Chi tiết - Sở Tư pháp

Trong năm 2023, việc thi hành Hiến pháp và các văn bản QPPL của các cơ quan Nhà nước cấp trên và Nghị quyết của HĐND tỉnh luôn được các Sở ban ngành, UBND các cấp xác định là nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan, đơn vị và nghiêm túc thực hiện.

Một số kết quả đạt được

Tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật và các văn bản QPPL dưới Luật

Trên cơ sở chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương và của UBND tỉnh, các Sở, ngành, HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động triển khai thực hiện các Luật và văn bản QPPL thuộc trách nhiệm, phạm vi quản lý của ngành, cơ quan, địa phương mình. Các Sở, ban, ngành đã ban hành hoặc tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản đôn đốc, chỉ đạo triển khai thực hiện các Luật và văn bản QPPL trên phạm vi toàn tỉnh. Xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền hoặc trình HĐND tỉnh ban hành các văn bản QPPL, văn bản hành chính quy định chi tiết các điều, khoản được giao tại Luật. Từ ngày 01/01/2023 đến ngày 15/11/2023, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành 46 văn bản quy phạm pháp luật (21 Nghị quyết, 25 Quyết định)

Nhìn chung, việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản có liên quan; văn bản QPPL được ban hành đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

 Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Công tác tuyên truyền, PBGDPL được các cấp, các ngành và các địa phương chú trọng thực hiện, gắn với chức năng, nhiệm vụ của ngành, nhiệm vụ chính trị và thực tế địa phương. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 29/01/2023 về công tác phổ biến GDPL, hòa giải cơ sở, cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trong đó, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị chủ trì triển khai, phổ biến các luật, pháp lệnh, văn bản pháp luật được ban hành năm 2022có hiệu lực trong năm 2023; 06 Luật mới vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV  và các dự thảo chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội; các văn bản, quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tội phạm ma túy, dịch bệnh, thiên tai, tệ nạn xã hội; hỗ trợ khởi nghiệp; chuyển đổi số; pháp luật về khiếu nại, tố cáo; pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường;… vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; Công ước, điều ước quốc tế, các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã tham gia ký kết có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình, Đề án về PBGDPL: Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027"; Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” và các chương trình, Đề án khác theo hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương. Tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở. Tham gia Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV; Hướng dẫn đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

UBND tỉnh cũng ban hành các Kế hoạch và văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các Luật, Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ, ngành thuộc trách nhiệm, phạm vi quản lý của ngành, cơ quan, địa phương mình.

Hầu hết các cơ quan, đơn vị địa phương đã ban hành Kế hoạch PBGDPL năm 2023 đúng thời hạn quy định. Thông qua đó, xác định các nhiệm vụ cụ thể, tiến độ thực hiện, trách nhiệm của cơ qua chủ trì và cơ quan phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ.

Các ngành, các cấp đã tập trung triển khai truyền thông các dự thảo chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội, nổi bật  như Dự thảo Luật đất đai, Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, Dự thảo Luật Công chứng.

Nâng cao năng lực phổ biến pháp luật cho đội ngũ BVCPL

Bên cạnh hình thức phổ biến pháp luật trực tiếp, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, tùy thuộc vào đối tượng và nội dung PBGDPL để sử dụng hình thức phù hợp: thông qua các trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử, qua các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, qua chuyên trang, chuyện mục trên sóng Đài PTTH Quảng Trị, báo Quảng Trị; sử dụng các pano, áp phích, tranh cổ động, xây dựng các video theo từng đề tài, lĩnh vực để đưa Luật, Nghị định, Nghị quyết đến tận người dân trên địa bàn một cách có hiệu quả nhất. Một số Sở, ban ngành, địa phương đã rất sáng tạo triển khai hoạt động phổ biến pháp luật, ví dụ như:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tập huấn bắt tay chỉ việc, tuyên truyền từng đội, nhóm nhỏ, loa truyền thanh phát ở các chợ về các nội dung về sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm tại các thôn, xã có vùng sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Tổ chức 01 cuộc thi tìm hiểu cải cách hành chính năm 2023 thu hút 7 chi cục quản lý nhà nước với 35 cán bộ công chức đăng ký dự thi, 300 CCVC tham gia cổ vũ và gần 8.000 lượt người xem và chia sẻ qua Fanpage của Đoàn Thanh niên Sở.

Sở Y tế: Thực hiện lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 tại Thành phố Đông Hà đã treo 336 băng rôn khẩu hiệu vượt đường, phát 18.706 tờ gấp, 495 Tranh - Áp phich, 01 Pano, 07 băng đĩa âm, 300 sổ tay an toàn thực phẩm...Triển khai tuyên truyền lồng ghép trong 150 buổi nói chuyện với 3.494 người tham gia trong các buổi họp thôn, bản; Tổ chức 13 lớp tập huấn, hội thảo về công tác quản lý tại các bếp ăn tập thể trường học cho 652 người quản lý, người sản xuất, chế biến đối với cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, quản lý an toàn thực phẩm.

Ban Dân tộc: Tổ chức các hoạt động thực hiện Kế hoạch Tiểu dự án 2.Dự án 9. CTMTQG 1719 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Cấp thiết bị USB chứa phim tài liệu tuyên truyền do UBDT, Đài truyền hình Quốc hội phát hành; lắp đặt cụm Pano tại 31 xã vùng DTTS. Tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỷ năng truyền thông cho cán bộ làm công tác dân tộc cấp huyện, công chức cấp xã 180 người/03 lớp; 10 hội thi tìm hiểu pháp luật về hôn nhân, về kết hôn, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 10 xã; 14 Hội nghị tập huấn tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các cụm xã với 980 người tham gia.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã  thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Tòa án tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh xây dựng các chuyên mục PBGDPL như: “Pháp luật và Đời sống”; “Phiên tòa giả định”; “Phiên tòa lưu động”, … để tìm hiểu pháp luật, hỏi - đáp pháp luật, nghiên cứu - trao đổi, thông tin tuyên truyền, PBGDPL trong ngành Giáo dục

Tình hình tuân thủ, chấp hành Luật và văn bản QPPL

- Tình hình tuân thủ các quy định pháp luật ở tất cả các ngành, các lĩnh vực quản lý Nhà nước và ở các địa phương về cơ bản đã đi vào nề nếp. Các vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý Nhà nước ở các ngành, lĩnh vực đã được xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật. Qua hoạt động tự kiểm tra và rà soát văn bản QPPL nhận thấy các văn bản QPPL của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đều đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý.

Chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ về theo dõi thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính nhằm nâng cao liệu quả công tác này tại địa phương

Công tác theo dõi thi hành pháp luật trong năm 2023 cũng được các cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng. Nhiều cơ quan, đơn vị đã thành lập các Đoàn kiểm tra theo dõi thi hành pháp luật, xử lý vi phạm hành chính. Qua công tác kiểm tra đã phát hiện ra một số sai phạm và đã xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền. Nổi bật như:

* Các sở, ban, ngành cấp tỉnh:

Sở Giao thông vận tải: Trong năm 2023 (từ ngày 15/12/2022 đến 18/10/2023), đã phát hiện, xử lý 41 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ và đường thủy nội địa (23 tổ chức, 18 cá nhân), đã ban hành 41 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 677,45 triệu đồng (tổ chức: 436,75 triệu đồng, cá nhân: 240,7 triệu đồng); số tiền xử phạt vi phạm hành chính đã thu nộp NSNN: 875,85 triệu đồng (tổ chức: 660,75 triệu đồng, cá nhân: 215,1 triệu đồng).

Sở Nông nghiệp và PTNT:

Lập biên bản 94 vụ vi phạm, xử lý vi phạm hành chính 73 vụ về kiểm lâm, phạt tiền 1.050,25 triệu đồng, tịch thu 72,103 m3 gỗ quy tròn các loại, 22 cá thể ĐVR, trọng lượng 13,5 kg, diện tích rừng bị phá 155.334,8 m2 và một số lâm sản khác; khởi tố 06 vụ án hình sự về hành vi hủy hoại rừng xảy ra trên địa bàn.

Tổ chức hiện 33 chuyến tuần tra (24 chuyến trên biển, 09 chuyến nội đồng); kiểm tra trên 310 lượt phương tiện và 3 chủ cơ sở sửa chữa tàu thuyền, xử lý 38 trường hợp vi phạm với số tiền 206,4 triệu đồng (Trong đó phối hợp tuần tra chung với Thanh tra Sở tại cảng cá Cửa Việt và Cửa Tùng xử phạt 9 trường hợp với số tiền 14,4 triệu đồng; phối hợp với Đồn Biên phòng Cồn Cỏ xử phạt 02 trường hợp với số tiền 85 triệu đồng).

Xử phạt vi phạm hành chính 10 trường hợp trong lĩnh vực Chăn nuôi và Thú y (trong đó: 01 trường hợp vi phạm trong kinh doanh buôn bán thức ăn, thuốc thú y và 09 trường hợp vi phạm trong kinh doanh buôn bán sản phẩm động vật).

Thanh tra, kiểm tra trên 91 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông lâm thuỷ sản; xử phạt 02 trường hợp.

Thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2023 trong lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT; tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính, chuyên ngành để kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc Sở và một số tổ chức, các nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Cục Quản lý thị trường: Tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra định kỳ, chuyên đề và kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đã kiểm tra 437 cơ sở, ban hành 297 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Việc ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính tuân theo trình tự, thủ tục luật định.

Sở Tài Nguyên và Môi trường: Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các kiến nghị, phản ánh đối với việc tuân thủ, chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Qua kiểm tra, Thanh tra Sở đã tiến hành lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với 07 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền xử phạt là 971.000.000 đồng.

- Cục Thuế: 9 tháng đầu năm 2023 đã ban hành 1.086 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; số tiền xử phạt VPHC và các biện pháp khắc phục hậu quả là 21.161.400.665 đồng.

Sở Giáo dục và Đào tạo: Tiến hành thanh tra, kiểm tra chuyên ngành 10 cuộc tại 13 đơn vị. Trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra một số nội dung trọng tâm như: Ban hành văn bản quản lý nội bộ và phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng bộ máy tổ chức; thực hiện các quy định về công khai trong lĩnh vực giáo dục; công tác kiểm tra nội bộ trường học; Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, tổ chuyên môn và giáo viên; công tác kiểm tra, đánh giá học sinh; kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; công tác lựa chọn sách giáo khoa; quản lý và sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; thực hiện quy chế tuyển sinh, quản lý, giáo dục người học; các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và người học; thực hiện quy định về thu, quản lý, sử dụng học phí, các nguồn lực tài chính khác; công tác xã hội hóa giáo dục; các biện pháp bảo đảm an toàn trường học; phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước; phòng, chống bạo lực học đường; việc thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, kiến nghị, phản ánh và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định. Kiểm tra công tác tổ chức và hoạt động của 03 trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh; kiểm tra công tác tổ chức và hoạt động của 03 trung tâm giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa.

* UBND cấp huyện:  Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động, tích cực, nghiêm túc triển khai các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là tập trung giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp. Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, điều hành, xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, đông người được nâng lên; công tác tiếp công dân đã từng bước gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhiều vụ việc được giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở. Việc xử lý vi phạm hành chính  nhìn chung được các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật.Tình hình tuân thủ các quy định pháp luật được các phòng, ban, ngành, UBND các xã, phường, thị trấn quan tâm, ý thức tôn trọng pháp luật của cán bộ, công chức và Nhân dân ngày

Nhìn chung, trong quá trình tổ chức thi hành Hiến pháp và các văn bản QPPL của các cơ quan Nhà nước cấp trên, các sở, ban, ngành và UBND các cấp luôn tập trung làm tốt công tác nắm tình hình dư luận của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, kịp thời đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tổ chức thi hành Hiến pháp để tuyên truyền các quan điểm trái với quy định của Hiến pháp. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; nâng cao việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; đồng thời bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tập trung bảo vệ cương lĩnh, quan điểm của Đảng, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong triển khai thi hành Hiến pháp; tăng cường sự đoàn kết nội bộ, tạo sự đồng thuận trong triển khai thi hành Hiến pháp.

Một số khó khăn, vướng mắc

Một là, một số văn bản QPPL vẫn còn sự chồng chéo, mâu thuẫn ảnh hưởng tới việc triển khai thực hiện. Việc quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện một số Luật và các VBQPPL còn chậm hoặc hướng dẫn chưa rõ ràng, gây khó khăn, bất cập và lúng túng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện.

Hai là, các kiến nghị, ý kiến tham gia của cơ quan, đơn vị, địa phương đối với dự thảo luật, các văn bản QPPL của Nhà nước liên quan đến một số bất cập, vướng mắc trong thi hành vẫn không được tiếp thu hoặc không có giải đáp lý do không tiếp thu.

Ba là, cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực một số địa phương, đơn vị còn hạn chế, nên phần nào ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ PBGDPL, theo dõi thi hành pháp luật. Việc huy động kinh phí ngoài ngân sách nhà nước cho hoạt động thi hành Luật và các văn bản QPPL còn khó khăn. (Chỉ có Sở Nông nghiệp đã huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước do người dân đóng góp 158.200.000 đồng trong lĩnh vực Trồng trọt và BVTV).

Bốn là, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Kế hoạch số 5062/KH-UBND ngày 08/11/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND, chưa bố trí phần kinh phí từ ngân sách huyện để thực hiện Nghị quyết. Bên cạnh đó định mức hỗ trợ kinh phí thấp (01 hộ/01thửa/2 triệu đồng) khó thực hiện, việc đo đạc lập hồ sơ còn nhiều khó khăn, một số địa phương không đủ chi tiêu để đo đạc, một số xã thì vượt chỉ tiêu so với đăng ký trước đây.

Năm là, một số Nghị quyết, Quyết định khi triển khai thực hiện ở địa phương, cơ sở còn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong cơ chế, chính sách và điều kiện thực tế, như Nghị Quyết 16/2015/NQ-HĐND của Hội nhân dân dân tỉnh Quảng Trị ngày 17/7/2015 quy định mức chi đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 18/QĐ-UBND ngày 27/8/2015 quy định mức chi đối với công tác PBGDPL, hòa giải cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, một số các địa phương chưa cân đối được ngân sách để chi đúng theo quy định cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Sáu là, thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực còn vướng mắc hoặc chưa triệt để như quản lý và sử dụng pháo nổ.

Một số kiến nghị

Để khắc phục những khó khăn hạn chế trên, tạo cơ sở cho việc thực thi pháp luật nghiêm chỉnh, đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện một số công việc sau:

Thứ nhất, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương cần quan tâm hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng xây dựng ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo tính khả thi, tính ổn định, tính kịp thời, hạn chế sự thiếu thống nhất, mâu thuẫn chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật cần phải kịp thời, đồng bộ nhằm tạo điều kiện cho địa phương triển khai thực hiện. Kịp thời sửa đổi các quy định chưa hợp lý trong Luật và các văn bản QPPL, bổ sung sửa đổi Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ về việc hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi; Thông tư  hướng dẫn thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg để tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình; các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và Nghị quyết của HĐND tỉnh trong lĩnh vực Nội vụ.

Thứ hai, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tiếp thu ý kiến tham gia đối với các dự thảo Luật, văn bản QPPL nếu phù hợp với quy định và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hoặc những kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật, văn bản QPPL. Đối với việc không tiếp thu thì cần có các giải đáp, phản hồi với cơ quan, đơn vị, địa phương đã tham gia ý kiến.

Thứ ba, Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp tục có những Chương trình, Đề án trong giai đoạn tiếp theo để hỗ trợ kinh phí từ Trung ương cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; quan tâm tổ chức các hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách công tác theo dõi thi hành pháp luật, quản lý xử lý vi phạm hành chính ở địa phương đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; Có các cơ chế để huy động sự hỗ trợ, vào cuộc của các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Thứ tư, Hội đồng nhân dân tỉnh cần tăng cường thực hiện chức năng giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật ở địa phương, đặc biệt là các đạo luật về tư pháp, trong đó chú trọng giám sát chuyên đề đối với các hoạt động tư pháp; quan tâm, giám sát đối với hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, đặc biệt là các Nghị quyết liên quan đến thực hiện các định mức chi và chế độ, chính sách, lĩnh vực đầu tư công, thu hút đầu tư, kinh doanh thương mại, Chương trình mục tiêu quốc gia, phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở.

Bài và ảnh: Thanh Ngân