Chi tiết - Sở Tư pháp
- '
- Trang chủ
- Giới thiệu
- Tin tức - Nghiên cứu trao đổi
- Tin tức chuyên ngành
- Phổ biến, giáo dục PL
- Xây dựng, kiểm tra VPQPPL
- Hỗ trợ pháp lý cho Doanh nghiệp
- Pháp chế
- Bồi thường nhà nước
- Cải cách hành chính, Kiểm soát TTHC
- Quản lý xử lý VPHC, theo dõi THPL
- Hành chính tư pháp
- Thanh tra, Kiểm tra
- Bổ trợ tư pháp
- Công chứng, chứng thực
- Tổ chức - Đào tạo
- Thống kê, tổng hợp
- Tin tức, sự kiện
- Hoạt động của đơn vị trực thuộc ▼
- Hoạt động tư pháp địa phương
- Nghiên cứu, trao đổi
- Hoạt động Đảng, Đoàn thể
- Tin khác ▼
- Tin tức chuyên ngành
- Chỉ đạo điều hành
- Khen thưởng - Xử phạt
- Văn bản mới
- Chiến lược - Quy hoạch, Kế hoạch
- Album ảnh
NHỮNG ĐIỂM MỚI CƠ BẢN CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH NĂM 2020
- Ngày đăng: 05-04-2022
- 299 lượt xem
Người viết: ThS. Cao Thị Hà
Giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn
Xử phạt vi phạm hành chính là hoạt động của các cá nhân có thẩm quyền nhằm xác định hành vi vi phạm hành chính để áp dụng các hình thức xử phạt và các biện pháp cưỡng chế khác do pháp luật quy định đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013 là cơ sở pháp lý quan trọng để xử phạt vi phạm hành chính. Sau hơn 07 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sau đây gọi là Luật năm 2012) đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn. Nhằm khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật năm 2012, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý và thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên thực tế, tại Kỳ họp thứ 10, ngày 13/11/2020, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sau đây gọi là Luật năm 2020), có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022.
So với Luật năm 2012, Luật năm 2020 có những điểm mới cơ bản sau đây:
* Thứ nhất về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính:
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Điều 6 Luật năm 2012. Luật năm 2020 có một số bổ sung, sửa đổi về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính:
- Bổ sung trường hợp thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm đối với hành vi phạm hành chính về hóa đơn.
- Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, Luật năm 2012 quy định: "Vi phạm hành chính là hành vi trốn thuế, gian lận thuế, nộp chậm tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về thuế”. Luật năm 2020 sửa đổi quy định thời hiệu xử phạt 02 năm về thủ tục thuế thành: “Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế”.
- Bổ sung thêm một khoản (điểm đ vào khoản 2 Điều 6 Luật năm 2012) quy định thời điểm để tính thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp cá nhân bị đề nghị cố tình trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Theo đó, trong thời hạn được quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 6 này mà cá nhân cố tình trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì thời hiệu được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
* Thứ hai, về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước
Điều 24 Luật năm 2012 quy định mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với cá nhân và tổ chức. Thực tiễn thi hành việc xử phạt vi phạm hành chính cho thấy: Mức phạt tiền tối đa của nhiều lĩnh vực như: giao thông đường bộ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thủy lợi, kinh doanh bất động sản,v.v...theo quy định còn thấp, chưa đủ sức răn đe, chưa thực sự tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm hành chính ở nhiều lĩnh vực gây hậu quả lớn đến xã hội, làm thiệt hại kinh tế, thậm chí làm ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe của người dân chưa được quy định mức phạt tối đa như: tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng. Để bảo đảm hiệu quả của công tác xử phạt vi phạm hành chính, Khoản10 Điều 1 Luật năm 2020 sửa đổi theo hướng:
- Tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực:
+ Giao thông vận tải đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội: tăng mức phạt tiền tối đa từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng;
+ Cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; giáo dục: tăng mức phạt tiền tối đa từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng;
+ Điện lực: tăng mức phạt tiền tối đa từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng;
+ Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: tăng mức phạt tiền tối đa từ 100 triệu lên 200 triệu;
+ Thủy lợi (trước đây là lĩnh vực quản lý công trình thuỷ lợi); báo chí: tăng mức phạt tiền tối đa từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng;
+ Kinh doanh bất động sản: tăng mức phạt tiền tối đa từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng.
- Bổ sung các mức phạt tối đa của các lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 Luật năm 2012:
+ Tín ngưỡng; đối ngoại: bổ sung mức phạt tiền tối đa là 30 triệu đồng.
+ Cản trở hoạt động tố tụng: bổ sung mức phạt tiền tối đa là 40 triệu đồng.
+ Cứu nạn, cứu hộ: bổ sung mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng.
+ Bảo hiểm thất nghiệp: bổ sung mức phạt tiền tối đa là 75 triệu đồng
+ An ninh mạng; an toàn thông tin mạng; điện lực: bổ sung mức phạt tiền tối đa là 100 triệu đồng;
+ Sở hữu trí tuệ: bổ sung mức phạt tiền tối đa là 250 triệu đồng.
+ Thủy sản: bổ sung mức phạt tiền tối đa là 1.000.000.000 đồng.
Việc tăng mức phạt và bổ sung các mức phạt tối đa của các lĩnh vực nhằm bảo đảm tính răn đe, ngăn ngừa vi phạm, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
- Sửa đổi tên của một số lĩnh vực như: Lĩnh vực “sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, cây trồng” thành “trồng trọt”; “sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi” thành “chăn nuôi”; “dạy nghề” thành “giáo dục nghề nghiệp”; “quản lý rừng, lâm sản” thành “lâm nghiệp”; “thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác” thành “hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác”; “hạn chế cạnh tranh” thành “cạnh tranh”. Việc sửa đổi tên gọi một số lĩnh vực quy định tại Điều 24 của Luật năm 2012 nhằm bảo đảm tính thống nhất về tên gọi giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính với các văn bản pháp luật có liên quan.
* Thứ ba, về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Điều 38 đến Điều 51 Luật năm 2012 quy định về các chức danh có thẩm quyền xử phạt. Thực tiễn thi hành việc xử phạt vi phạm hành chính cho thấy: một số chức danh đã không còn tồn tại do sự thay đổi cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị hoặc một số chức danh có thẩm quyền xử phạt nhưng chưa được quy định trong Luật năm 2012. Để tháo gỡ vướng mắc đó, Luật năm 2020 quy định nội dung này như sau:
- Bãi bỏ một số chức danh có thẩm quyền xử phạt theo Luật năm 2012 như: Cục trưởng Cục Dự trữ khu vực, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Trưởng ban thi đua khen thưởng Trung ương (Điều 46), một số chức danh trong lực lượng Công an nhân dân (Điều 39).
- Bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt như: Kiểm ngư viên, Trạm trưởng trạm Kiểm ngư thuộc Chi cục Kiểm ngư vùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Điều 43a), Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Điều 45a), Trưởng đoàn kiểm toán, Kiểm toán trưởng (Điều 48a), một số chức danh trong lực lượng Công an nhân dân (Điều 39) và Quản lý thị trường (Điều 45). Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng.
Riêng đối với lực lượng Công an nhân dân, Luật năm 2020 bãi bỏ 17 chức danh, bổ sung 22 chức danh, thay đổi tên gọi của 05 chức danh và giữ nguyên 25 chức danh để phù hợp với cơ cấu, tổ chức của Bộ Công an.
- Tăng thẩm quyền phạt tiền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (điểm b khoản 2 Điều 38) và Giám đốc Công an cấp tỉnh (điểm b khoản 5 Điều 39) từ 50.000.000 đồng lên 100.000.000 đồng.
- Liên quan đến vấn đề giao quyền xử phạt vi phạm hành chính, Luật năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung Điều 54 Luật năm 2012, theo đó cấp phó có thể được giao quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 119 của Luật Xử lý vi phạm hành chính đồng thời quy định rõ văn bản giao quyền phải được thể hiện bằng quyết định.
- Luật năm 2020 cũng đã bổ sung thêm 08 nhóm chức danh có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện; các chức danh khác có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền.
Việc sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt của chức danh trong Luật năm 2020 là để phù hợp với sự thay đổi, điều chỉnh về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước đồng thời để xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính khác, bảo đảm tính đầy đủ, tính thống nhất trong xử lý vi phạm hành chính.
* Thứ tư, về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Điều 66 Luật năm 2012 quy định về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính:
“1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản
Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình tại đoạn 2 khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời gian gia hạn không được quá 30 ngày"
Thực tiễn thi hành việc xử phạt cho thấy: Thời hạn ra quyết định xử phạt theo Luật năm 2012 là quá ngắn vì bao gồm cả thứ 7, chủ nhật, ngày nghỉ lễ, tết, gây khó khăn cho người có thẩm quyền người xử phạt, nhất là lập biên bản vào ngày cuối tuần, nghỉ lễ, tết. Mặt khác, quy định về việc gia hạn tại Điều 66 Luật năm 2012 đã làm cho thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính gặp rất nhiều vướng mắc (đặc biệt là tiêu chí xác định thế nào là thủ trưởng cấp trên trực tiếp thực hiện việc gia hạn), gây khó khăn cho người có thẩm quyền xử phạt, dẫn đến tình trạng có rất nhiều trường hợp bị quá thời hạn ra quyết định xử phạt, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của công tác xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, tại khoản 34 Điều 1 Luật năm 2020 sửa đổi theo hướng từ tính “07 ngày” sang “07 ngày làm việc” và tăng thời hạn xử phạt đối với trường hợp phải chuyển hồ sơ lên thành “10 ngày làm việc”. Mặt khác, đã bỏ quy định về thủ tục gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt. Việc sửa đổi này bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính được nhanh chóng, thuận lợi, góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác xử phạt vi phạm hành chính nói riêng và quản lý nhà nước nói chung.
* Thứ năm, về lập biên bản xử phạt hành chính
Điều 58 Luật năm 2012 quy định về lập biên bản vi phạm hành chính gồm 3 khoản, trong đó chưa quy định rõ về thời gian, địa điểm lập biên bản cũng như các nội dung liên quan khác. Vì vậy, khoản 29 Điều 1 Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung Điều 58 trên thành 9 khoản với các nội dung mới cụ thể như sau:
- Quy định cụ thể về địa điểm lập biên bản vi phạm hành chính là “2. Biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản”.
- Về nội dung biên bản: Luật 2020 bổ sung quy định nội dung chủ yếu của biên bản phải ghi rõ thời gian, địa điểm lập biên bản; mô tả vụ việc, hành vi vi phạm.
- Về trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản theo Luật năm 2012 thì biên bản phải được “chuyển ngay” đến người có thẩm quyền xử phạt. Luật năm 2020 quy định cụ thể hơn về thời hạn chuyển biên bản: “trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa”.
- Bổ sung quy định về sửa chữa sai sót biên bản vi phạm hành chính: “6. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính có sai sót hoặc không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này thì phải tiến hành xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 59 của Luật này để làm căn cứ ra quyết định xử phạt”.
- Bổ sung quy định về việc lập biên bản vi phạm hành chính qua phương thức điện tử: “7. Biên bản vi phạm hành chính có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử đối với trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin”.
- Luật năm 2020 giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định cụ thể về lập biên bản vi phạm hành chính để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, bảo đảm phù hợp với từng lĩnh vực, từng hoạt động quản lý nhà nước.
Xử lý vi phạm hành chính là một hoạt động quan trọng của quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đây cũng là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, liên quan đời sống hàng ngày của nhân dân nên được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội hết sức quan tâm. Luật năm 2012 được ban hành đánh dấu bước phát triển mới trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật xử lý vi phạm hành chính nói riêng ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội . Những nội dung được sửa đổi, bổ sung trong Luật năm 2020 nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người có thẩm quyền trong xử lý vi phạm hành chính, vừa bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước./.
- Thông tư 05 và các biễu mẫu. (07/07/2022)
- Thông tư 05/2021/TT-BTP của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư. (30/03/2022)
- Những nội dung cơ bản của Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (30/03/2022)
- Quyết định thay đổi nội dung đăng ký hoạt động cho doanh nghiệp đấu giá tài sản. (30/03/2022)
- Công văn số 306/STP-QLXLVPHC,TDTHPL&BTTP ngày 10/3/2021 về việc góp ý Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 19/2020/NĐ-CP. (30/03/2022)
- Quyết định 298/QĐ-STP ngày 26/10/2020 công bố danh sách Đấu giá viên, Tổ chức đấu giá tài sản và Quản tài viên hành nghề quản lý, thanh lý tài sản năm 2020 (30/03/2022)
- Nghị định 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. (30/03/2022)
- Nghị định 32/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2017 của Chính Phủ về theo dõi, thi hành pháp luật (30/03/2022)
- Một số quy định mới về công tác theo dõi thi hành pháp luật (30/03/2022)
- Triển khai các hoạt động nhằm nâng xếp hạng chỉ số B1 năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (30/03/2022)