Chi tiết - Sở Tư pháp

 

ThS. Lê Thị Huyền

                                                                         Trường Chính trị Lê Duẩn

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) là một vấn nạn lớn của xã hội, một trở ngại lớn đối với sự phát triển bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng. Tảo hôn và HNCHT không chỉ vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, trực tiếp ảnh hưởng đếnchất lượng nguồn nhân lực, dân số, giáo dục, chăm sóc trẻ em và là một trong những lực cản đối với sự phát triển tiến bộ xã hội.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật (tuổi kết hôn theo quy định pháp luật: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên). HNCHT là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời (những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, côn cậu, con dì là đời thứ ba).

Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025”.UBND tỉnh đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện như: Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 11/1/2016 về triển khai, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015 - 2020” (giai đoạn I); Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 13/9/2021 về triển khai, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025” (giai đoạn II)...Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành; UBND cấp huyệntrên địa bàn đã chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, bảo đảm phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình của địa phương.

Thời gian qua, các các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị- xã hội trên địa bàn tỉnh đã tăng cường các hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS ở địa bàn các xã, thôn, bản có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao về tảo hôn và HNCHT. Một số địa phương đưa các quy định về phòng, chống tảo hôn vào xây dựng hương ước, quy ước, bình xét gia đình văn hóa như: Các thôn A Đăng (xã Tà Rụt, huyện Đakrông), Vùng Kho (xã Đakrông, huyện Đakrông), Ra Po (xã Xy, huyện Hướng Hóa), Thanh 1 (xã Thanh, huyện Hướng Hóa)...xây dựng quy ước “Thôn không có tảo hôn”.Đến nay, tình trạng tảo hôn và HNCHT trong đồng bào DTTS tại tỉnh Quảng Trị đã giảm đáng kể.Từ năm 2016-2021, tổng số trường hợp tảo hôn giảm được 57 trường hợp(năm 2016 là 232 trường hợp, năm 2021 là 175 trường hợp; trong 04 năm liền trên địa bàn tỉnh đã không có trường hợp HNCHT) [1], nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa đạt được như mong muốn, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng tảo hôn và HNCHT. Tính riêng trong năm 2021, toàn tỉnh có 792 trường hợp kết hôn, trong đó có 175 trường hợp tảo hôn, chiếm tỷ lệ  22,1% [1].Tình trạng tảo hôn, HNCHT trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, công tác quản lý,ngăn chặn, phòng tránh (đặc biệt là nạn tảo hôn) là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài. Thực tế chứng minh, tảo hôn và HNCHT để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội như: Nhiều trường hợp do bị ép gả lấy chồng, lấy vợ sớm, tuổi còn quá trẻ chưa thể sống tự lập được dẫn đến tình trạng đói nghèo, ly hôn; việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên ảnh hưởng tới sức khỏe em gái, sự phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh, những đứa trẻ được sinh ra bởi cặp vợ chồng tảo hôn  thường ốm yếu, suy dinh dưỡng và dị tật...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên, trong đó xuất phát từ các nguyên nhân chủ yếu sau đây: Nhận thức của một bộ phận đồng bào DTTS còn hạn chế; tập quán của đồng bào DTTS còn lạc hậu, vẫn còn quan niệm kết hôn trong họ tộc để giữ tài sản, tâm lý muốn sớm có con, có người nối dõi, có thêm lao động trong gia đình...Mặt khác, trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật vẫn còn khó khăn, bất cập như: Đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn; một số cơ quan, đơn vị, cá nhân chưa nhận thức đúng đắn về Luật Bình đẳng giới; nguồn lực tài chính để thực hiện trên diện rộng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ thực hiện mục tiêu bình đẳng giới chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Ngoài ra, việc sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin của một bộ phận giới trẻ không được định hướng dấn đến những tác hại tiêu cực, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ vị thành niên, quan niệm sống có lối sống buông thả ...

Do vậy, để khắc phục tình trạng trên và hoàn thành mục tiêu của tỉnh “đến năm 2025, hạn chế tối đa tình trạng tảo hôn và không có tình trạng hôn nhân cận huyết thốngtrong vùng dân tộc thiểu số”[2],trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp như sau:

 Một là, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 15/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đối với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình; tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ đối với việc lãnh đạo triển khai thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT; xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS.  

Hai là, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và cơ quan, ban, ngành đoàn thể trên địa bàn tỉnh tích cực xây dựng các chương trình, kế hoạch và đề ra biện pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025” và Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 13/9/2021 của UBND tỉnhvề triển khai, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS  tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025”. Hàng năm, bố trí một phần kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho các cơ quan, đơn vị (ngoài nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ) để triển khai các hoạt động giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT.

Ba là, đẩy mạnh và đổi mới phương pháp phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, trong đó, chú trọng lựa chọn nội dung trọng tâm (Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn liên quan), biên soạn tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu,dễ nhớ, sát với thực tiễn và nhận thức của đồng bào DTTS, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh, thiếu niên và vùng có nguy cơ cao về tảo hôn, HNCHT. Bên cạnh đó, chú trọng hình thức tuyên truyền thông qua đội ngũ báo cáo viên các cấp, cán bộ xã, thôn; lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các chương trình thông tin lưu động, sân khấu hóa; hoạt động tuyên vận, hòa giải, hoạt động ngoại khóa trong các trường học, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật; xây dựng các phóng sự, tin, bài phản ánh về hậu quả của tảo hôn, HNCHT phát trên hệ thống phát thanh truyền hình, nhất là loa truyền thanh cơ sở; tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hội thi tìm hiểu pháp luật và hoạt động tư vấn trợ giúp pháp lý miễn phí tại trung tâm và lưu động đến các điểm dân cư vùng DTTS. Phát huy vai trò của Mặt Trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Liên Hiệp phụ nữ, Bộ đội Biên phòng, đội ngũ cán bộ người DTTS, già làng, trưởng thôn, người có uy tín, hòa giải viên, cộng tác viên ở cơ sở trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình ngay từ trong khu dân cư; định hướng trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin nhằm phòng, tránh các thông tin xấu, độc trên môi trường mạng.

Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị địa phương.Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhất là đối tượng là cán bộ, đảng viên; xử phạt hành chính kết hợp với xử phạt theo hương ước, quy ước. Kết hợp và nâng cao hiệu quả giữa công tác chỉ đạo, thực hiện, kiểm tra, đánh giá, xử lý vi phạm với thi đua khen thưởng, nhân rộng các mô hình hay trong tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Năm là,mỗi người dân cần tập trung xây dựng và thực hiện nghiêm túc hương ước, quy ước của thôn bản, tự giác chấp hành các nội quy của địa phương. Phát huy tính tự quảncộng đồng, dòng họ, gia đình; vận động nhân dân không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; nâng cao vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc tuyên truyền chính sách pháp luật nói chung và chính sách dân số nói riêng.

Như vậy, để đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trong thời gian tới đòi hỏi cần có sự tham gia vào cuộc của toàn xã hội và sự chủ động, tích cực của mỗi cá nhân để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực của đồng bào vùng DTTS ở tỉnh Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung./.

Tài liệu tham khảo:

 [1] Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, Báo cáo Kết quả triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2020”.

[2]. UBND tỉnh Quảng Trị, Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 13/9/2021 về triển khai, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025”.