: Chủ tịch UBND xã, Trưởng Công an xã, Công chức Tư pháp-Hộ tịch, Công chức địa chính, Công chức Văn hóa xã hội, chỉ huy trưởng Quân sự.

Về đội ngũ hòa giải ở cơ sở: Hiện nay tại huyện có 74 tổ hòa giải với 450 hòa giải viên; trong đó có 37 2 nam, 78 nữ; có trình độ chuyên môn Luật là 19 người, chưa đào tạo chuyên môn Luật là 274 người; dân tộc thiểu số 01 người (xã Hải Chánh), tổ hòa giải được phân bổ trên các cụm dân cư trong toàn địa bàn. Tỉ lệ hòa giải thành rất cao đạt khoảng 93%.

Đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở hàng năm được kiện toàn, tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền, được bổ sung đầu sách pháp luật phục vụ cho việc nghiên cứu, tuyên truyền và được thanh toán chế độ khi tham gia công tác tuyên truyền.

Sở Tư pháp làm việc với Hội đồng PHPBGDPL huyện tại UBND huyện Hải Lăng

Số lượng các cuộc tuyên truyền và tài liệu tuyên truyền pháp luật đã cấp phát khá lớn. Trong năm 2022, tại các cơ quan chuyên môn thuộc huyện tổ chức 20 cuộc với 2000 lượt người tham dự; các xã, thị trấn triển khai được 56 cuộc với tổng số 7000 lượt người tham gia học tập; nội dung tuyên truyền tập trung vào những văn bản mới, liên quan trực tiếp đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân và các vấn đề dư luận quan tâm, như: Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020, Luật Khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tiếp công dân, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tham nhũng. Lồng ghép tổ chức 04 lớp tuyên truyền PBGDPL kết hợp nâng cao kỹ năng hòa giải cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở

Hình thức tuyên truyền khá phong phú, đa dạng. Bên cạnh các hình thức truyền thống như phổ biến trực tiếp, qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, địa phương đã khai thác lợi thế công nghệ thông tin, mở chuyên mục pháp luật và đời sống trên trang thông tin điện tử đạt hiệu quả cao trong PBDGPL. Một hình thức không kém hiệu quả là lồng ghép PBGDPL thông qua hoạt động ký cam kết không vi phạm pháp luật. Hiện nay trên địa bàn toàn huyện có 16/16 xã, thị trấn ký cam kết không vi phạm pháp luật trong các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết. Tại cơ sở giáo dục trên địa bàn có 49/49 đơn vị trường học tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức và giáo viên, học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật; qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, giảm thiểu những tệ nạn xã hội, hành vi vi phạm pháp luật.

Sự phối hợp giữa các ngành trong thực hiện công tác PBDGPL đã được tăng cường, đem lại những hiệu quả lớn cho PBGDPL. Phòng Tư pháp, cơ quan thường trực của HĐPHPBGDPL đã phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ huyện thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện Hải Lăng năm 2022 tổ chức 04 đợt trợ giúp pháp lý (mỗi đợt 80 người tham gia) tại các xã: Hải Sơn, Hải Quế, Hải Dương, Hải An, Hải Khê; phối hợp với Công an huyện tham gia phổ biến giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh thiếu niên, hội viên Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh tại các xã, thị trấn trên địa bàn (Thị trấn Diên Sanh, Hải Hưng); Phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ huyện thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện Hải Lăng năm 2022 tổ chức 04 đợt trợ giúp pháp lý (mỗi đợt 80 người tham gia) tại các xã: Hải Sơn, Hải Quế, Hải Dương, Hải An, Hải Kh; phối hợp với UBND xã Hải Phong trực tiếp tuyên truyền pháp luật tại xã, nội dung: “Một số những Nghĩa vụ quân sự, Nghị định số 37/2022 ngày 06/6/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” với 200 người tham dự là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại địa phương.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các đối tượng đặc thù luôn được chú trọng. Trong năm 2022, các cơ quan, đơn vị, cơ sở đã tổ chức 20 cuộc với 1300 lượt đối tượng là người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người được hưởng chính sách.

PBGDPL tại các trường học được tăng cường. Phòng Giáo dục và đào tạo chỉ đạo 100% các đơn vị trường học làm tốt công tác tuyên truyền, phố biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là tuyên truyền về công tác phòng chống tệ nạn ma túy học đường cho cán bộ, giáo viên, học sinh tại các buổi họp hội đồng và các lớp học. Trong năm đã tổ chức được 700 buổi với tổng số hơn 30.000 lượt cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh tham gia học tập.

Đồng chí Cáp Xuân Tá - Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng PHPBGDPL huyện Hải Lăng báo cáo các hoạt động công tác PBGDPL

Việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (CTCPL) đã được thực hiện thường xuyên. UBND huyện đã ban hành 04 văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác xây dựng xã đạt CTCPL. Phòng Tư pháp căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác xây dựng xã đạt CTCPL đáp ứng các quy định tại bảng phân công nhiệm vụ phụ trách các tiêu chí huyện nông thôn mới. Tổ chức Hội nghị quán triệt, hướng dẫn tổ chức thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg.Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ công tác chuẩn tiếp cận pháp luật xã Hải Chánh và Hải Thượng phục công tác xây dựng, đánh giá về đích Nông thôn mới và Nông thôn mới nâng cao.

UBND huyện đã quan tâm bố trí kịp thời kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác phổ biến giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật, hòa giải ở cơ sở. Vì vậy, công tác đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên các đoàn thể. Thông qua đó, đã góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trên địa bàn huyện.

Hạn chế, nguyên nhân

Bên cạnh những việc đã làm được, công tác PBGDPL trên địa bàn huyện vẫn có những tồn tại như: việc triển khai thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg và Luật Phổ biến giáo dục pháp luật ở một số xã, thị trấn còn mang tính hình thức, chất lượng công tác tuyên truyền chưa cao; công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên còn chưa đáp ứng được yêu cầu; đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên các thôn, khóm chưa được đào tạo bài bản, ít có cơ hội thực hành nên đa số còn yếu về hoạt động tuyên truyền và hòa giải; chế độ, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ làm công tác PBGDPL chưa đảm bảo, chưa khuyến khích được đội ngũ này trong công tác tuyên truyền.

          Chưa thành lập đội ngũ tập huấn viên cấp huyện về hòa giải ở cơ sở. Kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở tuy đã cấp nhưng ở một số xã chưa thực hiện được; ngân sách phân bổ cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân chưa đảm bảo quy định theo Nghị quyết 16/2015/NQ-HĐND ngày 17/7/2015 của HĐND tỉnh và Quyết định 18/2015/QĐ-UBND  ngày 27/8/2015 của UBND tỉnh Quảng Trị về quy định mức chi đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

          Việc kiểm tra, giám sát công tác PBGDPL chưa được thường xuyên nên việc đánh giá công tác tuyên truyền chưa sát.         

          Nguyên nhân của những tồn tại, khó khăn trên là do thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL và đội ngũ báo cáo viên pháp luật hoạt động kiêm nhiệm nên thời gian dành cho công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc các xã, thị trấn còn chưa thường xuyên.

          Nguồn kinh phí cấp cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân còn hạn chế chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ, chưa đảm bảo chế độ thù lao cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên khi tham gia tuyên truyền theo sự phân công của Hội đồng. Mức chi thù lao báo cáo viên cấp huyện (240.000đ/buổi) thấp so với quy định chưa phù hợp tình hình thực tế công sức của báo cáo viên.

Một số giải pháp

Về phía UBND huyện, Hội đồng PHPBGDPL huyện

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng PBGDPL, UBND huyện cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật, hòa giải ở cơ sở. Bám sát các nhiệm vụ trong tâm của công tác phổ biến giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật, hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới.

Hội đồng PHPBGDPL huyện tiếp tục tham mưu UBND huyện tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật với các hình thức, nội dung phù hợp với đối tượng tham gia nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, công chức và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn nhằm chấp hành tốt kỷ cương pháp luật và hạn chế tối đa tình hình vi phạm pháp luật.

Một vấn đề hết sức quan trọng là phải tăng cường công tác kiểm tra công tác phổ biến giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật, hòa giải ở cơ sở. Thực hiện phân bổ ngân sách, hướng dẫn, kiểm tra UBND các xã thực hiện chi ngân sách cho hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân theo Nghị quyết 16/2015/NQ-HĐND ngày 17/7/2015 của HĐND tỉnh và Quyết định 18/2015/QĐ-UBND  ngày 27/8/2015 của UBND tỉnh Quảng Trị về quy định mức chi đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Đặc biệt, UBND huyện cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trên địa bàn; Kịp thời thành lập đội ngũ tập huấn viên cấp huyện về hòa giải ở cơ sở. Bố trí kinh phí hợp lý để thực hiện tốt nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật, hòa giải ở cơ sở.

Về phía Phòng Tư pháp huyện Hải Lăng

Tiếp tục tham mưu cho UBND huyện thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật, hòa giải ở cơ sở.

Tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nghiệp vụ thực hiện các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật, hòa giải ở cơ sở; Hướng dẫn UBND các xã, thị trấn trên địa bàn thực hiện tốt các nhiệm vụ của công tác phổ biến giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật, hòa giải ở cơ sở.

Về phía Sở Tư pháp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác PBGDPL, Sở Tư pháp cần tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị bồi dưỡng báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tuyên truyền viên, hòa giải viên ở cơ sở; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 16/2015/NQ-HĐND ngày 17/7/2015 của HĐND tỉnh (chế độ báo cáo viên) cho phù hợp với quy định và tình hình thực tế.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phải tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tăng cường phối hợp trong công tác hòa giải ở cơ sở, phối hợp tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết 16/2015/NQ-HĐND ngày 17/7/2015 của HĐND tỉnh và Quyết định 18/2015/QĐ-UBND  ngày 27/8/2015 của UBND tỉnh Quảng Trị, phát hiện, kiến nghị, các cấp, các ngành thực hiện tốt hơn công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới.

                                                                                      Thanh Ngân