Chi tiết - Sở Tư pháp
- '
- Trang chủ
- Giới thiệu
- Tin tức - Nghiên cứu trao đổi
- Tin tức chuyên ngành
- Phổ biến, giáo dục PL
- Xây dựng, kiểm tra VPQPPL
- Hỗ trợ pháp lý cho Doanh nghiệp
- Pháp chế
- Bồi thường nhà nước
- Cải cách hành chính, Kiểm soát TTHC
- Quản lý xử lý VPHC, theo dõi THPL
- Hành chính tư pháp
- Thanh tra, Kiểm tra
- Bổ trợ tư pháp
- Công chứng, chứng thực
- Tổ chức - Đào tạo
- Thống kê, tổng hợp
- Tin tức, sự kiện
- Hoạt động của đơn vị trực thuộc ▼
- Hoạt động tư pháp địa phương
- Nghiên cứu, trao đổi
- Hoạt động Đảng, Đoàn thể
- Tin khác ▼
- Tin tức chuyên ngành
- Chỉ đạo điều hành
- Khen thưởng - Xử phạt
- Văn bản mới
- Chiến lược - Quy hoạch, Kế hoạch
- Album ảnh
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ LĨNH VỰC HÌNH SỰ
- Ngày đăng: 23-04-2020
- 225 lượt xem
1. Hỏi: Phát hiện trộm đột nhập vào nhà, anh tôi hô lên thì bị tên trộm rút dao đe dọa, anh tôi chụp được cây gậy để chống trả thì tên trộm bỏ chạy. Mặc dù tên trộm đã bỏ chạy nhưng anh tôi vẫn tiếp tục đuổi theo và đánh tên trộm gãy chân. Sau đó, anh tôi bị khởi tố về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội”. Cho tôi hỏi, việc cơ quan CSĐT khởi tố anh tôi có đúng không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Phòng vệ chính đáng thì:
“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này”.
Như vậy, giữa phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng chỉ khác nhau ở điểm mức độ cần thiết của hành vi phòng vệ phải là cần thiết đối với hành vi xâm hại. Trường hợp này, tên trộm đã bỏ chạy nhưng anh của bạn vẫn tiếp tục đuổi theo đánh và đánh tên trộm gãy chân được coi là không cần thiết, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội thì: “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.”
Trường hợp anh của bạn, vì bạn không nói rõ tên trộm bị tổn thương cơ thể bao nhiêu phần trăm nên có thể xảy ra hai trường hợp:
Trường hợp thứ nhất, tỷ lệ tổn thương cơ thể của tên trộm phải từ 31% trở lên và cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố anh của bạn về tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội” là đúng quy định.
Trường hợp thứ hai, nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể của tên trộm dưới 31% và cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố anh của bạn về tội danh trên là không đúng quy định của pháp luật.
Trong trường hợp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì anh của bạn có thể bị xử phạt hành chính, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi xâm hại đến sức khỏe của người khác theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Ngoài ra, anh của bạn có thể phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
2. Hỏi: Tôi đánh nhau với người ta gây thương tích 11%. Tôi muốn hòa giải với người bị tôi gây thương tích để không bị khởi tố vụ án hình sự. Xin hỏi, nếu hòa giải thành thì tôi có bị khởi tố vụ án hình sự không?
Trả lời:
Vì bạn gây ra thương tích 11% cho đối phương, nên theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì: “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm….” Do đó, bạn có thể bị khởi tố hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Tuy nhiên, tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại quy định như sau:
“1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.”
Như vậy, với tỷ lệ thương tích 11%, cơ quan chức năng chỉ được khởi tố vụ án khi có yêu cầu của bị hại hoặc đại diện của bị hại dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Trong trường hợp này, bạn chỉ bị khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện của họ trong trường hợp người này dưới 18 tuổi hoặc có nhược điểm về tâm thần hay thể chất.
Nếu bạn hòa giải thành mà người này hoặc người đại diện của họ không yêu cầu khởi tố vụ án hình sự thì cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án. Trường hợp vụ án đã được khởi tố nhưng trong quá trình điều tra, hai bên hòa giải thành và bị hại hoặc người đại diện của họ rút yêu cầu khởi tố thì vụ án hình sự được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
3. Hỏi: Do tính chất công việc, tôi hay phải đi lại vào đêm khuya nên có giấu dao găm trong cốp xe máy để phòng thân. Một lần tôi bị công an kiểm tra hành chính và bị lập biên bản xử phạt 10 triệu đồng. Xin hỏi, việc tôi bị xử phạt có đúng quy định hiện hành không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 thì vũ khí bao gồm: Vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.
Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: Dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.
Theo quy định tại Điều 5 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 thì tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Dao găm thuộc một trong các vũ khí thô sơ nên bạn không được phép mang dao găm trong người, giấu trong cốp xe…
Theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Do đó, hành vi bạn giấu dao găm trong cốp xe máy để phòng thân và bị công an kiểm tra hành chính và bị lập biên bản xử phạt 10.000.000 đồng là đúng quy định của pháp luật hiện hành.
4. Hỏi: Do chuột phá hoại lúa quá nhiều nên vào buổi tối, tôi có chăng dây điện quanh bờ ruộng của tôi để bẩy chuột và trong một thời gian dài không có sự việc gì xảy ra. Tuy nhiên, vào một buổi sáng, khi ra thăm ruộng tôi bất ngờ phát hiện có một người chết bên bờ ruộng của tôi. Cơ quan điều tra kết luận người này chết do bị điện giật. Vậy tôi có phạm tội gì không?
Trả lời:
Thứ nhất là về hành vi: Bạn có hành vi chăng dây điện, trong khi đó dây điện đang có điện là nguồn nguy hiểm cao độ, có khả năng thực tế đe dọa tới tính mạng con người.
Thứ hai là mục đích: Mục đích của bạn chăng dây điện là để bẩy chuột phá hoại lúa. Tuy nhiên, việc bạn chăng dây điện quanh bờ ruộng buộc bạn phải lường trước được hậu quả của hành vi chăng dây điện có thể xảy ra là gây thương tích hoặc gây chết người.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Cố ý phạm tội thì: “2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.”
Hành vi bạn chăng dây điện với mục đích để bẩy chuột phá hoại lúa là hành vi nguy hiểm và bắt buộc bạn thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra là gây thương tích hoặc gây chết người, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra đó là chết người hoặc không chết người. Cho nên trong trường hợp này lỗi của bạn là cố ý gián tiếp.
Trường hợp này, nạn nhân đã chết nên bạn phạm tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) với lỗi cố ý gián tiếp.
5. Hỏi: Tôi phạm tội trộm cắp tài sản và bị kết án 02 năm tù cho hưởng án treo. Tôi đã chấp hành án phạt được 01 năm 09 tháng. Gần đây, công ty tôi muốn cử tôi đi ra nước ngoài để công tác. Xin hỏi, tôi có được xuất cảnh ra nước ngoài không?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 về Các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh thì: “2. Người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.”
Theo quy định này, do bạn đang trong thời gian thử thách của án treo nên bạn thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh ra nước ngoài cho đến khi bạn chấp hành xong bản án.
6. Hỏi: Em rể tôi nghiện ma túy và bị bố cậu ấy xích chân vào cửa để cai nghiện. Trong một lần, bố cậu ấy đi vắng, em rể tôi lên cơn nghiện và nhờ vợ đi mua ma túy về để sử dụng, em gái tôi vì thương chồng nên đã đi mua 500.000 đồng tiền heroin cho cậu ấy và bị công an bắt quả tang. Xin hỏi em gái tôi có phạm tội không?
Trả lời:
Hành vi của em gái bạn là hành vi mua trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 251 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuy nhiên, chưa biết rõ em của bạn đã mua heroin với khối lượng là bao nhiêu gam nên không thể xác định cụ thể khung hình phạt được áp dụng cho hành vi đó. Do đó, bạn có thể tham khảo các khung hình phạt là:
- Người nào mua bán trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Mua bán Heroine có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm: Mua bán Heroine có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Mua bán Heroine có khối lượng 100 gam trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
7. Hỏi: Tôi có đứa em gái 19 tuổi, trong 1 lần đi mua sắm ở trung tâm thương mại, em tôi có nhặt được 01 chiếc ví bị đánh rơi nhưng không thông báo cho quản lý trung tâm thương mại để trả lại người bị đánh rơi mà đã lấy số tiền trong ví khoảng 7 triệu đồng rồi vứt chiếc ví đi. Sau khi sự việc xảy ra, chủ nhân chiếc ví đến trung tâm thương mại xem lại camera thì thấy em tôi là người đã nhặt được chiếc ví và báo cho công an phường. Công an phường đã triệu tập em tôi đến làm việc và yêu cầu phải trả lại số tiền cùng với giấy tờ tùy thân của người đã đánh rơi chiếc ví nhưng nó nói là chỉ lấy tiền, còn giấy tờ nó đã vứt đi cùng với chiếc ví. Em tôi nói sẽ trả lại số tiền đã lấy nhưng mấy anh công an cứ bắt phải tìm giấy tờ bằng được. Vậy, cho tôi hỏi em của tôi bây giờ phải làm sao và bị xử lý như thế nào ạ?
Trả lời:
1. Về việc công an yêu cầu em gái bạn phải tìm lại giấy tờ
Qua việc kiểm tra camera tại trung tâm thương mại, xác định được em gái của bạn là người đã trực tiếp cầm giữ chiếc ví bị mất và có hành vi lấy vật trong đó ra. Do đó, công an phường triệu tập em của bạn để phối hợp điều tra, xác minh sự việc, đồng thời yêu cầu tìm giấy tờ tùy thân cho người chủ nhân kia là hợp lý.
Bởi lẽ, mặc dù theo thông tin em của bạn chỉ lấy tiền và vứt bỏ chiếc ví với những giấy tờ tùy thân nhưng thông qua hình ảnh trong camera của trung tâm thương mại thì không thể xác định chính xác em gái bạn chỉ lấy tiền hay lấy cả tiền và giấy tờ tùy thân nhưng có thể xác định em gái bạn là người đã tiếp xúc, chạm vào cái ví – nơi cất giữ giấy tờ tùy thân.
2. Về trách nhiệm mà em gái của bạn phải chịu khi lấy số tiền trong ví
Tại khoản 1 Điều 230 Bộ luật Dân sự năm 2015 về Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên quy định: “1. Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.”
Do đó, trường hợp em của bạn sau khi nhặt được ví tiền nếu biết được địa chỉ của người đánh rơi chiếc ví thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó, còn nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND phường hoặc công an phường nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ chủ chiếc ví biết mà nhận lại. Tuy nhiên, em gái của bạn đã không liên lạc với chủ nhân của chiếc ví, cũng không giao nộp chiếc ví cho quản lý của trung tâm thương mại hoặc UBND phường hoặc công an phường để kịp thời thông báo đến cho người bị mất mà lấy hết số tiền trong ví rồi vứt bỏ chiếc ví nên hành vi của em gái bạn được xác định là hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
Khoản 1 Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội chiếm giữ trái phép tài sản quy định: “1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Tuy nhiên, số tiền mà em gái bạn chiếm giữ trái phép chỉ 7 triệu đồng, không phải là di vật, cổ vật và em gái của bạn đồng ý trả lại số tiền đó nên chưa đủ yếu tố để xử lý hình sự.
Mặc dù vậy, em gái của bạn phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an để tìm lại giấy tờ tùy thân đã bị mất. Trong trường hợp không thể tìm lại được giấy tờ tùy thân đã bị mất và xác định được em gái của bạn không lấy những giấy tờ đó thì sẽ không phát sinh trách nhiệm bồi thường đối với các giấy tờ tùy thân này. Người bị mất tờ tùy thân sẽ liên lạc với những cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục cấp lại các loại giấy tờ này.
8. Hỏi: Trong lúc mất kiểm soát do say rượu nên tôi đã đánh người ở trong quán nhậu. Cho hỏi, tôi như vậy có bị xử lý hình sự không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.” Do đó, bạn phạm tội trong lúc say rượu thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, cần xem xét mức độ thiệt hại mà bạn gây ra đã đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa.
Trường hợp bạn đánh người gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của họ mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng bạn có sử dụng hung khí nguy hiểm như dao, gậy, kiếm thì bạn sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Trường hợp chưa đủ yếu tố để xử lý hình sự thì bạn có thể bị xử lý hành chính và bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự cho nạn nhân.