Chi tiết - Sở Tư pháp

 

.

                                                           Người viết: ThS.GVC. Cao Thị Hà

                                                           Giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn  

Đất đai là tài nguyên đặc biệt của Quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước. Ở nước ta, hơn 90% lao động người dân tộc thiểu số (DTTS) sống bằng nghề nông, vì thế đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của đồng bào DTTS. Chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện chính sách về đất đai thời gian qua cũng bộc lộ những hạn chế, vướng mắc. Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" chỉ rõ, “việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở một số nơi còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra” [1]. Từ đó ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người đồng bào. Để khắc phục tình trạng này, Nghị quyết 18-NQ/TW xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Để thể chế Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 18/01/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Đất đai. Đạo luật này gồm 16 chương, 260 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025. Luật Đất đai năm 2024 (sau đây gọi là Luật năm 2024) đã có những quy định cụ thể nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS.

So với Luật Đất đai năm 2013 (sau đây gọi là Luật năm 2013), Luật năm 2023 có những sửa đổi, bổ sung quan trọng về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS.

1. Luật năm 2024 dành nhiều điều, khoản quy định về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Nếu chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS theo Luật năm 2013 chỉ quy định chung tại Điều 27 thì trong Luật năm 2024 được quy định tại Điều 16. Ngoài ra còn được thể hiện ở các Điều 11, 66, 67, 79, 112, 114, 118, 157, 181, 260, v.v…nhằm quy định một cách toàn diện và đồng bộ lĩnh vực đất đai ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

2.  Luật năm 2024 quy định cụ thể, chi tiết hơn về các chính sách đất đai đối với DTTS

Luật năm 2013, tại Điều 27 quy định về “Trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số”:

“1. Có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.

2. Có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp”.

Như vậy, Điều 27 Luật năm 2013 quy định còn mang tính nguyên tắc về những bảo đảm của Nhà nước cho người sử dụng đất là đồng bào dân tộc thiểu số, chưa tháo gỡ được những vướng mắc từ thực tiễn về giải quyết đất ở, đất sản xuất ở vùng đồng bào DTTS, chưa đáp ứng được nhu cầu về đất đai để người đồng bào ổn định đời sống và phát triển kinh tế bền vững. Để khắc phục hạn chế đó, Luật năm 2024, tại Điều 16 đã có những sửa đổi quan trọng.

Cụ thể:

* Nhà nước có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng

Đối với cộng đồng các DTTS, đất đai không chỉ là không gian sinh tồn và là nguồn tài nguyên mang lại giá trị vật chất mà còn là không gian để sinh hoạt truyền thống văn hóa của đồng bào, duy trì các mối quan hệ xã hội giữa cá nhân với cộng đồng, giữa các cộng đồng với nhau. Luật đã tách đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS thành một khoản riêng và bổ sung từ “bảo đảm”, qua đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các DTTS bằng việc bảo đảm đất sử dụng cho sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng.

“1. Có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng”.

Chính sách đảm bảo đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS là quy định hết sức cần thiết, đáp ứng mong đợi của đồng bào DTTS để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo trong bối cảnh đất nước hội nhập và phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

* Nhà nước chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào DTTS và miền núi

Nếu Luật năm 2013 quy định chung chung là Nhà nước “Có chính sách về đất ở”, “Có chính sách tạo điều kiện … để sản xuất nông nghiệp” cho đồng bào DTTS thì tại khoản 2 Điều 16 Luật năm 2024 xác định rõ ràng, chặt chẽ đối tượng được hỗ trợ lần đầu, địa bàn được hỗ trợ và các chính sách hỗ trợ cụ thể.

2. Có chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng để bảo đảm ổn định cuộc sống như sau:

a) Giao đất ở trong hạn mức và được miễn, giảm tiền sử dụng đất;

b) Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với đất có nguồn gốc được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận hoặc được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;

c) Giao đất nông nghiệp trong hạn mức không thu tiền sử dụng đất;

d) Cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất;

đ) Diện tích giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính cho tổng diện tích đất được Nhà nước giao, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong quá trình thực hiện các chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Như vậy, các chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào DTTS đa dạng hơn. Họ không chỉ được Nhà nước giao đất ở, đất nông nghiệp mà còn được cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh để người đồng bào có điều kiện an cư, yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

* Nhà nước có chính sách giao tiếp đất ở, đất sản xuất trong trường hợp đã được giao nhưng còn thiếu đất ở, đất sản xuất

Khoản 3 Điều 16 Luật năm 2024 quy định cụ thể từng trường hợp được hỗ trợ tiếp về đất ở, sản xuất đối với đồng bào DTTS tại khoản 2 Điều 16 khi họ “không còn đất hoặc “thiếu đất” để giải quyết được tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, giúp nâng cao đời sống của người đồng bào.

3. Có chính sách hỗ trợ đất đai để bảo đảm ổn định cuộc sống cho cá nhân là người dân tộc thiểu số đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất quy định tại khoản 2 Điều này nhưng nay không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức mà thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như sau:

a) Trường hợp không còn đất ở thì được giao tiếp đất ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn, giảm tiền sử dụng đất. Trường hợp thiếu đất ở thì cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn, giảm tiền sử dụng đất;

b) Trường hợp không còn hoặc thiếu đất nông nghiệp thì được giao tiếp đất nông nghiệp trong hạn mức không thu tiền hoặc cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất.

Khoản 1 Điều 48 Luật năm 2024 quy định: Trường hợp người DTTS được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại khoản 3 Điều 16 chuyển khỏi địa bàn cấp tỉnh nơi có đất đến nơi khác sinh sống hoặc không còn nhu cầu sử dụng mà không tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người thuộc hàng thừa kế là đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 16 thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật cho người có đất thu hồi. Diện tích đất đã thu hồi được dùng để tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho cá nhân khác là người DTTS theo chính sách quy định tại Điều 16 của Luật này.

Khoản 2 Điều 48 quy định: “2. Cá nhân là người dân tộc thiểu số được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo tại khoản 3 Điều 16 của Luật này thì được thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng chính sách”.

Các quy định trên của Luật năm 2024 đã thể chế hóa một cách đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu Nghị quyết số 18-NQ/TW, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trong ban hành chính sách luôn hướng đến quyền lợi của đồng bào DTTS và miền núi, góp phần hỗ trợ người đồng bào DTTS ổn định cuộc sống, có cơ hội phát triển cá nhân, cộng đồng và vùng đồng bào DTTS, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh, chính trị tại các vùng đồng bào DTTS.

3. Luật năm 2024 quy định cụ thể cơ chế tạo quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS

    Việc luật hóa cơ chế tạo quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai với đồng bào DTTS là điểm mới rất quan trọng so với Luật năm 2013 cũng như so với các văn bản hướng dẫn trước đây liên quan đến chính sách đất đai với đồng bào DTTS. Cụ thể, Điều 16, Luật năm 2024 đã chỉ rõ, đất để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS được bố trí từ quỹ đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý hoặc từ quỹ đất do Nhà nước thu hồi. Theo Điều 79 Luật năm 2024, một trong những trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đó là thu hồi đất để Thực hiện dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của Luật này.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên tắc phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất, đó là phảibảo đảm bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (Điều 112). Đặc biệt, tại Điều 114, lần đầu tiên Luật năm 2024 khẳng định, quỹ phát triển đất của địa phương có nhiệm vụ bố trí kinh phí để phục vụ công tác thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Các quy định này là cơ sở pháp lý quan trọng giúp các địa phương tháo gỡ được khó khăn về cơ chế khi cần tạo quỹ đất để triển khai các chính sách về đất đai với đồng bào DTTS. nhằm tháo gỡ vướng mắc, tồn tại trên thực tế là thiếu quỹ đất để hỗ trợ cho đồng bào DTTS.

4. Luật năm 2024 làm rõ trách nhiệm và nguồn lực để thực hiện các chính sách về đất đai cho đồng bào DTTS

* Về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

- Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

+ Theo Điều 16 Luật năm 2024 :

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế và quỹ đất của địa phương quyết định diện tích giao đất, cho thuê đất để thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số theo quy định tại khoản 3 Điều này.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách của địa phương về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và tổ chức thực hiện”.

+ Khoản 2 Điều 180 giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Việc giao đất, cho thuê đất phải ưu tiên cá nhân là người dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất sản xuất ở địa phương.

- Đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện

+ Điểm d khoản 2 Điều 66 Luật năm 2024 đã quy định nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, trong đó phải “xác định diện tích các loại đất để bảo đảm chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số;

+ Điểm b khoản 3 Điều 67 Luật năm 2024 đã quy định nội dung kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, trong đó bao gồm cả dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (nếu có)

Việc thể hiện Dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện là quy định hoàn toàn mới, góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn cho các địa phương khi thực hiện chính sách đất đai cho người DTTS thiếu đất một cách chủ động và có kế hoạch.

+ Điểm c khoản 3 Điều 67 Luật năm 2024 đã quy định: Đối với quỹ đất do các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm c) Giao đất, cho thuê đất để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo tại địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất;

- Đối với UBND cấp

Điều 16 Luật năm 2024:7. Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về các trường hợp không còn, thiếu hoặc không có đất để giao đất, cho thuê đất theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này; các trường hợp vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại khoản 3 Điều này mà không còn nhu cầu sử dụng đất mà phải thu hồi đất để tiếp tục thực hiện chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số quy định tại Điều này”.

* Về nguồn lực để thực hiện các chính sách

Điều 16 Luật năm 2024 khẳng định: 8. Kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thu hồi đất theo quy định tại khoản 29 Điều 79 của Luật này; kinh phí đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và các chi phí khác để thực hiện chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số dân tộc thiểu số được bố trí từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Các quy định này đều là những hành lang pháp lý quan trọng giúp tháo gỡ vướng mắc mà các địa phương gặp phải khi tổ chức thực hiện chính sách đất đai với đồng bào DTTS.

5. Luật năm 2024 bổ sung nghiêm cấm đối với hành vi vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS

Khoản 3 Điều 11 Luật năm 2024: “3. Vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số”. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho người đồng bào có thể bảo hộ được quyền sử dụng đất của mình, ngăn chặn những hành vi xâm phạm đến quyền sử dụng đất của đồng bào DTTS.

Luật năm 2024 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc triển khai các chính sách liên quan đến đất đai cho đồng bào DTTS, giải quyết được dứt điểm những vấn đề cốt lõi đang là rào cản đối với nỗ lực giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội bền vững và bảo vệ tài nguyên đất, rừng ở các vùng DTTS và miền núi được hiệu quả. Từ các chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS trong Luật năm 2024 sẽ tiếp tục tạo đà, thúc đẩy đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS./.

Tài liệu tham khảo

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".