Chi tiết - Sở Tư pháp
- '
- Trang chủ
- Giới thiệu
- Tin tức - Nghiên cứu trao đổi
- Tin tức chuyên ngành
- Phổ biến, giáo dục PL
- Xây dựng, kiểm tra VPQPPL
- Hỗ trợ pháp lý cho Doanh nghiệp
- Pháp chế
- Bồi thường nhà nước
- Cải cách hành chính, Kiểm soát TTHC
- Quản lý xử lý VPHC, theo dõi THPL
- Hành chính tư pháp
- Thanh tra, Kiểm tra
- Bổ trợ tư pháp
- Công chứng, chứng thực
- Tổ chức - Đào tạo
- Thống kê, tổng hợp
- Tin tức, sự kiện
- Hoạt động của đơn vị trực thuộc ▼
- Hoạt động tư pháp địa phương
- Nghiên cứu, trao đổi
- Hoạt động Đảng, Đoàn thể
- Tin khác ▼
- Tin tức chuyên ngành
- Chỉ đạo điều hành
- Khen thưởng - Xử phạt
- Văn bản mới
- Chiến lược - Quy hoạch, Kế hoạch
- Album ảnh
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024- công cụ pháp lý bảo đảm quyền con người, quyền công dân
- Ngày đăng: 26-03-2025
- 11 lượt xem
Bài: ThS.GVC. Cao Thị Hà
Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị
Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói chung và trật tự, an toàn giao thông đường bộ nói riêng là mối quan tâm của tất cả các quốc gia để phát triển kinh tế, bảo đảm ổn định xã hội. Với Luật giao thông đường bộ năm 2008, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã đạt được những kết quả tích cực, bảo đảm sự an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông, tiến tới xây dựng một xã hội có giao thông an toàn, văn minh, hiện đại, thân thiện và bền vững. Tuy nhiên, sau gần 16 năm thi hành trong thực tiễn, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho thấy, nhiều quy định của luật này đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam. Để khắc phục những hạn chế và tồn tại nêu trên, xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, tạo bước đột phá trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ngày 27/6/2024, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đạo luật này có 09 Chương, 89 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 (sau đây gọi là Luật) có nhiều điểm mới, trong đó có những điểm mới cơ bản sau đây:
* Thứ nhất, Luật quy định mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm, người vi phạm pháp luật giao thông sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe.
Điều 58 Luật quy định:
“1. Điểm của giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dữ liệu về điểm trừ giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết.
2. Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm
5. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền trừ điểm giấy phép lái xe”.
Quy định mới này của Luật được xây dựng trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm quản lý nhà nước về an toàn giao thông của các nước tiên tiến trên thế giới đồng thời để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý nhà nước giám sát toàn diện quá trình chấp hành pháp luật giao thông của người vi phạm.
Để cụ thể hóa quy định này, ngày 26 tháng 12 năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số:168/2024/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe”. Mục 3 của Nghị định số:168/2024/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã ban hành Thông tư số: 65/2024/TT-BCA, ngày 12 tháng 11 năm 2024 quy định kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để được phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Theo Nghị định số:168/2024/NĐ-CP, đối với các trường hợp lái xe đã bị trừ hết 12 điểm, thì người có giấy phép lái xe không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo giấy phép lái xe đó. Khi bị trừ hết điểm, tài xế phải đợi ít nhất 6 tháng để tham gia kiểm tra về kiến thức pháp luật an toàn giao thông đường bộ. Theo Thông tư số: 65/2024/TT-BCA, bài kiểm tra phục hồi điểm bằng lái có hai phần, bao gồm thi lý thuyết và kiểm tra xử lý các tình huống giao thông mô phỏng trên máy tính. Tuy nhiên, tài xế xe máy với bằng A1, A chỉ cần thi lý thuyết để phục hồi điểm.
Quy định về trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước vừa có tính chất răn đe, vừa có tính chất giáo dục. Mỗi lần bị trừ điểm giấy phép lái xe như là “tiếng chuông” cảnh báo giúp người điều khiển phương tiện giao thông cẩn thận hơn, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ.
* Thứ hai, Luật quy định cụ thể các điều kiện hoạt động đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh.
Lần đầu tiên nước ta luật hóa điều kiện hoạt động của loại hình vận tải này tại Điều 46 với 6 khoản quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh. Theo Điều 46:
“1. Xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 35 của Luật này; có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ;
b) Xe ô tô chở trẻ em mầm non hoặc học sinh tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật.
2. Xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại khoản 3 Điều 10, khoản 1 và khoản 2 Điều 35 của Luật này; có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe đáp ứng yêu cầu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
3. Khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học phải bố trí tối thiểu 01 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi. Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 02 người quản lý trên mỗi xe ô tô. Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe.
4. Người lái xe ô tô đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải có tối thiểu 02 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.
5. Cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh; hướng dẫn cho lái xe và người quản lý trẻ em mầm non, học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón trẻ em mầm non, học sinh của cơ sở giáo dục đó.
6. Xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh được ưu tiên trong tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng xe, đỗ xe tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón trẻ em mầm non, học sinh.
Ngày 15 tháng 11 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số:151/2024/NĐ-CP “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ”. Nghị định này quy định về thiết bị giám sát hành trình lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông đường bộ. Điều 30 Nghị định này xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe; mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chuyên dùng chở trẻ em mầm non, học sinh.
Quy định đối với loại hình xe đưa đón học sinh đã tạo hành lang pháp lý chặt chẽ để đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn, đó là cần phải siết chặt công tác quản lý đối với hoạt động đưa đón học sinh, vốn phần nào còn lỏng lẻo trong thời gian qua, nâng cao ý thức trách nhiệm của tài xế, người giám sát đưa đón và cả nhà trường trong việc bảo đảm an toàn tính mạng của trẻ mầm non, học sinh trong quá trình đưa đón.
* Thứ ba, Luật quy định đấu giá biển số xe máy, giá khởi điểm từ 5 triệu đồng.
Đấu giá biển số xe là quy định mới trong Luật trên cơ sở kế thừa, sửa đổi nội dung của Nghị quyết 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô đồng thời bổ sung quy định về đấu giá biển số xe gắn máy. Tại khoản 2,3 Điều 37 Luật quy định, giá khởi điểm một biển số xe mô tô, xe gắn máy đưa ra đấu giá không thấp hơn 05 triệu đồng. Người tham gia đấu giá cần đặt trước một khoản tiền không thấp hơn mức khởi điểm của biển số xe muốn đấu giá. Theo khoản 4 Điều 37, trong trường hợp khi hết thời hạn đăng ký mà chỉ có một người đăng ký hoặc có nhiều người đăng ký nhưng chỉ có một người tham gia đấu giá, hoặc có nhiều người tham gia nhưng chỉ có một người trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm, thì người đó sẽ được xác định là người trúng đấu giá.
Ngày 10/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 156/2024/NĐ-CP “Quy định chi tiết về đấu giá biển số xe”. Nghị định này quy định cụ thể quy trình thực hiện một cuộc đấu giá biển số xe.
Đấu giá biển số xe máy là một quy định mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước và người dân, vừa giúp tăng thu ngân sách nhà nước, vừa đáp ứng nguyện vọng của những người có nhu cầu sở hữu biển số theo sở thích cá nhân, vừa góp phần nâng cao tính minh bạch trong công tác quản lý, cấp biển số xe.
* Thứ tư, Luật đã thay đổi phân hạng giấy phép lái xe
Điều 57 Luật quy định 15 loại giấy phép lái xe, tăng 2 hạng so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, gồm các hạng: A1, A, B1, B, C1, C, D1, D2 , D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE.
Việc tăng hạng giấy phép lái xe từ 13 lên 15 là để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế đã được quy định trong Công ước Viên năm 1968, giúp người lái xe Việt Nam dễ dàng chuyển đổi bằng lái khi ra nước ngoài, nhất là ở các nước tham gia Công ước Viên năm 1968.
* Thứ năm, Luật quy định độ tuổi tối thiểu của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ và tăng tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm
Về độ tuổi tối thiểu để điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ
Điều 59 Luật quy định:
“ 1. Độ tuổi của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được quy định như sau:
a) Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy;
c) Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE;
d) Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE;
đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE.
Về độ tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm
Điểm e khoản 1 Điều 59 Luật quy định: “e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ”. Như vậy, Luật đã tăng tuổi độ tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 29 chỗ (gồm cả xe buýt và xe ô tô chở người giường nằm) so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (Theo điểm e khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đối với nam là đủ 55 tuổi và đối với nữ là đủ 50 tuổi).
Như vậy, việc nâng độ tuổi cấp giấy phép lái xe cho các hạng bằng lớn và nâng độ tuổi so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là nhằm đảm bảo người lái có đủ kinh nghiệm và kỹ năng xử lý tình huống phức tạp trên đường.
* Thứ sáu, Luật bổ sung quy định kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy
Điều 42 Luật quy định:
“1. Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải được kiểm định theo quy định của pháp luật.
2. Việc kiểm định đối với xe mô tô, xe gắn máy chỉ thực hiện kiểm định khí thải. Việc kiểm định khí thải thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
3. Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có chứng nhận về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của cơ sở đăng kiểm phương tiện hoặc chứng nhận về kiểm tra xuất xưởng của nhà sản xuất thì không phải kiểm định trong trường hợp di chuyển từ cửa khẩu, nơi sản xuất, lắp ráp tới kho, cảng, cửa hàng hoặc ngược lại.
4. Việc kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng do đăng kiểm viên của cơ sở đăng kiểm thực hiện và được cơ sở đăng kiểm cấp giấy chứng nhận kiểm định.
Xe mô tô, xe gắn máy là loại phương tiện giao thông đường bộ nhiều nhất tại Việt Nam và pháp luật giao thông đường bộ chưa có quy định, chế tài để kiểm soát khí thải của loại phương tiện này, trong khi khí thải từ những phương tiện giao thông này là nguyên nhân lớn gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, với quy định tại Điều 42 sẽ là giải pháp cần thiết để quản lý, giám sát chất lượng khí thải của các loại xe này, góp phần phòng, chống ô nhiễm không khí, bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của con người đã được Hiến pháp năm 2013 khẳng định.
* Thứ bảy, Luật bổ sung trường hợp người lái xe mô tô hai bánh, xe gắn máy được chở tối đa 02 người
Theo khoản 1 Điều 33 Luật quy định:
“1. Người lái xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa hai người:
a) Chở người bệnh đi cấp cứu;
b) Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
c) Trẻ em dưới 12 tuổi;
d) Người già yếu hoặc người khuyết tật”.
Như vậy, so với Luật Giao thông đường bộ 2008 thì Luật mới đã bổ sung thêm trường hợp xe mô tô hai bánh, xe gắn máy được chở tối đa 02 người khi tham gia giao thông, đó là chở “người già yếu hoặc người khuyết tật”. Đây là bổ sung cần thiết, xuất phát từ ý thức nhân văn của người Việt Nam trong việc bảo vệ những người yếu thế tham gia giao thông đường bộ.
* Thứ tám, Luật quy định không được cho trẻ dưới 10 tuổi và cao dưới 1,35m ngồi cùng hàng ghế tài xế
Khoản 3 Điều 10 Luật quy định: “3. Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em”.
Quy định mới này được đưa vào Luật là xuất phát từ thực tế, trẻ em thường hiếu động, tò mò nên nếu ngồi cùng hàng ghế với người lái xe thì sẽ gây mất tập trung hơn cho người lái xe. Mặt khác, nếu xảy ra tai nạn giao thông thì có nhiều rủi ro đối với trẻ. Việc không cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước đối với an toàn giao thông cho trẻ em, qua đó để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của trẻ nhằm trẻ em tốt hơn khi tham gia giao thông. Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 m trên ôtô ngồi cùng hàng ghế với người lái xe (trừ loại ôtô chỉ có một hàng ghế) hoặc không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em theo quy định. Quy định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.
Với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, việc bảo đảm trật tự, an toàn khi giao thông đường bộ không còn là khẩu hiệu chung chung mà đã trở thành các quy định pháp luật cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người tham gia giao thông. Quyền tự do đi lại của công dân đã được Hiến pháp quy định. Tuy nhiên tự do, dân chủ luôn đi đôi với kỷ cương, kỷ luật; tự do, dân chủ luôn gắn với tăng cường pháp chế và trật tự xã hội. Mỗi thành viên trong xã hội cần nhận thức đúng về các quyền và nghĩa vụ của mình. Có như vậy, các quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới thực sự là công cụ pháp lý để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự trong tình hình mới./.
- Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin pháp luật cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Trị (21/04/2025)
- Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2025 (27/03/2025)
- Luật Trật tự , An toàn giao thông đường bộ - Công cụ pháp lý để bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông đường bộ (21/04/2025)
- CHẠY ĐUA VỚI THỜI GIAN: QUẢNG TRỊ ĐẨY NHANH SỐ HÓA HỘ TỊCH SAU 7 NGÀY THỰC HIỆN (25/03/2025)
- Chiến dịch số hóa sau 5 ngày triển khai – tin từ Tổ công tác số 3 (Địa bàn các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh và thành phố Đông Hà) (06/03/2025)
- NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2025 (05/03/2025)
- Tổ công tác số 2 thực hiện đôn đốc, hướng dẫn thực hiện số hóa một số địa phương trên địa bàn Thị xã Quảng Trị, huyện Triệu Phong và huyện Hải Lăng (25/03/2025)
- Thành lập Tổ công tác thực hiện Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 20/02/2025 của UBND tỉnh về triển khai cao điểm 20 ngày đêm hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (25/03/2025)
- Đôn đốc, hướng dẫn thực hiện số hóa một số địa phương trên địa bàn thành phố Đông Hà, huyện Gio Linh và Vĩnh Linh. (03/03/2025)
- Cao điểm 20 ngày đêm hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (06/03/2025)