Chi tiết - Sở Tư pháp

 Description: http://sotuphapquangtri.gov.vn/Portals/0/Anh1.png  

Hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ cho hoà giải viên cơ sở

 

       Phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, Nhà nước giữ vai trò nòng cốt; khuyến khích, tạo điều kiện và huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia; đề cao trách nhiệm và từng bước hình thành thói quen chủ động học tập, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân; gắn kết chặt chẽ với hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; chú trọng các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội. Đây chính là một trong ba quan điểm chỉ đạo tại quyết định 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ  biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021. Điểm d mục 5 Phần III của Chương trình về đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đã nhấn mạnh về việc hướng mạnh hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về cơ sở, lồng ghép với hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, học tập tại cộng đồng và các phong trào vận động Nhân dân tuân thủ, chấp hành pháp luật, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, hiện đại. Lồng ghép, phát huy vai trò hỗ trợ của các thiết chế thông tin tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở. Vấn đề đặt ra ở đây cần làm rõ mối tương quan giữa công tác hoà giải cơ sở và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có mối liên hệ như thế nào hay nói một cách cụ thể hơn là cơ sở nào để hòa giải ở cơ sở trở thành một trong các hình thức đổi mới phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay ?

 

       Bàn về vấn đề này Chúng ta cũng có thể đề cập về khái niệm hoà giải cơ sở:

 

       Khoản 1 Điều 2 - Luật Hoà giải cơ sở năm 2013 quy định:

       Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở.

       Cũng có thể liên hệ đối với quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật về các hình thức phổ biến, giáo dục mà Luật này quy định. Tại khoản 5 Điều 11 khi liệt kê các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật quy định: “ ... thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở”.

       Như vậy, có thể hiểu rằng: Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên viện dẫn các quy định của pháp luật để hướng dẫn, giúp đỡ các bên tranh chấp tự nguyện giải quyết với nhau nhằm đạt được thỏa thuận, thông qua buổi hoà giải này giữ gìn đoàn kết và củng cố phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình, trong cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư. Từ thực tiễn cho thấy, hòa giải ở cơ sở đóng  vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Khi thực hiện công tác hòa giải, các hòa giải viên ngoài vận dụng  những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, phong tục, tập quán tốt đẹp để tác động tới tâm tư, tình cảm của các bên, khơi dậy trong họ những suy nghĩ, tình cảm tích cực, còn cần phải vận dụng các quy định pháp luật để giải thích, hướng dẫn các bên, giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình để tự lựa chọn, tự dàn xếp ổn thỏa với nhau. Theo đó, thông qua công tác hòa giải các hoà giải viên sẽ đưa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân một cách tự nhiên, trực tiếp, có sức thẩm thấu sâu sắc, sức lan tỏa rộng. Nội dung pháp luật được các bên tranh chấp, mâu thuẫn và những người khác lưu giữ một cách bền vững hơn, tính chủ động phòng tránh tái xảy ra các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật tương tự cao hơn hoặc nếu bất đắc dĩ tái xảy ra các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật tương tự thì họ cũng chủ động hơn trong cách xử lý theo chiều hướng tích cực bởi họ đã biết những kiến thức pháp luật nhất định có liên quan.

       Để thực hiện tốt hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở và trang bị thêm kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho hòa giải viên, năm 2016 Bộ Tư pháp đã biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ về công tác hoà giải cơ sở trong đó nêu ra 03 bước mà một hòa giải viên cần thực hiện trong quá trình hoà giải  gồm:

       Bước 1. Trực tiếp nắm rõ nội dung tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và yêu cầu cụ thể của các bên tranh chấp, kết hợp việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật.

       Bước 2. Xác định tính chất của tranh chấp, lựa chọn văn bản có liên quan đến tranh chấp để vận dụng các quy định đó vào việc giải quyết tranh chấp.

       Bước 3. Hòa giải viên cần gặp gỡ từng bên tranh chấp để hòa giải kết hợp với việc giải thích pháp luật giúp họ nhận thức được các quyền và nghĩa vụ của mình.

       Để tạo tiền đề cho việc thi hành Luật hòa giải ở cơ sở, các văn bản hướng dẫn thi hành và để nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, các kỹ năng về hoà giải nói riêng, hàng năm Sở Tư pháp phối hợp với các Phòng Tư pháp tập huấn kiến thức cơ bản về hoà giải cơ sở, các kỹ năng hoà giải, cách xử lý các tình huống hoà giải để các hoà giải viên cơ sở nắm bắt. Thông qua các buổi tập huấn về chuyên môn này các hoà giải viên được trao đổi kinh nghiêm, được bày tỏ chính kiến và cách giải quyết của mình trong công tác hoà giải. Từ đó rút ra được kinh nghiệm và việc tuyên truyền pháp luật thông qua buổi hoà giải có tính thuyết phục hay không, chất lượng và vụ việc hoà giải thành của buổi hoà giải có đem lại kết quả cao hay không chính là nhờ vào việc trích, viện dẫn các điều luật và kỹ năng hoà giải của từng Hoà giải viên.

       Mặt khác, để nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ hòa giải viên, Sở đã phối hợp với dự án M-Score, chương trình phòng, chống tội phạm ma túy lồng ghép bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho hòa giải viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

       Hiện nay số tổ hoà giải trên địa bàn tỉnh có: 884 tổ, số lượng hoà giải viên: 5352 người trong đó nam: 4224 người, nữ: 1128 người. Năm 2021 theo thống kê của 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 689 vụ việc. Trong đó  hòa giải thành 544 vụ, chưa giải quyết xong là 40 vụ tỉ lệ hoà giải thành đạt gần 85%.

       Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì một trong những nhận định, đánh giá về những tồn tại, hạn chế của công tác hòa giải ở cơ sở là trình độ hiểu biết pháp luật của đội ngũ hòa giải viên còn rất hạn chế, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu. Nhiều hòa giải viên ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu hòa giải theo kinh nghiệm sống, theo luật tục và gần như không biết vận dụng pháp luật để giải quyết các tình huống cụ thể. Hoạt động hòa giải ở cơ sở chủ yếu vẫn dựa trên uy tín, kinh nghiệm sống và kiến thức hiểu biết xã hội của hòa giải viên mà chưa dựa trên quy định của pháp luật.

       Do đó, để nâng cao hiệu quả của phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hòa giải ở cơ sở tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

       - Định kỳ thường xuyên hàng năm rà soát, củng cố kiện toàn đội ngũ hòa giải viên bảo đảm đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

       - Tăng cường bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hoà giải viên, vì sao cần phải tiến hành bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hoà giải cho đội ngũ làm công tác này. Ta có thể lý giải  như sau: Trong quá trình tiến hành hòa giải giữa các bên tranh chấp, việc tuyên truyền pháp luật thông qua buổi hoà giải có tính thuyết phục hay không, chất lượng và vụ việc hoà giải thành của buổi hoà giải có đem lại kết quả cao hay không chính là nhờ vào việc trích, viện dẫn các điều luật và kỹ năng hoà giải của từng Hoà giải viên. Nếu viện dẫn sai điều luật dẫn đến việc phổ biến, giáo dục pháp luật không đúng và hiệu quả đem lại là hoà giải không thành công. Vì vậy, để lựa chọn các văn bản pháp luật phù hợp Hoà giải viên phải căn cứ vào tính chất của tranh chấp, nghiên cứu kỹ các văn bản để có hướng hoà giải đúng thấu tình nhưng phải đạt lý. Trong quá trình này Hòa giải viên có rất nhiều cơ hội để lồng ghép việc phổ biến, giáo dục pháp luật, nhấn mạnh những quy định mấu chốt của pháp luật nếu các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật thì sẽ tránh được tranh chấp xảy ra, qua đó các bên tranh chấp và những người có liên quan nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức tôn trọng pháp luật từ đó hạn chế những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ xảy ra. Hiệu quả của việc nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật cho hòa giải viên không chỉ trong quá trình hòa giải viên tham gia hoạt động hòa giải mà còn cả khi họ không tham gia hoạt động hòa giải. Bởi với những kiến thức pháp luật nhất định được trang bị, họ có thể tự bản thân mình hoặc giúp người thân trong gia đình tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với quy định của pháp luật.

       - Tiến hành rà soát các hương ước, quy ước, phong tục tập quán tiến bộ để hòa giải viên vận dụng trong quá trình hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật.

       - Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động hòa giải ở cơ sở, trước mắt đảm bảo thực hiện chi đúng, đủ kinh phí hỗ trợ thù lao vụ việc hòa giải.  UBND tỉnh ban hành Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 27 tháng 8 năm 2015 quy định mức chi đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó có mục chi cho công tác hoà giải cụ thể: Mỗi vụ việc hoà giải thành: 150,000đồng/vụ việc, vụ việc hoà giải không thành: 100,000đồng/vụ việc, chi VVP cho mỗi tổ hoà giải 1200.000 đồng/tổ/năm nhưng chỉ  có thành phố Đông Hà, huyện Hướng Hoá là chi tương đối đầy đủ còn các huyện khác căn cứ vào nguồn ngân sách chi cho công tác tuyên truyền, phổ biến hàng năm mà hỗ trợ.  Trong khi đó thực tiễn, tại những vùng sâu, vùng xa này, do đi lại khó khăn, mật độ dân cư sinh sống thưa thớt, có những nơi khoảng cách giữa hộ dân này với hộ dân kia phải  băng qua cả quả đồi, hòa giải viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, gặp gỡ các bên để tiến hành hòa giải. Chưa tính đến có những vụ việc phức tạp, hòa giải viên phải nhiều lần gặp gỡ, trao đổi với các bên. Từ đó thấy rõ công sức hòa giải viên bỏ ra để có kết quả hòa giải thành tại những địa phương này không phải là ít. Đối với những vụ việc như vậy thì dù được chi tối đa 200.000 đồng/vụ việc như quy định tại TT số 100/2014/TTLT-BTC-BTP thì cũng không tương xứng được với tinh thần trách nhiệm, công sức và sự nhiệt tình mà các hòa giải viên đã bỏ ra. Vậy nên, để phát huy tác dụng động viên, khuyến khích hòa giải viên tham gia công tác hòa giải ở cơ sở đạt hiệu quả và chất lượng, cần nghiêm túc thực hiện đúng, đủ quy định pháp luật về kinh phí hỗ trợ thù lao vụ việc, hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải.

 

                                                            Ánh Tuyết - Phòng PBGDPL&TDTHPL