Chi tiết - Sở Tư pháp

.

Pháp luật có quy định thẻ ngành (hay còn gọi là Giấy chứng minh Công an nhân dân) là loại giấy chỉ cấp cho sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đang phục vụ tại ngũ trong lực lượng Công an nhân dân theo chế độ chuyên nghiệp.

Tại Điều 1 Nghị định 59/2008/NĐ-CP về giấy chứng minh Công an nhân dân, có quy định Giấy chứng minh Công an nhân dân được cấp nhằm mục đích sau:

 Chứng minh người được cấp Giấy chứng minh Công an nhân dân là sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đang phục vụ tại ngũ trong lực lượng Công an nhân dân theo chế độ chuyên nghiệp; Phục vụ công tác chiến đấu, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội và phục vụ công tác quản lý sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân.

Hiện nay, chưa có quy định của pháp luật loại giấy tờ nào  là giấy tờ tùy thân; Việc xác định giấy tờ tùy thân được căn cứ các văn bản cụ thể quy định. Các loại giấy tờ tuỳ thân được sử dụng trong giao dịch dân sự (như công chứng hợp đồng, giao dịch; xác nhận giấy tờ nhà đất; giải quyết các thủ thủ tục hành chính…) bao gồm các loại như sau:

 Căn cước công dân: Căn cứ quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014; Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân( được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ) quy định: Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này. Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Công dân có quyền sử dụng thẻ Căn cước công dân của mình trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

 Hộ chiếu: Căn cứ Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019; Hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân. Công dân Việt Nam có quyền sử dụng hộ chiếu của mình để thực hiện giao dịch hoặc thủ tục khác theo quy định của pháp luật.

Giấy tờ xuất nhập cảnh gồm có: Hộ chiếu ngoại giao, Hộ chiếu công vụ, Hộ chiếu phổ thông, Giấy thông hành.  Các thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm: ảnh chân dung; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại.

Hiện nay, Thông tư 73/2021/TT-BCA ngày 01/3/2023 của Bộ Công an quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan có quy định về Hộ chiếu có gắn chíp điện tử ; Hộ chiếu có gắn chíp điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký của người cấp. Đây là một bước cải tiến mới nhằm tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước. hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử và hộ chiếu phổ thông gắn chíp điện tử được sử dụng song hành. Khi nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền được lựa chọn cấp hộ chiếu không gắn chíp điện tử hoặc cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử.

Giấy Chứng minh sỹ quan: Căn cứ Nghị định số 130/2008/NĐ-CP ngày 19/12/2008 của Chính phủ về Giấy chứng minh sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo đó, Giấy chứng minh sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (Giấy chứng minh sĩ quan) chỉ cấp cho sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đang phục vụ tại ngũ. Giấy chứng minh sĩ quan cấp cho người được phong quân hàm sĩ quan tại ngũ gồm: Học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan và những người được bổ nhiệm giữ chức vụ sĩ quan được phong quân hàm sĩ quan. Giấy chứng minh sĩ quan được cấp nhằm mục đích: Chứng minh người được cấp Giấy chứng minh sĩ quan là sĩ quan đang phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam; phục vụ công tác chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và thực hiện các giao dịch dân sự; phục vụ công tác quản lý sĩ quan.

Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân: Theo Nghị định số 59/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng. Mục đích sử dụng Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng là: Chứng minh người được cấp là quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân; phục vụ công tác quản lý quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng và thực hiện các giao dịch dân sự.

Như vậy, các giấy tờ được cấp cho cá nhân nói trên có thể được sử dụng để thực hiện các giao dịch dân sự; trừ Giấy chứng minh Công an nhân dân không có quy định được sử dụng vào mục đích giao dịch nên không thể nộp hoặc xuất trình khi thực hiện các giao dịch về dân sự. 

Hải Nguyễn - Thanh tra