Chi tiết - Sở Tư pháp

 

Bài: Ánh Tuyết 

    

1. Sự cần thiết của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông cùng với nhiều ngành công nghệ cao khác đã và đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của thế giới, trong đó có Việt Nam. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, hướng tới mục tiêu: “Đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin”. Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021 cũng đã đặt ra mục tiêu: “Bảo đảm triển khai sâu rộng, toàn diện, đồng bộ các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng và nhân rộng các mô hình, cách làm mới, hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn và nhu cầu của nhân dân, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông”.

Để triển khai thực hiện các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2723/QĐ-UBND ngày 23/11/2018 về việc ban hành Đề án “Đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2018 - 2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Đề án đưa ra các mục tiêu cơ bản: Năm 2019, xây dựng chuyên trang phổ biến, giáo dục pháp luật điện tử dùng chung của tỉnh để hình thành thống nhất cơ sở dữ liệu phần mềm hoặc kho tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật số dùng chung, gồm: Bài giảng trực tuyến, tủ sách pháp luật điện tử, phần mềm thi tìm hiểu kiến thức pháp luật và các tài liệu khác. Đến năm 2021, phấn đấu đáp ứng 80% nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp trên môi trường mạng; 100% các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thành phố ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên ngành trên môi trường mạng; phát triển một số mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật trực tuyến; 100% các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thành phố xây dựng chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương; thường xuyên cập nhật, chia sẻ, hướng dẫn, chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên ngành trên môi trường mạng; 100% cơ quan, đơn vị xây dựng, vận hành chuyên trang, chuyên mục đối thoại, giải đáp, tư vấn pháp luật trực tuyến liên quan đến lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý nhà nước. Tiếp nhận, phản hồi, đối thoại, tháo gỡ vướng mắc về chính sách, pháp luật giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp, nâng cao trách nhiệm giải trình của hoạt động công vụ trước người dân, doanh nghiệp trong xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật trên môi trường mạng.

2. Một số cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên mạng Internet

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên mạng Internet là một hình thức tuyên truyền hiện đại nhằm chuyển tải những thông tin, yêu cầu, nội dung các quy định pháp luật đến với ngư­ời dân, giúp cho ngư­ời dân hiểu biết, nắm bắt pháp luật kịp thời, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức cho việc tự tìm hiểu. Có nhiều cách thức khác nhau để thực hiện tuyên truyền pháp luật trên mạng Internet, dưới đây là một số mô hình, cách thức tuyên truyền, phổ biến mà Sở Tư pháp đang áp dụng:

2.1. Xây dựng Chuyên mục “Pháp luật và Đời sống”

Hàng năm, Sở Tư pháp phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện 24 chuyên mục“Pháp luật và Đời sống” phát trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, đồng thời liên kết Chuyên mục này trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp nhằm tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, các vấn đề liên quan đến đời sống mà xã hội quan tâm... đến các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp.

2.2. Hỏi, đáp pháp luật

Hỏi, đáp pháp luật là một trong những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả. Hình thức hỏi, đáp pháp luật thường có hai dạng:

Dạng thứ nhất là độc giả truy cập vào trang web rồi gửi câu hỏi cho Ban biên tập (hỏi đáp theo yêu cầu độc giả).

Dạng thứ hai là Ban biên tập nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề được xã hội quan tâm, sát với thực tế cuộc sống hàng ngày của người dân rồi xây dựng nội dung dưới dạng hỏi, đáp theo các lĩnh vực pháp luật như: pháp luật về Lao động, Đất đai, Hình sự, Dân sự, Hộ tịch, Hôn nhân và gia đình...và đăng tải lên mục “Hỏi, đáp pháp luật” trên Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị.

2.3. Đưa các tài liệu tuyên truyền pháp luật lên mạng Internet

Các nội dung tuyên truyền đối với hình thức tuyên truyền này cần bám sát nhu cầu thực tế của cán bộ, người dân; tập trung vào các điểm mới của văn bản pháp luật, nội dung phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh; phương pháp, hình thức tuyên truyền phải thu hút, phong phú, giúp người dân dễ dàng nắm bắt, tiếp thu, chuyển các nội dung của các ấn phẩm tuyên truyền đã xuất bản như: Sách, sổ tay hỏi đáp, tờ gấp, các bài giảng … thành dữ liệu điện tử và đăng tải dữ liệu đó trên mạng Internet. Như vậy, các tài liệu tuyên truyền pháp luật đăng trên mạng Internet có nội dung giống như nội dung của các ấn phẩm đã xuất bản.

Cách làm này không những giúp tiết kiệm thời gian mà còn tiết kiệm cả chi phí, bởi vì không phải lúc nào cũng có điều kiện để xây dựng các chuyên mục tuyên truyền pháp luật hay biên soạn mới nội dung tuyên truyền cần thiết. Hơn nữa, người làm công tác tuyên truyền có thể chủ động lựa chọn loại tài liệu phù hợp trong số nhiều ấn phẩm có chất lượng đã được xuất bản.

Với hình thức này, Sở Tư pháp cũng đã biên soạn và đăng tải nội dung Sổ tay về nghiệp vụ hoà giải, Sổ tay hỏi đáp pháp luật, bài giảng, tờ gấp, văn bản mới, các câu hỏi đáp pháp luật…. lên Trang thông tin điện tử của Sở để thuận tiện hơn cho việc tra cứu, cung cấp các thông tin phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. 

2.4. Tuyên truyền pháp luật qua mạng xã hội như Facebook, zalo

Để đổi mới hình thức tuyên truyền và nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, Sở Tư pháp đã lập một Fanpage tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Quảng Trị, trang được quản lý bởi Phòng phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị. Fanpage được chính thức thiết lập từ ngày 10/2/2020 với mục đích chính là chia sẽ, truyền tải những thông tin, văn bản, về chính sách, pháp luật mới liên quan đến đời sống, kịp thời nắm bắt, định hướng dư luận xã hội đồng thời cung cấp nguồn tin chính thống để lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng một cách kịp thời nhất đến bạn đọc. Mặc dù mới thành lập nhưng Fanpage tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Quảng Trị đã có khoảng 13.580 lượt người tiếp cận, 3.475 lượt người tương tác với bài viết và 503 lượt người thích trang. Các bài viết, các thông tin liên quan đến chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước, văn bản pháp luật mới, thông tin dịch bệnh, các câu hỏi đáp pháp luật về chế độ, chính sách…. được tuyền tải một cách nhanh nhất, kịp thời và chính xác nhất nên lượt người tương tác, tiếp cận ngày càng tăng.

Qua tình hình thực tế có thể khẳng định rằng, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã đem lại hiệu quả cao hơn, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn, tốt hơn các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước; đảm bảo sự tương tác giữa chính quyền và người dân, phát huy vai trò của người dân trong việc tham gia giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng, tổ chức thực thi pháp luật; giảm chi phí nguồn lực đầu tư của nhà nước trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật./.