Chi tiết - Sở Tư pháp

 

                                                   Người viết: ThS.GVC. Cao Thị Hà

                                  Giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị

Tại Việt Nam, tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ. Trước thực trạng đó, gia đình, nhà nước và xã hội cần có những giải pháp tập trung vào việc bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em. Với tư cách là chủ thể quản lý xã hội, ngày 27/6/2024, Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ với nhiều quy định mới quan trọng để bảo vệ trẻ em tham giao giao thông đường bộ.

* Thứ nhất, Luật đã dành một khoản để khẳng định chính sách của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với trẻ em

Khoản 4, Điều 4 của Luật quy định: “4. Bảo đảm công bằng, bình đẳng, an toàn đối với người tham gia giao thông đường bộ; tạo thuận lợi cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người già yếu, người khuyết tật trong tham gia giao thông đường bộ; xây dựng văn hóa giao thông; giáo dục, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho trẻ em, học sinh để hình thành, nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân và tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ”.

Chính sách của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với trẻ em là cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn xã hội đồng thời thể hiện sự cam kết của Nhà nước trong việc bảo vệ an toàn cho thế hệ tương lai, để trẻ em được bảo vệ tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ tai nạn, thương vong khi tham gia giao thông đường bộ.

* Thứ hai, Luật quy định trách nhiệm của các thành viên trong gia đình khi có trẻ em ngồi trên xe

Khoản 7 Điều 5 Luật quy định: “7. Thành viên trong gia đình có trách nhiệm tuyên truyền, nhắc nhở thành viên khác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, sử dụng dây đai an toàn, ghế dành cho trẻ em hoặc có người lớn ngồi cùng trẻ em phía sau khi chở trẻ em dưới 06 tuổi bằng xe gắn máy, xe mô tô”.

Như vậy, pháp luật quy định phải sử dụng dây đai an toàn, ghế dành cho trẻ em hoặc có người lớn ngồi cùng trẻ em phía sau khi chở trẻ em dưới 06 tuổi bằng xe gắn máy, xe mô tô. Đây là một quy định mới hoàn toàn trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024, không có trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Quy định này cho thấy pháp luật đang muốn tăng cường bảo vệ an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông và nhấn mạnh vai trò của gia đình trong việc giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, đồng thời bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ.

* Thứ ba, Luật chú trọng công tác giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên.

Lực lượng Cảnh sát giao thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh tại cơ sở giáo dục đó.

 Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan xây dựng, tích hợp, lồng ghép kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với từng cấp học, ngành học.

Việc bổ sung quy định mới này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Tình trạng thanh thiếu niên, học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông có xu hướng ngày càng gia tăng. Nhiều học sinh điều khiển xe gắn máy, xe mô tô đến trường nhưng chưa hiểu hết các quy định của pháp luật về TTATGT, ý thức tham gia giao thông chưa cao, kỹ năng điều khiển phương tiện không có nên tiềm ẩn nguy cơ rất lớn gây TNGT, gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông xung quanh. Điều này cho thấy công tác giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT nhằm nâng cao kiến thức và kĩ năng tham gia giao thông, hình thành nên ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông ngay từ khi còn nhỏ tuổi, còn ngồi trên ghế nhà trường.

* Thứ tư, Luật quy định biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông trên ô tô

Khoản 3, Điều 10 của Luật quy định: 3. Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em”. Quy định mới này được đưa vào Luật là xuất phát từ thực tế, trẻ em thường hiếu động, tò mò nên nếu ngồi cùng hàng ghế với người lái xe thì sẽ gây mất tập trung hơn cho người lái xe. Mặt khác, nếu xảy ra tai nạn giao thông thì có nhiều rủi ro đối với trẻ. Việc không cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước đối với an toàn giao thông cho trẻ em, qua đó  để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của trẻ nhằm trẻ em tốt hơn khi tham gia giao thông. Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 m trên ôtô ngồi cùng hàng ghế với người lái xe (trừ loại ôtô chỉ có một hàng ghế) hoặc không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em theo quy định. Để đưa quy định này vào thực tiễn, thời gian tới còn có nhiều yếu tố cần chuẩn bị. Các nhà lập pháp cần có thời gian chuẩn bị về phương án và các quy định đi kèm để việc thực thi luật tốt hơn. Đồng thời, cần thời gian để đưa ra các quy chuẩn chất lượng cho thiết bị; người dân cần chuẩn bị tiếp nhận, chuẩn bị và đáp ứng luật mới. Người dân cần hiểu về tầm quan trọng của việc sử dụng thiết bị đạt chuẩn và cách sử dụng đúng, cài đúng trên ô tô là rất quan trọng. Vì vậy, quy định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026. 

* Thứ năm, trẻ em là đối tượng được ưu tiên khi đi qua phà

Điểm a, Khoản 3, Điều 23 của Luật quy định: “Khi xe xuống phà, đang ở trên phà và khi lên bến, mọi người không được ở trên xe, trừ người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng, trẻ em, phụ nữ mang thai, người già yếu, người khuyết tật, người bệnh”

* Thứ sáu, Luật đề cao trách nhiệm của người lớn đối với việc bảo đảm an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông

Khoản 2, Điều 30 : 2. Trẻ em, phụ nữ mang thai, người già yếu, người khuyết tật, người mất năng lực hành vi dân sự tham gia giao thông đường bộ được quy định như sau:

a) Trẻ em dưới 07 tuổi khi đi qua đường phải có người lớn dẫn dắt;

đ) Mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 07 tuổi, phụ nữ mang thai, người già yếu, người khuyết tật, người mất năng lực hành vi dân sự khi đi qua đường”.

Do nhận thức và kỹ năng xử lý các tình huống giao thông hạn chế, trẻ em, nhất là trẻ dưới 7 tuổi khi tham gia giao thông phải có sự hướng dẫn, giúp đỡ của người lớn để tránh các tình huống mất an toàn. 

* Thứ bảy, Luật quy định được chở trẻ em dưới 12 tuổi trong trường hợp “chở 03” trên xe máy

Điểm c khoàn 1Điều 33 của Luật quy định các trường hợp người lái xe mô tô hai bánh, xe gắn máy được chở tối đa hai người, trong đó có đối tượng được chở là trẻ em dưới 12 tuổi; người già yếu hoặc người khuyết tật.

Đây là quy định cần thiết, xuất phát từ ý thức nhân văn của người Việt Nam trong việc bảo vệ những người yếu thế tham gia giao thông đường bộ. Quy định cho phép chở hai người khi chở trẻ em dưới 12 tuổi giúp phụ huynh dễ dàng đưa con cái đi cùng, việc giảm độ tuổi tối đa từ 14 xuống 12 tuổi cho thấy sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đặt ra các chính sách an toàn giao thông, nhằm bảo vệ trẻ em tốt hơn khi tham gia giao thông.

* Thứ tám, Luật quy định cụ thể các điều kiện hoạt động đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh để bảo đảm an toàn cho trẻ trong hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô

Lần đầu tiên nước ta luật hóa điều kiện hoạt động của loại hình vận tải này tại Điều 46 với 6 khoản quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh. Theo Điều 46:

1. Xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 35 của Luật này; có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ;

b) Xe ô tô chở trẻ em mầm non hoặc học sinh tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật.

2. Xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại khoản 3 Điều 10, khoản 1 và khoản 2 Điều 35 của Luật này; có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe đáp ứng yêu cầu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

3. Khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học phải bố trí tối thiểu 01 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi. Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 02 người quản lý trên mỗi xe ô tô. Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe.

4. Người lái xe ô tô đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải có tối thiểu 02 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.

5. Cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh; hướng dẫn cho lái xe và người quản lý trẻ em mầm non, học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón trẻ em mầm non, học sinh của cơ sở giáo dục đó.

6. Xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh được ưu tiên trong tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng xe, đỗ xe tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón trẻ em mầm non, học sinh.

Ngày 15 tháng 11 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số:151/2024/NĐ-CP “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ”. Nghị định này quy định về thiết bị giám sát hành trình lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông đường bộ. Điều 30 Nghị định này xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe; mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chuyên dùng chở trẻ em mầm non, học sinh.

Quy định đối với loại hình xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh đã tạo hành lang pháp lý chặt chẽ để đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn, đó là cần phải siết chặt công tác quản lý đối với hoạt động đưa đón học sinh, vốn phần nào còn lỏng lẻo trong thời gian qua, nâng cao ý thức trách nhiệm của tài xế, người giám sát đưa đón và cả nhà trường trong việc bảo đảm an toàn tính mạng của trẻ mầm non, học sinh trong quá trình đưa đón. 

Tai nạn giao thông, tử vong do tai nạn giao thông ở trẻ em là một vấn đề nghiêm trọng nên cần có sự quan tâm của toàn xã hội. Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật về bảo vệ trẻ em; tạo cơ sở pháp lý để trẻ em sẽ được bảo vệ tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ tai nạn, thương vong khi tham gia giao thông đường bộ. Để góp phần bảo đảm TTATGT, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành chức năng thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông, qua đó từng bước xây dựng văn hóa giao thông an toàn, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội./.