Chi tiết - Sở Tư pháp

 

.

Hiện nay, việc ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện các công việc trên thực tế diễn ra khá phổ biến. Có nhiều  người vì nhiều lý do mà ủy quyền cho người khác như vì bận công việc, vì không am hiểu pháp luật,  ngại đến cơ quan nhà nước,... nên đã ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện các công việc trong đó có cả trường hợp ủy quyền để khiếu nại, ủy quyền để tố cáo. Vậy, quy định của pháp luật về vấn đề này như thế nào? Thực hiện việc ủy quyền đúng theo quy định pháp luật, trường hợp nào không được ủy quyền. Để giúp bạn đọc hiểu thêm về nội dung này, xin nêu một số quy định về ủy quyền.

Ủy quyền được quy định tại Điều 138 Bộ luật dân sự năm 2015 về đại diện theo ủy quyền như sau:"1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự....”

1. Đối với khiếu nại:  Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại quy định:

“1. Người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại...

2. Cơ quan, tổ chức thực hiện việc khiếu nại thông qua người đại diện theo pháp luật. Người đại diện của cơ quan, tổ chức được ủy quyền cho luật sư hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.

3. Việc ủy quyền quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này phải bằng văn bản và được chứng thực hoặc công chứng . Người ủy quyền được ủy quyền khiếu nại cho một người hoặc nhiều người về các nội dung ủy quyền khác nhau nhưng không được ủy quyền một nội dung cho nhiều người thực hiện. Văn bản ủy quyền khiếu nại được thực hiện theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định này.…”

Theo đó, người khiếu nại có thể tự khiếu nại hoặc ủy quyền thực hiện việc khiếu nại cho luật sư hoặc những người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định tại Bộ luật Dân sự. Cụ thể, Luật Khiếu nại quy định:

Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại.

Trường hợp người khiếu nại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật thì được nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Riêng đối với trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại (không phải ủy quyền).

Theo các quy định nêu trên, UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch đối với các nội dung liên quan đến tài sản là động sản; thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai, Luật nhà ở (bao gồm: chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, quản lý tài sản,…); thực hiện quyền tham gia tố tụng tại Tòa án; quyền kiến nghị, khiếu nại, khởi kiện,… theo quy định của pháp luật; theo đó, UBND cấp xã được thực hiện chứng thực Hợp đồng ủy quyền khi có liên quan đến các nội dung nêu trên (không được chứng thực Giấy ủy quyền).

2. Có được ủy quyền để tố cáo không?

Căn cứ theo quy định Điều 9 Luật Tố cáo 2018 quy định về Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo:

"Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo

1. Người tố cáo có các quyền sau đây:

a) Thực hiện quyền tố cáo theo quy định của Luật này;

b) Được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác;

c) Được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo;

d) Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết;

đ) Rút tố cáo;

e) Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo;

g) Được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2. Người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:

a) Cung cấp thông tin cá nhân quy định tại Điều 23 của Luật này;

b) Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo;

d) Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu;

đ) Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra."

Và căn cứ quy định Điều 22 Luật Tố cáo 2018 quy định về hình thức tố cáo: "Điều 22. Hình thức tố cáo

Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền."

Như vậy, Căn cứ theo quy định trên thì người tố cáo phải chịu trách nhiệm, về nội dung tố cáo của mình, nếu cố ý tố cáo sai sự thật thì tùy theo tính chất, mức độ, vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, người tố cáo không được ủy quyền cho người khác thực hiện quyền tố cáo, mà phải thực hiện bằng đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền.

Nguyễn Sĩ Hải - Thanh tra