Chi tiết - Sở Tư pháp

 

                                            Người viết: ThS.GVC. Cao Thị Hà

                                 Giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị

Đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Trị chủ yếu là người Bru- Vân kiều và Pa cô, sinh sống ở hai huyện ĐaKrông, Hướng Hóa và một số xã thuộc các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Vĩnh Linh với nghề nghiệp chủ yếu là làm nông nghiệp. Những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Trị rất quan tâm đến việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin pháp luật cho phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) để họ có thể từng bước cải thiện cuộc sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình, chủ động hơn trong việc tham gia các hoạt động xã hội, góp phần xây dựng, phát triển đất nước. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, dù đã có những thay đổi tích cực trong nhận thức song phụ nữ DTTS ở tỉnh Quảng Trị vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin pháp luật.

Để phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS, tỉnh Quảng Trị xác định: Giảm nghèo không chỉ đơn thuần là hỗ trợ kinh tế, mà còn là giảm nghèo thông tin. Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin pháp luật cho đồng bào DTTS, trước hết là phụ nữ là một trong những biện pháp hữu hiệu để thực hiện mục tiêu này.

Đa số phụ nữ DTTS tỉnh Quảng Trị có trình độ dân trí thấp, lại luôn có tâm lý tự ti, an phận, vì vậy, tỉnh Quảng Trị rất chú ý đến nội dung, hình thức để bảo đảm cho họ có cơ hội tốt nhất trong việc tiếp cận các thông tin pháp luật. Trong các hoạt động truyền thông pháp luật, các cơ quan, tổ chức, địa phương trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng chọn những nội dung tuyên truyền ngắn gọn, thiết thực, gần gũi nhu cầu cuộc sống, sản xuất, phù hợp với trình độ nhận thức của phụ nữ DTTS để họ dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Các kiến thức pháp luật cơ bản về sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới, bạo hành gia đình, hôn nhân- gia đình, đất đai, tín dụng với người nghèo, phòng chống thiên tai và an toàn giao thông những chủ đề gần gũi nhưng có tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của phụ nữ DTTS. Với cách chọn nội dung tuyên truyền đi thẳng vào vấn đề cụ thể đã và đang xảy ra ở địa phương, dựa trên người thực, việc thực đã giúp phụ nữ DTTS hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật liên quan đến cuộc sống của bản thân và gia đình. Để các thông tin pháp luật có thể được truyền tải tới phụ nữ DTTS có hiệu quả, các chủ thể tuyên truyền đã sử dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền. Ngoài việc trực tiếp tổ chức các buổi tuyên truyền, trợ giúp pháp lý, các địa phương còn chú trọng các hình thức khác như:  tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tiếp và trực tuyến, thành lập các câu lạc bộ (CLB), tủ sách pháp luật,v.v…

Ở nhiều xã thuộc địa bàn miền núi tỉnh Quảng Trị, hệ thống loa truyền thanh giữ vai trò quan trọng trong việc chuyển tải các thông tin cần thiết, từ tình hình thời sự quốc tế, trong nước đến địa phương cũng như các kiến thức pháp luật cho cuộc sống, lao động, sản xuất của đồng bào DTTS nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng. Đặc biệt, trong những tình huống khẩn cấp, các quy định về phòng chống thiên tai, bão lũ hay dịch bệnh, hệ thống loa truyền thanh đã phát huy hiệu quả tối đa. Nhờ vào hệ thống truyền thanh, những thông tin cảnh báo, hướng dẫn từ chính quyền địa phương được truyền tải nhanh chóng, giúp người đồng bào nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng chủ động phòng tránh và ứng phó hiệu quả.

Từ nhiều năm nay, việc tuyên truyền pháp luật thông qua các CLB đã phát huy hiệu quả thiết thực như CLB “Phụ nữ với pháp luật”, CLB “Tổ phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, CLB “Phòng chống bạo lực gia đình”, CLB  Thủ lĩnh của sự thay đổi” thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều phụ nữ DTTS ở mọi lứa tuổi. Tại các buổi sinh hoạt CLB, chị em được học tập, tuyên truyền, chuyển tải các các kiến thức cơ bản về: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Trẻ em, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường,v.v... Cũng tại các buổi sinh hoạt CLB, phụ nữ DTTS mạnh dạn chia sẻ, tập trung trao đổi, thảo luận về những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Thông qua các mô hình CLB, phụ nữ DTTS không chỉ kịp thời tiếp cận và từng bước nâng cao hiểu biết về pháp luật, thay đổi một số quan niệm lạc hậu và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật mà còn là không gian thân thiện để chia sẻ, học hỏi và cùng nhau vươn lên.

Công tác thông tin pháp luật thông qua tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tiếp và trực tuyến cũng được các địa phương triển khai, thu hút số lượng lớn đồng bào DTTS tham gia dự thi, trong đó có đối tượng là phụ nữ DTTS. Với các câu hỏi- đáp trực tiếp và tình huống thực tế, phụ nữ DTTS được rèn luyện khả năng xử lý tình huống, từ đó nâng cao nhận thức và hình thành thói quen tôn trọng và thực hiện pháp luật. Những tình huống về bạo hành gia đình, tảo hôn, tranh chấp đất đai, chặt phá rừng, mua bán trái phép chất ma túy giúp truyền tải thông điệp về sự cần thiết của việc chấp hành pháp luật giúp phụ nữ DTTS trau dồi kiến thức và kinh nghiệm, tự tin hơn trong việc xử lý các tình huống xảy ra trong thực tế.

Đặc biệt, việc ứng dụng các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook đã trở thành hình thức rất kịp thời và hiệu quả trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin cho phụ nữ DTTS. Chi hội phụ nữ ở từng thôn, bản đã tạo ra nhiều nhóm Zalo chuyên biệt cho từng đối tượng như: nhóm tiêm chủng, nhóm phụ nữ trung niên, nhóm hộ nghèo... Các thông tin sẽ được đăng tải phù hợp trong từng nhóm, giúp các thành viên nắm bắt thông tin kịp thờidễ dàng thảo luận, trao đổi. khi có thắc mắc, bà con DTTS có thể có thể hỏi và nhận được phản hồi ngay lập tức. Cách làm này tiết kiệm thời gian, công sức và đảm bảo độ chính xác của thông tin. Điều này giúp phụ nữ DTTS thay đổi nhận thức, dần xóa bỏ những tư tưởng lạc hậu, hướng đến xây dựng nếp sống mới và phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, vị thế của người phụ nữ DTTS trong gia đình và cộng đồng cũng được nâng cao.

Việc chú trọng nội dung và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao ý thức pháp luật của phụ nữ DTTS, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tuy nhiên, từ thực tiễn có thể thấy, việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin pháp luật đối với phụ nữ DTTS vẫn còn những bất cập. Các thông tin pháp luật về thị trường nông nghiệp, quy định cho vay, quy định về chính sách đất đai cho đồng bào DTTS trong Luật Đất đai năm 2024, chương trình khuyến nông có lúc, có nơi vẫn chưa được cung cấp kịp thời, thường xuyên. Đối với nhiều phụ nữ DTTS tỉnh Quảng Trị, các quy định pháp luật về bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người; hôn nhân và gia đình; trẻ em và các quy định của pháp luật có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của phụ nữ, trẻ em còn rất mơ hồ, từ đó ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, thiên chức của người vợ, người mẹ, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Những hạn chế đó xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương về việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin pháp luật của phụ nữ DTTS chưa thực sự sâu sắc và thống nhất. Điều này khiến việc cung cấp thông tin pháp luật đến phụ nữ DTTS chưa tương xứng với yêu cầu thực tế.

Thứ hai, phụ nữ DTTS ở tỉnh Quảng Trị chủ yếu sống nhờ vào nông nghiệp với điều kiện kinh tế còn khó khăn cùng với trình độ dân trí thấp khiến cho họ luôn có tâm lý tự ti, an phận, không biết và không dám đòi hỏi quyền lợi, không mạnh dạn tham gia các hoạt động xã hội, không chủ động tiếp cận các thông tin pháp luật để nâng cao nhận thức và cải thiện cuộc sống.

Thứ ba, ở một số nơi, nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa sát với nhu cầu của phụ nữ DTTS; hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa phong phú, đa dạng; chưa nhân rộng được hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật có hiệu ứng lan tỏa mạnh để phát huy vai trò chủ động tìm hiểu pháp luật của phụ nữ DTTS. Việc tự tìm hiểu qua sách, báo, các trang tin điện tử, internet còn rất hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thông tin pháp luật đến người dân chưa tương xứng với yêu cầu thực tế.

Thứ tư, công tác phối hợp trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin pháp luật của phụ nữ DTTS tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh mặc dù đã được coi trọng nhưng hiệu quả chưa cao. 

Thứ năm, mặc dù kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi ở tỉnh Quảng Trị đã có bước phát triển mạnh, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi thay tích cực nhưng so với sự phát triển chung của cả nước và từng địa phương, đời sống của đồng bào DTTS số vẫn còn nghèo khó, tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nhà ở chưa được giải quyết triệt để nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự đảm bảo và thiếu tính bền vững, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao. Một bộ phận không nhỏ đồng bào DTTS không biết chữ, chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội nên dễ bị kẻ xấu lôi kéo, xuyên tạc, cung cấp các thông tin sai sự thật dẫn đến hiểu sai, hiểu không đúng về chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, đó là: “Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội”. Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin pháp luật của người dân là điều tất yếu và là nhiệm vụ trọng tâm trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để quyền tiếp cận thông tin pháp luật của phụ nữ DTTS tỉnh Quảng Trị được tăng cường và thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới cần đẩy mạnh nhiều giải pháp đồng bộ: 

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền, sự tham gia của các tổ chức trong công tác bảo đảm quyền tiếp cận thông tin pháp luật cho phụ nữ DTTS. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin pháp luật cho phụ nữ DTTStừ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chủ động công khai thông tin về chính sách và pháp luật của Nhà nước trên mọi lĩnh vực một cách chính xác, kịp thời, thường xuyên, tránh hiện tượng thông tin chính xác đến phụ nữ DTTS chậm hơn những thông tin sai lệch của các đối tượng xấu.

Hai là, cần nâng cao nhận thức của phụ nữ DTTS về vai trò của thông tin và quyền tiếp cận thông tin. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của xã hội là những điều kiện hết sức quan trọng, song điều quyết định cuối cùng cho việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin pháp luật để hiểu biết pháp luật chính là chị em. Phụ nữ DTTS phải biết vượt qua chính mình, khắc phục một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; khắc phục khó khăn về gia đình, con cái để tham gia các hoạt động xã hội, thường ngày chịu khó đọc sách báo, chủ động thu thập thông tin để vươn lên khẳng định vị trí của mình trong gia đình và ngoài xã hội.

Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức cung cấp thông tin pháp luật gắn với vận động phụ nữ DTTS chấp hành pháp luật.

Nội dung tuyên truyền phải thực sự xuất phát từ cuộc sống và nhu cầu của đồng bào DTTS nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng. Các hoạt động truyền thông pháp luật không chỉ tập trung vào nội dung bình đẳng giới mà còn bao quát các lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp họ có sự hiểu biết toàn diện về các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội. Hình thức tuyên truyền phải phù hợp với yếu tố đặc thù của đồng bào DTTS về vị trí địa lý, phong tục, tập quán, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ, nhận thức của phụ nữ DTTS. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội trong công tác bảo đảm quyền tiếp cận thông tin pháp luật cho đồng bào DTTS nói chung, cho phụ nữ DTTS nói riêng để họ có thể cập nhật thông tin, trao đổi, bàn luận và tìm hướng giải quyết cho những vấn đề bức xúc trong đời sống pháp luật được nhanh chóng, kịp thời.

Bốn là, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp thông tin pháp luật cho phụ nữ DTTS.

Trong đó, phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp trong chỉ đạo triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ DTTS có trọng tâm, trọng điểm, nội dung, hình thức phù hợp với từng địa bàn cụ thể. Đặc biệt, cần có cơ chế huy động mạnh mẽ hơn nữa lực lượng Bộ đội biên phòng, Công an tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Năm là, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS.

Khi đã có mức sống vật chất đầy đủ, đồng bào DTTS sẽ chú trọng đến các nhu cầu tinh thần, trong đó có vấn đề nâng cao trình độ nhận thức pháp luật. Khi kinh tế - xã hội phát triển, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, phụ nữ DTTS có điều kiện đầu tư, mua sắm các phương tiện nghe nhìn như báo, đài, radio, tivi, điện thoại có kết nối internet... để chủ động nắm bắt thông tin pháp luật, kiến thức pháp luật. Ngược lại, khi điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn thì việc chăm lo, đầu tư cơ sở vật chất và phương tiện hiện đại để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân sẽ không được đồng đều. Vì vậy, có thể nói, đquyền tiếp cận thông tin pháp luật của phụ nữ DTTS được bảo đảm thì việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số là giải pháp hết sức quan trọng.

Điều 3 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định: “Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin”. Đồng bào  dân tộc thiểu số, nhất là phụ nữ rất cần được cập nhật thông tin pháp luật để nâng cao kiến thức, đời sống. Khi phụ nữ DTTS hiểu biết pháp luật, giúp phụ nữ hiểu đúng, làm đúng họ không chỉ tự tin hơn trong cuộc sống mà còn có khả năng bảo vệ quyền lợi của chính mình, của gia đình và cộng đồng xung quanh./.