Chi tiết - Sở Tư pháp
- '
- Trang chủ
- Giới thiệu
- Tin tức - Nghiên cứu trao đổi
- Tin tức chuyên ngành
- Phổ biến, giáo dục PL
- Xây dựng, kiểm tra VPQPPL
- Hỗ trợ pháp lý cho Doạnh nghiệp
- Pháp chế
- Bồi thường nhà nước
- Cải cách hành chính, Kiểm soát TTHC
- Quản lý xử lý VPHC, theo dõi THPL
- Hành chính tư pháp
- Thanh tra, Kiểm tra
- Bổ trợ tư pháp
- Công chứng, chứng thực
- Tổ chức - Đào tạo
- Thống kê, tổng hợp
- Tin tức, sự kiện
- Hoạt động của đơn vị trực thuộc ▼
- Hoạt động tư pháp địa phương
- Nghiên cứu, trao đổi
- Hoạt động Đảng, Đoàn thể
- Tin khác ▼
- Tin tức chuyên ngành
- Chỉ đạo điều hành
- Khen thưởng - Xử phạt
- Văn bản mới
- Chiến lược - Quy hoạch, Kế hoạch
- Album ảnh
Từ tác phẩm: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghĩ về những nhiệm vụ đặt ra cho đơn vị hiện nay
- Ngày đăng: 30-12-2022
- 366 lượt xem
.
Ngày 16/5/2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Đây là một tác phẩm mang giá trị lý luận và thực tiễn hết sức sâu sắc về về chủ nghĩa xã hội, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt nam trong giai đoạn hiện nay. Có thể khẳng định, bài viết đã giúp cho chúng ta nhìn sáng tỏ hơn về con đường mà tổ quốc, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Trong bài viết này, đồng chí Tổng Bí thư đã phân tích và trả lời 4 câu hỏi (1) Chủ nghĩa xã hội là gì? (2) Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? (3) Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? (4) Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?
Đây là 4 vấn đề quan trọng, là cơ sở để Đảng ta hoạch định đường lối, đề ra các nhiệm vụ chính trị cho mỗi giai đoạn của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, mang lại sự phát triển toàn diện cho mỗi con người, mang lại tự do, hòa bình, giàu mạnh cho đất nước.
Đối với câu hỏi thứ nhất: Chủ nghĩa xã hội là gì? Đồng chí Tổng Bí thư đã khẳng định: “ Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”. Có thể thấy, chủ nghĩa xã hội ở đây là chủ nghĩa xã hội khoa học dựa trên học thuyết Mác-Lênin trong thời đại ngày nay.
Đối với câu hỏi thứ hai: Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Đây là câu hỏi mang nhiều trăn trở bởi lẽ sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, nhiều người hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa hội, thậm chí còn băn khoăn liệu Việt Nam chúng ta đã chọn con đường đi sai hay không? Bên cạnh đó thực tế đặt ra vấn đề là có phải hiện nay chủ nghĩa tư bản, kể cả những nước tư bản chủ nghĩa già đời vẫn đang phát triển tốt đẹp không?
Để lý giải về tính đúng đắn trong sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư trước hết công nhận chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu rất to lớn. Tuy nhiên, với những dẫn chứng thực tế như cuộc khủng khoảng tài chính năm 2008-2009, khủng hoảng nhiều mặt, cả về y tế, xã hội lẫn chính trị, kinh tế đang diễn ra dưới tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái,... đồng chí đã vạch ra một sự thật rằng “chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó”.
Với sự lập luận đó, đồng chí đi đến khẳng định: Chúng ta cần một xã hội mà trong đó: (1) sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người; (2) phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội; (3) xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm; (4) phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường; (5) một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có.” Đồng thời đồng chí cũng nhìn nhận rằng đây chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội luôn là ngọn cờ mà Đảng nhất quán giương cao. "Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử".
Xây dựng nông thôn mới ngày một tiến bộ, giàu mạnh
Câu hỏi thứ ba: Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Đây là điều mà Đảng ta luôn suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn. Từ nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, chúng ta đã ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là cả một quá trình lâu dài, gian khổ đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng. Đồng chí Tổng bí thư chỉ ra rằng: Việt Nam đi lên chủ nghĩa tư bản đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước đi. Tuy nhiên, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Đồng chí nhấn mạnh: Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu này phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển.
Đồng chí Tổng Bí thư đã khẳng định: đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới. Đồng chí cũng chỉ ra các đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, trong đó gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội; cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội;
Về câu hỏi thứ tư: Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì? Để làm rõ câu hỏi này, đồng chí Tổng Bí thư đã đánh giá toàn diện công cuộc 35 năm đổi mới đất nước, về cả thành tựu và các hạn chế tồn tại. Từ đó rút ra ý nghĩa và các vấn đề phải giải quyết.
Về những thành tựu: Đồng chí đã đưa ra các con số rất thuyết phục như mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỷ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008… Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2020 đạt trên 540 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 280 tỷ USD.
Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước). Đến nay, hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới… hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010... Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020…Hiện Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng Internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển.
Phát huy năng lực phụ nữ góp phần nâng cao chỉ số phát triển con người
Từ đó, đồng chí kết luận: Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế… Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.
Bên cạnh đó, đồng chí đã chỉ ra các khuyết điểm, hạn chế và những thách thức mới trong quá trình phát triển đất nước. Đó chính là chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh còn thấp, thiếu bền vững; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; hiệu quả và năng lực của nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế; môi trường bị ô nhiễm tại nhiều nơi; công tác quản lý, điều tiết thị trường còn nhiều bất cập. Trong khi đó, sự cạnh tranh đang diễn ra ngày càng quyết liệt trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đó chính là khoảng cách giàu nghèo gia tăng; chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác còn không ít hạn chế; văn hóa, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; tội phạm và các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong khi đó, các thế lực xấu, thù địch lại luôn tìm mọi thủ đoạn để can thiệp, chống phá, gây mất ổn định, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ
Từ những phân tích trên, đồng chí Tổng bí thư nhận định rằng: Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, các nhân tố xã hội chủ nghĩa được hình thành, xác lập và phát triển đan xen, cạnh tranh với các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa, gồm cả các nhân tố tư bản chủ nghĩa trên một số lĩnh vực. Sự đan xen, cạnh tranh này càng phức tạp và quyết liệt trong điều kiện cơ chế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế. Bên cạnh các mặt thành tựu, tích cực, sẽ luôn có những mặt tiêu cực, thách thức cần được xem xét một cách tỉnh táo và xử lý một cách kịp thời, hiệu quả. Đó là cuộc đấu tranh rất gay go, gian khổ, đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, bản lĩnh mới và sức sáng tạo mới. Đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy các nhân tố xã hội chủ nghĩa để các nhân tố đó ngày càng chi phối, áp đảo và chiến thắng. Thành công hay thất bại là phụ thuộc trước hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Với những vấn đề thách thức đang đặt ra, đồng chí Tổng bí thư đã yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, bao gồm:
Một là, về kinh tế, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chú trọng hơn chất lượng và tăng tính bền vững với các khâu đột phá là: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, trước hết là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội
Hai là, về xã hội, tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và các dịch vụ công ích khác, nâng cao hơn nữa đời sống văn hóa cho nhân dân. Xây dựng tổ chức đảng và bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, giữ vững bản chất cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bằng nỗ lực ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, thực hiện tốt hơn nữa các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng.
Ba là, phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển.
Bốn là, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi.
Năm là, luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động; đồng thời tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống.
Có thể nói, bài viết của đồng chí Tổng bí thư đã đề cập những vấn đề rất rộng lớn, rất cơ bản và sâu sắc về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đó là sự lựa chọn tất yếu và đúng đắn của Đảng và nhân dân ta.
Để tiếp tục triển khai nghiên cứu, học tập, thực hiện có hiệu quả Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư trong đơn vị chúng ta, tôi xin nêu ra một số vấn đề rút ra từ bài viết từ đó, nhận thức được các nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta trong thời gian tới:
Thứ nhất, về công tác xây dựng Đảng, giá trị lý luận của bài viết là hết sức quan trọng và quý giá đối với công tác chính trị tư tưởng trong tình hình hiện nay, từ đó xác định nhiệm vụ của Chi bộ Văn phòng Sở nói chung và các đảng viên Phòng PBGDPL&THTHPL nói riêng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm lan tỏa mạnh mẽ giá trị của bài viết để trả lời, làm rõ những băn khoăn, vướng mắc lâu nay trong xã hội liên quan đến mục tiêu và con đường đi tới của đất nước. Cụ thể là, quán triệt sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ. Với việc soi tỏ con dường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta hiện nay, bài viết là cơ sở khoa học, là vũ khí sắc bén để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch. Qua việc tuyên truyền để nhân dân hiểu về nội dung bài viết cũng như nâng cao nhận thức về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, chúng ta sẽ củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, động viên nhân dân trong tỉnh hăng hái tham gia vào việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng bộ máy nhà nước, tạo sự đồng thuận trong nhân dân đối với các chính sách chủ trương của Đảng và Nhà nước. Từ đó tăng sức mạnh và sự thành công của Đảng như đồng chí Tổng bí thư đã chỉ ra.
Thứ hai, về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bài viết đã khẳng định đây là một trong những giải pháp có ý nghĩa quan trọng. Vừa qua, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Để triển khai Nghị Quyết này, trước hết chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Hiến pháp và pháp luật, về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và yêu cầu, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Tiếp tục đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật.
Thứ ba, về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong bài viết đồng chí Tổng Bí thư đã khẳng định “Việt Nam chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người”, “phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”; chính vì vậy, việc xây dựng, thực hiện các nhiệm vụ của công chức Sở Tư pháp phải chú trọng phục vụ thiết thực cho lợi ích của người dân, phát huy dân chủ, sự tham gia đóng góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Để các văn bản đó phải mang hơi thở của nhân dân, phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân, phục vụ cho lợi ích của nhân dân.
Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, tăng tỉ lệ hòa giải thành góp phần xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao
Đồng chí Tổng Bí thư cũng đã nói: “Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công”, một trong những sự khác biệt chế độ xã hội chủ nghĩa và chế độ tư bản chính là tính nhân văn và sự công bằng. Sở Tư pháp cần tiếp tục hướng dẫn các địa phương thực hiện đạt tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, đẩy mạnh hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, điển hình như trong các lĩnh vực thực hiện những chủ trương, chính sách an sinh xã hội hợp lòng dân trong các đợt dịch Covid-19 vừa qua, để xem xét tình hình thực hiện các chính sách đó, tạo sự công bằng, bình đẳng trong xã hội; đồng thời làm rõ các giá trị nhân văn, tốt đẹp trong các chủ trương chính sách lớn của Đảng, từ đó tăng cường tuyên truyền những giá trị này tới toàn thể nhân dân trong tỉnh.
Thứ tư, về giữ vững quốc phòng, an ninh, bài viết đã khẳng định để thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải “đảm bảo vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”. Vì vậy, trên góc độ các nhiệm vụ của Sở Tư pháp, chúng ta phải quan tâm công tác đấu tranh bảo chủ quyền biển đảo, bảo vệ an ninh vùng miền núi và biên giới quốc gia thông qua việc tiếp tục khẳng định vững chắc về cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử các vùng biển đảo; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hộ tịch, quốc tịch, thực hiện phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc, miền núi, hạn chế tình trạng người không quốc tịch và người di cư bất hợp pháp trong địa bàn tỉnh, đặc biệt ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông.
Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của bài viết trên các phương diện tư tưởng, lý luận và định hướng thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tin tưởng rằng những giá trị to lớn của Bài viết sẽ tiếp tục được cán bộ, đảng viên của Sở nghiên cứu, học tập, thấm nhuần và triển khai áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần phát triển vị thế của Sở Tư pháp trong hệ thống chính trị của tỉnh, góp phần xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng giàu đẹp văn minh, đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, hiện đại.
Đào Bình
Phòng PBGDPL và TDTHPL
- Một số kết quả thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật về ma túy phòng, chống ma tuý năm 2022 (29/12/2022)
- Nỗ lực trong công tác phòng chống tảo hôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (03/01/2023)
- Sở Tư pháp Quảng Trị ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động công chứng (29/12/2022)
- Một số kết quả công tác phòng, chống mua bán người năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (27/12/2022)
- HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM (22/12/2022)
- Tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho người dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin (19/12/2022)
- Một số quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với giám định viên pháp y và giám định viên pháp y tâm thần (16/12/2022)
- Quy định về giám định viên kỹ thuật hình sự, tiêu chuẩn, hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự (16/12/2022)
- Một số kết quả hoạt động giám định Tư pháp năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (16/12/2022)
- Công an, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Quảng Trị gặp gỡ, trao quà cho phụ nữ, thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chấp hành xong án phạt tù trở về nơi cư trú. (15/12/2022)