Chi tiết - Sở Tư pháp

 

Người viết: ThS. Cao Thị Hà

                                                                        Giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn

       Trong khối di sản tư tưởng quý báu mà Tổng Bí thư Lê Duẩn để lại cho dân tộc Việt Nam có quan điểm của Ông về phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Vấn đề phát huy quyền làm chủ của nhân dân đã được Tổng Bí thư Lê Duẩn trình bày tập trung trong các Báo cáo chính trị tại Đại hội III (1960), Đại hội IV (1976), Đại hội V (1982) đã trở thành hệ thống quan điểm lãnh đạo trong những năm Ông làm Tổng Bí thư của Đảng cũng như đã đặt nền móng cả về tư duy lý luận và thực tiễn cho công cuộc đổi mới của đất nước ta sau này.

       * Những nội dung cơ bản thể hiện quan điểm của đồng chí Lê Duẩn về phát huy quyền làm chủ của nhân dân

       Ông khẳng định: Nước Việt Nam do dân xây dựng nên, do dân đem xương máu ra bảo vệ, do vậy dân là chủ của nước. Nhân dân có quyền làm chủ đất nước, làm chủ chế độ, làm chủ tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (1960), Tổng Bí thư Lê Duẩn nêu rõ: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân oanh liệt của mấy chục triệu nhân dân nước ta. Nó đã xóa bỏ chính quyền Nhà nước của thực dân và phong kiến, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Nhà nước độc lập, dân chủ thật sự của nhân dân, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của nước ta” [1]. Quan điểm này của Ông thể hiện sự thấm nhuần sâu sắc tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân” [2]Quan điểm này đã góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của dân tộc ta đi đến thắng lợi.

       Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Tổng Bí thư Lê Duẩn tiếp tục phát triển quan điểm về xây dựng Nhà nước do nhân dân làm chủ. Ông nói: “Nhà nước dân chủ nhân dân của ta là Nhà nước thật sự dân chủ” [3]. Quan điểm này đã được thể hiện mạnh mẽ trong thực tiễn. Việc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ở miền Bắc nỗ lực tập trung sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt, trực tiếp đánh thắng chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, cùng cả nước tạo nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử  đã thể hiện rõ sức mạnh của Nhà nước dân chủ bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân.

       Sau khi đất nước thống nhất, cả nước ta bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội với vô vàn khó khăn, thách thức, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã luôn trăn trở làm thế nào để tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước vừa tinh gọn,vừa có hiệu quả để chính quyền thực sự là của nhân dân,, Tháng 12/1976, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội IV (1976) của Đảng, Tổng Bí thư Lê Duẩn trình bày quan điểm của Đảng về xây dựng quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động, là làm chủ bằng Nhà nước xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tổng Bí thư khẳng định: Muốn đưa sự nghiệp cách mạng đến toàn thắng, điều kiện quyết định trước tiên là phải thực hiện và không ngừng phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Nội dung của làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa được thể hiện toàn diện trên nhiều mặt: Làm chủ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân; làm chủ trong phạm vi cả nước, trong mỗi địa phương, trong mỗi cơ sở; là kết hợp hữu cơ quyền làm chủ tập thể với quyền tự do chân chính của từng cá nhân. Như vậy, đến Đại hội IV của Đảng, vấn đề làm chủ tập thể của nhân dân lao động được Tổng Bí thư Lê Duẩn phát triển lên ở cấp độ cao hơn.

       Năm 1982, vấn đề phát huy quyền làm chủ của nhân dân được Tổng Bí thư Lê Duẩn đề cập đến trong Báo cáo chính trị tại Đại hội V của Đảng: “Đường lối chung và đường lối kinh tế là một thể thống nhất hoàn chỉnh, trong đó có mấy vấn đề cần đặc biệt chú ý là: nắm vững chuyên chính vô sản, xây dựng chế độ làm chủ tập thể của nhân dân lao động và tiến hành công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa” [4]. Như vậy, đến Đại hội này,  “quyền làm làm chủ tập thể của nhân dân lao động” đã được Ông nâng lên thành “chế độ làm chủ tập thể của nhân dân lao động”. Khi nói đến “quyền” là nói đến vai trò nhân dân làm chủ, còn khi nói đến “chế độ” là nói đến đường lối, chủ trương; chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với quyền làm chủ đó. Đảng và Nhà nước phải ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật để tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân.

       Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, theo Tổng Bí thư, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ sau đây:

      * Thứ nhất, phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và phát huy vai trò của các tổ chức chính trị- xã hội

       Tổng Bí thư cho rằng, cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” là ba khâu gắn bó chặt chẽ với nhau thành một thể thống nhất mà mỗi khâu có vị trí và chức năng riêng của mình. Trước hết, phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để nhân dân làm chủ. Không có sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân lao động không thực hiện được quyền làm chủ của mình. Ông khẳng định: “Trong thời đại ngày nay, chỉ có giai cấp công nhân là giai cấp duy nhất có khả năng đi đầu trong cuộc giải phóng xã hội khỏi ách áp bức dân tộc và áp bức giai cấp; chỉ có giai cấp công nhân mới tiêu biểu được cho chế độ làm chủ tập thể XHCN. Bởi vì, đó là giai cấp gắn liền với nền công nghiệp lớn hiện đại, mà chỉ với lực lượng sản xuất tiên tiến và hùng mạnh này thì mới cải tạo được triệt để xã hội cũ và mới thiết lập được nền tảng vật chất vững chắc cho chế độ mới” [5]. Như vậy, sự lãnh đạo của Đảng, tuyệt đối không phải là sự áp đặt chủ quan, trái lại bắt nguồn một cách khách quan từ tính tất yếu lịch sử, từ chính lợi ích giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, từ nhu cầu thiết thân của Nhân dân đấu tranh giành độc lập, tự do và xây dựng cuộc sống mới.

       Cùng với việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng cần phải nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước. Theo Tổng Bí thư, Nhà nước ta là nơi biểu hiện tập trung sự lãnh đạo của Đảng và quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Đảng cầm quyền phải biết sử dụng Nhà nước, coi đó là một công cụ hùng mạnh và sắc bén để thực hiện quyền làm chủ thật sự của nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng trên quy mô toàn xã hội. Như vậy, Nhà nước gắn bó mật thiết với Đảng, chịu sự lãnh đạo thường xuyên và chặt chẽ của Đảng. Đồng thời, thông qua Nhà nước để nhân dân lao động thực hiện quyền làm chủ của mình. Tổng Bí thư chỉ rõ: “Phải ra sức xây dựng một Nhà nước kiểu mới, Nhà nước do chính giai cấp công nhân và nhân dân lao động tự tổ chức để thực hiện quyền làm chủ tập thể của mình, Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân, thông qua đó, Đảng thực hiện sự lãnh đạo của mình đối với xã hội” [6]. Ông yêu cầu: “Tất cả các cán bộ, nhân viên của Nhà nước, bất kỳ ở cương vị công tác nào, đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng hết dạ phục vụ nhân dân, phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” [7].

       Tổng Bí thư cũng đã phân biệt rõ vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Ông cho rằng: “Nhằm khắc phục những hiện tượng Đảng bao biện công việc Nhà nước hoặc tách rời một cách máy móc sự quản lý của Nhà nước với sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta cần soát xét lại một cách toàn diện từ cơ cấu tổ chức, quyền hạn và trách nhiệm cụ thể, đến chế độ làm việc của mỗi cấp ủy đảng và mỗi cấp chính quyền. Phải cải tiến lề lối hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, khiến các tổ chức dân cư đó thật sự là những cơ quan quyền lực của nhân dân, thật sự chịu trách nhiệm trước nhân dân’’. 

       Tổng Bí thư còn đặc biệt quan tâm tới việc phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội. Ông nhấn mạnh: “Phải ra sức nâng cao chất lượng và phát huy vai trò các đoàn thể quần chúng, xây dựng Công đoàn, Đoàn Thanh niên, tổ chức nông dân tập thể, Hội Phụ nữ, thành những tổ chức mạnh trong cơ chế làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa. Các đoàn thể phải tổ chức một cách thường xuyên, sâu rộng phong trào cách mạng của quần chúng, đưa hội viên tích cực tham gia sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, qua đó làm cho đoàn thể thật sự là tổ chức chiến đấu của người lao động, là trường học rèn luyện con người mới xã hội chủ nghĩa’’[8].

       * Thứ hai, cần chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội ở cơ sở

       Ông cho rằng, điều quan trọng và cấp bách nhất là phải thực hiện cho được quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở vì đây là nơi trực tiếp đụng chạm đến lợi ích, đến cuộc sống của người dân. Phải thông qua đấu tranh nội bộ trong các tổ chức cơ sở của Đảng và qua phong trào quần chúng góp ý kiến phê bình chi bộ, đảng bộ cơ sở, phê bình cán bộ, đảng viên mà chấm dứt những hiện tượng quan liêu, hống hách, những vụ vi phạm quyền công dân và quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Những việc đó không chỉ là nhiệm vụ của cơ sở mà là của cả các cấp Trung ương và địa phương, bởi vì Nhân dân không thật sự làm chủ ở cơ sở thì căn bản không thể làm chủ ở các cấp bên trên, và thật là vô nghĩa nếu nói rằng ở cấp trên đã có chế độ làm chủ trong khi ở cơ sở quần chúng nhân dân không thực hiện được quyền làm chủ.

       * Thứ ba, phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế XHCN

       Trong xã hội dân chủ, tất cả mọi chủ thể đều phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Tổng Bí thư rất coi trọng hoạt động xây dựng pháp luật. Theo ông, phải xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và nhất quán, trong đó một bộ phận quan trọng hàng đầu là các pháp luật, thể lệ, chế độ về kinh tế. Ông chỉ rõ những hạn chế trong hệ thống pháp luật, đó là hệ thống pháp luật chưa phát triển, nhiều mặt hoạt động chưa được chế định thành luật lệ, và phần luật lệ đã có rồi thì còn những chỗ chưa thể hiện đúng quyền làm chủ tập thể của Nhân dân lao động, nhiều cái đã lạc hậu, nhiều chỗ thiếu ăn khớp, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Vì vậy, theo Ông, Nhà nước ta phải sớm xây dựng, ban hành và kịp thời bổ sung, điều chỉnh pháp luật về các mặt hoạt động và đời sống xã hội, đưa mọi lĩnh vực vào tổ chức, quy củ. Pháp chế xã hội chủ nghĩa phải hoàn toàn thống nhất với nhau, từ luật của Nhà nước cho đến các quy định của các cơ quan chính quyền các cấp. 

       Bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Tổng Bí thư còn coi trọng công tác tổ chức thực hiện pháp luật. Ông cho rằng, phải kiểm tra nghiêm ngặt việc thi hành pháp luật, cưỡng bức đối với những người không tự giác, và trừng trị đích đáng bất kỳ ai vi phạm. Bằng việc kiên quyết thực hiện pháp chế XHCN, Nhà nước tỏ rõ quyền lực và hiệu quả quản lý của mình, bảo đảm chế độ làm chủ tập thể của nhân dân, tạo ra cuộc sống cộng đồng có kỷ cương, trật tự, ngăn chặn và loại trừ mọi biểu hiện tiêu cực, mọi tệ nạn và thói xấu trong xã hội. Theo Ông, sống theo pháp luật, làm đúng pháp luật là yêu cầu chung đối với toàn thể Nhân dân, là nghĩa vụ, là bổn phận trước nhất của cán bộ và nhân viên nhà nước. Những người thừa hành pháp luật, được trao quyền lực lớn, nếu không trước hết tự khép mình vào pháp luật, đi đến chỗ lộng quyền, thì hành động sai phạm của họ gây ra những tổn thất đặc biệt lớn cho xã hội, cho Nhân dân. Phải làm cho tất cả cán bộ, nhân viên nhà nước nắm được và làm đúng pháp luật, tiêu biểu cho pháp luật. Người giữ cương vị càng cao, được trao quyền lực càng lớn, thì càng phải gương mẫu thi hành pháp luật, và càng bị xử phạt nặng nếu vi phạm pháp chế. 

       * Thứ tư, phát huy dân chủ có nghĩa thể hiện bằng ý thức xã hội chủ nghĩa của mỗi công dân. Nhân dân phải được giáo dục để họ nhận thức rõ quyền lợi và nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước và xã hội.

       Nhân dân muốn làm chủ trước hết họ phải được giác ngộ tinh thần yêu nước và cách mạng, tinh thần quật cường, bất khuất và truyền thống cách mạng anh dũng của dân tộc ta; phải tăng cường ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, kiên quyết đấu tranh chống tham ô, lãng phí. Để làm được việc đó, phải đặc biệt chú ý đến công tác giáo dục. Trong công tác giáo dục, phải nắm vững nguyên lý giáo dục kết hợp với lao động sản xuất và các phương châm: lý luận gắn liền với thực tế, học đi đôi với hành, giáo dục của nhà trường kết hợp với giáo dục xã hội. Ông nói: “Con người là vốn quý nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa, nên chúng ta phải biết nâng niu, trân trọng, khơi dậy tinh thần làm chủ của mỗi con người với lương tâm, danh dự của họ đối với dân tộc mình, nhân dân mình, non sông đất nước của mình” [9].

       * Vận dụng quan điểm của đồng chí Lê Duẩn về phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay

       Từ khi thành lập Nhà nước đến nay, Đảng ta luôn lãnh đạo Nhà nước phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đến nay, các quyền dân chủ của nhân dân đã được thể hiện toàn diện trong Cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, trong các tôn chỉ và mục đích hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội. Việc tìm hiểu quan điểm về phát huy quyền làm chủ của nhân dân để vận dụng phù hợp trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước [10].

       Một trong những định hướng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, đó là: Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội” [11]Từ định hướng này, việc vận dụng quan điểm của Tổng Bí thư Lê Duẩn về phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

       - Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, trong đó xác định rõ hơn vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt” để nhân dân làm chủ. Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. 

       - Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện. Mở rộng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như sự mở rộng và bảo đảm tính thực chất của cơ chế dân chủ ở cơ sở.

       - Nắm vững và xử lý tốt “mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội” [12]. Đây là sự nhất quán quan điểm của Đảng ta, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bảo đảm vừa phát huy dân chủ, vừa giữ vững kỷ cương, pháp luật để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trên nền tảng dân chủ và tinh thần thượng tôn pháp luật. Cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội trong thực hành dân chủ trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Trên cơ sở đó, xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân. Đây là sự nhất quán quan điểm của Đảng ta, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bảo đảm vừa phát huy dân chủ, vừa giữ vững kỷ cương, pháp luật để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trên nền tảng dân chủ và tinh thần thượng tôn pháp luật.

       - Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội khác.

       Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tinh thần, ý chí làm chủ của người dân luôn được Đảng, Nhà nước đề cao, bảo vệ và phát huy. Tổng Bí thư Lê Duẩn mất cách đây đã 36 năm (1986-2022) nhưng những di sản văn hóa chính trị mà Ông để lại sẽ còn trường tồn trong không gian và thời gian. Nghiên cứu quan điểm của Tổng Bí thư Lê Duẩn về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chúng ta càng thấy rõ hơn tầm vóc của một nhà tư tưởng lớn. Nhận thức về vấn đề này, ngày càng được làm sáng rõ, rằng, vai trò của nhân dân trong lịch sử mang ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho mọi thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

       Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn, chúng ta bày tỏ niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc tới một con người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân, cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa; một con người đã có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng lý luận cách mạng của Đảng ta./. 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t.21, tr.496.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr.19.

[3][7] Lê Duẩn, Tuyển tập (1950-1965), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007, t.I, tr.330; tr.334.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2006, tập 43, tr. 50.

[5],  [6][8] Lê Duẩn, Tuyển tập (1975-1986), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2009, t.III, tr.874; tr.265; tr.883.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2004, tập 37, tr. 644.

[10], [11][12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.118; tr.38; tr.39.