Chi tiết - Sở Tư pháp

 

Nghị quyết 57-NQ/TW được Ban Chấp hành Trung ương ban hành vào ngày 22/12/2024, nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong vịệc đổi mới quản trị quốc gia, thúc đẩy kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế quốc gia trong khu vực và quốc tế.

Đảng ta đã xác định một trong những quan điểm chỉ đạo là: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Với nhận thức sâu sắc đó, Nghị quyết đã đưa ra các mục tiêu cơ bản, bao gồm:

Đến năm 2030

+ Xây dựng hệ thống khoa học, công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bên vững. Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến.

+ Đảm bảo tăng tường năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế nhờ việc ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.

Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt tối thiểu 50%. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP. Tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%; giao dịch không dùng tiền mặt đạt 80%. Tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp. 

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng xây dựng, phát triển giá trị văn hoá, xã hội, con người Việt Nam, đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7.

+ Hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các nước tiên tiến; từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, công nghệ số

+ Quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trên môi trường số, kết nối và vận hành thông suốt giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Hoàn thành xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu các ngành; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu số, hình thành sàn giao dịch dữ liệu. 

Phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hoá số đạt mức cao của thế giới. Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu về an toàn, an ninh không gian mạng, an ninh dữ liệu và bảo vệ dữ liệu.

Tầm nhìn đến năm 2045

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Với các chỉ số được đặt ra như trên, Nghị quyết đã đưa ra 07 nhóm giải pháp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bao gồm: (1) Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; (2) Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; (3) Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; (4) Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia;(5) Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh; (6) Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp;(7) Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Sử dụng công nghệ trong các chương trình phổ biến giáo dục pháp luật

 Để hiện thực hóa Nghị quyết 57-NQ/TW, thiết nghĩ, chúng ta cần phải xác định một số nhiệm vụ của ngành Tư pháp như sau:

Thứ nhất là, quán triệt sâu sắc tinh thần, nội dung Nghị quyết 57-NQ/TW đến toàn thể đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị. Làm sao để các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, xác định rõ trách nhiệm, chủ động triển khai thực hiện. Xác định chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ cụ thể trong chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, kết quả thực hiện là tiêu chí đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm. Người đứng đầu phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện. 

Bên cạnh đó, phải xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục hiệu quả để nâng cao nhận thức, quyết tâm, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số trong cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, tạo niềm tin, khí thế mới trong xã hội. 

Thứ hai là, đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, khuyến khích đổi mới sáng tạo; Loại bỏ những quy định chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch trong công tác xây dựng pháp luật

Thực hiện tuyên truyền pháp luật trên mạng xã hội chiếm nhiều lượt xem của khán giả.

Thứ ba là, chuyển đổi số trong các lĩnh vực công tác tư pháp.

Chuyển đổi số trong các hoạt động, quy trình nghiệp vụ chuyên ngành; Tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia, giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin.

Xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá việc thi hành pháp luật bằng công nghệ số; Nâng cao hiệu quả trong xử lý vi phạm hành chính qua việc ứng dụng công nghệ;Tận dụng công nghệ số trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; Xây dựng các nội dung tuyên truyền pháp luật trên các nền tảng số như mạng xã hội, cổng thông tin điện tử. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ tịch; Tăng cường việc quản lý, giám sát hoạt động bổ trợ tư pháp qua các phần mềm chuyên biệt; Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý bằng các hệ thống số tự động hóa.

Thứ tư là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho cán bộ, công chức đảm bảo chuẩn năng lực về công nghệ thông tin, năng lực làm việc trong môi trường chuyển đổi số; Xây dựng đội ngũ chuyên gia công nghệ trong ngành tư pháp. Đây là việc hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Thứ năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Để đi tắt đón đầu, chúng ta cần phải thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hợp tác với các đối tác quốc tế; Tận dụng nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Để thực hiện các công việc này, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, hành động khoa học, huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả, tiết kiệm.

Việc thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW trong lĩnh vực tư pháp đòi hỏi sự quyết tâm đổi mới, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đảm bảo tính minh bạch, nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý. Việc triển khai các nhiệm vụ nêu trên là điều kiện tiên quyết để ngành tư pháp phát triển trong kỷ nguyên số.

                                                                                Đào Bình