Chi tiết - Sở Tư pháp
- '
- Trang chủ
- Giới thiệu
- Tin tức - Nghiên cứu trao đổi
- Tin tức chuyên ngành
- Phổ biến, giáo dục PL
- Xây dựng, kiểm tra VPQPPL
- Hỗ trợ pháp lý cho Doanh nghiệp
- Pháp chế
- Bồi thường nhà nước
- Cải cách hành chính, Kiểm soát TTHC
- Quản lý xử lý VPHC, theo dõi THPL
- Hành chính tư pháp
- Thanh tra, Kiểm tra
- Bổ trợ tư pháp
- Công chứng, chứng thực
- Tổ chức - Đào tạo
- Thống kê, tổng hợp
- Tin tức, sự kiện
- Hoạt động của đơn vị trực thuộc ▼
- Hoạt động tư pháp địa phương
- Nghiên cứu, trao đổi
- Hoạt động Đảng, Đoàn thể
- Tin khác ▼
- Tin tức chuyên ngành
- Chỉ đạo điều hành
- Khen thưởng - Xử phạt
- Văn bản mới
- Chiến lược - Quy hoạch, Kế hoạch
- Album ảnh
Góc nhìn pháp lý về việc xác định cha, mẹ, con theo pháp luật hiện hành và một số vướng mắc trong thực tiễn tại Cơ quan đăng ký hộ tịch
- Ngày đăng: 06-03-2020
- 268 lượt xem
Quyền được nhận cha, mẹ, con là quyền của công dân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Việc xác định cha mẹ cho con nhằm xác định thân phận và quan hệ huyết thống giữa các chủ thể, góp phần ổn định các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội. Đồng thời, việc xác định cha, mẹ, con còn có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các yêu cầu cấp dưỡng hay tài sản thừa kế do người chết để lại. Trong phạm vi bài viết tác giả phân tích một số vấn đề pháp lý về việc xác định cha, mẹ con theo pháp luật hiện hành và một số vướng mắc trong thực tiễn thực hiện tại các cơ quan đăng ký hộ tịch:
1. Nguyên tắc xác định cha, mẹ, con:
Theo quy định tại điều 88, điều 89 Luật hôn nhân gia đình 2014 xác định cha, mẹ cho con được thực hiện trên các nguyên tắc sau:
- Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
- Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
- Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
- Trường hợp cha mẹ không thừa nhận con phải có chứng cứ và được Tòa án xác định.
- Người được nhận và không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình hay không.
2. Chủ thể có quyền xác nhận cha, mẹ, con:
Theo quy định tại Điều 102 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì những người có quyền xác nhận cha, mẹ, con bao gồm:
- Cha, mẹ, con đã thành niên không bị mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch xác định con, cha, mẹ cho mình nếu không có tranh chấp;
- Cha, mẹ, con, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp có tranh chấp hoặc một trong số họ đã chết.
- Trong trường hợp xác định cha, mẹ, con cho người chưa thành niên, đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự các cơ quan tổ chức sau có quyền yêu cầu Tòa án xác định:
+ Cha, mẹ, con, người giám hộ;
+ Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
+ Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
+ Hội liên hiệp phụ nữ.
3. Thẩm quyền xác định cha, mẹ, con:
Căn cứ theo các quy định hiện hành, việc xác định thẩm quyền giải quyết đối với yêu cầu xác nhận cha, mẹ, con phụ thuộc vào việc xác định tính chất của vụ việc là có tranh chấp hay không có tranh chấp, thẩm quyền xác định cha, mẹ, con có thể tiến hành theo 2 thủ tục:
Thứ nhất, theo thủ tục hành chính - loại việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan đăng ký hộ tịch khi không có tranh chấp về việc xác định cha, mẹ, con.
Tại khoản 1, điều 101 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, quy định: Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp. Theo đó, Ủy ban nhân dân có thẩm quyền giải quyết là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con (Điều 24 Luật hộ tịch); Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài; giữa người nước ngoài với nhau mà một hoặc cả hai bên thường trú tại Việt Nam (Điều 43 Luật Hộ tịch năm 2014).
Thứ hai, theo thủ tục tư pháp - nếu có tranh chấp về việc xác định cha, mẹ, con thì các đương sự có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Tòa án tiến hành thụ lý và xét xử theo thủ tục tố tụng thông thường thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân theo quy định tại Khoản 4, Điều 28 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015. Theo đó, Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong 3 trường hợp. Bao gồm :
Một là, có tranh chấp trong việc nhận cha, mẹ, con. Các tranh chấp ở đây có thể là tranh chấp về quyền nuôi nhận, sự không đồng tình của một chủ thể thứ ba,…
Hai là, người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết. Do việc một bên đã chết, tức là không thể hiện được sự thỏa thuận. Do đó, cần phải có sự xem xét từ Tòa án trên các tài liệu chứng cứ do một bên cung cấp. Qua đó, xác định yêu cầu của một bên về việc nhận cha,mẹ hoặc con là đúng hay không.
Ba là, người có yêu cầu xác định cha, mẹ, con chết. Cũng giống như trường hợp trên, Tòa án phải xác minh các tài liệu chứng cứ để bảo vệ yêu cầu của người đã chết.
4. Trình tự, thủ tục của việc nhận cha, mẹ con
a. Xác nhận cha, mẹ, con tại cơ quan đăng ký hộ tịch (Điều 25, Luật Hộ tịch năm 2014)
- Cách thức thực hiện:
Người có yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con (một hoặc hai bên) nộp hồ sơ trực tiếp tại Uỷ ban nhân dân cấp xã (nhận cha, mẹ, con không có yếu tố nước ngoài; Nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới); Uỷ ban nhân dân cấp huyện (Nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài).
- Thành phần hồ sơ:
* Giấy tờ phải xuất trình:
- Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con.
- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con (trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng xong và thực hiện thống nhất trên toàn quốc).
* Giấy tờ phải nộp:
- Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu.
- Giấy tờ, đồ vật hoặc chứng cứ khác chứng minh quan hệ cha, con hoặc quan hệ mẹ, con gồm:
+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
+ Trường hợp không có văn bản nêu trên thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Đối với việc nhận cha, mẹ, con ở khu vực biên giới; cần nộp thêm bản sao giấy tờ chứng minh nhân thân; chứng minh nơi thường trú ở khu vực biên giới của công dân nước láng giềng.
Đối với việc nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài; giữa người nước ngoài với nhau mà ít nhất một bên thường trú tại Việt Nam thì hồ sơ nhận cha, mẹ; con phải được bổ sung thực hiện theo điều 32; Nghị định số 126/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Ngoài ra, nhận cha, mẹ, con trong một số trường hợp đặc biệt được ghi nhận tại điều 13; Thông tư số 15/2015/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
- Thời gian giải quyết: Nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp; công chức
tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ; con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.Thời gian cho việc xem xét giải quyết này là 03 ngày làm việc. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.
b. Xác nhận cha, mẹ, con tại Tòa án
Với tính chất giải quyết các vụ việc xác nhận cha, mẹ; con có tranh chấp hoặc một bên trong quan hệ chết; trình tự xác nhận cha, mẹ; con ở Tòa án được tiến hành khá phức tạp; tốn nhiều thời gian hơn rất nhiều so với việc xác nhận tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Việc xác nhận cha, mẹ; con tại Tòa án được thực hiện theo các quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự 2015. Theo đó, chủ thể có quyền phải làm đơn yêu cầu hoặc đơn khởi kiện lên Tòa án. Tùy từng vụ việc; Tòa án tiến hành thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, hồ sơ gồm có:
- Đơn khởi kiện
- Bản sao công chứng chứng minh minh nhân dân, hộ khẩu
- Giấy tờ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con: Giấy khai sinh, Phiếu xác nhận ADN, Giấy nhận con, cha, mẹ, xác nhận của những người biết về sự việc, Giấy chứng tử của cha cháu bé, ….
- Thời gian giải quyết: Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ Tòa án sẽ tiến hành điều tra xác minh và xét xử. Thời gian giải quyết vụ án cho đến khi có Bản án sơ thẩm theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự là khoảng từ 04 – 06 tháng.
5. Một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện việc xác nhận cha, mẹ, con tại Cơ quan đăng ký hộ tịch
Thứ nhất, chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP: Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật Hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
“1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2. Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm giải thích rõ trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan, làm chứng không đúng sự thật”.
Thực tế có trường hợp vì khó khăn về kinh tế, cá nhân có yêu cầu không thể liên hệ cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền để xác nhận quan hệ cha con, mẹ con hoặc họ cũng không còn người thân thích để làm chứng. Do đó, quá trình tiếp nhận, giải quyết yêu cầu trong trường hợp này, cơ quan đăng ký hộ tịch yêu cầu công dân cung cấp chứng cứ theo quy định tại Khoản 2 nêu trên, tuy nhiên cơ quan đăng ký rất khó khăn để xác định giá trị của thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng chứng minh mối quan hệ cha con, mẹ con hoặc công dân không thể cung cấp chứng cứ này.
Thứ hai, đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha, mẹ, con: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền đăng ký hộ tịch, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và Thông tư số 15/2015/TT-BTP quy định cho phép kết hợp thủ tục nhận cha, mẹ, con và đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, hiện tại có tình trạng nhiều phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài nhưng cuộc sống chung không hạnh phúc nên bỏ về Việt Nam, cũng có trường hợp không được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho phép sang nước ngoài định cư nên hôn nhân không quy trì được, thực tế quan hệ vợ chồng đã chấm dứt nhưng chưa làm thủ tục ly hôn mà đã lại có quan hệ chung sống với người đàn ông khác và sinh con. Do con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân vẫn còn tồn tại, nên theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, phải được xác định là con chung của hai vợ chồng (mặc dù người chồng không phải là người cha trên thực tế của đứa trẻ). Trong trường hợp này, người mẹ có yêu cầu đăng ký việc nhận cha (người cha trên thực tế) của trẻ em kết hợp với thủ tục đăng ký khai sinh để khai sinh theo đúng thông tin về cha mẹ hoặc đăng ký khai sinh theo diện con chưa xác định được cha thì cơ quan đăng ký hộ tịch không giải quyết được.
Thứ ba, khoản 2 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định”, khoản 1 Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định: “Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình”, nên yêu cầu xác định cha cho con của người mẹ trong trường hợp này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân, không thuộc thẩm quyền của cơ quan đăng ký hộ tịch. Nhưng thực tế, đa phần người dân không muốn giải quyết tại Tòa án, dẫn đến việc trẻ em không được đăng ký khai sinh kịp thời hoặc đăng ký khai sinh nhưng với thông tin về người cha không đúng thực tế, vì vậy, cần thiết phải có quy định hướng dẫn xác định thẩm quyền giải quyết để bảo đảm quyền của trẻ em.
Như vậy, có thể thấy rằng quan hệ cha, mẹ, con là mối quan hệ đặc biệt quan trọng, vừa có ý nghĩa về mặt pháp lý, vừa có ý nghĩa về mặt xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề xác định quan hệ cha, mẹ, con còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Do vậy, trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần có những điều chỉnh các quy định phù hợp với thực tiễn, tránh vấn đề lúng túng trong việc áp dụng pháp luật.
Lê Huyền
- Một số quy định cơ bản của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (08/07/2022)
- Một số giải pháp để thực hiện tốt hơn thủ tục cấp PLLTP có án tích và đủ thời gian đương nhiên xoá án tích. (08/07/2022)
- Một số văn bản, chính sách mới có hiệu lực trong tháng 01/2020 (08/07/2022)
- UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định bãi bỏ một số văn bản QPPL (08/07/2022)