Chi tiết - Sở Tư pháp

Với vị trí địa lý đường biên giới trên đất liền giáp hai tỉnh Salavan và Savanakhet của Lào, có Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Cửa khẩu quốc tế LaLay, là cầu nối với các nước trong khu vực qua hành lang Đông Tây trên Quốc lộ 9: Việt Nam - Lào - Thái Lan – Myanmar, Quảng Trị có điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng, phát triển kinh tế, hội nhập với các nước trong khu vực, tuy nhiên cũng đối mặt với nguy cơ cao về các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người. Để chung tay cùng các cấp các ngành đẩy mạnh hành động phòng, chống mua bán người, các cấp Hội phụ nữ trong toàn tỉnh đã nỗ lực, phát huy công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng ngừa, xây dựng mô hình phòng, chống tội phạm mua bán người..

 

       Để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân, từng bước nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, Hội xác định phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội. Vì vậy,  bên cạnh việc hỗ trợ phụ nữ kiến thức xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc thì nhiệm vụ tuyên truyền phòng chống tội phạm mua bán người, là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp Hội Phụ nữ. Phát huy vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em, Hội Phụ nữ các cấp đã có nhiều nỗ lực trong công tác  tham mưu, chỉ đạo, thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống mua bán người đến hội viên và người dân, cụ thể như: Công bố chủ đề của “Ngày Quốc tế phòng, chống mua bán người” năm 2021: “Lắng nghe nạn nhân, dẫn lối hành động”. Trong đợt cao điểm phòng, chống mua bán người, hưởng ứng “Ngày Quốc tế phòng, chống mua bán người”, Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người, 30/7 các cấp Hội LHPN trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả như tuyên truyền trong hội viên phụ nữ, con em và người thân trong gia đình nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống mua bán người; truyền đi thông điệp công tác phòng, chống mua bán người...đến 45.500.000 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ. Hội LHPN tỉnh phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tổ chức 5 điểm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý tại 5 xã nằm trong chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương của huyện Hướng Hóa và Đakrông với số lượng người tham gia là 250 hội viên, phụ nữ. Hội cũng đã tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hoạt động truyền thông, lồng ghép tuyên truyền pháp luật về phòng chống mua bán người, ... tại các buổi sinh hoạt Hội, các câu lạc bộ, nhóm “Phụ nữ tiết kiệm, tín dụng”, nhóm “Tiết kiệm và vốn vay thôn bản”, mô hình “PN nói không  với XKLĐ trái phép”, nhóm “Tương hỗ” ... đến 4.300 lượt hội viên, phụ nữ, trẻ vị thành niên. 

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh trao quà cho hội viên, phụ nữ nghèo.

       Các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức tuyên truyền trên loa phát thanh cho con em, người thân hội viên, phụ nữ tránh nghe lời dụ dỗ bỏ học để đi lao động nước ngoài hoặc lừa đảo giới thiệu việc làm, sử dụng mạng xã hội một cách thông minh và an toàn, tuyên truyền tại các câu lạc bộ “Trẻ em gái” về nâng cao kỹ năng kiến thức phòng, chống mua bán người... đến hơn 20.000 lượt người.

       Đối với công tác đấu tranh phòng ngừa, xây dựng mô hình phòng, chống tội phạm mua bán người, các cấp Hội thường xuyên nắm tình hình để cung cấp cho các lực lượng chức năng các nguồn tin về các hành vi có dấu hiệu tội phạm về mua bán người, di cư trái phép trên địa bàn. Hội LHPN các xã vùng biên tích cực nắm bắt thông tin, dư luận xã hội, cung cấp nguồn tin về di cư trái phép trên địa bàn, góp phần cùng với địa phương ngăn chặn tội phạm mua bán người. Hội duy trì thực hiện có hiệu quả các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng nhằm chăm sóc, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán trở về. Đến nay có 610 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng được chính quyền công nhận. Tiếp tục duy trì hoạt động của 4 nhà tạm lánh tại thư viện phụ nữ xã Triệu Đông (huyện Triệu Phong), xã Mò Ó (huyện Đakrông), xã Tân Thành và Hướng Tân (huyện Hướng Hóa). Nhà tạm lánh là địa chỉ tin cậy tại cộng đồng giúp chị em tái hòa nhập cộng đồng. Chị Hồ Thị Thảo, Chủ tịch Hội LHPN xã Mò Ó chia sẻ: “Mô hình nhà tạm lánh thực sự trở thành ngôi nhà bình yên, là điểm tựa nâng đỡ chị em, phần nào giúp chị em tạm lánh, an tâm, ổn định tinh thần”.          

       Trong thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ trong toàn tỉnh tiếp tục quán triệt và hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, duy trì nhân rộng mô hình, cách làm hay, hiệu quả, phối hợp hỗ trợ các gia đình khó khăn về kinh tế, những chị em thất nghiệp, thiếu việc làm, có nguy cơ là nạn nhân của mua bán người thông qua đào tạo nghề, hỗ trợ khởi  nghiệp…góp phần tích cực cùng toàn xã hội ngăn ngừa và làm giảm tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em trên địa bàn, chung tay vì một cộng đồng không còn nạn mua bán người, góp phần giữ vững an ninh trật tự địa phương.

                                                                                                                 Phương Thiện