Chi tiết - Sở Tư pháp

 

Thực hiện dự án tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam do Liên minh Châu Âu và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tài trợ, Vụ phổ biến, giáo dục pháp luật đã tổ chức xây dựng tài liệu bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở để triển khai tài liệu đến các đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là cho tập huấn viên cấp tỉnh để khai thác, bồi dưỡng cho hòa giải viên ở cơ sở. Trong 2 ngày 9-10 tháng 6 năm 2022, Vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phối hợp Liên minh Châu Âu, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tổ chức Hội nghị “đảm bảo bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở” cho tập huấn viên cấp tỉnh khu vực Miền Trung.

       Năm 2020, dự án đã hỗ trợ tập huấn 6 hội nghị cho 72 tập huấn viên cấp tỉnh tại 3 miền và 108 hòa giải viên ở cơ sở một số địa phương. Do dịch bệnh Covid-19 nên trong năm 2021 không tổ chức được hoạt động tập huấn. Vì vậy, Hội nghị này là sự tiếp nối của các hoạt động đã được triển khai trước đó.

 

Tiến sỹ Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc Hội nghị

       Tới dự và chủ trì điều hành Hội nghị có Tiến sỹ Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp. Về phía nhà tài trợ có bà Đào Thị Thu An, Quản lý Dự án tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam, đại Diện UNDP. Hội nghị có sự tham gia của 30 đại biểu đến từ Sở Tư pháp, Ủy ban Mặt trận tổ quốc cấp tỉnh, Hội Luật gia, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ cấp tỉnh … của 9 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa.

Các tập huấn viên làm việc theo phương pháp thảo luận nhóm

       Hòa giải cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên để đạt được sự thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những mâu thuẫn, những tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định. Đây là cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án được sử dụng rộng rãi tại các địa phương . Theo bà Đào Thị Thu An, Khảo sát về số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ( PAPI), cho thấy có 45% số người  được phỏng vấn cho biết họ sẽ yêu cầu hòa giải những tranh chấp dân sự từ những người có uy tín trong cộng đồng thay vì đến tòa án. Tuy nhiên qua khảo sát nhận thấy một trong những khó khăn mà hòa giải viên ở cơ sở gặp phải là chưa được trang bị kỹ năng và kiến thức để đảm bảo tính nhạy cảm giới nhằm phục vụ cho quá trình làm việc với nhóm dễ bị tổn thương trong đó có phụ nữ và trẻ em. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đển hiệu quả hòa giải. Trong khi đó, Luật Bình đẳng giới và các văn bản pháp luật khác đã quy định các vấn đề xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, đảm bảo đối xử công bằng giữa phụ nữ và nam giới, tạo điều kiện cho họ có thể thực hiện đầy đủ quyền con người và tham gia vào mọi hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội.

Tập huấn viên trình bày quan điểm các nhân

       Phát biểu tại Hội nghị, Tiến sỹ Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng: Để mang lại sự công bằng cho các bên tham gia hòa giải, bảo đảm sự bền vững thực sự cho kết quả hòa giải thì cần tiến hành trau dồi kiến thực pháp luật, kỹ năng, ứng xử cho hòa giải viên về bảo đảm bình đẳng giới. Qua thực tế triển khai, các địa phương đã có những phản hồi tích cực về lợi ích của chương trình. Vì vậy, các tập huấn viên cấp tỉnh cần chủ đông lĩnh hội nội dung và phương pháp tập huấn để triển khai tập huấn cho tập huấn viên cấp huyện và hòa giải viên cơ sở đạt hiệu quả tốt.

       Các tập huấn viên đã được Tiến sĩ Nguyễn Phương Lan và Tiến sĩ Bùi Minh Hồng - Giảng viên chính - là chuyên gia có uy tín, kinh nghiệm, kỹ năng sư phạm chuyên nghiệp của trường Đại học luật Hà Nội truyền tải những nội dung và phương pháp tập huấn hết sức hữu ích. Bên cạnh đó, còn được cung cấp tài liệu để chuẩn bị cho hoạt động tập huấn tiếp theo tại địa phương.

Bài và ảnh: Đào Bình