Chi tiết - Sở Tư pháp

 

LĨNH VỰC PHÁP LUẬT VỀ DÂN SỰ- ĐẤT ĐAI

Câu 1: Cháu A 12 tuổi bán chiếc xe đạp mà bố mẹ mua cho để đi học cho ông L với giá 01 triệu đồng. Sau khi phát hiện sự việc, bố mẹ cháu A đã tìm gặp ông L đề nghị được chuộc lại chiếc xe nhưng ông L không đồng ý vì cho rằng việc mua bán giữa ông và cháu A là hoàn toàn tự nguyện. Xin hỏi ông L không đồng trả lại chiếc xe đạp cho bố mẹ cháu A có đúng không?
Trả lời: Khoản 3 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 về “Người chưa thành niên” quy định:
“3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.”
Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 về “Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự” quy định:
“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập.”
Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015 về “Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu” quy định:
“2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.”
Như vậy, trong trường hợp này cháu A mới 12 tuổi lại tự ý bán đi chiếc xe đạp bố mẹ mua cho để đi học (không phải là giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày) mà không có sự đống ý của bố mẹ. Cháu A chưa đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch này nên giao dịch dân sự giữa cháu A và ông L vô hiệu.
Vì vậy, trong trường hợp này, nếu bố mẹ cháu A không đồng ý thì ông L phải trả lại chiếc xe đạp cho bố mẹ cháu A và cháu và bố mẹ cháu A phải trả lại cho ông L 01 triệu đồng.

Câu 2: Vườn của ông T và bà H liền kề nhau. Do bà H trồng cây sát với ranh giới thửa đất của hai bên nên cây vươn cành lá sang vườn nhà ông T. Ông T đã nhiều lần nhắc bà H là chặt bỏ bớt cành cây vươn sang nhà mình nhưng bà H không chịu vì cho rằng bà trồng cây trên đất của mình, còn cành lá vươn sang vườn nhà ông T là do tự nhiên. Bà H nói như vậy có đúng không?
Trả lời: Điều 175 Bộ luật Dân sự năm 2015 về “Ranh giới giữa các bất động sản” quy định:
“2. Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.
Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Như vậy, trong trường hợp này, bà H cho rằng bà trồng cây trên đất của mình, còn cành lá vươn sang vườn nhà ông T là do tự nhiên nên không chịu chặt bỏ cành cây vươn sang nhà ông T là không đúng. Trừ trường hợp ông T đồng ý, bà H phải chặt bỏ phần cành cây của mình vươn sang thửa đất nhà ông T.

Câu 3. Khi phát hiện có con trâu lạc vào đàn trâu của nhà, ông An đã báo cho cán bộ xã biết để thông báo trên loa truyền thanh của xã, rồi đưa trâu về nhà nuôi. Trong thời gian ông An nuôi giữ, con trâu lạc bị dịch bệnh, mặc dù đã được thú y xã điều trị nhưng vẫn chết (có xác nhận của chính quyền xã và cán bộ thú y là trâu chết do dịch bệnh). Hai tháng sau, ông Bình là chủ của con trâu bị thất lạc đã đến gặp ông An để chuộc lại con trâu. Ông An bảo ông Bình con trâu đã bị dịch bệnh chết. Ông Bình cho rằng trâu của mình trước đó khỏe mạnh, nếu có phát sinh dịch bệnh là do chuồng trại nhà ông An bẩn thỉu nên ông Bình đã làm đơn kiện ông An đến Tòa án yêu cầu ông An phải bồi thường. Việc ông Bình kiện ông An trong trường hợp này có cơ sở không?
Trả lời: Điều 231 Bộ luật Dân sự năm 2015 về “Xác lập quyền sở hữu đối với gia súc thất lạc” quy định:
“1. Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 06 tháng, kể từ ngày thông báo công khai hoặc sau 01 năm đối với gia súc thả rông theo tập quán thì quyền sở hữu đối với gia súc và số gia súc được sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia súc.
“2. Trường hợp chủ sở hữu được nhận lại gia súc bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được gia súc. Trong thời gian nuôi giữ gia súc bị thất lạc, nếu gia súc có sinh con thì người bắt được gia súc được hưởng một nửa số gia súc sinh ra hoặc 50% giá trị số gia súc sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia súc.”
Như vậy, điều luật chỉ quy định người bắt giữ được gia súc thất lạc phải bồi thường khi cố ý làm gia súc chết. Trong trường hợp này, con trâu của ông Bình chết vì dịch bệnh, là trường hợp bất khả kháng, ông An không cố ý làm chết trâu của ông Bình nên ông An không có trách nhiệm phải bồi thường.

Câu 4: Ông A nhận chuyển nhượng thửa đất của bà B. Ông A đã đặt cọc cho bà B 50 triệu đồng và thỏa thuận 02 tuần sau sẽ làm hợp đồng chuyển nhượng. Tuy nhiên, 03 ngày sau bà B thông báo lại cho ông A là không chuyển nhượng thửa đất nữa vì đất đang lên giá và sẽ trả lại 50 triệu tiền cọc cho ông A. Ông A không chịu, đòi bà B trả gấp đôi số tiền cọc. Yêu cầu của ông A có đúng quy định của pháp luật không?
Trả lời: Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 về “Đặt cọc” quy định:
“1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Như vậy, việc bà B đã nhận tiền cọc của ông A nhưng sau đó lại từ chối giao kết hợp đồng thì theo quy định bà B phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, tức là gấp đôi khoản tiền cọc là 100 triệu đồng. Yêu cầu của ông A là đúng với quy định của Bộ luật Dân sự .

Câu 5: Ông A mua chiếc ô tô của bà B. Hai bên đã làm hợp đồng mua bán, có công chứng theo quy định, ông A đã trả cho bà B một nửa số tiền mua xe theo thỏa thuận nhưng chưa làm thủ tục sang tên cho ông A và bà B vẫn còn giữ xe. Bà B điều khiển xe xảy ra tai nạn, xe bị hư hỏng nặng. Bà B bảo ông A phải chi tiền để sửa xe vì chiếc xe đó đã được bán cho ông A. Bà B xử sự như vậy có đúng pháp luật không?
Trả lời: Điều 441 Bộ luật Dân sự năm 2015 về “Thời điểm chịu rủi ro” trong hợp đồng mua bán tài sản quy định:
“1. Bên bán chịu rủi ro đối với tài sản trước khi tài sản được giao cho bên mua, bên mua chịu rủi ro đối với tài sản kể từ thời điểm nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
2. Đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Đối chiếu với quy định trên, ô tô là loại tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu. Mặc dù hai bên đã ký hợp đồng mua bán nhưng xe vẫn còn đứng tên bà B, chưa sang tên cho ông A nên rủi ro phát sinh đối với chiếc xe thì bà B phải chịu. Việc bà B bảo ông A phải chi tiền để sửa xe vì chiếc xe đó đã được bán cho ông A là không đúng quy định của pháp luật.

Câu 6: Bà N cho bà M vay 06 lượng vàng 9999. Hợp đồng ghi rõ thời hạn vay trong thời hạn 01 năm với lãi suất là 1,2 lượng vàng 9999. Đến hạn, bà M thanh toán cả gốc lẫn lãi cho bà N là 7,2 lượng vàng 9999. Bà N nhận vàng nhưng yêu cầu bà M trả thêm phần tiền bù giá vàng là 36 triệu đồng vì bà N cho rằng thời điểm bà cho bà M vay vàng giá 40 triệu đồng/1 lượng nhưng đến thời điểm bà M trả nợ giá vàng rớt giá chỉ còn 35 triệu đồng/1 lượng. Yêu cầu của bà N đối với bà M có đúng không?
Trả lời: Theo Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 về “Nghĩa vụ trả nợ của bên vay” quy định:
“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.”
Như vậy, căn cứ vào quy định trên, theo hợp đồng vay vàng giữa bà N và bà M thì bà M chỉ có nghĩa vụ trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng cộng với lãi suất theo hợp đồng là 6 lượng vàng 9999 gốc cộng với 1,2 lượng vàng 9999 lãi, tổng cộng là 7,2 lượng vàng 9999. Việc bà N yêu cầu bà M trả thêm cho mình tiền bù vàng rớt giá 36 triệu đồng là không có cơ sở.

Câu 7: Bà L đến nhà ông V chơi thì bị chó nhà ông V cắn, bà L phải đi tiêm vắc xin phòng dại. Bà L đưa hóa đơn và đề nghị ông V thanh toán lại tiền cho bà L nhưng ông V không đồng ý vì cho rằng do bà L đến nhà ông chơi mà không gọi cổng nên bị chó cắn là lỗi của bà L, bà L thì nói rằng bà không biết nhà ông V có chó dữ nên mới không gọi cổng (việc này thì ông V cũng thừa nhận vì chó ông chỉ mới mang về ngày hôm trước). Trong trường hợp này, bà L yêu cầu ông V bồi thường có đúng không?
Trả lời: Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 về “Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra” quy định:
“1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”
Khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 về “Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại” quy định:
“2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”
Như vậy, trong trường hợp này chó của nhà ông V cắn bà L, bà L không có lỗi vì bà không biết nhà ông V có chó nên không gọi cổng, ông V có lỗi vì không có biện pháp trông coi chó cẩn thận để cho cắn bà L. Đối chiếu với các quy định trên, bà L yêu cầu ông V bồi thường là đúng quy định.

Câu 8: Hai vợ chồng ông A và bà B có 5 người con. Ngoài 5 đứa con chung với bà B, trước khi kết hôn với bà B, ông A còn có 02 con riêng với người vợ trước. Hai vợ chồng ông A và bà B sở hữu khối tài sản chung khoảng 2 tỷ đồng. Năm 2017, ông A bị tai nạn giao thông chết và không để lại di chúc. Trong trường hợp này, 02 con riêng của ông A có được hưởng thừa kế di sản của ông A để lại hay không?
Trả lời: Vì ông A chết mà không để lại di chúc nên di sản của hai vợ chồng (ông A và bà B) được thừa kế theo pháp luật. Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 về “Người thừa kế theo pháp luật” quy định:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Như vậy, pháp luật quy định con đẻ của người chết là người được hưởng di sản, không phân biệt là con chung hay con riêng, con trong giá thú hay ngoài giá thú. Vì vậy, 02 đứa con riêng của ông A thuộc hàng thừa kế thứ nhất, vẫn được hưởng phần di sản thừa kế ngang bằng với bà B và 05 đứa con chung của ông A và bà B.

Câu 9: Hiện tại tôi có sổ đỏ với diện tích đất ở là 400m và đất vườn là 1551m được cấp từ năm 2004 dựa trên số liệu bản đồ của năm 1993. Vừa rồi bên địa chính xã có về đo lại diện tích thì bị thừa ra 678m đất liền kề đã đào ao và trồng cây lâu năm nhiều năm qua. Vậy tôi xin hỏi diện tích đất thực tế thừa ra đó thì tôi sẽ được quyền sử dụng như thế nào? Tôi muốn xin được sử dụng tiếp diện tích đó và đóng thuế có được không?
Trả lời: Tại khoản 5 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 có quy định như sau:
“5. Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này hoặc Giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn nếu có.
Trường hợp đo đạc lại mà ranh giới thửa đất có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất và diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 99 của Luật này.”
Do thông tin của bạn cung cấp chưa được rõ ràng nên trường hợp của bạn được giải quyết như sau:
Trường hợp thứ nhất, ranh giới sử dụng đất không có sự thay đổi so với ranh giới tại thời điểm có giấy chứng nhận thì khi đó gia đình bạn sẽ được cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận với diện tích xác định theo số liệu đo đạc thực tế và gia đình bạn không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có).
Trường hợp thứ hai, ranh giới sử dụng đất có sự thay đổi so với ranh giới tại thời điểm có giấy chứng nhận.
Căn cứ theo quy định tại khoản 20 Điều 3 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2014/NĐ-CP như sau:
“20. Bổ sung Điều 24a như sau:
Điều 24a. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm so với giấy tờ về quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất
Trường hợp đo đạc lại mà diện tích thửa đất thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp hoặc giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật đất đai, Điều 18 của Nghị định này và ranh giới thửa đất thực tế có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có Giấy chứng nhận hoặc giấy tờ về quyền sử dụng đất thì việc xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm được thực hiện như sau:
…..
3. Trường hợp diện tích đất tăng thêm không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 của Luật đất đai, Điều 18 của Nghị định này thì thực hiện như sau:
a) Trường hợp người sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai thì việc xem xét xử lý và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này;
b) Trường hợp diện tích đất tăng thêm do người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì xem xét xử lý và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Nghị định này;
c) Trường hợp diện tích đất tăng thêm do người sử dụng đất được giao trái thẩm quyền trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì việc xem xét xử lý và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Nghị định này;
d) Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đối với diện tích đất tăng thêm được thực hiện theo quy định tại Điều 70 và cấp đổi Giấy chứng nhận cho thửa đất gốc theo quy định tại Điều 76 của Nghị định này nếu thửa đất gốc đã được cấp Giấy chứng nhận. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm xác nhận vào Đơn đề nghị cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm và gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế, trình cấp Giấy chứng nhận sau khi người sử dụng đất đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai cho toàn bộ diện tích thửa đất đang sử dụng, trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã.”
Như vậy, trường hợp bạn có sổ đỏ với diện đất ở là 400m và đất vườn là 1551m được cấp từ năm 2004 dựa trên số liệu bản đồ của năm 1993. Vừa rồi bên địa chính xã có về đo lại diện tích thì bị thừa ra 678m đất liền kề đã đào ao và trồng cây lâu năm nhiều năm qua. Nếu diện tích đất tăng thêm thuộc các trường hợp sau thì bạn sẽ được xem xét xử lý cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần tăng thêm như sau:
- Nếu bạn không vi phạm pháp luật đất đai thì việc xem xét cấp giấy chứng nhận được thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.
- Nếu gia đình bạn vi phạm pháp luật về đất đai trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì việc xem xét cấp giấy chứng nhận thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 01/2017/NĐ-CP.
Tuy nhiên, nếu thuộc một trong 2 trường hợp nêu trên thì khi cấp Giấy chứng nhận đối với phần đất thực tế tăng thêm, bạn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính.