Chi tiết - Sở Tư pháp

Cải cách thể chế là một trong sáu nội dung quan trọng của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020. Chính phủ xác định cải cách thể chế là một trong những nội dung trọng tâm cải cách hành chính trong giai đoạn 2011 - 2020. Ở tỉnh Quảng Trị công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách thể chế nói riêng luôn được Lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

Thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ; các Kế hoạch cải cách hành chính của UBND tỉnh Quảng Trị từ năm 2011 đến năm 2020. Với nhiệm vụ được giao là “chủ trì tham mưu, theo dõi, tổng hợp việc triển khai thực hiện các nội dung về cải cách thể chế”, hàng năm, Sở Tư pháp đều tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh (hiện nay là Danh mục đề nghị xây dựng quyết định quy phạm pháp luật); các Kế hoạch kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch tuyên truyền, phố biến giáo dục pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật để tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh và đã đạt được những kết quả nhất định, cụ thể:

Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Trên cơ sở nắm vững các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản pháp luật có liên quan, các cơ quan trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Trong giai đoạn 2011- 2020, HĐND, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành trên 500 văn bản quy phạm pháp luật các loại. Hầu hết các văn bản do HĐND, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành tuân thủ đúng quy trình, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh đều được các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản tiến hành lấy ý kiến các cơ quan có liên quan và lấy ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp. Sở Tư pháp đã tiến hành thẩm định trên 550 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật các loại. Chất lượng của công tác thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật ngày càng nâng cao, hầu hết các ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp được các cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo văn bản tiếp thu, chỉnh lý trước khi trình UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, việc cập nhật văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật cũng được quan tâm thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Sở Tư pháp đã tiến hành rà soát, cập nhật hơn 1.120 văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, nhằm cung cấp chính xác, kịp thời văn bản phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước, phổ biến pháp luật, nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng và thi hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật

Trong giai đoạn 2011 – 2020, Sở Tư pháp đã thực hiện tự kiểm tra và kiểm tra trên 2.000 văn bản do HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện ban hành. Qua quá trình tự kiểm tra và kiểm tra, đã phát hiện một số văn bản cần được xử lý theo quy định.

Công tác kiểm tra văn bản đã góp phần quan trọng khắc phục tình trạng mâu thuẫn giữa các quy định của văn bản quy phạm pháp luật của cấp tỉnh và cấp huyện, giữa văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương, đảm bảo tính thống nhất, tính hợp hiến, tính hợp pháp của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên, kịp thời. Đây là hoạt động quan trọng nhằm phát hiện và khắc phục những khiếm khuyết của văn bản quy phạm pháp luật góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương. Trong thời gian qua đã tổ chức rà soát trên 2.000 văn bản do HĐND, UBND tỉnh ban hành, kịp thời phát hiện và báo cáo đề xuất HĐND tỉnh, UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp với các văn bản pháp luật mới được ban hành. Trên cơ sở kết quả rà soát, hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công bố danh mục văn bản hết hiệu lực góp phần làm cho hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của địa phương minh bạch, rõ ràng, dễ tiếp cận.

Công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được các cơ quan, đơn vị thực hiện định kỳ theo quy định đảm bảo về mặt thời gian và chất lượng. Thông qua việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản của đã giúp công tác xây dựng, áp dụng, thi hành pháp luật hiệu quả, thuận tiện, tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật; cập nhật kịp thời thông tin của văn bản vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện theo đúng quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Công tác triển khai, chỉ đạo có nhiều đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã chú trọng, tập trung triển khai thực hiện công tác này đúng tinh thần chỉ đạo, định hướng của tỉnh qua đó giúp cho Nhân dân sớm nắm bắt đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và các quy định pháp luật Nhà nước; tạo sự chuyển biến tích cực hơn về nhận thức, ý thức tôn trọng, tìm hiểu và chấp hành pháp luật của mọi người dân.

Ngoài ra, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện thường xuyên, có hiệu quả.

Những kết quả đạt được nêu trên đã góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách thể chế trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn những tồn tại, hạn chế sau đây:

Thứ nhất, chất lượng của việc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; việc lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh chủ yếu mang tính hình thức,… do đó, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng của văn bản được ban hành.

Thứ hai,  một số cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hồ sơ, thời hạn thẩm định. Một số cơ quan gửi hồ sơ đề nghị thẩm định không đầy đủ, Sở Tư pháp phải có văn bản đề nghị bổ sung hồ sơ gây mất thời gian cho cơ quan thẩm định và cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo văn bản. Theo quy định chậm nhất là 20 ngày trước ngày UBND tỉnh họp, cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi hồ sơ dự thảo văn bản QPPL đến Sở Tư pháp để thẩm định, tuy nhiên một số cơ quan không tuân thủ quy định này (đặc biệt là đối với các dự thảo Nghị quyết) gây khó khăn cho Sở Tư pháp, đồng thời ảnh hưởng tới chất lượng của văn bản thẩm định.

Thứ ba, một số cơ quan, đơn vị chưa kịp thời rà soát văn bản ngay khi có căn cứ rà soát đối với văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của HĐND, UBND thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được giao để kịp thời đề nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới đảm bảo đúng tiến độ của văn bản quy định chi tiết. Một số cơ quan, đơn vị chưa cập nhật, triển khai đầy đủ, kịp thời các quy định về xây dựng văn bản nên đã ảnh hưởng đến tiến độ chung của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ tư, đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh đều là kiêm nhiệm trong khi đó còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công tác xây dựng, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ năm, mặc dù hàng năm HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm bố trí kinh phí phục vụ cho công tác xây dựng và ban hành văn bản nhưng với điều kiện nguồn thu ngân sách của địa phương hạn hẹp, kinh phí bố trí cho hoạt động này còn thấp nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (chủ yếu là ở cơ sở).

Thứ  sáu, một số cơ quan, đơn vị và địa phương chưa đánh giá đúng về vai trò của công tác PBGDPL trong quá trình thực thi pháp luật và thực hiện nhiệm vụ chính trị nên chưa có những biện pháp chỉ đạo quyết liệt, kịp thời trong việc triển khai công tác này.

Thứ bảy, cơ sở, phương tiện phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn hạn hẹp, thiếu thốn nên ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác này.

Trong giai đoạn 2021 – 2030, để khắc phục những tồn tại, khó khăn và tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác cải cách thể chế đòi hỏi các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cần đề ra phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách thể chế, trong đó cần chú ý đến các phương hướng, giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, địa phương, sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp và của nhân dân trong việc thực hiện công tác cải cách hành chính nói chung, cải cách thể chế nói riêng. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, công tác pháp chế; quan tâm bố trí nguồn nhân lực, kinh phí hợp lý để thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách thể thế ở địa phương

Thứ hai, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản có liên quan. Trong đó, chú trọng trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nâng cao chất lượng việc tham gia ý kiến của các cơ quan vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Các cơ quan khi nhận hồ sơ dự thảo văn bản đề nghị tham gia ý kiến cần tổ chức việc tham gia ý kiến vào dự thảo văn bản có chất lượng, đúng thời hạn.

Thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với quy định của cấp trên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý điều hành của địa. Tăng cường việc đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác xử lý văn bản sau rà soát. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền. Tăng cường đôn đốc và theo dõi việc xử lý văn bản trái pháp luật của các địa phương.

Thứ ba, tiếp tục tham mưu cho Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh tuyên truyền các văn bản Luật mới có hiệu lực thi hành có liên quan đến hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền và đời sống kinh tế - xã hội của địa phương; hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo Hội đồng phối hợp PBGDPL các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác PBGDPL. Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; củng cố hoàn thiện đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp, chú trọng đến công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ báo cáo tuyên truyền viên pháp luật và đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; phối hợp tốt với các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư kinh phí và tổ chức có hiệu quả các loại hình tuyên truyền PBGDPL.

Thứ  tư, quan tâm thực hiện tốt công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật thuộc phạm vi quản lý của tỉnh./.

Lệ Giang

                                                                                                   Phòng Xây dựng&KTVBQPPL- Sở Tư pháp