Chi tiết - Sở Tư pháp

 

Từ ngày 6-9/5/2024 diễn ra khóa tập huấn bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải cơ sở cho hòa giải viên tại tỉnh Quảng Trị.

Tham dự hội nghị có Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị, Bà Trần Thị Minh Nguyệt và Nguyễn Phương Anh, cán bộ dự án EU JULE, cơ quan phát triển của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đại diện và các hòa gải viên đến từ các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

 

Tham dự viên lớp tập huấn 6-7/5/2024

 

Khóa tập huấn này được đồng tổ chức bởi Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị và UNDP trong khuôn khổ Chương trình Tăng cường Pháp luật và Tư pháp tại Việt Nam (EU JULE), do Liên minh Châu Âu tài trợ với sự đóng góp tài chính và được thực hiện bởi UNDP và UNICEF, chia thành 2 lớp, mỗi lớp 2 ngày.

Tham dự viên lớp tập huấn 8-9/5/2024

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở nhấn mạnh mục tiêu trang bị kiến thức về giới và kỹ năng hòa giải ở cơ sở bảo đảm bình đẳng giới cho hòa giải viên của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh -những người trực tiếp thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở; đồng thời, tạo điều kiện cho các tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện đã được tập huấn trong khuôn khổ Dự án EU JULE cơ hội thực hành phương pháp tập huấn tăng cường sự tham gia và kiến thức về bình đẳng giới.

Thảo luận nhóm

Tại hội nghị tập huấn các đại biểu được Tiến sĩ. Bùi Minh Hồng - Trưởng Bộ môn Luật Hôn nhân và Gia đình, Trường Đại học Luật Hà Nội và các giảng viên của tỉnh - những người đã được tập huấn về phương pháp và nội dung giảng dạy năm 2023 -  cung cấp, trao đổi kiến thức, kỹ năng hòa giải; phương pháp giảng dạy về một số kiến thức cơ bản về giới, bình đẳng giới; một số nội dung cần chú ý trong pháp luật về hòa giải ở cơ sở; bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn quy trình hòa giải ở cơ sở nhằm bảo đảm bình đẳng giới; thực hành tập huấn hòa giải ở cơ sở bảo đảm bình đẳng giới.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 813 tổ hòa giải ở cơ sở được thành lập với 5.537 hòa giải viên. Năm 2023, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiến hành tiếp nhận hòa giải 510 vụ việc, trong đó hòa giải thành được hơn 418 vụ việc (đạt 82%). Thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở góp phần duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho đội hòa giải viên ở cơ sở về giới, bình đẳng giới, nhạy cảm giới trong hòa giải ở cơ sở chưa được quan tâm dẫn đến các hòa giải viên chưa có kiến thức, phương pháp hòa giải về giới; các hòa giải viên còn lúng túng trong quá trình giải quyết các vụ việc có liên quan đến vấn đề giới, từ đó ảnh hưởng tới việc đảm bảo bình đẳng giới trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Qua khóa tập huấn này, các hòa giải viên được nâng cao năng lực và  trang bị kiến thức về giới, các nội dung cơ bản về bình đẳng giới, các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở từ đó nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc khi làm nhiệm vụ hòa giải.

Đào Bình