Chi tiết - Sở Tư pháp

Theo Luật Phá sản năm 2014, Quản tài viên là một nghề hoàn toàn mới. Đó là những chức danh của cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản. Việc quy định chế định Quản tài viên là một bước tiến quan trọng của pháp luật về phá sản ở Việt Nam. Chế định này được xây dựng dựa trên cơ sở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Luật Phá sản năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Quản tài viên, trong việc giải quyết phá sản ở Việt Nam. Việc tạo ra nghề Quản tài viên giúp giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan Thi hành án dân sự trong việc tổ chức thi hành án đối với các vụ việc phá sản, đáp ứng được yêu cầu về tính nhanh chóng, hiệu quả và chuyên nghiệp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý tài sản doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản.

Để tạo điều kiện hoạt động cho các thủ tục phá sản được nhanh gọn, luật "giao nhiệm vụ" cho Quản tài viên xác minh, thu thập, quản lý tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã; lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ; bảo quản tài sản; ngăn chặn việc bán, chuyển giao tài sản mà không được phép của Thẩm phán; ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; tối đa hóa giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã khi bán, thanh lý tài sản. Quản tài viên cũng được đề xuất với Thẩm phán về việc bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã để bảo đảm chi phí phá sản; tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản; báo cáo cơ quan Thi hành án dân sự, thông báo đến người tham gia thủ tục phá sản có liên quan về việc giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện thanh lý tài sản; gửi các khoản tiền thu được vào tài khoản do tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền mở tại ngân hàng.

Quản tài viên còn đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không có người đại diện theo pháp luật; báo cáo về tình trạng tài sản, công nợ và hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tham gia xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

Để có điều kiện hành nghề Quản tài viên, Điều 12 Luật Phá sản năm 2014 quy định:

“Những người sau đây được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên:

+ Luật sư;

+ Kiểm toán viên;

+ Người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo.

– Điều kiện được hành nghề Quản tài viên:

+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

+ Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan;

+ Có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên.”

Quản tài viên khi được Sở Tư pháp nơi có hộ khẩu thường trú ghi tên vào danh sách thì được hoạt động trong phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, hiện nay tại tỉnh Quảng Trị mới có 08 trường hợp đăng ký hành nghề Quản tài viên với tư cách cá nhân, chủ yếu là luật sư nhưng kết quả hoạt động chưa như mong muốn. Để nghề Quản tài viên trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, Sở Tư pháp đã tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, công khai và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực Quản tài viên thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp như: Đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân; đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; chấm dứt hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân; thông báo việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; thay đổi thành viên hợp danh của công ty hợp danh hoặc thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; thay đổi thông tin đăng ký hành nghề của Quản tài viên…một cách nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật cho các cá nhân, tổ chức đến liên hệ thực hiện thủ tục. Thường xuyên rà soát, kiểm tra để kịp thời phát hiện Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản không còn đủ điều kiện hoạt động và có biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật.

Mặc dù đã tạo điều kiện thuận lợi nhưng hoạt động Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trên địa bàn tỉnh cũng có những khó khăn, vướng mắc sau:

 Đội ngũ Quản tài viên đã được đăng ký tại tỉnh nhưng chưa được bồi dưỡng chuyên sâu và thường xuyên về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; bản thân các Quản tài viên mặc dù đã đăng ký hành nghề nhưng chưa tâm huyết với nghề vì vậy chưa tạo được uy tín trong hoạt động.

Về chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được quy định tại Luật Phá sản năm 2014 và Nghị định số 22/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, đối với trường hợp Tòa án nhân dân giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tài sản để thanh toán chi phí phá sản được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 105 Luật Phá sản năm 2014 thì chưa có quy định cụ thể về mức phí, cách thức, thời hạn chi trả.

Để việc hành nghề Quản tài viên thực sự giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan Thi hành án dân sự trong việc tổ chức thi hành án đối với các vụ việc phá sản thì các Quản tài viên cần được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề quản lý, thanh lý tài sản nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ Quản tài viên; đồng thời, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành về Quản tài viên, trong đó có các hướng dẫn cụ thể về chi phí trả cho Quản tài viên trong quá trình thực hiện đối với các trường hợp cụ thể.

 

                                                                    Bùi Thị Hồng

                                                                      Sở Tư pháp